Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
tintv Thứ Ba, 02/04/2019, 20:10

Ký sự: Hành trình về với vùng đất Đồng Tháp thân yêu

Dân gian ta thường có câu “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Câu nói đó đối với tôi thật đúng. Bởi sau chuyến đi thực tế tại tỉnh Đồng Tháp, được tham quan, tìm hiểu về vùng đất, con người và văn hóa nơi đây đã giúp tôi thêm hiểu và yêu hơn về mảnh đất này. Nơi đây có những địa danh nổi tiếng đã đi vào lịch sử dân tộc, nơi có những con người mà cả dân tộc nói chung, cả miền Nam nói riêng tôn vinh và thờ phượng, nơi có những công trình kiến trúc nghệ thuật đã đi vào lịch sử dân tộc, nơi có cả một làng hoa đẹp… thế mới nói có đi xa mới có nhiều trải nghiệm sống.

Tôi, một chuyên viên hiện đang công tác tại Thư viện tỉnh Đồng Nai, không có nhiều những chuyến đi xa để khám phá nhiều vùng đất mới lạ của dải đất hình chữ S. Chính vì vậy, mà khi được phổ biến về chuyến đi thực tế này, tôi vô cùng hào hứng và mong ngóng đến ngày được “xách va li lên và đi”.

Xuất phát từ Thư viện tỉnh Đồng Nai từ lúc 4 giờ sáng, mang trong mình sự tò mò, thích khám phá, đoàn cán bộ Thư viện chúng tôi lên xe theo sự hướng dẫn của em hướng dẫn viên du lịch. Trên xe ai cũng vui vẻ và hồ hởi, mong chờ những điều mới mẻ nơi vùng đất mà chúng tôi sắp sửa đặt chân đến.

Khi xe đi đến vùng đất Tiền Giang, trạm dừng chân đầu tiên mà đoàn chúng tôi ghé đến là Hủ tiếu 43 Mỹ Tho, nơi đây có những món đặc sản vùng miền mà không nơi nào có được, đó là hủ tíu. Đây là loại hủ tiếu do người Mỹ Tho chế biến, nguyên liệu chính là hủ tiếu khô, nước dùng chính là thịt bằm nhỏ, lòng heo nấu cùng xương tủy heo. Năm 2009, Hủ tiếu Mỹ Tho được Trung tâm Thương hiệu Việt, thuộc Hội liên hiệp Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, cấp giấy chứng nhận "Thương hiệu Việt". Quả như lời giới thiệu của em hướng dẫn đoàn, ai đi qua đây cũng không thể quên được hương vị của tô hủ tíu đặc trưng của xứ sở này.

Sau hơn 5 tiếng đồng hồ ngồi trên xe, chúng tôi đã đến được điểm hẹn đầu tiên đó là Thư viện tỉnh Đồng Tháp (đường Phạm Hữu Lầu, Phường 4, TP Cao Lãnh). Tại đây, chúng tôi được cán bộ của thư viện Đồng Tháp đón tiếp rất nhiệt tình, nồng hậu, được giới thiệu sơ lược về hoạt động của thư viện, hướng dẫn tham quan khuôn viên, phòng ốc làm việc, trao đổi, chia sẻ thông tin về kinh nghiệm công tác của 2 thư viện, tham khảo những mô hình hay, hiệu quả của đơn vị bạn. Hy vọng, đây sẽ là bước khởi đầu góp phần vào việc tăng cường mối quan hệ giữa hai thư viện, để cùng nhau thực hiện sứ mệnh đưa thư viện trở thành trung tâm thông tin, môi trường tự học, tự nghiên cứu cho mọi tầng lớp nhân dân… Sau 2 giờ tham quan học tập tại đây, chúng tôi tạm biệt Thư viện tỉnh Đồng Tháp trong sự quyến luyến và tiếp tục cuộc hành trình mới bắt đầu của mình nhưng không quên lưu lại những tấm ảnh đẹp thể hiện sự giao lưu, gắn kết giữa hai đơn vị.

Rời thư viện tỉnh Đồng Tháp, chúng tôi tiếp tục đến viếng thăm Khu di tích Cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (Tp. Cao Lãnh). Đây là công trình kiến trúc được xây dựng để ghi nhớ công ơn cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, nhà nho yêu nước và là thân phụ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khu di tích lưu giữ những giá trị lịch sử và văn hóa của Đồng Tháp nói riêng và khu vực đồng bằng Sông Cửu Long nói chung mang nét đẹp vừa hiện đại, vừa đậm chất lịch sử dân tộc. Tại đây, nổi bật nhất là vòm mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc với cánh sen bao bọc bởi chín đầu rồng tựa như hình một bàn tay úp xuống, tượng trưng cho nhân dân đồng bằng sông Cửu Long luôn đùm bọc, che chở và bảo vệ ngôi mộ người chí sĩ yêu nước… Bên cạch đó, khu di tích còn có phòng trưng bày giới thiệu về cuộc đời của cụ Nguyễn Sinh Sắc, cụ bà Hoàng Thị Loan và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong khuôn viên lăng mộ có cả mô hình nhà sàn của Bác Hồ ở Hà Nội, nhiều loại cây cảnh, hoa quả do nhân dân khắp mọi miền đất nước khi ghé thăm đã gieo trồng, trong đó đặc biệt là cây khế gần 300 tuổi được trồng nằm bên trái mộ và cây sộp hơn 300 tuổi nằm bên phải mộ cụ phó bảng...

Sau bữa trưa, chúng tôi về nhận phòng nghỉ ngơi tại khách sạn Hương Sen - Tp. Cao Lãnh để chuẩn bị cho điểm đến tiếp theo của cuộc hành trình là Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê, thành phố Sa Đéc - ngôi nhà cổ nổi tiếng gắn với tên tuổi của bộ phim Người tình.  

Tại đây, chúng tôi được anh hướng dẫn viên ngôi nhà giới thiệu sơ qua tiểu sử của ngôi nhà, về thân thế và chuyện tình của ông Huỳnh Thủy Lê, hoàn cảnh ra đời của bộ phim Người tình. Ngôi nhà vốn là nơi ở của gia đình ông Huỳnh Thủy Lê – là người tình đầu tiên của nữ văn sĩ người Pháp, Marguerite Duras. Mối tình này về sau trở thành hồi ký để bà viết nên tiểu thuyết nổi tiếng Người tình (The Lover) năm 1984. Tác phẩm này được đạo diễn người Pháp Jean-Jaques Annaud chuyển thể thành phim L’Amant năm 1992.

Được biết, nhà cổ Huỳnh Thủy Lê là sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc phương Đông và phương Tây (Pháp – Hoa – Việt). Toàn bộ ngôi nhà được xây dựng theo kiểu nhà truyền thống người Việt, mái lợp ngói âm dương, hai bên đầu hồi cong vút hình thuyền theo kiểu đình chùa Bắc bộ. Kiến trúc bên trong nhà cao ráo thoáng mát, tường được xây bằng gạch đặc rất dày bao lấy kết cấu khung gỗ làm tăng khả năng chịu lực theo lối kiến trúc truyền thống của Pháp. Nhà có ba gian, trang trí bên trong theo kiểu người Hoa…

Thoạt nhìn đầu tiên, tôi ngạc nhiên vì sự thiết kế đáng lạ của ngôi nhà, ba gian trước của ngôi nhà, nền gạch dốc trũng xuống giữa nền. Giải thích sự kỳ lạ này, anh hướng dẫn viên nói rằng đây là chủ ý của chủ nhà, vì theo người Hoa lát gạch trũng ở giữa các gian nhà thể hiện sự tích tụ của cải và là phong thủy của họ. Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê đã được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh và sau đó được công nhận là di tích cấp quốc gia. Ngôi nhà được con của ông Huỳnh Thủy Lê hiến tặng cho nhà nước. Từ đó, chính quyền địa phương đã tu sửa và làm dịch vụ đến nay. Đây cũng là điểm du lịch hấp dẫn dành cho du khách mỗi khi đặt chân đến đất Đồng Tháp này.

Tham quan Nhà cổ xong, chúng tôi lại tiếp tục đến với Làng hoa Sa Đéc. Nằm trong xã Tân Qui Đông, Sa Đéc, bên bờ sông Tiền quanh năm lộng gió, màu mỡ phù sa, là xứ sở của hàng trăm loài kỳ hoa dị thảo, Làng hoa Sa Đéc được mệnh danh là "thành phố hoa Đà Lạt của miền Tây".

Đến làng hoa kiểng Sa Đéc, chúng tôi được chiêm ngưỡng cảnh đẹp với muôn loài hoa khoe sắc. Được ngắm hoa, trải nghiệm đi qua cầu khỉ, đu dây trên sông, leo lên cột mốc, đứng trên các tiểu cảnh như: cầu hình chữ S, các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, đi trên cầu tình yêu, cầu chung tình... cảm giác thật thú vị, cảnh sông nước mát mẻ, lâng lâng, nên thơ tạo cho con người vương vấn không muốn rời chân.

Kết thúc ngày đầu tiên tham quan, chúng tôi được thưởng thức ẩm thực đặc sản của Đồng Tháp: gỏi bông điên điển tép rang, cá linh chiên giòn, canh chua cá linh bông súng, rau luộc chấm cá lòng tong kho tộ… ẩm thực đậm chất sông nước miền Tây, ai cũng cảm thấy ngon miệng, mát lòng.

Ngày thứ hai của chúng tôi bắt đầu từ rất sớm, thức dậy ăn sáng và chuẩn bị hành trang cho một ngày trải nghiệm cuối cùng của chuyến hành trình đầy thú vị này. Phải mất gần 1 tiếng đồng hồ, chúng tôi mới đến được Khu di tích Xẻo Quýt (nằm cách trung tâm thành phố Cao Lãnh khoảng 30km, trên địa bàn hai xã Mỹ Long và Mỹ Hiệp). Khi xưa, Xẻo Quýt là vùng đầm lầy hoang vu cỏ dại, kênh rạch chằng chịt, lau sậy mịt mùng nên trong khoảng thời gian 1960-1975 đã được lực lượng cách mạng chọn làm căn cứ chiến lược để lãnh đạo nhân dân kháng chiến. Giờ đây, Xẻo Quýt không chỉ là khu di tích lịch sử mà còn là một trong những điểm du lịch về nguồn độc đáo, để lại nhiều ấn tượng đẹp đẽ trong lòng du khách.

Theo sự hướng dẫn của Ban Quản lý khu di tích, có hai phương tiện để di chuyển tham quan: Một là, len lỏi dưới những tán cây rừng, du khách có thể đi bộ theo con đường độc đạo trong khu di tích. Hai là, trải nghiệm cảm giác sông nước miền Tây, bằng cách ngồi thuyền ba lá, chầm chậm len theo các con lạch nhỏ để khám phá toàn bộ khu di tích này. Đoàn chúng tôi đã chọn trải nghiệm bằng phương tiện thứ hai.

Ngồi trên thuyền ba lá chòng chành rẽ nước, tôi được tận mắt khám phá một môi trường sinh thái đa dạng nhiều loài thực vật phong phú, có nhiều cây lớn có tuổi đời vài trăm tuổi, xen kẽ đó là những loại cây dây leo quấn quanh thân cây, trông nhưng những con rắn khổng lồ. Thuyền chúng tôi len lỏi qua từng vách cây mọc sừng sững giữa lòng con rạch. Trên bờ là những căn hầm chỉ huy của bộ đội ta tự đào để hoạt động cách mạng,… Sau những giây phút được trải nghiệm trên chiếc thuyền ba lá, chúng tôi lên bờ và đi vào bên trong tham quan một số khu bán hàng lưu niệm, một số làng nghề truyền thống,… bất chợt một hồ sen rộng lớn toàn là sen hiện ra trước mắt, có những lá sen to bằng chiếc nia lớn, trông thật đẹp và lạ. Phong cảnh ở đây thật hoang sơ, mang đậm nét dân dã miền sông nước, mang lại cho con người cảm giác thư giãn như trở về thuở xa xưa của đất rừng phương Nam… Buổi trưa, đoàn chúng tôi được thưởng thức những món ăn dân dã như: cơm gạo lứt hạt sen, canh lươn, cá lóc nướng cuốn bánh tráng… giải khát bằng nước hạt sen nấu. Tất cả những món ăn đều rất ngon và lạ như muốn níu giữ chân tôi dù chỉ một lần qua đây.

Trong suốt hành trình về thăm mảnh đất Đồng Tháp, một điểm đặc biệt dễ nhận ra nhất đó là hoa sen, ở đâu cũng có sen, sen trồng cảnh, sen trồng trong đầm, sen trồng dưới ao và trong cả hồ nước. Đúng là không hổ danh “Tháp Mười đẹp nhất bông sen” chính vì vậy trong cả ẩm thực sen cũng được phổ biến trong các món ăn như, cơm gạo lứt, trà tâm sen, chè hạt sen, nước uống sen… Do đó, nếu bạn đến với Đồng Tháp, quà đặc sản đầu tiên mà bạn muốn mua về đó là hạt sen...

Tuy chuyến đi thật ngắn ngủi, nhưng đối với đoàn nói chung, bản thân tôi nói riêng đã tích lũy thêm được nhiều kiến thức về vùng đất miền Tây sông nước này. Được nghe giới thiệu về con người và mảnh đất này, được tận mắt nhìn thấy cảnh đẹp nơi đây. Một điều tôi muốn nhắn nhủ rằng, những ai chưa đặt chân đến xứ sở của hoa sen này, thì hãy đến đây để chiêm ngưỡng cảnh đẹp thơ mộng khó cưỡng lại được, ở đó có những con người vừa đẹp lại thân thương, bên cạnh đó được thưởng thức những món ăn ngon, dân dã, trải nghiệm cảnh sông nước mênh mông, đi qua những cây cầu khỉ chênh vênh, lắc lẻo tuy nhìn thôi đã thoáng thấy lo sợ, nhưng bạn sẽ dần quen và có khi lại “ghiền” như tôi đó chứ…

Xin gửi lời cảm ơn chân thành đến Ban Giám đốc Thư viện tỉnh Đồng Nai đã tạo điều kiện để tôi có những trải nghiệm thật đáng nhớ này.

 

Đinh Nhài

 

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 407 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày