Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng sân bay Biên Hòa (1964 - 2014) Thứ Năm, 06/11/2014, 09:50

Chiến thắng sân bay Biên Hòa

Gần Khu liên hợp văn hóa - thể thao Đồng Nai (đường Nguyễn Ái Quốc, TP.Biên Hòa) có cụm tượng đài vươn cao, thể hiện tinh thần chiến thắng của quân dân Biên Hòa. Cụm tượng đài được xây dựng năm 1994, với hai mảng chính: Mảng phù điêu bằng chất liệu đồng và tượng đài bằng chất liệu gốm.

 

Trên mảng phù điêu thể hiện hình ảnh người dân Biên Hòa bí mật đưa bộ đội qua sông, cảnh Sân bay Biên Hòa bị phá hủy sau trận tấn công của quân giải phóng. Cụm tượng đài có bốn hình tượng nhân vật hiên ngang trên một phần xác máy bay địch. Người chiến sĩ pháo binh ôm quả đạn cối reo mừng chiến thắng; chiến sĩ bộ binh giữ chặt súng trường trong tư thế tiến công; bộ đội đặc công ôm khối thuốc nổ hướng thẳng mục tiêu; cô dân quân nhẹ nhàng với tay chèo hài hòa thể hiện sự đoàn kết, kề vai sát cánh, phối hợp chiến đấu để làm nên chiến thắng vẻ vang. Đó là cụm tượng đài chiến thắng Sân bay Biên Hòa: nhắc về một sự kiện lịch sử quan trọng của quân dân Biên Hòa trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

 Sân bay Biên Hòa được thực dân Pháp xây dựng trước năm 1945. Sau này, chính quyền Sài Gòn xây dựng, mở rộng thành sân bay quân sự. Diện tích sân bay rộng khoảng 49km2 với 2 đường băng dài 3.600m và 1.000m. Hệ thống phòng thủ sân bay nhiều tầng lớp rào, canh gác cẩn mật và có hệ thống ra đa, chỉ huy liên lạc hiện đại. Bên trong sân bay có 6 khu vực rộng, chứa từ 170 đến 190 máy bay và khu làm việc của 500 sĩ quan, phi công, nhân viên kỹ thuật và binh lính Mỹ. Nơi đây, chính quyền Sài Gòn tập trung nhiều loại máy bay quân sự.

 Vào ngày 31-10-1964, sau nhiều tháng chuẩn bị, Đoàn pháo binh Miền phối hợp với lực lượng cách mạng Biên Hòa tập kích Sân bay Biên Hòa. Bộ chỉ huy Miền chỉ định các đồng chí Lương Văn Nho (Hai Nhã), Nguyễn Văn Bứa (Hai Hồng Lâm) chỉ huy trận tấn công.

 Từ trận địa pháo được bố trí tại Hóc Bà Thức (Tân Phong), đúng 23 giờ 30, pháo cối của quân cách mạng bắt đầu cấp tập nã vào sân bay. Sân bay Biên Hòa bùng lên những đám cháy lớn, tiếng nổ mạnh làm rung chuyển khu vực lân cận. Sau hơn 15 phút tấn công, các lực lượng tham gia trận đánh nhanh chóng rút về cứ an toàn. Địch bị thiệt hại nặng với 59 máy bay bị phá hủy (trong đó có 21 máy bay B57, 11 máy bay AD6, 1 máy bay do thám U2), 2 kho đạn lớn, 1 kho xăng, 1 đài quan sát, 18 căn trại lính bị phá hủy, tổng cộng có 253 tên địch bị thương và chết.

 Chiến thắng của trận đánh thể hiện sự táo bạo, bất ngờ và sự phối hợp giữa các lực lượng quân sự của Biên Hòa, trong đó có những chiến sĩ thầm lặng trong lòng địch. Nhắc đến trận đánh này, Chủ tịch Hồ Chí Minh với bút danh Chiến Sĩ đã viết bài ca ngợi trên Báo Nhân Dân số 3878 (ngày 12-11-1964). Trong đó, có bốn câu thơ sau:

Uy danh lừng lẫy khắp năm châu

Đạn cối tuôn cho Mỹ bể đầu

Thành đồng trống thắng lay Lầu trắng

Điện Biên, Mỹ chẳng phải chờ lâu.

Đây là một trong những trận đánh gây tiếng vang lớn, đem lại thắng lợi của quân dân Biên Hòa trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ xâm lược, tô thắm trang sử vàng của vùng đất "miền Đông gian lao mà anh dũng".

 

Nguyễn Phan Đình

Nguồn http://www.baodongnai.com.vn. Ngày 27 tháng 10 năm 2008.

 


Số lượt người xem: 730 Bản inQuay lại
Xem theo ngày Xem theo ngày