Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Những Nhà Giáo Tiêu Biểu Việt Nam Thứ Ba, 10/11/2015, 14:00

CHÀO MỪNG NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20-11

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi con người sinh ra đều có quyền bình đẳng, trong đó có quyền bình đẳng về giáo dục. Người cho rằng việc mở mang giáo dục là việc làm bức thiết, có ảnh hưởng đến con đường phát triển của dân tộc. Nhà nước điều hành xã hội trên cơ sở pháp luật, do vậy, đòi hỏi người dân phải có trình độ học vấn; mặt khác một nền giáo dục tiến bộ và dân chủ là tiền đề cho mọi người thực hiện các quyền  cơ bản và chính đáng, khơi dậy được tính tích cực của mọi thành viên trong xã hội, tạo nên sức mạnh to lớn để góp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 70 năm đã qua đi (1945-2015) kể từ ngày Bác Hồ kêu gọi toàn dân chống nạn thất học, đất nước ta đang chuyển mình mạnh mẽ sang thế kỷ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, điều kiện đầu tiên là mọi người dân phải có kiến thức mới có khả năng hoàn thành nhiệm vụ, lại càng phải cấp thiết, mà trước hết phải biết đọc, biết viết, tức là phải xóa nạn mù chữ và phổ cập tiểu học cho những ai còn đói chữ. Có như vậy mới có thể áp dụng khoa học kỹ thuật, phát triển sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, phục vụ cho công cuộc xóa đói giảm nghèo, cho các chương trình về dân số, kế hoạch hóa gia đình, bài trừ tệ nạn xã hội, cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống mỗi gia đình…

          Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, một nền giáo dục dân chủ, bình đẳng phải phát triển đồng đều, cân đối giữa các vùng trong cả nước. Đặt niềm tin vào thế hệ tương lai, kỳ vọng rằng chính lớp người này ngày mai sẽ đưa dân tộc Việt Nam chiếm lĩnh dần những đỉnh cao tri thức của nhân loại. Nhân ngày khai giảng đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong thư gửi các học sinh Bác viết “non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không chính là nhờ một phần to lớn ở công học tập của các em”. Xuất phát từ tầm quan trọng của sự nghiệp giáo dục, người quan niệm việc học phải thực chất, không phải chạy đua theo bằng cấp và nội dung giáo dục phải toàn diện, bao gồm: thể dục, trí dục, mỹ dục, đức dục. Phong trào bình dân học vụ phát triển, phương pháp dạy và học của nhà nước Việt Nam mới cũng có nhiều thay đổi. Khác với phương pháp giáo dục nô dịch thực dân, chỉ đào tạo theo lối nhồi sọ, học lấy chút vinh hoa, thờ ơ với xã hội, xa rời đời sống lao động và đấu tranh của nhân dân, hệ thống giáo dục quốc dân được xây dựng trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, trong những năm miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội, đã thực sự tạo ra những cơ hội phát triển cho mỗi cá nhân và toàn xã hội. Đi đôi với việc mở mang các loại hình trường lớp từ nông thôn đến thành phố là phong trào thi đua dạy và học. Tại các nhà trường, thầy cô dạy học trò kiến thức mới, tinh thần yêu nước, tinh thần đoàn kết, học tập đời sống mới…, giúp các em trở thành những người con yêu nước, người có ích cho xã hội. Bên cạnh đó, nhiệm vụ của người thầy giáo gắn liền với nhiệm vụ chính trị. Với tinh thần tiến công cách mạng, người thầy giáo phải trăn trở, lăn lội với thực tiễn cuộc sống, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ giáo dục trong bất kỳ hoàn cảnh nào để đào tạo nguồn nhân lực phục vụ nhu cầu trước mắt và lâu dài. Đối với nhân dân, người thầy giáo phải kính trọng, học ở dân dựa vào dân, chăm lo đến việc học của con em nhân dân. Đối với bản thân, người thầy phải là tấm gương sáng về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; đối với đồng nghiệp, phải chân thành đoàn kết, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, biết phê bình và tự phê bình giúp đỡ nhau cùng tiến bộ; đối với học trò, phải thương yêu hết mực vừa dạy dỗ, nhưng cũng phải lắng nghe; đối với công việc, phải tâm huyết gắn bó theo tinh thần dù khó khăn gian khổ đến đâu cũng thi đua dạy tốt, học tốt. Chúng ta đều thấu hiểu rằng: Dạy tốt phụ thuộc rất nhiều vào nhân cách của người thầy, và nếu không có những người thầy miệt mài gắng sức, luôn xứng đáng là thầy giáo, lặng lẽ chăm lo, uốn nắn những mần non của đất nước qua mỗi giai đoạn kế tiếp nhau từ mẫu giáo đến khi tốt nghiệp những trường dạy nghề, cao đẳng, đại học và trên đại học, thì không thể có những nhân tài của đất nước. Cùng với những thành tựu của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, nền giáo dục xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ đã làm phát triển hoàn toàn năng lực vốn có của các em, đã thực hiện phương châm học đi đôi với hành, nhà trường, gia đình và xã hội đồng tâm rèn luyện, đào tạo các em thành những con người như mong muốn của Bác để phục vụ nhân nhân. Đồng thời, chúng ta càng nhận thấy rõ rằng: muốn nâng cao chất lượng nền giáo dục nước nhà, muốn những kết quả đào tạo toàn diện của ngành giáo dục về văn hóa, chuyên môn, về lý tưởng, về nhân cách, kỹ năng sống … “ngày càng đạt chuẩn” thì rất cần chú trọng, quan tâm đến phong trào thi đua dạy tốt, học tốt tại các nhà trường, các giảng đường cao đẳng, đại học …

          Bước vào thế kỷ 21, khoa học - công nghệ phát triển mạnh mẽ, tri thức đóng vai trò quyết định đối với tương lai của đất nước. Nhìn vào hệ thống giáo dục có thể đoán được tương lai của một đất nước. Vì vậy, ngay từ đại hội lần thứ VI (năm 1986) - Đại hội đổi mới, Đảng ta đã quyết tâm chấn hưng nền giáo dục nước nhà. Nâng cao chất lượng giáo dục nhằm mục tiêu hình thành và phát triển toàn diện nhân cách xã hội chủ nghĩa của thế hệ trẻ, đào tạo đội ngũ lao động có văn hoá, có kỹ thuật, có kỷ luật và giàu tính sáng tạo, đồng bộ về ngành nghề, phù hợp với yêu cầu phân công lao động của xã hội. trong đó có quan tâm đến đội ngũ giáo viên, đưa nền giáo dục đáp ứng yêu cầu mới. Phát triển nhận thức của đại hội VI, đại hội VIII khẳng định: Khoa học và giáo dục đóng vai trò then chốt trong toàn bộ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là động lực đưa đất nước thoát khỏi đói nghèo, Phát triển khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo. Đảng chủ trương phát triển mạnh mẽ sự nghiệp giáo dục và đào tạo, cùng với khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Coi trọng cả quy mô, chất lượng và hiệu quả giáo dục và đào tạo, cho nên đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển. Bên cạnh đó, chế độ đãi ngộ với các thầy cô giáo, đặc biệt là các thầy cô giáo ở các vùng sâu vùng xa, những đổi mới về công tác đào tạo theo yêu cầu của địa phương, ưu tiên đầu vào vè cả đầu ra cho con em đồng bào dân tộc thiểu số… là rất thiết thực. Cải cách giáo dục bao gồm cải cách về phương pháp dạy, phương pháp học, cải cách sách giáo khoa cho các bậc học, xây dựng trường, lớp đạt chuẩn quốc gia, xã hội hóa công tác giáo dục nhà trường, tránh chạy theo số lượng, chạy theo bệnh thành tích,… sẽ là những điều kiện cần và đủ để thực hiện phong trào thi đua dạy tốt, học tốt tại các nhà trường. Phong trào thi đua “Dạy tốt – học tốt” trong ngành giáo dục để giáo viên các bậc học trong toàn quốc nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng sư phạm trong giờ lên lớp, nhất là vấn đề về đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá ở toàn cấp học, góp phần nâng cao hiệu quả giờ lên lớp cũng như chất lượng dạy học. Đây cũng là một trong những cơ sở để ngành giáo dục đánh giá chính xác thực trạng đội ngũ về năng lực chuyên môn, từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên ở các bậc học, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay. Đồng thời, làm cho con em trở thành con ngoan trò giỏi, bạn tốt hôm nay, để mai sau làm là những người công dân trung thành, những người cán bộ gương mẫu và người làm chủ đất nước, những người sẽ quyết định vị trí của đất nước ta trên trường quốc tế.

 

                                                                                                Nguyễn Yên

 

 

 

 


Số lượt người xem: 846 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày