Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Đình chùa Hà Nội Thứ Sáu, 25/06/2010, 04:40

Kẻ Vẽ làng khoa Bảng

Kẻ Vẽ - tên Nôm của một ngôi làng có truyền thống hiếu học từ lâu đời. Nằm bên hữu ngạn sông Hồng, nay làng Vẽ có tên là làng Đông Ngạc, nơi dân nơi đây tự hào vì từ xưa tới nay làng có nhiều người đỗ đạt cao, góp nhiều công sức cho quê hương đất nước. Có giai thoại kể lại thời cổ làng có tên là Đống Ếch vì trong làng nhiều học trò đọc sách ran ran như tiếng ếch kêu. Cuối năm chúng tôi có dịp về làng Vẽ để hiểu hơn về ngôi làng có truyền thống khoa bảng từ lâu đời.

Trong cái nắng nhạt nhòa cuối đông, cùng rong ruổi với bác Nguyễn Văn Phú - Trưởng thôn Đông Ngạc trên con đường làng có truyền thống khoa bảng, những con đường ngõ xóm, những ngôi nhà cổ, những bước tường loang lổ rêu phong cùng với tháp bút, cuốn thư - họa tiết của cổng làng như muốn nói với chúng tôi câu chuyện về “Đất Kẻ Giàn, quan kẻ Vẽ”.
 
            Theo các thư tịch còn lại, vào cuối đời nhà Trần (thế kỷ XIV), các dòng họ Phạm, Phan, Đỗ, Nguyễn từ đất Ái Châu, Hoan Châu lần lượt ra định cư ở làng. Đó là các dòng họ có công mở mang rất lớn, đặc biệt là thành tích khoa bảng. Xưa làng Đông Ngạc có câu “Đất Kẻ Giàn, quan Kẻ Vẽ” để bày tỏ niềm tự hào các tộc họ nào cũng có người đỗ đạt, góp nhiều công sức trong các lĩnh vực: văn hóa, dịch thuật, quân sự, xã hội học… ở mọi thời kỳ lịch sử.
 
Theo thống kê chưa đầy đủ, làng Đông Ngạc hiện nay có trên 1000 học vị từ cử nhân đến tiến sĩ, nhiều người được phong hàm giáo sư, hay giữ các chức vụ cao cấp của Nhà nước. nếu như thời phong kiến có Phan Phu Tiên, Đỗ Thế Giai, Hoàng tế Mỹ rồi Phan Văn Trường, Hoàng Tăng Bí… thì ngày nay là Hoàng Minh Giám (cố bộ trưởng Bộ Văn hóa), bác sĩ Hoàng Tích Trí (cố Bộ trưởng Bộ y tế), Trung tướng GS – TS Phạm Gia Khánh (Giám đốc Học viện Quân y), GS – TS Phạm Gia Khải (Viện trưởng Viện Tim mạch), TS Phạm Gia Khiêm (Phó thủ tướng chính phủ Việt Nam) và nhiều chính khách, nhà khoa học khác.
Ngay từ cuối đời nhà Trần đã có cụ Phan Phu Tiên đỗ Thái học sinh vào năm Quý Dậu (1393), sau đó lại đỗ khoa Minh Kinh vào năm Kỷ Dậu (1429). Từ đó đến hết triều Nguyễn, làng Đông Ngạc đã có 21 tiến sĩ (trong đó có một Bảng nhãn, 2 Hoàng giáp), 2 sĩ vọng và hàng trăm cử nhân, tú tài, ngoài ra còn có 1 tạo sĩ (tiễn sĩ võ).
Nói về đạo học của đất Kẻ Vẽ không thể không nói đến dòng họ Hoàng. Tuy mới định cư ở làng khoảng đầu Thế kỷ XIX nhưng đã mở đầu 3 đời liền đỗ tiễn sĩ (Tam thế liên khoa), đó là các cụ: Hoàng Nguyễn Thự, Hoàng Tế Mỹ, Hoàng Tướng Hiệp và sau đó là Phó bảng Hoàng Tăng Bí, thân sinh của Bộ trưởng Văn hóa Hoàng Minh Giám.
Các cụ đã để lại cho đời nhiều tác phẩm văn chương, nghệ thuật có giá trị. Cụ Đông các Phạm Gia Ninh có tác phẩm “Trầm hương quân thư lục” vừa là một tác phẩm văn học, vừa là một tài liệu quân sự. Cụ TS. Phạm Gia Chuyên là một nhà sử học, đã biên soạn cuốn “Quốc sử lược biên”, một công trình có giá trị vô cùng to lớn. Cụ Thừa sứ Phạm Quang Hoàn đã từng nổi tiếng về văn sách, một thể văn rất khó thời xưa. Thời đó có câu ngạn ngữ: “Thơ Mổ, phú Cách, sách Vẽ” (Mỗ là đại Mỗ, Cách là Thượng Trì, Vẽ là Đông Ngạc). Cụ cử nhân Phạm Quang Sán là một nhà giáo dục học, đã biên soạn và dịch thuật nhiều tác phẩm văn, thơ, phú có giá trị…
Tất cả các cổng nhà, cổng làng đều xây dựng hình tháp bút, phía bên ngoài cổng của các nhà cổ đều có hàng chữ Nho, trong các nhà thờ của các dòng họ đều có các bức hoành phi câu đối. Điều đó thể hiện rõ tinh thần hiếu học của người dân Đông Ngạc từ xa xưa luôn giữ gìn gia phong của dòng tộc, căn dặn con cháu gìn giữ cho đến muôn đời sau, vì vậy làng được suy tôn là một trong hai làng văn hiến xứ Bắc kỳ.
Điều đáng quý là truyền thống hiếu học, học giỏi, đỗ cao của làng không chỉ có ở thời phong kiến mà được gìn giữ và tiếp tục phát huy đến tận ngày nay. Quý hơn nữa là các vị có học vị cao đã và đang đem kiến thức của mình phục vụ cho việc xây dựng quê hương đất nước. Tiếp nối gương ông cha, các thế hệ sau cũng làm nên sự nghiệp rạng rỡ cho quê hương. Tính từ sau cách mạng tháng Tám năm 1945 – 1990, hơn 1000 người Đông Ngạc đã tốt nghiệp đại học, hơn 50 người có học vị thạc sĩ đến tiến sĩ trong đó có gần 20 người được phong hàm giáo sư và các danh hiệu cao quý của Nhà nước.
Điều đáng nói là hầu hết các dòng họ trong làng, đặc biệt là các dòng họ lớn như: Phạm, Phan, Đỗ, Nguyễn và Hoàng đã thành lập quỹ khuyến học nhằm khích lệ tinh thần học tập, khen thưởng cho các em có thành tích học tập xuất sắc. Trong bản Điều lệ của Hội đồng gia tộc họ Phạm soạn năm 1932, điều thứ 2, khoản 5, trang 7 có ghi: “Nếu như sau này quỹ hội dồi dào thì sẽ đặt ra những học bổng của họ để cấp cho những con em trong họ xét ra có tài, thông minh, có hạnh kiểm tốt mà vì nhà nghèo không thể đi học được”.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Ông Phạm Quang Đại - người họ Phạm cho biết: “Ngày nay, Hội đồng gia tộc họ Phạm đã và đang cố gắng tiếp tục thực hiện nguyện vọng và phong trào khuyến học của gia tộc. Bắt đầu từ năm 2006, HĐGT đã cấp được 12 suất học bổng cho các cháu học sinh nghèo trong họ. Ngày 1 tháng 6 hàng năm, ban thanh niên của họ đã tổ chức phát thưởng cho các cháu đạt danh hiệu học sinh giỏi, tiên tiến, xuất sắc để động viên và khuyến khích tinh thần học tập của các cháu”.
Khuyến học là một việc làm tốt đẹp, mang đậm truyền thống văn hóa của làng Đông Ngạc. Nó vừa có ý nghĩa khích lệ tinh thần học tập của các em, đồng thời chứa đựng tầm nhìn sâu xa, chăm lo đạo đức, tri thức cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Tiếp bước truyền thống cha ông, hiện nay ông Phạm Quang Đại đang nghiên cứu sách vở, tài liệu về làng Đông Ngạc và các công trình có liên quan để biên soạn cuốn Lịch sử văn hóa làng Đông Ngạc. Là giáo viên, lại thông thạo Hán Nôm, nay đã về hưu ông chuyên tu vào công việc nghiên cứu, dịch thuật các hoành phi, câu đối, sách vở của làng. Cuốn Lịch sử Đình Vẽ vừa được ông hoàn thiện năm 2008 có ý nghĩa sâu sắc không chỉ đối với người dân Đông Ngạc mà đối với tất cả đất nước. Đình Vẽ nổi tiếng là ngôi đình lâu đời, giàu giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, tâm linh, chắc chắn sẽ là điểm nhấn đối với khách du lịch trong và ngoài nước, đặc biệt vào dịp Hà Nội tổ chức Đại lễ 1000 năm Thăng Long.
TUẤN NGỌC
Toàn cảnh sự kiện – dư luận, Xuân Canh Dần 2010, Tr.26-27

Số lượt người xem: 1739 Bản inQuay lại
Xem theo ngày Xem theo ngày