Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Phố phường Hà Nội Thứ Sáu, 25/06/2010, 12:30

Phố Mã Mây

Theo nhiều người Hà Nội thì cái tên phố Mã Mây vốn không phải là thế. Xưa kia có con đường Hàng Mã và Hàng Mây nối liền nhau, sau người ta gộp hai đường lại thành một phố gọi là Mã Mây. Tuy nhiên, chẳng có tài liệu ghi chép nào để xác minh.

            Phố phường Hà Nội xưa vốn chỉ có tên gọi do các cộng đồng dân cư tự đặt ra để chỉ nơi cư trú của mình, giống như tên làng, tên xóm. Nhà nước thừa nhận những tên gọi đó khi chia đơn vị hành chính để lập sổ thu thuế và thế là thành tên gọi chính thức. Đó là những tên chỉ các nghề thủ công hoặc các mặt hàng buôn bán của những người dân sống trong cùng một khu vực, chạy dọc theo những con đường. Do đó mà có các tên Hàng Đào, Hàng Bạc, Hàng Tre, Hàng Chĩnh… Có thể những tên đó được ghi trong sổ sách giấy tờ, nhưng trên đường phố thì không hề có biển tên.
 
            Sau khi người Pháp xuất hiện, phố xá Hà Nội đã có diện mạo của một thành phố hiện đại. Biển tên đường phố xuất hiện, và tên đường phố từ nay do chính quyền thành phố đặt. Với phố Mã Mây, vào những năm cuối thế kỷ 19, khi người Pháp vừa đặt chân tới, thì đó là khu vực cư trú của người Hoa, gồm cả một khu vực chạy từ Hàng Ngang sang Hàng Buồm, bao quanh cả các phố Hàng Giầy, Lương Ngọc Quyến ngày nay. Người Việt gọi những con đường đó là phố Khách. Cả khu vực này đều thuộc phường Hà Khẩu (cửa sông), tổng Đông Thọ, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức. Còn người Pháp gọi đoạn đường chạy qua phố Mã Mây ngày nay là phố Cờ Đen, có lẽ vì có một giai đoạn quân Cờ Đen đóng ở đấy khi vào thành Hà Nội.
 
Trải qua mấy chục năm dưới thời thuộc địa, phố Mã Mây đã có nhiều thay đổi, đấy không còn là đường phố của riêng người Hoa nữa, mà đã có nhiều người Việt đến làm ăn sinh sống. Tuy nhiên, người Hoa vẫn chiếm số đông ở hai con đường nối liền nhau là Hàng Buồm và Mã Mây. Chính ở cuối Hàng Buồm có Hội quán Quảng Đông của người Hoa và đền Bạch Mã của người Hoa cũng nằm liền kề phố Mã Mây. Đây vẫn là nơi có nhiều cửa hàng bán đồ song mây, vì nguyên liệu mây tre được thuyền bè chở từ miền ngược về đưa lên các bến sông Hồng gần đấy. Nhưng trong cuốn truyện trinh thám xuất bản vào những năm 1930, nhà văn Thế Lữ lại mô tả một sinh hoạt khác của phố Mã Mây như sau: “Qua phố hàng Buồm đế phố Mã Mây, qua một tiệm nhảy thưa người, qua một vài tiệm hút ở cách nhau không xa. Rồi đến một cái cổng lớn ở một đoạn đường vắng tanh và om tối…”
Ở một đoạn sau, tác giả cho biết thêm ngôi nhà sau cái cổng lớn đó cũng là một tiệm hút. Chỉ một đoạn đường ngắn mà đã có tiệm nhảy và nhiều tiệm hút thuốc phiện như vậy, thì có lẽ hoạt động chính của Mã Mây là nơi ăn chơi ban đêm. Điều đó cũng dễ hiểu, vì cả khu vực này, chạy từ giữa Hàng Buồm, sang Hàng Giầy, liền đến ngõ Sầm Công để dặp lại phố Mã Mây là khu vực của những hiệu ăn và rạp hát, hoạt động chủ yếu về đêm. Đấy là nơi ăn chơi của dân Hà thành xưa, và cũng là nơi gợi nguồn cảm hứng cho nhiều cuốn tiểu thuyết viết về “Hanoi by night”.
Ngày nay Mã Mây vẫn còn là một đường phố buôn bán sầm uất. Ở đây không có những mặt hàng thời thượng, mà phần lớn chỉ là những cửa hàng thường thường bậc trung: tạp hoá, thực phẩm, một vài khách sạn nhỏ, nhiều hàng ăn…, nhưng không khí sôi động của một Hà Nội tất bật hối hả đã thể hiện rõ trong cái bề bộn, nhếch nhác của thời mở cửa. Tuy nhiên, sự có mặt của ngôi nhà cổ, xây dựng từ cuối thế kỷ 19, đã được tu sửa lại từ năm 1999 làm nơi “bảo tồn tôn tạo phố cổ Hà Nội”, đã khiến cho con phố nhỏ này trở thành nơi tham quan của nhiều du khách. Đây là một dự án thực hiện với sự hợp tác của thành phố Toulouse (Pháp) và thành phố Hà Nội nhằm phục hồi một ngôi nhà mẫu truyền thống của Hà Nội xưa. Những ai đi qua đây đều ghé lại thăm ngôi nhà số 87 để biết được thế nào là một ngôi “nhà ống” của Hà Nội xưa.
Nếu không có đầu tư thích đáng thì làm sao có thể dựng lại cái không khí huyễn hoặc của một con phố gạch nối giữa Hà Nội xưa và Hà Nội nay.
            Theo Báo Người Hà Nội. Số cuối tuần (4/9/2009). Tr. 30-31.

Số lượt người xem: 1519 Bản inQuay lại
Xem theo ngày Xem theo ngày