Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Những Nhà Giáo Tiêu Biểu Việt Nam Thứ Tư, 11/11/2015, 08:40

CHU VĂN AN – NHÀ GIÁO MẪU MỰC CỦA MỌI THỜI ĐẠI

Thầy giáo Chu Văn An (1292 – 1370) quê ở làng Quang Liệt (nay là thôn Văn), xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội, có cha là Chu Thiện người phương Bắc, mẹ là Lê Thị Chiêm người làng Quang Liệt. Ông là người tiêu biểu nhất và cũng là một biểu tượng sáng chói nhất trong lịch sử giáo dục của Việt Nam, người được tôn vinh là “vạn thế sư biểu” (người thầy của muôn đời) - bậc thánh cao nhất về Nho học.

 

Bức tượng Chu Văn An được đặt trong vườn tượng Danh nhân

 tại Văn Miếu Trấn Biên

 

          Ngay từ nhỏ, Chu Văn An đã nổi tiếng là người cương trực, luôn sửa mình trong sạch, giữ tiết, không cầu danh lợi, ham đọc sách. Khi còn ở quê hương, ông mở trường dạy học ở Huỳnh Cung, học trò tìm đến theo học rất đông, có nhiều người đỗ đạt và làm quan to trong triều đình như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát… chính tư cách thanh cao, học vấn sâu rộng đã làm cho tiếng tăm của ông ngày một lan xa, học trò tìm đến theo học ngày càng đông, nhắc đến ông người ta thường nhắc đến câu “học trò đầy cửa”.

          Do tài năng và phẩm hạnh, Chu Văn An được vua Trần Minh Tông mời vào làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám, dạy dỗ các thái tử và phò giúp nhà vua. Đó là một vinh hạnh, một ân sủng lớn của triều đình đối với một vị danh Nho. Những thái tử được ông dạy sau này lên ngôi như vua Trần Hiến Tông; Trần Dụ Tông. Ở cương vị Tư nghiệp, chưa phải là chức quan đại thần, càng chưa phải là ngôi vị trọng yếu trong triều nhưng Chu Văn An vẫn tham gia chính sự và thường can ngăn vua tôi nhà Trần gìn giữ chính đạo. Đó là trường hợp độc đáo nhất trong lịch sử Việt Nam. Trải qua trên dưới 30 năm ở cương vị này, từ việc dạy dỗ các thái tử đến những công việc viết sách giáo khoa, đề xuất các tiêu chí lựa chọn người vào học, chương trình giảng dạy, thi cử để đào tạo và tuyển chọn nhân tài cho đất nước thì những cống hiến của ông với sự nghiệp giáo dục của nước nhà quả là không ai sánh bằng.

          Nói về thời thế, ông đảm đương trọng trách mà Trần Minh Tông giao phó trong hoàn cảnh triều đình nhà Trần đang bắt đầu bộc lộ những dấu hiệu suy vong. Về đạo làm thầy, ông đã giữ nghiêm phong thái của người thầy, dốc hết tâm can dạy dỗ các thái tử. Khi thái tử Hạo mới lên 6 tuổi nối ngôi vua thành Trần Dụ Tông, Chu Văn An đã dốc lòng phò giúp. Tuy nhiên, Trần Dụ Tông ngày càng trở nên sa đọa. Khi triều đình rối ren, vua, quan ăn chơi sa đọa, không quan tâm đến việc triều chính, ông đã nhiều lần khuyên can, không sợ hiểm nguy và liên lụy đến thân nhưng không được, quá bất bình, ông đã dâng Thất trảm sớ, xin chém đầu bảy tên nịnh thần để mong giữ yên triều chính. Đương nhiên, tờ sớ của thầy Chu không được Dụ Tông xem xét, vì những tên nịnh thần này đang đưa Dụ Tông vào chỗ thỏa sức chơi bời nên ông đành chọn con đường treo áo mũ từ quan.

          Bằng việc dâng Thất trảm sớ, Chu Văn An đã nêu một tấm gương tiết tháo để các bậc danh Nho những triều đại sau noi theo mà dấn thân dâng sớ, dâng khải cản ngăn vua chúa. Nhiều bậc danh nhân lớn của Việt Nam như Nguyễn Trãi (thời Lê Sơ), Nguyễn Bỉnh Khiêm (thời Mạc), Lê Quý Đôn (thời Lê Trung Hưng)… đều có sớ, có khải trình bày hiện trạng của xã hội, khuyên can ngăn vua, chúa phải bớt xa hoa, nghiêm trị bọn xu nịnh… và chung cục mỗi người đều mang một hệ lụy khác nhau…

          Từ bỏ chốn quan trường, Chu Văn An về quê tiếp tục dạy học một thời gian và thường đi du ngoạn. Sau đó, ông đã tìm đến núi Phượng Hoàng, Chí Linh, Hải Dương để sống trong những năm tháng cuối đời (khoảng 10 năm). Ở đây, ông tiếp tục dạy học, nghiên cứu y học, viết sách, làm thơ…

          Các tác phẩm của ông theo sử sách ghi lại có Tứ thư thuyết ước gồm 10 quyển, bộ sách nói đầy đủ những tư tưởng của Nho giáo qua các tài liệu chính truyền như Luận ngữ, Mạnh tử, Đại học, Trung Dung và Y học yếu giải (sách chữa bệnh cứu người), một số sách khác và 12 bài thơ chữ Hán. Chính những tài năng và phẩm chất đạo đức của ông, những đóng góp lớn cho sự nghiệp giáo dục Việt Nam, khi qua đời ông đã được truy tặng tước Công -  tước phẩm cao nhất trong các hạng tước, được tòng tự ở Văn Miếu và được hậu thế dựng đền miếu phụng thờ.

          Trong lịch sử giáo dục Việt Nam, Chu Văn An được tôn vinh là người thầy mẫu mực của mọi thời đại. Cả cuộc đời ông dành cho sự nghiệp đào tạo nhân tài. Chu Văn An đã nổi danh từ những năm tháng mở trường dạy học ở quê. Ông đã dạy hầu hết các loại học sinh cao thấp từ bậc đại học cho đến lớp học sinh bình thường ở nông thôn, Ông là thầy (Tư phó) ở Trường Quốc Tử Giám dạy con em các vua quan. Ông đã mở một trường tư nhỏ tại huyện Thanh Đàm, lấy tên là trường Huỳnh Cung (làng Cung Huỳnh, cạnh làng Văn, huyện trên, nơi Chu Văn An làm nhà đọc sách). Tuy trường nhỏ nhưng đã thu nạp hàng ngàn môn sinh đến chật cửa. Chính từ trường Huỳnh Cung này mà Chu Văn An nức tiếng, được Vua mời về Quốc Tử Giám và cũng chính do tài năng, nhân cách, phương pháp đào tạo học trò và viết sách giáo khoa… mà lịch sử từng đã tôn vinh “Chu Văn An là ông tổ đạo Nho của nước Nam ta”…

          Chu Văn An không chỉ là người thông tuệ kinh sách mà còn là một nhà giáo có phương pháp dạy học rất nghiêm khắc, uy nghi, gương mẫu, hấp dẫn mọi người làm cho mọi người phải kính nể, tôn phục. Những học trò của ông tuy đã làm quan tại triều đến hàm thượng thư như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát, những khi về trường thăm thầy, được thầy khuyên bảo, khen chê đều rất phấn khởi. Ngược lại, có những học trò làm đến quan to nhưng không giữ được phẩm hạnh “thì ông nghiêm khắc trách mắng, thậm chí la thét không cho vào. Ông là người trong sạch, thẳng thắn, nghiêm nghị lẫm liệt đáng sợ đến như vậy đấy”.

          Chu Văn An đã nỗ lực giảng dạy học thuyết kinh điển Nho gia, tạo điều kiện cho lý thuyết Khổng, Mạnh được khẳng định ở nước ta, trở thành khuôn vàng thước ngọc trong việc cai quản dân của giai cấp thống trị, nhưng chủ yếu dạy về chữ Nhân. Tương truyền, sinh thời Chu Văn An đã nói: “Ta chưa từng nghe nước nào coi nhẹ sự học mà khá lên được”. Tư tưởng lớn của Chu Văn An đã thể hiện rõ tầm quan trọng của giáo dục đối với sự thịnh suy, hưng vong của mỗi quốc gia. Theo ông việc dạy học phải dành cho tất cả mọi người: “Việc dạy dỗ của thánh nhân không phân biệt người đến học thuộc loại nào”, đồng thời “học phải đi đôi với hành”. Theo quan niệm của ông: “Học mới chỉ là có mắt, hành mới có chân. Có mắt, có chân mới tiến bước được, có biết mới có làm, có làm mới biết. Cái biết trong làm mới là cái biết thực sự, cái biết sâu sắc nhất”, giáo dục văn hóa đi đôi với giáo dục làm người. Với quan niệm “tiên học lễ, hậu học văn”, có thể nói Chu Văn An là người truyền dạy Nho học một cách trọn vẹn vào nước ta. Những tư tưởng, quan điểm của ông trong giáo dục có ý nghĩa rất sâu sắc và thiết thực cho đời sau. Ngày nay, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng và xác định: “giáo dục là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển”; “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì quốc gia mạnh”...

          Cả nước tôn vinh và tưởng nhớ ông, người đời coi ông là người thầy của muôn đời, nhiều đường phố, trường học cùng những giải thưởng khoa học, quỹ khuyến học mang tên Chu Văn An. Cùng với khu di tích Chu Văn An ở thị xã Chí Linh, Hải Dương, khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An ở xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội cũng được xây dựng với quy mô kiến trúc rộng lớn nhằm tôn vinh Chu Văn An và sự nghiệp giáo dục của ông. Các di tích, đình thờ Chu Văn An không chỉ mang ý nghĩa lịch sử mà thực sự đã trở thành một địa chỉ tâm linh của ngành giáo dục các địa phương, của nhân dân cả nước, đồng thời là nơi giáo dục truyền thống hiếu học, truyền thống tôn sư trọng đạo cho ngày nay và cho muôn đời sau.

 

Tại Biên Hòa, ngôi trường THPT được mang tên nhà giáo Chu Văn An

 

          Tìm hiểu về thân thế và sự nghiệp của Chu Văn An nhằm góp phần khai thác và phát huy các giá trị truyền thống của quê hương, đất nước, góp phần giáo dục truyền thống hiếu học, tinh thần yêu nước, xây dựng đạo đức cách mạng và đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Từ đó suy ngẫm, cùng nhau góp phần chấn hưng sự nghiệp giáo dục của nước nhà, xây dựng những con người “vừa hồng, vừa chuyên” đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng, đồng thời để tỏ lòng thành kính tri ân, tôn vinh Chu Văn An – người thầy giáo tiêu biểu nhất trong lịch sử ngành giáo dục Việt Nam.

 

Đinh Nhài

 

 

 

 


Số lượt người xem: 2644 Bản inQuay lại
Xem theo ngày Xem theo ngày