Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
gtsachchuyende Thứ Sáu, 17/06/2016, 14:10

Giới thiệu tác phẩm: Một số vấn đề phát triển xã hội ở Việt Nam trong tiến trình đổi mới

Từ những thập niên cuối của thế kỷ XX đến nay, trên thế giới người ta đã và đang bàn nhiều về các lý thuyết phát triển xã hội theo nghĩa rộng hoặc nghĩa hẹp, tùy theo cách tiếp cận. Trong đó, ưu thế ngày càng nghiêng về lý thuyết phát triển bền vững dựa trên các trụ cột là kinh tế phồn vinh, xã hội hài hòa, văn hóa lành mạnh, chính trị dân chủ, môi trường trong sạch. Mỗi trụ cột đó đều có vai trò quan trọng riêng, đồng thời giữa chúng lại có mối quan hệ tác động qua lại mật thiết với nhau.

Điều đó giải thích tại sao, trên cơ sở tổng kết những vấn đề lý luận và thực tiễn cốt lõi sau 25 năm đổi mới, Đại hội XI của Đảng đã xác định: Mục tiêu chiến lược của phát triển xã hội (theo nghĩa rộng) trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là xây dựng thành công xã hội xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Còn theo nghĩa hẹp, thì đó là: Xây dựng một cộng đồng xã hội hài hòa, trong đó các giai cấp, các tầng lớp dân cư đoàn kết, bình đẳng về nghĩa vụ và quyền lợi; thực hiện tiến bộ và công bằng ngay trong từng bước và từng chính sách; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và đời sống tinh thần của nhân dân. Tạo môi trường và điều kiện để mọi người lao động có việc làm và thu nhập tốt hơn. Có chính sách tiền lương và chế độ tạo động lực để phát triển. Khuyến khích làm giàu hợp pháp đi đôi với xóa nghèo bền vững; giảm dần tình trạng chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, miền, các tầng lớp dân cư. Hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội...

Là người từng được giao làm Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm của chương trình khoa học và công nghệ cấp nhà nước về "Đổi mới chính sách xã hội" (1991-1995), "Quản lý phát triển xã hội trên nguyên tắc tiến bộ và công bằng" (1996-2000), rồi sau đó tiếp tục được mời tham gia một số chương trình đề tài cùng hướng, tác giả đã dành công sức điều tra, nghiên cứu và viết nhiều chuyên đề hoặc luận văn liên quan đến phát triển xã hội ở nước ta mười mấy năm qua.

Đến nay, nhờ sự giúp đỡ quý báu của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Nhà xuất bản Khoa học xã hội, tác giả lựa chọn một số chuyên đề và luận văn chủ yếu của mình để bổ sung, hoàn thiện và tập hợp lại thành một cuốn sách nhỏ với nhan đề: Một số vấn đề phát triển xã hội ở Việt Nam trong tiến trình đổi mới - Luận cứ và giải pháp.

Nội dung tài liệu gồm những luận cứ và giải pháp về vấn đề xã hội mà tác giả đã dày công nghiên cứu từ nhiều năm qua. Trong tác phẩm, tác giả làm rõ khái niệm xã hội, phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội trong đó đề cập đến cơ cấu xã hội – giai tầng ở nước ta qua gần 30 năm đổi mới, đặc biệt nhấn mạnh quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cơ cấu xã hội – giai tầng ở nước ta, những nhân tố tác động đến sự phát triển cơ cấu xã hội – giai tầng trong tiến trình đổi mới, thực trạng của từng giai cấp, tầng lớp hợp thành cơ cấu xã hội qua mấy thập niên đổi mới, những vấn đề đặt ra của dự báo xu hướng phát triển, biến đổi cơ cấu xã hội – giai tầng ở nước ta đến năm 2020.

Bên cạnh đó tác phẩm cũng trình bày nhiều vấn đề về kết hợp tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội trong mô hình phát triển của Việt Nam ở thời kỳ đổi mới mà nổi bật là chủ trương, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về đổi mới kinh tế - xã hội, vấn đề thực trạng giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội ở nước ta gần 30 năm qua, những kiến nghị cụ thể hóa hệ quan điểm và một số giải pháp nhằm kết hợp tốt hơn giữa kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội từ giai đoạn 2016 đến 2020.

Ngoài ra, tác phẩm cũng đưa ra những vấn đề về thực hiện an sinh xã hội ở nước ta trong tiến trình đổi mới, nổi bật là nguồn gốc lịch sử và những quan niệm đầu tiên về an sinh xã hội trên thế giới, quan điểm của Hồ Chí Minh, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta trong thời kỳ đổi mới, thực hiện công tác an sinh xã hội và kiến nghị một số quan điểm và hướng giải pháp cho thời gian tới.

Qua những vấn đề mà tác giả đã đề cập, càng khẳng định quyết tâm kiến thiết một xã hội phát triển theo định hướng trên đây là sự phản ánh nguyện vọng sâu xa của quảng đại quần chúng nhân dân Việt Nam và là sự tiếp nối lôgíc của lịch sử gần một thế kỷ đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người theo triết lý phát triển của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó còn là kết quả của quá trình Đảng và Nhà nước ta mở rộng tầm nhìn, nghiên cứu, tham khảo và tiếp thu có lựa chọn những kinh nghiệm hay của các mô hình phát triển xã hội trên thế giới, qua đó vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của nước nhà.

Để hiểu rõ hơn về những vấn đề đã nêu, chúng tôi mời các bạn đón đọc tác phẩm hiện đang có tại Thư viện tỉnh. Hy vọng rằng cuốn sách có thể cung cấp một số căn cứ lý luận và thực tiễn, góp phần phục vụ cho việc hoạch định và tổ chức thực hiện tốt hơn những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển xã hội ở nước ta trong thời gian tới.

 

Phan Hương

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 2465 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày