Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Phố phường Hà Nội Thứ Sáu, 25/06/2010, 12:20

Phố Lê Thánh Tông

Lê Thánh Tông là miếu hiệu của Tư Thành, con thứ tư của Lê Thái Tông. Thánh Tông sinh năm 1442, được các triều thần đưa lên ngôi vua năm 1460, thời kỳ ông trị vì (1460-1497) là thời thịnh trị nhất của Triều Lê. Ông đã kiên quyết bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Những hành động xâm phạm biên giới bằng mọi hình thức (của nhà Minh cũng như của các tập đoàn thống trị Chiêm Thành, Lão Qua…) đều được ông tích cực giải quyết hoặc giáng trả kịp thời, không để đất đai lọt vào tay kẻ khác.

Về mặt lập pháp, ông đã ban hành bộ luật, nay quen gọi là luật Hồng Đức, một bộ luật tương đối tiến bộ so với tất cả các bộ luật của các triều đại phong kiến Việt Nam trước và sau đó.
 
Ông cũng có những biện pháp khuyến khích, phát triển nông thôn, văn hoá, giáo dục. Chính Lê Thánh Tông đã đặt ra lệ dựng bia ghi tên các tiến sĩ ở Văn Miếu, lập ra Hội Tao Đàn, cho người đi vẽ bản đồ cả nước (nay gọi là bản đồ đời Hồng Đức) và giao Ngô Sĩ Liên soạn bộ Đại Việt sử ký toàn thư. Bản thân ông cũng là một nhà thơ đặc sắc có nhiều bài được truyền tụng.
 
Ông mất năm 1497, thọ 56 tuổi. Làm vua 38 năm.
Phố Lê Thánh Tông dài 558 mét, nối phố Lý Thái Tổ với phố Trần Thánh Tông.  Đây nguyên là dải đất chạy men theo bức tường phía Đông của tòa thành đất bao quanh Thành Thăng Long xưa hoặc có thể chính là bức tường thành ấy. Nguyên là từ thời Lê đã cho đắp một tòa thành bằng đất bao bọc khu vực Kinh Thành (gồm 36 phường). Tòa thành đó đến năm 1831 còn thấy được thể hiện trên bản đồ do hai ông Lê Đức Lộc và Nguyễn Công Tiến cùng vẽ vào tháng 6 năm này. Tòa thành đó tựa như một hình tam giác, đỉnh là Ô Yên Phụ. Một cạnh là các đường Yên Phụ, Trần Nhật Duật, Nguyễn Hữu Huân, Lý Thái Tổ, Lê Thánh Tông, Tăng Bạt Hổ, Lò Đúc.
Một cạnh là đường Thanh Niên, đầu đường Thụy Khuê, Ngọc Hà, Thanh Bảo, Giảng Võ. Cạnh đáy từ cuối đường Giảng Võ theo đường La Thành, Đại Cồ Việt, Trần Khát Chân đến cuối Lò Đúc. Có một số cửa Ô xẻ qua tòa thành này để qua lại. Chỗ đầu phố Lê Thánh Tông, cạnh Nhà Hát Lớn là cửa Ô Tây Long. Cuối phố Lê Thánh Tông là cửa Ô Nhân Hòa.
Thời Pháp thuộc, thực dân cho bạt bỏ toàn bộ bức thành này, xóa các cửa Ô (chỉ để lại Ô Quan Chương) tạo ra các đường phố đã nêu bên trên.  Riêng đoạn từ cửa Ô Tây Long đến Ô Nhân Hòa gọi là Đại lộ Bô-bi-lô (boulevard Bobillot). Năm 1904 thực dân bắt đầu lập Trường Y Dược tại phố này. Hiện nay trên nóc mặt trước của ngôi trường vẫn còn hàng chữ 1904 là chỉ năm hoàn thành.
Thực ra ban đầu là Trường Y sĩ bản xứ mở năm 1902 ở Thái Hà ấp. Năm 1904 xây xong khu trường mới thì chuyển về đây. Năm 1914 có thêm khoa dược. Năm 1924 nâng thành Trường Cao đẳng Y Dược, năm 1931 mới đào tạo bác sĩ nhưng chỉ học 4 năm ở Hà Nội, còn 2 năm cuối phải sang Pháp học. Năm năm sau mới đào tạo bác sĩ hoàn chỉnh, không phải sang Pháp nữa. Cạnh Trường Y Dược là Trường Luật vốn là Trường Pháp chính cũ. Năm 1924 đổi ra Cao học Đông Dương và năm 1931thành Cao đẳng Luật khoa đào tạo cử nhân Luật, đến năm 1941 mới đổi ra Đại học (cả Luật và Y Dược). Trong những ngày đầu của cuộc Toàn quốc kháng chiến (tháng 12- 1946) tại khu đại học này đã diễn ra chiến sự giữa ta và địch. Bộ đội ta đã giải thoát trên ba chục người bị địch giam giữ ở khu trường này.
Tiếp khu đại học là Nha học chính Đông Dương. Nay ở khu Đại học chỉ còn có Trường Dược và một bộ phận Đại học quốc gia. Nha học chính một thời gian dài là trụ sở Bộ Giáo dục.
Ngoài hai khu liên quan đến giáo dục vừa nêu thì thời Pháp thuộc phố này đa phần là các biệt thự của người Pháp trừ ngôi nhà số 7 là một hãng sửa chữa ô tô và sản xuất xe kéo.
Cũng nên biết đến vườn hoa xinh xắn trước cửa Trường Dược. Vườn hoa này, ngay từ năm 1945 ( đặt tên là vườn hoa Tao Đàn vì ở đối diện khu Đại học. Ngày 25-1-2003 tượng đài Hôxê Macti, vị anh hùng dân tộc Cu Ba được dựng ở giữa vườn hoa này nhân kỷ niệm 150 năm ngày sinh của ông.
Nay các biệt thự phần lớn trở thành cơ quan thương mại: Cửa hàng Toyota, Ngân hàng Đầu tư và phát triển, khách sạn... Chỉ cuối phố là số nhà 33, nay trở thành một bộ phận của Thông tấn xã Việt Nam, là trụ sở báo Thể thao Văn hoá và báo Tin tức Việt Nam. Chỗ này vốn cũng là một biệt thự. Con phố dài có trên nửa ki-lô-mét mà cũng không ít đổi thay.
Nguyễn Vinh Phúc
Theo Hà Nội ngàn năm. Số 80. Tháng 5/2010. Tr.14-15.

Số lượt người xem: 1552 Bản inQuay lại
Xem theo ngày Xem theo ngày