Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
1000 năm Thăng Long - Hà Nội Thứ Sáu, 25/06/2010, 03:30

Các nhà giáo đã làm rạng danh Thăng Long - Hà Nội và đất Việt

Hà Nội của chúng ta sắp tròn nghìn tuổi. Để làm nên một thủ đô ngàn năm văn hiến, chúng ta không thể quên công ơn của những người thầy, những người đã có công đào tạo ra các học trò giỏi để phục vụ Tổ quốc trên các lĩnh vực.

Trước hết, phải nói tới Chu Văn An (1292-1370) người Thầy nổi tiếng của nền giáo dục nước ta ở buổi bình minh. Tên của ông được Thủ đô Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố lớn của nước ta đặt tên cho trường học, đường phố. Các trường học này cũng đã trở thành những điểm sáng của ngành giáo dục, những ''địa chỉ đỏ'' cho các học sinh và các bậc phụ huynh cả nước.
 
Có người cho rằng vì ông có tuổi nghề 40 năm, vì ông Tư nghiệp (Hiệu trưởng) Quốc Tử Giám, trường đại học đầu tiên của nước ta, vì trong hàng nghìn học trò của ông dạy, đa phần đã trưởng thành, có người làm đến Tể tướng, có những người đỗ Thái học sinh (Tiến sĩ) như Phạm Sư Mạnh và Lê Quát.
 
Trong chế độ phong kiến, cuộc đời ông không khỏi thăng trầm, nhưng nghề dạy học là lý tưởng và lẽ sống của ông nên dù trong hoàn cảnh nào, ông cũng không từ bỏ nghề làm thầy.
Những kiến thức trong các sách kinh điển của Nho giáo khô khan được ông chắt lọc và nhào nặn bằng cái “tâm” của mình, bằng tấm lòng  yêu thương, bằng trái tim nhiệt huyết để truyền đến từng học trò. Bài giảng của Thầy Chu “nồng đượm tình ý người xưa, để chuyển nó thành chất dinh dưỡng, học trò thấy bổ ích, hấp thụ với tất cả sự tin tưởng kính yêu thầy giáo”
Người thanh niên, người thầy đó lấy “trồng người” là lẽ sống của mình để theo đuổi suốt cả cuộc đời ''Tiếng lành đồn xa'', ông được vời vào Kinh làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám dạy hai đời vua. Nhưng bấy giờ là lúc triều Trần suy vi. Những con sâu mọt đã phá tan cơ nghiệp đời Trần là lớp gian thần dẫn dắt hai vua tha hoá, biến chất. Chu Văn An ''can Dụ tông không nghe, liền dâng sớ xin chém bảy kẻ nịnh thần đều là người quyền thế được vua yêu, người bấy giờ gọi là Sớ thất trảm''. Việc làm của ông đã làm chấn động dư luận đương thời, hành động của ông cực kỳ dũng cảm. Người ngay thẳng rất dễ vì bọn gian thần tìm cách trừ diệt. Chu Văn An chắc biết chuyện đó, song ông vẫn can ngăn Vua, đòi chém một lúc bảy kẻ gian thần được Vua yêu. Thực là ''Thất trảm chi sớ'', “nghĩa động càn khôn'' (nghĩa là: Tờ sớ thất trảm, nghĩa khí động trời đất - Lê Tung). Sau đó, ông theo mù từ quan về ở ẩn, mở trường dạy học ở Phượng Sơn (Chí Linh) và có nhiều học trò nổi tiếng (Nguyễn Thị Duệ, Nguyễn phong đều đỗ Tiến sĩ đời Mạc...)
Điểm nổi bật trong công lao đóng góp cho sự nghiệp giáo dục của Chu Văn An là việc sáng lập nên trường học trong nhân dân và việc học tập thu được kết quả tốt. Tinh thần dám quên mình vì nghĩa lớn biểu hiện ở cốt cách cứng rắn của ông, thực chất cùng là kết tinh truyền thống văn hóa giáo dục và tính cách tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Người xưa đánh giá: “Chu Văn An là sao Bắc Đầu, là sao Khuê mãi chiếu sáng”.
Sau Chu Văn An ta phải kể đến Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 – 1585). Nguyễn Bỉnh Khiêm sinh ra trong một gia đình có truyền thống văn hóa (Trung Am, Vĩnh lại - Kiến An cũ nay là huyện Vĩnh Bảo, ngoại thành Hải Phòng). Nhà văn học, giáo dục và đặc biệt là tiên tri Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã được lớn lên từ sự nuôi dạy của người mẹ của học vấn uyên bác, có tính cách phi thường từ tuổu ấu thơ.
Hơn 20 năm dạy học lúc còn trẻ của Nguyễn Bỉnh Khiêm đã tỏ rõ nhiệt tình và tài năng đào tạo nhân tài của ông. Tiếng tăm của thầy Khiêm đã vang vọng mọi nơi của châu thổ sông Hồng. Nhà giáo Nguyễn Bỉnh Khiêm đã đánh dấu một mốc quan trọng trong hướng lấy thực học làm chính, truyền đạt tri thức toàn diện cho học sinh. Cho mãi đến tuổi 43, ông mới đi thi và làm quan cho nhà Mạc. Ông thi đậu Trạng nguyên, làm quan đến chức thượng thư, được các vua nhà Mạc coi như Thầy. Nhưng cũng như Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm trước sau vẫn là Nhà giáo dục chân chính. Thấy trong triều nhiều gian thần lộng hành, ông đã dâng sớ đòi chém đến 18 gian thần. Như vậy, cũng như Chu Văn An Nguyễn Bỉnh Khiêm biết kiến nghị của mình không được chấp thuận, nhưng vẫn khảng khái đưa ra. Đây chính là khí tiết lẫm liệt, là phẩm giá của những vị quan trung thực ở đất Kinh kỳ xưa, là những tấm lòng đau đáu vì lợi ích của đất nước, của muôn dân. Đề xuất của một người thầy, một vị quan thanh liêm bị gạt bỏ, ông đã trả lại cũ cao áo dài cho triều đình, về quê tiếp tục mở trường dạy học trở lại nghiệp xưa. Ông lại đào tạo được nhiều người thành đạt nối chí Thầy như Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Quyện, Nguyễn Dữ, Lương Hửa Khánh… Với cốt cách ngay thẳng, với những câu sấm chiến lược và nhất là với nhân cách đức độ và sự tài giỏi của một nhà sư phạm lỗi lạc, ông vẫn sống mãi trong tấm khảm các thế hệ học trò và hậu thế.
Nói đến các nhà giáo dục đương đại của Đất Việt, người đầu tiên chúng ta nhớ tới là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trước khi ''Người là Cha, là Bác, là Anh'' thì Bác Hồ đã là người Thầy - Thầy giáo Nguyễn Tất Thành.
Nếu như Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm Nguyễn Thiếp là những bậc Thầy của nền giáo dục Việt Nam thời xưa thì từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, chúng ta cũng có những người thầy mẫu mực, xứng đáng là tấm gương của các thế hệ trẻ. Có thể kể đến Giáo sư Nguyễn Lân, dạy ở trường Thăng Long và trường Hồng Bàng Hà Nội (1932-1935) trường Quốc học Huế ( 1935 - 1945), trường Chu Văn An (1946); sau đó là Đại học sư phạm Hà Nội được phong tặng danh hiệu cao quý “Nhà giáo nhân dân” và được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh. Với tài năng sư phạm, trí tuệ uyên bác và tấm lòng nhiệt huyết, đào tạo rất nhiều trò giỏi, con của ông cũng là những người nổi tiếng như Nguyễn Lân Dũng, Nguyễn Lân Việt…
Có thể kể đến một người Thầy đã dạy ở trường Thăng Long (1935-1940) mà sau này đã trở thành một vị Đại tướng huyền thoại của dân tộc, đó là Thầy Võ Nguyên Giáp. Học trò của Thầy có rất nhiều người trưởng thành như Trần Quang Huy, Lê liêm , Đào Thiện Thi và nhiều tướng lĩnh trong Quân đội nhân dân Việt Nam.
Có thể kể đến những người thầy như Giáo sư Nguyễn Văn Huyên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục đầu tiên của Việt Nam, giáo sư Tạ quang Bửu, Bộ trưởng Bộ đại học và THCN đầu tiên của Việt Nam và rất nhiều nhà sư phạm lỗi lạc khác. Đó là Giáo sư Tiến sĩ hoàng Xuân Sính (Hiệu trưởng đại học Thăng Long Hà Nội), các Giáo sư Lê Văn Thiêm, Hoàng Xuân Hãn, Đào Văn Tiến, Trần Bá Hoành, Đặng Thai Mai, Trần Văn Giàu, Tôn Thất Tùng, Hồ Đắc Di, Nguyễn Văn Hiệu... Cũng như những thầy giáo nổi tiếng ngày xưa các thầy giáo ngày nay đều dạy học bằng cả tâm huyết của mình, hết lòng thương yêu học trò: Họ là những nhà sư phạm mẫu mực đã đào tạo ra các lớp học trò giỏi giang, phụng sự cho tổ quốc Việt Nam, cho Thủ đô Hà Nội - mảnh đất địa linh nhân kiệt.
Ts. VÕ QUỐC HIỂN
(Giảng viên trường Đại học Phương Đông - Hà Nội)
Giáo Dục thời đại, Xuân canh dần 2010, Tr. 22

Số lượt người xem: 1787 Bản inQuay lại
Xem theo ngày Xem theo ngày