Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Những Con Đường Huyền Thoại Thứ Ba, 06/09/2016, 09:00

ĐƯỜNG HUỲNH VĂN LŨY – CON ĐƯỜNG MANG TÊN CHỦ TỊCH MẶT TRẬN VIỆT MINH TỈNH BIÊN HOÀ VÀ THỦ BIÊN

1.     Đôi nét về đường Huỳnh Văn Lũy.

Đường Huỳnh Văn Lũy thuộc phường Hòa Bình của thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai có chiều dài 330m, rộng 9m, giao với đường Nguyễn Văn Trị và Cách mạng tháng Tám.

Đường được đặt tên vào năm 2000 theo đề án “Điều chỉnh, sửa đổi, đặt tên mới tên đường ở Thành phố Biên Hòa” của UBND Thành phố Biên Hòa cùng Hội Khoa học lịch sử tỉnh Đồng Nai và mang tên đồng chí Huỳnh Văn Lũy là Đảng viên Đảng cộng sản, nguyên phó Bí thư Tỉnh ủy Biên Hòa và Thủ Biên, Chủ tịch Mặt trận Việt Minh tỉnh Biên Hòa và Thủ Biên.

Năm 2015 đường được Ủy ban nhân dân tỉnh đầu tư khởi công mới thêm thành đường Huỳnh Văn Lũy nối dài (nối phường Hòa Bình và một phần khu phố 2, khu phố 3 phường Quang Vinh) với tổng chiều dài khoảng hơn 1000m.

Đây là con đường có nhiều trụ sở cơ quan tọa lạc: Hội từ thiện tỉnh Đồng Nai, Trường TH Lê Văn Tám, Trung tâm Thể dục thể thao TP. Biên Hòa…

2.    Tiểu sử và quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí Huỳnh Văn Lũy

Đồng chí Huỳnh Văn Lũy (tức Tư Lũy), sinh ngày 1/5/1916 tại xã Mỹ Quới, huyện Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa (nay là xã Bạch Đằng, Thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương)

Được sinh ra và lớn lên trên vùng đất giàu truyền thống cách mạng, trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước, nên từ nhỏ đã là hạt nhân hoạt động phong trào học sinh địa phương trong tổ chức “Liên đoàn học sinh”.

Năm 1935, đồng chí đã sớm giác ngộ, tham gia cách mạng với bí danh Dũng Tiến (hay còn gọi là Tư Lũy), hoạt động trong Mặt trận dân chủ Đông Dương.

Ngày 17/2/1936, đồng chí vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam).

Trong một lần tham gia diển thuyết về dân sinh, dân chủ tại một buổi mitinh ở thị trấn Tân Uyên, thì bị địch bắt giữ đưa về Biên Hòa, bọn chúng đánh đập, giam cầm dã man nhưng không khai thác được gì nên chúng đã phải trả tự do cho đồng chí.

Tháng 9/1936, thực hiện chủ trương của Đảng là phát triển phong trào, vận động cách mạng, các đồng chí: Nguyễn Văn Nghĩa, Huỳnh Văn Lũy, Phạm Văn Khoai, Phạm Văn Thuận, Hồ Văn Đại… và một số đồng chí khác trong chi bộ Bình Phước - Tân Triều (chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Biên Hòa) thống nhất thành lập Ủy ban hành động tỉnh Biên Hòa, do đồng chí Nguyễn Văn Nghỉa làm Chủ tịch.

Ủy ban hành động các quận: Châu Thành, Xuân Lộc, Long Thành cũng được hình thành, tập hợp hàng ngàn quần chúng đủ các giới, các ngành tham gia. Đồng chí Huỳnh Văn Lũy phụ trách khu vực Long Thành, đã cùng với các đồng chí trong Ủy ban hành động tổ chức nhiều cuộc mít tinh, đưa dân nguyện đòi giảm sưu thuế, đòi các quyền tự do, dân chủ.

Năm 1937, đồng chí Huỳnh Văn Lũy đảm nhận chức bí thư; trở thành hạt nhân phong trào cách mạng, lãnh đạo nông dân trên địa bàn đứng lên đấu tranh đòi giảm thuế, đòi quyền lợi dân sinh, dân chủ cho tỉnh Biên Hòa.

Năm 1940, đồng chí Huỳnh Văn Lũy cùng các đảng viên khác tổ chức đội vũ trang, may cờ đỏ sao vàng, vận động đồng bào hưởng ứng cuộc khởi nghĩa nam kỳ.

Năm 1941, đồng chí bị địch bắt giữ, chúng giam cầm và tra tấn rất dã man nhưng đồng chí nhất quyết không khai báo, giữ tròn khí tiết người cách mạng, kiên trì chịu đựng, đợi ngày quay lại quê hương hoạt động, công tác.

Năm 1943, khi được địch thả, đồng chí tiếp tục hoạt động cách mạng, đồng chí được chỉ định giữ chức vụ Ủy viên thường vụ tỉnh ủy Biên Hòa,

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các tầng lớp nhân Biên Hòa cùng với cả nước đã khởi nghĩa lật đổ chế độ thực dân phong kiến qua cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng 8-1945. Thực dân Pháp sau đó quay lại tái chiếm Nam bộ, Biên Hòa cùng với nhân dân miền Nam bước vào cuộc trường kỳ kháng chiến chống Pháp. Ngày 23/9/1945, tại Hội nghị cán bộ toàn tỉnh Biên Hòa tổ chức ở nhà Hội xã Bình Trước (Thành phố Biên Hòa) do đồng chí Hà Huy Giáp đại diện Xứ ủy Nam kỳ chủ trì, đã bầu ra Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ tỉnh. Hội nghị cũng thống nhất thành lập Mặt trận Việt Minh tỉnh do đồng chí Hồ Hòa làm Chủ nhiệm, đồng chí Huỳnh Văn Lũy là Phó chủ nhiệm phụ trách tổ chức Hội Nông dân cứu quốc, xây dựng Ủy ban Mặt trận Việt Minh các cấp để tập hợp mọi tầng lớp nhân dân, huy động sức người sức của cho kháng chiến. Sau hội nghị, đồng chí Hồ Hòa chuyển về hoạt động tại Bà Rịa và hy sinh vào đầu năm 1946, nên trong thực tế đồng chí Huỳnh Văn Lũy là người trực tiếp xây dựng và lãnh đạo Mặt trận Việt Minh tỉnh Biên Hòa.

Tháng 7 năm 1947, hội nghị cán bộ Đảng toàn tỉnh lần II được triệu tập tại Mỹ Lộc (Tân Uyên) nhằm kiểm điểm phong trào kháng chiến ở địa phương, bàn việc chỉ đạo kháng chiến toàn dân, toàn diện ở giai đoạn tiếp theo. Tại hội nghị này, đồng chí Nguyễn Văn Ký được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy, Huỳnh Văn Lũy được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy, đồng thời là Chủ nhiệm Mặt trận kháng chiến đầu tiên của tỉnh Biên Hòa.

Tháng 11/1948, tại hội nghị đại biểu toàn Đảng bộ tỉnh, đồng chí Huỳnh Văn Lũy được cử là phó bí thư, kiêm chủ tịch mặt trận Việt Minh.

Trong giai đoạn 1946-1956 đồng chí Huỳnh Văn Lũy đã tham gia và giữ các chức vụ quan trọng như phó bí thư tại hội nghị cán bộ Đảng toàn tỉnh lần thứ II (1947); Phó bí thư, kiêm chủ tịch Việt Minh (1948), chủ nhiệm mặt trận liên minh tỉnh (4/1949), ủy viên ban chấp hành Đảng bộ tỉnh.

Dù ở cương vị nào, đồng chí luôn giữ vững chính sách đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo và vận động quần chúng nhân dân và các đoàn thể cứu quốc đóng góp sức người, sức của chiến đấu bảo vệ chiến khu Đ, vận động tín đồ Phật giáo tham gia Mặt trận Việt Minh, lập quỹ cứu quốc ủng hộ kháng chiến.

Dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh, phong trào kháng chiến của nhân dân Biên Hòa từng bước được phát triển: tổ chức Liên đoàn cao su chống phá âm mưu bành trướng của thực dân, đồng bào dân tộc Chơro ở Lâm San (huyện Cẩm Mỹ hiện nay) được vận động tổ chức hỗ trợ bộ đội vượt Sông Ray, Hội Phụ nữ cứu quốc huyện Vĩnh Cửu hỗ trợ bộ đội đánh giặc trừ gian. Đặc biệt là phong trào bình dân học vụ, xóa mù chữ. Đồng bào Chơro ấp Lý Lịch (huyện Vĩnh Cửu) không quên hình ảnh cán bộ Mặt trận về làng, học tiếng của đồng bào, dạy đồng bào con chữ và cách làm ăn, tập họp đồng bào dân tộc thiểu số thành khối đoàn kết dân tộc, các dân tộc S’tiêng, Mạ, Chơro, Chăm… đều là anh em. Già làng Năm Nổi ở ấp Lý Lịch cho đến nay vẫn không quên hình ảnh của đồng chí Huỳnh Văn Lũy và khắc sâu trong lòng ấn tượng của người cán bộ Mặt trận năng nổ, hết lòng vì nước, vì dân.

Tháng 2/1950, thực hiện Sắc lệnh “Tổng động viên nhân lực, vật lực” cho kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Huỳnh Văn Lũy lại bận rộn với việc huy động các lực lượng thuộc khối Mặt trận và động viên các tầng lớp nhân dân đóng góp nhân lực, vật lực cho kháng chiến nhằm chiến thắng giặc Pháp và chống sự can thiệp của Mỹ.

Xuất phát từ tình hình và nhiệm vụ mới, tổ chức Đảng đã điều động đồng chí Huỳnh Văn Lũy giữ chức vụ Trưởng ban tổ chức – kiểm tra Tỉnh ủy, sau đó làm Chủ tịch hội nông dân cứu quốc tỉnh, đồng chí đã nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao, nổi bật là trong năm Nhâm Thìn 1952 – năm có thiên tai lũ lụt, người dân nhiều nơi trong tỉnh nhất là vùng Chiến khu Đ bị thiếu đói, dịch bệnh, đồng chí Huỳnh Văn Lũy đã chỉ đạo tổ chức cho nông dân bám đất, khắc phục hậu quả, phục hồi canh tác, đẩy mạnh tăng gia, phát triển sản xuất nhằm đảm bảo cho các gia đình nông dân đủ ăn và có thể đóng thuế nuôi quân. Bên cạnh đó, đồng chí còn động viên hội thanh niên cứu quốc, đưa hội viên tòng quân phục vụ các trận đánh chia lửa, hưởng ứng các chiến dịch trên chiến trường Việt Bắc.

Trong suốt giai đoạn 9 năm kháng chiến chống Pháp, với cương vị là Chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh, đồng chí Huỳnh Văn Lũy đã cùng với quân dân Biên Hòa, Thủ Biên (sáp nhập Biên Hòa và Thủ Dầu Một) đoàn kết một lòng, vận động quần chúng nhân dân và các đoàn thể cứu quốc đóng góp sức người, sức của chiến đấu bảo vệ Chiến khu Đ, vận động tín đồ Phật giáo tham gia Mặt trận Việt Minh, lập quỹ cứu quốc ủng hộ kháng chiến đánh đuổi thực dân, bảo vệ và củng cố chính quyền cách mạng non trẻ ngày càng vững mạnh. Trong thời gian hoạt động cách mạng, đồng chí nhiều lần bị địch bắt, tra tấn dã man nhưng không hề khai báo, vẫn giữ vững khí tiết người Cộng sản.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Geneve được ký kết. Thực hiện hiệp định, Tỉnh ủy Thủ Biên chủ trương vừa tổ chức chuyển quân tập kết, vừa thu xếp lực lượng cán bộ trung kiên ở lại bám dân hoạt động. Đồng chí Huỳnh Văn Lũy nằm trong đội hình ở lại, tiếp tục bám dân để xây dựng, củng cố phong trào cách mạng.

Tháng 10/1954 Xứ ủy Nam bộ được thành lập. Cũng thời gian này, Liên Tỉnh ủy miền Đông ra đời. Cuối năm 1954, Xứ ủy Nam bộ và Liên tỉnh ủy miền Đông quyết định lập lại 2 tỉnh Biên Hòa và Thủ Dầu Một cho phù hợp tình hình mới. Đồng chí Huỳnh Văn Lũy được giao nhiệm vụ Phó bí thư Tỉnh ủy Biên Hòa.

Đầu năm 1956, Tỉnh ủy Biên Hòa được kiện toàn, đồng chí Hoàng Tam Kỳ được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Huỳnh Văn Lũy tiếp tục làm Phó bí thư Tỉnh ủy cùng đồng chí Ngô Bá Cao.

  Sau Hiệp định Geneve, trong khi phần lớn cán bộ kháng chiến trước đây đều đi tập kết, chính quyền Ngô Đình Diệm ra sức khủng bố, càn quét, thực hiện nhiều âm mưu thâm độc để dàn áp, dập tắt phong trào cách mạng. Nhiều cơ sở Đảng bị phá vỡ, tình hình rất khó khăn, nhiệm vụ của những cán bộ kháng chiến ở lại càng nặng nề.

Ngày 22/7/1956, trong một chuyến đi công tác chỉ đạo phong trào địa phương và vận động đồng bào đấu tranh chính trị qua ấp Tân Long, xã Mỹ Quới, thì đồng chí đã bị địch phát hiện, phục kích. Biết được đây là một cán bộ cao cấp của ta, địch cho quân lính bao vây và định là sẽ bắt sống, nhưng đồng chí Huỳnh Văn Lũy đã kịp thời ẩn nấp vào một ruộng mía và nổ súng chống trả quyết liệt, tuy nhiên do vũ khí và lực lượng không tương xứng nên đồng chí đã bị trọng thương và anh dũng hy sinh ở tuổi vừa tròn 40.

Với hơn 20 năm hoạt động cách mạng (1935-1956), đồng chí Huỳnh Văn Lũy đã để lại những ấn tượng tốt đẹp trong quân dân cả nước nói chung và quân dân Đồng Nai nói riêng. Đồng chí là một trong những cán bộ chủ chốt, tiền bối, là cánh chim đầu đàn của phong trào cách mạng vùng Đông Nam Bộ và chiến khu Đ.

Cuộc đời và tấm gương hoạt động cách mạng của đồng chí cho cuộc đấu tranh cách mạng Việt Nam nói chung và của vùng đất Đông Nam bộ nói riêng sẽ mãi là kim chỉ nam cho các các thế hệ mai sau học tập và noi theo.

Nhằm ghi nhận, tôn vinh những đóng góp cao cả, quan trọng của người chiến sĩ cách mạng Huỳnh Văn Lũy đối với quê hương Đồng Nai, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Đồng Nai đã lấy tên ông đặt tên cho một tuyến đường trong thành phố Biên Hòa.

 

 

 

 

 

 

 

Nguyễn Sen

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 1091 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày