Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Kể chuyện Bác Hồ Thứ Ba, 22/06/2010, 16:34

Học Bác tiết kiệm thời gian

Mỗi câu chuyện kể về Bác Hồ cho thấy, Người hiển hiện như một thánh nhân giữa đời thường, gần gũi và thân thiện. Bác không dùng lý lẽ cao siêu, chỉ nói những lời bình dị nhưng có tác động sâu sắc...



            * Đợi trời tạnh mưa thì biết khi nào!

Chiến khu Việt Bắc, năm 1953. Bác quyết định đến thăm lớp chỉnh huấn của anh chị em trí thức, lúc đó đang bước vào cuộc đấu tranh tư tưởng gay go. Tin vui đến làm náo nức cả lớp học, mọi người hồi hộp chờ đợi. Bỗng trời đổ mưa xối xả. Ai cũng xuýt xoa, tiếc rẻ vì nghĩ Bác không đến được. Giữa lúc trời mưa như trút nước, lòng người đang thất vọng thì từ ngoài hiên lớp học, Bác xuất hiện trong chiếc áo mưa sũng nước, quần xắn quá đầu gối. Bác hiện ra giữa niềm ngạc nhiên, hân hoan và sung sướng của tất cả mọi người. Về sau nhiều người mới biết, giữa lúc Bác chuẩn bị đến thăm lớp học thì trời đổ mưa to nên các đồng chí thư ký, cảnh vệ đề nghị Bác cho báo hoãn sang một buổi khác. Có đồng chí thì đề nghị nên tập trung lớp học gần nơi làm việc của Bác để cuộc gặp gỡ cho thuận tiện. Nhưng Bác không đồng ý: "Đã hẹn thì phải đến, đến cho đúng giờ, đợi trời tạnh mưa thì biết khi nào? Thà chỉ một mình Bác và vài chú nữa chịu ướt còn hơn để cả lớp học phải chờ uổng công".

Xuân năm 1956. Nhân dịp Tết cổ truyền của dân tộc, đoàn đại biểu các tầng lớp nhân dân thủ đô Hà Nội dự định đến Phủ Chủ tịch để chúc Tết Bác Hồ. Sắp đến giờ đoàn lên đường, trời bỗng đổ mưa nặng hạt. Giữa lúc mọi người còn đang lúng túng thu xếp phương tiện cho đoàn đi để Bác khỏi phải chờ lâu thì bỗng có một chiếc ô tô dừng lại trước cửa trụ sở Ủy ban hành chính thành phố. Bác Hồ từ trên xe bước xuống, cầm ô đi vào, lần lượt bắt tay, chúc Tết từng người trong sự ngỡ ngàng rưng rưng cảm động của các đại biểu. Sau đó, mọi người mới biết, do thấy trời mưa to, thông cảm với khó khăn của ban tổ chức và không muốn các đại biểu phải vì mình mà vất vả và không để lãng phí thời gian chờ đợi nhau nên Bác chủ động, tự thân đến tại chỗ chúc Tết các đại biểu trước. Đồng chí Huy Vân, người có mặt trong buổi hôm ấy, tâm sự: "Thật đúng là mối hằng tâm của một lãnh tụ suốt đời quên mình, chỉ nghĩ đến nhân dân".

Hai câu chuyện trên cho thấy Bác Hồ - một nguyên thủ quốc gia, nhưng không để người khác phải chờ đợi, phục vụ mà luôn quan tâm chăm sóc đến đồng chí, đồng bào mình. Bác chủ động nhận phần khó về mình. Và qua chuyện kể trên cũng thấy rõ Bác sống rất giản dị, thân thiện với mọi người, không có khoảng cách nào giữa Chủ tịch nước với nhân dân. Câu chuyện kể còn hàm ý rằng, Bác Hồ là người luôn chủ động không để lãng phí thời gian của Bác và của người khác. Điều đó, cho đến phút lâm chung Bác vẫn không quên dặn lại: "Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức phúng điếu linh đình, để khỏi lãng phí thời gian và tiền bạc của nhân dân".

        * Thời gian quý báu lắm!

Theo tác giả Song Hành, qua theo dõi các tác phẩm, hoạt động và sinh hoạt đời thường, có thể thấy cái mà Người ghét nhất là thói quan liêu, tham nhũng, xa hoa, lãng phí tiền bạc và thời gian của nhân dân. Đồng chí Vũ Kỳ, thư ký riêng của Bác thì nói, không ít người tiếp xúc và làm việc với Bác Hồ đều thấy rõ nhất là Bác rất khó chịu khi cán bộ làm việc không đúng giờ. Nhưng thay vì phê bình nặng lời, bao giờ Bác cũng nhắc nhở ôn tồn như người anh, người cha khiến nhiều người dù bị góp ý vẫn rất cảm động và ghi nhớ mãi.

Vào năm 1945, tại lễ tốt nghiệp ở Trường huấn luyện cán bộ Việt Nam, mở đầu bài nói chuyện Bác thẳng thắn góp ý: "Trong giấy mời tới đây nói 8 giờ bắt đầu, bây giờ 8 giờ 10 phút rồi mà nhiều người chưa đến. Tôi khuyên anh em phải làm việc đúng giờ, vì thời gian quý báu lắm". Lần khác, Bác và đồng bào phải đợi một đồng chí cán bộ đến để bắt đầu cuộc họp. Bác hỏi:

- Chú đến chậm mấy phút?

- Thưa Bác, chậm 10 phút ạ!

- Chú tính thế không đúng, 10 phút của chú phải nhân với 500 người đợi ở đây...

Câu chuyện này với nhiều người là bài học đắt về giá trị của thời gian. Điều đó càng có ý nghĩa lớn khi chúng ta đang sống trong thời đại công nghiệp, công nghệ thông tin như hiện nay. Lần khác, trong kháng chiến chống Pháp, một đồng chí cấp tướng đến làm việc với Bác sai hẹn 15 phút, tất nhiên là có lý do trời mưa to, suối lũ, ngựa không qua được. Bác phê bình nhẹ nhàng nhưng rất sâu sắc: "Chú làm tướng mà chậm mất 15 phút thì bộ đội của ta sẽ hiệp đồng sai đi bao nhiêu? Hôm nay chú đã chủ quan, không chuẩn bị đầy đủ các phương án, nên chú đã không giành được chủ động". Câu chuyện ấy là lời nhắc nhở có ý nghĩa sâu sắc đối với người chỉ huy quân đội nói riêng và cán bộ lãnh đạo nói chung. Nếu người lãnh đạo mà chậm một bước sẽ mất cơ hội, không chủ động sẽ dễ bị thua thiệt và tính sai một ly thì sự nghiệp chung sẽ đi lệch một dặm.

Những câu chuyện kể trên tuy đã cũ song vẫn còn nguyên tính thời sự và giá trị giáo dục. Hiện nay, không ít cán bộ ta vẫn còn xài "giờ dây thun". Làm việc thì đến trễ về sớm, ăn cắp giờ của nhà nước làm việc riêng. Đi công tác, họp hội thì để người khác phải chờ đợi và hay bỏ về nửa chừng nên không lĩnh hội được nội dung cuộc họp, ý kiến chỉ đạo của cấp trên và vì vậy khi triển khai thực hiện không biết bắt đầu từ đâu hoặc làm không đúng. Cho nên học tập Bác những chuyện tưởng như nhỏ nhặt ấy sẽ dần tạo cho mọi chúng ta có một tác phong nhanh nhạy, làm việc có tính kỷ luật, khoa học. Đó là cách học và làm theo Bác thiết thực, hiệu quả.

             Y.S

(Ảnh: Đ/c Huỳnh Văn Tới, UV Ban TVTU, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh kiểm tra việc thực hiện bước 1 của cuộc vận động tại Thư viện tỉnh Đồng Nai)


Số lượt người xem: 1558 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày