Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Tết Mậu Thân Một Mốc Son Lịch Sử Thứ Tư, 24/01/2018, 08:50

CHỈ ĐẠO CHIẾN LƯỢC CỦA ĐẢNG VÀ CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH TRONG CUỘC TỔNG TIẾN CÔNG VÀ NỔI DẬY TẾT MẬU THÂN NĂM 1968

Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 đã đi vào lịch sử như một biểu tượng của trí tuệ và khí phách dân tộc Việt Nam. Đến nay, tròn nửa thế kỷ đã trôi qua, chúng ta càng nhận thức sâu sắc và đầy đủ hơn về sự chỉ đạo chiến lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy này.

Tham vọng của Mỹ khi tiến hành “chiến tranh cục bộ” là hoàn toàn làm chủ chiến trường miền Nam Việt Nam trong vòng từ 25 đến 30 tháng. Với kế hoạch ba giai đoạn và hai cuộc phản công chiến lược, chúng dự tính sẽ hoàn thành việc tiêu diệt khối chủ lực của ta, tiếp tục “bình định” miền Nam, rút quân về nước vào cuối năm 1967… Thế nhưng, các cuộc phản công chiến lược của Mỹ đều lần lượt thất bại.

Ở miền Bắc, cuộc leo thang chiến tranh phá hoại của Mỹ cũng chịu những tổn thất nặng nề, và do vậy, không thể ngăn chặn nổi nguồn chi viện từ miền Bắc vào miền Nam của quân và dân ta. Những thất bại trên chiến trường Viêt Nam đã khơi sâu thêm mâu thuẫn và khó khăn về chính trị, kinh tế xã hội ở nước Mỹ, làm suy yếu vị trí của Mỹ trên thế giới.

Về phía ta, lực lượng mọi mặt ngày càng được tăng cường và sung sức hơn. Vận dụng linh hoạt 6 phương thức tác chiến, đồng thời sáng tạo nhiều cách đánh mới, có hiệu quả, ta đã giữ vững và mở rộng thế chủ động, hình thành vòng vây xung quanh các căn cứ, thị xã, đẩy mạnh đấu tranh ở các đô thị. Trên mặt trận mới về ngoại giao, ta bước đầu có nhiều thành tựu, đẩy Mỹ vào thế ngày càng bị cô lập.

Đến cuối năm 1967, cách mạng miền Nam đã giành được những thắng lợi quan trọng cả về chính trị, quân sự, tiếp tục giữ vững và phát huy mạnh mẽ thế chủ động trên chiến trường, về phía Mỹ, việc đưa “chiến tranh cục bộ” ở miền Nam đến đỉnh cao đã khiến chúng bị tổn thất nặng nề. Trên cơ sở nắm vững và phân tích tình hình giữa ta và địch, cũng như bối cảnh trong nước và quốc tế, Đảng ta nhận định: Chúng ta đã có cơ sở để tiến lên giành thắng lợi quyết định ở miền Nam. Tháng 12-1967, Bộ Chính trị họp dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đưa ra chủ trương chiến lược - quyết định mở cuộc tổng công kích và tổng khởi nghĩa nhằm giáng một đòn sấm sét vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ.

Tiếp đó, tại Hội nghị Trung ương 14 khóa III (tháng 01-1968), Đảng ta xác định: Trong quá trình tổng công kích và tổng khởi nghĩa, chúng ta phải quán triệt nguyên tắc: Tập trung lực lượng quân sự và chính trị đến mức cao nhất; kiên quyết tiến công, liên tục tiến công nhằm vào những nơi xung yếu của địch mà đánh những đòn quyết định; phải tuyệt đối giữ cho được yếu tố bất ngờ; phải biết giành thắng lợi từng giờ, từng phút và không ngừng mở rộng thắng lợi; kiên quyết chống trả và bẻ gãy các cuộc phản công của địch và truy kích địch đến cùng để giành thắng lợi cao nhất,…

Về cách đánh, Đảng ta chỉ rõ, cần vận dụng linh hoạt 6 cách đánh truyền thống và những cách đánh mới đã xuất hiện trong thời gian vừa qua, kiên quyết thực hiện cho được một số trận đánh lớn có tính chất quyết chiến quan trọng. Điều đó thể hiện sự nhạy bén nắm bắt thời cơ, kịp thời đề ra chủ trương chiến lược phù hợp.

Khi chuẩn bị kế hoạch chiến lược Đông Xuân 1967 - 1968, Bộ Tổng Tham mưu đã đề ra phương án có nhiều trận đánh tiêu diệt lớn, với những chỉ tiêu, như diệt sinh lực địch, giải phóng dân, làm tê liệt giao thông, đánh căn cứ lớn,... Đây là phương án chiến lược chính xác với chỉ tiêu cao, theo đó, ta phải sử dụng lực lượng quân sự là chính, đồng thời đẩy mạnh đấu tranh chính trị và binh vận để giành được quyền làm chủ ở các đô thị và vùng xung quanh.

Đến tháng 8-1967, ta bắt đầu chuyển sang lựa chọn phương án tối ưu hơn, nhằm phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp, bằng cách kết hợp tổng tiến công với nổi dậy, giáng cho địch một đòn quyết định, tạo cục diện mới của chiến tranh. Tháng 01-1968, sau nhiều tháng nghiên cứu, bàn bạc, trao đổi từ thực tế các chiến trường, các đồng chí lãnh đạo và chỉ huy quân sự cấp cao mới đi đến quyết định cuối cùng là kết hợp tổng tiến công với nổi dậy, nhằm tiêu diệt và làm tan rã một bộ phận quan trọng lực lượng quân sự Mỹ - ngụy, đánh đổ ngụy quyền các cấp, làm thay đổi lực lượng so sánh có lợi cho ta hơn nữa. Trên cơ sở đó, làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải thay đổi chiến lược, xuống thang chiến tranh.

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu nói trên, ta lựa chọn hướng công kích và khởi nghĩa chủ yếu là các thành thị, trọng điểm là Sài Gòn, Đà Nẵng, Huế. Các thành thị là nơi đầu não, trung tâm chỉ huy, dự trữ nhiều trang, thiết bị, hạ tầng cơ sở của địch, bởi vậy, đây là nơi mạnh nhất nhưng cũng là nơi rất hiểm yếu và nhạy cảm, do địch đang bộc lộ nhiều sơ hở. Từ đó, chủ trương của ta là sử dụng lực lượng tinh nhuệ (đặc công, biệt động), kết hợp với các mũi tiến công của lực lượng xung kích và những cuộc nổi dậy của quần chúng tại chỗ cũng như tại các vùng nông thôn lân cận; phối hợp quân sự và chính trị, thành thị và nông thôn…

Không gian tiến công được xác định là toàn miền Nam, và được tiến hành đồng loạt vào đúng giữa đêm giao thừa Tết Nguyên đán năm 1968 - một thời điểm mà địch không thể ngờ tới. Điều này thể hiện quyết tâm chiến lược chính xác, táo bạo, sáng tạo của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh, và đó đã trở thành một mẫu mực về nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh trong lịch sử cách mạng Việt Nam.

Với điểm tựa là nhân dân, dưới sự chỉ đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, tại thời điểm lịch sử ấy, ta đã xây dựng được thế trận “đạn đã lên nòng”, chỉ chờ giờ hành động điểm là sẽ nhằm thẳng yết hầu địch mà bắn. Đó là sự Quyết tâm trong chiến lược chính xác, sáng tạo và táo bạo của Đảng và Hồ Chí Minh.

Cuối tháng 01-1968, ta mở hoạt động lớn ở mặt trận Đường 9 - Khe Sanh, nhằm đánh lạc hướng, thu hút quân cơ động của Mỹ, tiến tới vây hãm, giam chặn, tiêu hao chúng, tạo thế cho các chiến trường khác tiến công và nổi dậy. Ngay lập tức, tướng Mỹ Oét-mô-len vội vã cho không quân ném bom dữ dội và đổ quân xuống khu vực Khe Sanh. Quân ta tiếp tục bao vây Khe Sanh, dùng các hỏa lực và đánh lấn, khiến Mỹ bắt đầu tính tới khả năng ta có thể tạo ra một “cái giống như Điện Biên Phủ”. Như vậy, địch đang dần rơi vào bẫy của ta.

Đêm 30 rạng ngày 31-01-1968 - đêm giao thừa Tết Mậu Thân, quân và dân miền Nam đồng loạt tiến công và nổi dậy trên toàn miền, đánh vào 4 thành phố, 37 thị xã, hàng trăm thị trấn. Bốn bộ tư lệnh quân đoàn, hầu hết các bộ tư lệnh sư đoàn, 30 sân bay và gần 100 cơ sở hậu cần của địch đều bị ta tấn công. Trong đó, có nhiều trận đánh gây chấn động lớn trong giới cầm quyền Mỹ và có tiếng vang mạnh mẽ trên thế giới, như các trận đánh vào Đại sứ quán Mỹ, Bộ Tổng tham mưu ngụy, Đài Phát thanh ở Sài Gòn…

Ngày 31-3-1968, Tổng thống Mỹ Giôn-xơn thông báo quyết định ngừng ném bom miền Bắc, nhận ngồi vào bàn đàm phán với ta tại Pari (Pháp) và tuyên bố không ra tranh cử tổng thống nhiệm kỳ tới.

Đánh giá thắng lợi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, tại Hội nghị Trung ương 15 khóa III, Đảng ta nhận định: Với thắng lợi to lớn của 6 tháng mở đầu thời kỳ tổng công kích, tổng khởi nghĩa vừa qua, ta đã mở ra cục diện mới của chiến tranh, tạo ra thế chiến lược mới, lực lượng mới, khả năng mới... Ta đang ở thế thắng, thế mạnh và có đủ lực lượng để thực hiện quyết tâm đánh thắng Mỹ trong bất kỳ tình huống nào. Điều đó thể hiện chủ trương đúng đắn của Đảng đã đi đến thắng lợi quyết định.

Tóm lại, trên cơ sở nắm chắc tư tưởng chiến lược tiến công, vận dụng đúng đắn quy luật của chiến tranh nhân dân, Đảng ta đã đề ra chiến lược chính xác, táo bạo, xác định đúng phương hướng tiến công, sử dụng đúng lực lượng, chọn đúng thời cơ, làm tốt công tác động viên, quán triệt tư tưởng cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, qua đó, phát huy mạnh mẽ ý chí và hành động của quân và dân, đem lại nhiều chiến công to lớn, vang dội, liên tục và rộng khắp trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968.

 

Đinh Nhài

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 440 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày