Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Điện Biên Phủ - Những Ký Ức Hào Hùng Thứ Hai, 06/05/2019, 08:55

Điện Biên Phủ ngày ấy và bây giờ

Đã từ rất lâu, vùng Điện Biên chính là Mường Thanh do đọc chệch âm của Mường Then, Mường Theng (Mường Trời), có nghĩa là đất trời - tên gọi này đã có từ thời nhà Lý (1010-1025), nhưng đến năm 1841, dưới thời Thiệu Trị (nhà Nguyễn 1802-1945), nhân việc bổ một viên quan trị nhậm ở đây, ông vua này đã đặt cho vùng đất này một cái tên Hán Việt là Điện Biên Phủ. Điện nghĩa là rộng lớn, vững chãi, Biên là biên giới, biên ải, còn Phủ là lỵ sở hành chính tương đương huyện, cả tổ hợp có nghĩa chung là “huyện vững chãi nơi biên ải”.

Điện Biên Phủ là một thung lũng khá rộng ở miền Tây Bắc nước ta, chiều dài khoảng 18km, chiều rộng từ 6-8km, nằm giữa cánh đồng Mường Thanh bằng phẳng. Điện Biên Phủ có địa thế như hình lòng chảo bởi xung quanh là núi cao bao bọc. Phía Đông có dãy Pú Hồng Mèo, phía Tây có dãy núi chạy dọc biên giới Việt – Lào. Điện Biên Phủ có sông nhỏ Nậm Rốm, sông chảy theo hướng Bắc Nam, chia đôi cánh đồng Mường Thanh. Phía Đông sông ở khu vực gần thị trấn là một dãy đồi cao, được Bộ tham mưu chiến dịch của ta đặt tên là đồi A1, C1, D1, D2…

Điện Biên Phủ nằm trên ngã ba có nhiều đường bộ quan trọng, phía Bắc thông với thị xã Lai Châu, phía Đông nối với Tuần Giáo trên đường 41 (nay là quốc lộ 6) cách Mường Thanh hơn 80km. Từ Điện Biên Phủ còn có đường thông với Luông Prabang và Sầm Nưa của Lào về hướng Tây Nam và Đông Nam. Đế quốc Pháp và Mỹ hy vọng có thể xây dựng Điện Biên Phủ thành một căn cứ lục - không quân để khống chế vùng giáp ranh giữa Tây Bắc Việt Nam, Thượng Lào, Miến Điện (Myanma) và Tây Nam Trung Quốc. Với địa thế đó, Điện Biên đã được xem là vùng đất mà một tiếng gà gáy, người dân ba nước (Việt Nam, Lào, Trung Quốc) đều nghe. Cũng bởi vậy, mà Điện Biên là điểm gặp, nơi hội tụ của nhiều dân tộc, tiếng nói, văn hóa tộc người, phong tục tập quán khác nhau.

Trong thời kháng chiến chống Pháp, Điện Biên Phủ là một huyện thuộc tỉnh Lai Châu, có hơn 21.000 dân, với nhiều dân tộc, số đông là người dân tộc Thái. Huyện lỵ là thị trấn Điện Biên Phủ, hoặc gọi là thị trấn Mường Thanh. Đến với Điện Biên là đến với một vùng rừng núi bao la điệp trùng đan xen những thung lũng nhỏ hẹp, màu mỡ.

Do vị trí quan trọng của Điện Biên Phủ nên trong lịch sử chiến đấu chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta, khoảng giữa thế kỷ XVIII, một lãnh tụ người Kinh tên là Hoàng Công Chất đã lên đây tụ họp đồng bào các dân tộc, xây dựng đồn lũy ở Bản Phủ để chống giặc Phẻ từ phía Lào và Tây Nam Trung Quốc tràn sang. Hiện nay ở đoạn giữa Mường Thanh và Hồng Cúm còn có dấu tích của đồn Bản Phủ và đền thờ Hoàng Công Chất. Điều trùng hợp và thú vị là nếu năm 1754 lực lượng của Hoàng Công Chất đã giải phóng Mường Thanh, thì đúng 200 năm sau, 1954 bộ đội cụ Hồ đã giải phóng Điện Biên Phủ.

Từ năm 1898, sau khi xâm chiếm nước ta, thực dân Pháp đã đặt chân lên vùng đất này. Tháng 3/1945, Phát xít Nhật làm đảo chính, lật đổ nền thống trị của Pháp ở Đông Dương, tàn quân Pháp ở Tây Bắc đã tập trung về Điện Biên Phủ để rút chạy sang Vân Nam Trung Quốc. Thu Đông năm ấy, sau khi phát xít Nhật thua trận và đầu hàng Đồng Minh, giặc pháp liền quay về chiếm đóng Lai Châu và Điện Biên Phủ. Mãi đến cuối năm 1952, trong chiến dịch Tây Bắc, lần đầu tiên Điện Biên Phủ mới được giải phóng.

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, để giữ bí mật, ta đã đặt mật danh cho các đơn vị tham chiến lúc đó, cho các địa điểm, cho cả các loại xe pháo… và Điện Biên Phủ cũng có mật danh là Trần Đình. Cho đến ngày 7/5/1954, khi chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi, cái tên Điện Biên Phủ đã trở nên quen thuộc và nổi tiếng trong cả nước cũng như trên thế giới.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Chính phủ ta về tiếp quản Thủ đô. Gần 1 năm sau, ngày 29/4/1955, Hồ Chủ tịch ban hành Sắc lệnh số 230/SL thành lập Khu tự trị Thái Mèo, trong đó có Lai Châu. Tiếp đó, ngày 27/10/1962, Quốc hội khóa VI ra nghị quyết đổi tên Khu tự trị Thái Mèo thành Khu Tây Bắc và thành lập 3 tỉnh thuộc Khu là Lai Châu, Sơn La và Nghĩa Lộ. Tỉnh Lai Châu lúc đó gồm 7 huyện và thị trấn. Cho đến 6/10/1971 mới thành lập Thị xã Lai Châu. Đến 18/4/1992, thành lập Thị xã Điện Biên Phủ và Điện Biên Phủ cũng trở thành Thị xã của tỉnh Lai Châu.

Ngày 26/9/2003, Chính phủ đã ra Nghị định số 110/NĐ-CP về việc thành lập thành phố Điện Biên Phủ, thành phố đầu tiên của miền biên cương phía Tây Bắc nước ta. Ngày 10/10 năm đó, lễ công bố Nghị định của Chính phủ được tổ chức trọng thể tại Điện Biên. Ngày 26-11-2003, tại kỳ họp thứ IV, Quốc hội khóa 11 đã ra nghị quyết về việc điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh. Tỉnh Điện Biên đã được tách từ tỉnh Lai Châu cũ. Theo đó, phía Bắc Điện Biên giáp tỉnh Lai Châu mới, phía Đông và Đông Bắc giáp tỉnh Sơn La, phía Tây Bắc giáp biên giới tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), phía Tây và Tây Nam giáp biên giới 2 tỉnh Phôngxalỳ và Bunnưa của Lào. Thành phố Điện Biên Phủ có diện tích 60,0905 km², có số dân khoảng 73.000 người (năm 2017). Cư dân sống ở đây không chỉ có người Kinh mà còn có một số đông là người Tháingười H'Môngngười Si La. Các dân tộc thiểu số chiếm 1/3 dân số của thành phố.

Hơn nửa thế kỷ đi qua, kể từ khoảnh khắc lịch sử 17 giờ 30 phút ngày 7/5/1954 lá cờ “quyết chiến, quyết thắng” của quân đội ta tung bay trên nóc hầm Tướng De Castre, diện mạo mới của thành phố trẻ Điện Biên Phủ từng ngày thay da đổi thịt. Bằng sự nỗ lực bền bỉ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu trước đây và tỉnh Điện Biên ngày nay đã phát huy truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng, vượt qua bao khó khăn và thử thách, đạt được nhiều thành tựu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Tình hình chính trị trên địa bàn tỉnh ổn định và giữ vững, quốc phòng an ninh đảm bảo, các mặt kinh tế - xã hội được duy trì ổn định và phát triển. trong những năm qua, kinh tế Điện Biên tăng trưởng ở mức khá cao. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, từng bước hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Nông nghiệp phát triển khá toàn diện, chú trọng phát triển thủy lợi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa giống mới vào sản xuất,…

Đặc biệt hơn là chiến trường Điện Biên Phủ ngày nào nay là tập hợp quần thể du lịch các di tích lịch sử trong lòng chảo Điện Biên như A1, C1, C2, D1, E1, Him Lam, hầm De Castries, Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ, thành Hoàng Công Chất ở Bản Phủ, di tích Noong Nhai… và di tích Mường Phăng là Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ 65 năm trước. Di tích lịch sử Điện Biên Phủ là một trong những di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, đồng thời cũng là một trong những điểm du lịch quốc gia hấp dẫn. Tin tưởng rằng một thời gian không xa, thành phố Điện Biên Phủ của một thời lửa đạn bao trùm, người dân lầm than khổ cực ngày nào sẽ phát triển xa hơn nữa, trở thành điểm sáng nhất của miền Tây Bắc Tổ quốc Việt Nam.

Ngày nay, đến với Điện Biên, mỗi người chúng ta không chỉ được sống lại ký ức hào hùng của lịch sử, mà còn được trải nghiệm và hướng về lịch sử qua quần thể di tích Điện Biên Phủ, cùng khám phá thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp hòa quyện vào nét văn hóa đầy màu sắc của cộng đồng các dân tộc anh em, chứng kiến những thành tựu của Điện Biên trong thời kỳ đổi mới và phát triển… Tôi tự nhủ lòng mình rằng, nếu có điều kiện, tôi sẽ đến thăm Điện Biên vào một ngày không xa…

Tài liệu tham khảo:

1. Điện Biên Phủ mốc vàng thời đại. -Nxb. Quân đội nhân dân. -2003. -497tr.

2. Thiên sử vàng Điện Biên Phủ, Thông tấn xã Việt Nam. -Nxb. Thông Tấn. –Hà Nội. -2018. -187tr.

3. Điện Biên Phủ những trang vàng lịch sử. –Hoàng Minh Phương. –Nxb. Trẻ,. -2004. 281tr.

Đinh Nhài

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 506 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày