Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Những Nhà Giáo Tiêu Biểu Việt Nam Thứ Sáu, 21/11/2014, 10:05

THẦY NGỤY NHƯ KON TUM (1913-1992)

Giáo sư Ngụy Như Kon Tum vốn quê ở thành phố Huế nhưng lại sinh ra ở thị xã Kon Tum nên lấy tên địa danh làm tên trong giáo giới Việt Nam. Từ sau 1945 ông làm Giám đốc Nha đại học vụ, từ năm 1954 ông làm Hiệu trưởng trường Đại học Tổng hợp cho đến khi nghỉ hưu.

Thầy Ngụy Như Kon Tum được nhiều thế hệ học sinh, sinh viên, giáo viên kính trọng và lưu giữ được những ấn tượng rất tốt đẹp. Thầy Ngụy Như Kon Tum là thầy giáo, nhà khoa học vật lý xuất sắc. Con đường đến với ngành khoa học vật lý của ông đã được ông kể lại khá rõ: “... Cha tôi là một công chức bậc trung, ông thường khuyên nhủ tôi nên chọn một trong hai nghề là nghề thầy thuốc hoặc nghề thầy giáo còn tuyệt đối không chọn nghề ở chốn quan trường. Riêng tôi thấy nghề thầy thuốc có nhiều người hành nghề không phải vì mục đích nhân đạo mà vì mục đích làm giàu... Tấm gương của thầy Đặng Thai Mai dạy tôi môn văn học Việt Nam ở năm thứ tư bậc thành chung đã khuyến khích tôi quyết tâm dứt khoát chọn nghề sư phạm. Còn vì sao tôi chọn ngành vật lý ? Hồi tôi còn học năm cuối ở trường Bưởi, để thi tú tài phần thứ hai có một thầy giáo trẻ tuổi người Pháp dạy vật lý rất nhiệt tình khiến tôi rất hứng thú. Tôi có hứng thú học môn vật lý do thầy giáo và vì thấy tôi học giỏi nên thầy khuyên tôi làm đơn xin học bổng sang Pháp du học. Sau đó tôi được một cuốn sách rất hay về nguyên tử của giáo sư Jean Perrin. Từ đó tôi quyết định chọn ngành vật lý”...

Với mơ ước tiếp thu đúng ngọn nguồn của khoa học nên sau khi đậu tú tài, Ngụy Như Kon Tum đã làm đơn xin du học ở Pháp. Tuy nhiên gia đình của ông lúc bấy giờ không lấy gì làm khá giả nên không thể cung cấp tiền để cho ông ăn học ở Pháp. Vì vậy Ngụy Như Kon Tum đã quyết tâm tham dự các kỳ thi để lấy học bổng. Rất may mắn, ông đỗ đầu cả hai kỳ thi chọn cấp học bổng của triều đình Huế và của Chính phủ bảo hộ. Tuy nhiên hai suất học bổng cộng lại cũng chưa đủ cho một đợt du học ở Pháp. Vì vậy khi ở Pháp ông phải vừa học vừa kiếm sống mới đủ tiền trang trải các khoản chi tiêu. Ở đây, sau một thời gian học tập ông tham dự kỳ thi tuyển và đậu vào trường Đại học Sor bonne.

Sau khi được nhận vào trường Đại học Sorbonne, với tài năng, lòng ham học và ý chí quyết tâm chinh phục đỉnh cao khoa học Ngụy Như Kon Tum đã khiến cho các giáo viên, sinh viên trong trường kính phục. Chỉ sau 3 năm ông đã giành được bằng cử nhân, ba năm sau ông lại tiếp tục bảo vệ xuất sắc luận văn Thạc sỹ chuyên ngành Lý - Hoá. Thời gian ở Pháp, ông may mắn được nhận vào làm nghiên cứu sinh tại phòng thí nghiệm của Giáo sư vật lý hạt nhân nổi tiếng Joliot - Curie. Sau khi phòng thí nghiệm này bị trưng dụng cho Bộ quốc phòng để phục vụ cho chiến tranh thế giới lần thứ II, Giáo sư Joliot - Curie đã khuyên Ngụy Như Kon Tum rằng: “Nếu anh muốn tiếp tục ở lại thì phải có hai điều kiện là xin nhập quốc tịch Pháp và được Bộ quốc phòng tuyển dụng. Tôi có thể giúp anh trong công việc này nhưng tôi nghĩ rằng đất nước anh cần anh hơn là nước Pháp. Mặt khác, trong thời gian sống ở Pháp, ông đã được tiếp xúc với một số thanh niên Việt Nam yêu nước và đã đọc cuốn “Bản án chế độ thực dân Pháp” của Nguyễn Ái Quốc nên cũng đã phần nào xác định được ý thức yêu nước. Vì vậy, nghe theo lời khuyên của Giáo sư Joliot - Curie, nghe theo tiếng gọi của lý tưởng yêu nước, Ngụy Như Kon Tum đã quyết tâm bỏ dở sự nghiệp khoa học để lên tàu về phục vụ đất nước. Đó là năm 1937.

Sau khi về nước ông được giao làm việc tại Ban Tú tài trường Chasseloup (Sài Gòn). Năm 1941, theo đề nghị của chính Giáo sư Ngụy Như Kon Tum, chính quyền bảo hộ đã điều ông về dạy tại trường Bưởi - nơi mà trước kia ông đã từng học tập. Lúc này ở trường Bưởi có một đội ngũ giáo viên người Việt tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm phụ trách giảng dạy tất cả các bộ môn ở bậc Cao đẳng tiểu học như Dương Quảng Hàm, Lê Thước, Trần Văn Khang... Ở Ban Tú tài, trước kia những môn khoa học cơ bản như Văn học Pháp, sử Pháp, Toán học, Vật lý, Hoá học đều do các thầy giáo Pháp đảm nhiệm thì nay đã được thay thế bởi các giáo viên người Việt như Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Xiển, Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Mạnh Tường, Ngụy Như Kon Tum... Điều đặc biệt của các giáo trình từ Pháp gửi sang các thầy tự sáng tạo ra nhiều phương pháp giảng dạy rất thú vị nhằm truyền thụ hết kiến thức, kích thích hết khả năng tiếp thu của học trò.

Giáo sư Ngụy Như Kon Tum là một trong những người đầu tiên có chủ trương xoá bỏ sự ngăn cách giữa nhà trường và xã hội. Đoàn du lịch tham quan đầu tiên của trường do thầy Nguỵ Như Kon Tum trực tiếp làm trưởng đoàn. Đoàn tham quan này được gọi là Đoàn Rồng, tiếng Pháp gọi Đoàn SET (viết tắt của câu Section d'excursion et de tourisme). Đoàn Rồng được tổ chức thành nhiều đội mang tên các danh nhân Việt Nam. Vào các dịp lễ tết Đoàn Rồng tổ chức cho học sinh đi tham quan các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử nổi tiếng. Kết hợp với các cuộc tham quan là những hoạt động văn nghệ rất sôi nổi gợi nhớ cội nguồn dân tộc, khuyến khích lòng yêu nước. Lúc bấy giờ những học sinh trong trường Bưởi đều học tập bằng tiếng Pháp và nếu nói tiếng Việt thì cũng đệm rất nhiều tiếng Pháp. Vì vậy Giáo sư chủ trương rằng trong tất cả các sinh hoạt của Đoàn Rồng mọi người chủ yếu nói tiếng Việt, tuyệt đối không được nói tiếng Pháp.

Trong cuộc sống ngày thường cũng như khi giảng dạy, Giáo sư Ngụy Như Kon Tum luôn giữ mối quan hệ thân ái với các học trò. Ông yêu mến học trò, coi học trò cũng như con em của mình nên càng thu phục được học trò và học trò cũng coi ông như người anh lớn. Giáo sư Ngụy Như Kon Tum kể lại rằng: “... Tôi được học sinh quý mến đến nỗi có một nữ Giáo sư người Pháp đã buồn rầu hỏi tôi: Không hiểu tại sao anh lại được học trò yêu mến đến vậy, còn tôi...? Bà ta chưa nói hết câu thì nước mắt trào ra rồi bật khóc tức tưởi. Ôi chao! Bà ta làm sao hiểu nổi tình cảm của thầy trò chúng tôi!...".

Ngày 9 tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chính Pháp, các trường học của chính quyền Pháp đều bị đóng cửa. Giáo sư Ngụy Như Kon Tum được cử làm Giám đốc Đông Dương học xá - một khu cư xá cho sinh viên được xây dựng ở phía Nam Hà Nội. Khu Đông Dương học xá này ngày nay được phát triển, mở rộng thành trường Đại học Bách Khoa. Cách mạng tháng Tám bùng nổ, Giáo sư Ngụy Như Kon Tum cùng nhiều trí thức khác như Nguyễn Văn Huyên, Hồ Hữu Trung, Nguyễn Xiển... đã gửi một bức điện yêu cầu vua Bảo Đại thoái vị. Hành động đó đã nói lên được sự kiên quyết từ bỏ chế độ phong kiến thực dân để bước theo con đường cách mạng cứu nước. Từ đó về sau ông đã đem hết trí tuệ, tài năng để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Khi đất nước bước vào toàn quốc kháng chiến, Giáo sư Ngụy Như Kon Tum đã cùng Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà dời lên căn cứ địa Việt Bắc. Tại đây ông được cử làm Tổng giám đốc Trung học vụ và làm Đổng lý sự vụ Bộ quốc gia giáo dục từ 1946 - 1950. Trong thời gian này, Giáo sư đã có những đóng góp rất quan trọng nhằm xây dựng nền giáo dục Trung học Việt Nam. Với cương vị là Tổng giám đốc trung học vụ ông đã vận động được nhiều thanh niên trí thức tham gia tổ chức, phát triển các trường trung học ở các địa phương. Với chiếc xe đạp cũ, không ngại vất vả hiểm nguy, Giáo sư đã trèo đèo lội suối đi khắp các tỉnh để xây dựng, tổ chức các trường trung học. Trong thời gian này, Giáo sư Ngụy Như Kon Tum cũng đã dành thời gian để soạn sách vật lý cho các trường trung học.

Nhiệm vụ chính của Giáo sư Ngụy Như Kon Tum là phụ trách khối Trung học nhưng ông vẫn rất quan tâm đến vấn đề giáo dục đại học ở nước ta. Giáo sư đã làm hết sức mình để mở lớp Toán học hàm thụ, lớp Toán học đại cương, giúp Giáo sư Nguyễn Xiển hoàn thành bộ sách “Toán học đại cương và cơ học thuần lý”. Cuốn sách này là tài liệu giảng dạy cho lớp khoa học cơ bản được tổ chức tại Tuyên Hoá và các trường khoa học cơ bản, trường sư phạm sau này.

Năm 1951, để chuẩn bị nhân lực cho đất nước sau khi độc lập, Đảng ta đã cử Giáo sư Ngụy Như Kon Tum sang dạy ở khu học xá Trung ương của nước ta đặt ở đất Trung Quốc. Ở đây Giáo sư được giao phụ trách trường Sư phạm cao cấp và làm giảng viên vật lý của trường khoa học cơ bản. Giáo sư Ngụy Như Kon Tum có công cùng với giảng viên của hai trường này đào tạo được hơn 300 Giáo sư, cán bộ khoa học cho đất nước và cũng đã viết được nhiều bộ giáo trình Đại học. Thời gian tồn tại của hai trường này tuy không dài nhưng đã có những ảnh hưởng quan trọng đến sự nghiệp giáo dục Đại học ở nước ta. Trong những đóng góp chung đó có một phần công sức không nhỏ của Giáo sư Ngụy Như Kon Tum.

Năm 1954, sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta giành được thắng lợi, Giáo sư Ngụy Như Kon Tum lại cùng Chính phủ Việt Nam trở về Hà Nội. Lúc đầu ông được bố trí dạy vật lý ở trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Sau đó đến năm 1956, khi trường Đại học Tổng hợp được thành lập thì Giáo sư được cử làm Hiệu trưởng. Ông làm Hiệu trưởng trường Đại học Tổng hợp trong suốt 26 năm (1956 - 1982) và đã có những đóng góp quan trọng trong sự phát triển của trường. Trong giai đoạn ác liệt của cuộc chiến tranh chống Mỹ cũng như trong thời kỳ đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội, Giáo sư đã lãnh đạo trường Đại học Tổng hợp làm được rất nhiều việc. Trong thời gian chống Mỹ, trường Đại học Tổng hợp cũng như nhiều trường Đại học khác là những nguồn cung cấp nhân tài cho chiến trường. Trong buổi lễ xuất quân tiễn 500 sinh viên vào Nam chiến đấu ngày 6 tháng 9 năm 1971 tại trường Đại học Tổng hợp, Giáo sư Ngụy Như Kọn Tum đã có những lời căn dặn chí tình. Có người từ chiến trường về đã nói: “Suốt những năm tháng gian nan khốc liệt ở vĩ tuyến 17, tôi vẫn nhớ tới hình ảnh tốt đẹp của thầy Hiệu trưởng... Lý tưởng phấn đấu của tôi không xa xôi, không trìu tượng, tôi cầm súng vì phía sau mình là trường Đại học Tổng hợp với mái đầu huyền thoại của thầy Hiệu trưởng”.

Giáo sư Ngụy Như Kon Tum rất quan tâm đến việc kết hợp học tập với quốc phòng. Sự kiện trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và trường Sỹ quan chính trị kết nghĩa với nhau năm 1977 đã trở thành biểu tượng cho sự gắn bó giữa khoa học và việc xây dựng lực lượng vũ trang. Giáo sư Ngụy Như Kon Tum và Trung tướng Trương Công Cẩn (Hiệu trưởng trường Sỹ quan chính trị) là những người có công lớn trong việc xác lập mối quan hệ này. Đầu thập niên 80, trường Sỹ quan chính trị đào tạo cho trường Đại học Tổng hợp Hà Nội hai khoá sỹ quan dự bị và trường Đại học Tổng hợp Hà Nội cũng đã đào tạo cho trường Sỹ quan chính trị gần 100 cử nhân văn chương, sử học. Tất cả tạo nên một đội ngũ sỹ quan - cử nhân hùng hậu đi phục vụ ở mọi miền đất nước. Trong thời gian làm hiệu trưởng trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Giáo sư Ngụy Như Kon Tum cũng rất quan tâm đến việc giúp đỡ các trường Đại học ở thành phố Hồ Chí Minh đặc biệt là sự chi viện cán bộ, giáo trình, sách giáo khoa, trang thiết bị cho trường Đại học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh.

Đánh giá một cách tổng thể, chúng ta có thể khẳng định rằng Giáo sư Ngụy Như Kon Tum có những cống hiến rất quan trọng cho sự nghiệp giáo dục Việt Nam đặc biệt là giáo dục ở bậc Đại học. Ông xứng đáng được tôn xưng là người thầy của thời đại.

Vũ Ngọc Khánh

 


Số lượt người xem: 1291 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày