Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
tintv Thứ Tư, 13/04/2022, 18:35

Một số hình thức tuyên truyền giới thiệu sách hiệu quả trong hệ thống thư viện công cộng

Trong hoạt động thư viện, song song với nhiệm vụ thu thập, lưu trữ, tổ chức khai thác và phục vụ tài liệu thì tuyên truyền giới thiệu sách được xem nhiệm vụ vô cùng quan trọng và ý nghĩa. Đây là một hoạt động nghiệp vụ, là cầu nối giữa thư viện với bạn đọc, giúp cho thư viện thực hiện chức năng định hướng, dẫn dắt việc đọc và góp phần quan trọng trong việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.

 Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của công nghệ 4.0, các phương tiện truyền thông nghe nhìn, sách số ngày càng đa dạng và phong phú đang dần lấn át sách giấy. Vậy làm sao để bạn đọc biết đến sách, báo của thư viện ngày càng nhiều hơn? Làm sao để những tài liệu hay, giá trị được phổ biến rộng rãi trong cộng đồng. Làm tốt công tác tuyên truyền, giới thiệu sách sẽ góp phần giúp bạn đọc trong việc định hướng đọc sách một cách hiệu quả và thiết thực.

Nhân kỷ niệm Ngày sách và Văn hóa đọc năm 2022, xin được chia sẻ về một số hình thức tuyên truyền giới thiệu sách đã được áp dụng hiệu quả trong hệ thống thư viện công cộng hiện nay.

* Một số hình thức và kỹ năng tuyên truyền, giới thiệu sách

- Tuyên truyền miệng:

Đây là hình thức diễn giải, sử dụng ngôn ngữ nói để thông tin cụ thể, giải thích, giới thiệu về tài liệu trên cơ sở hướng người nghe nhận biết được nội dung, giá trị của tài liệu, từ đó xem xét tài liệu đó có phù hợp với mình hay không. Nói cách khác định hướng cho bạn đọc lựa chọn tài liệu.

Tuyên truyền miệng có sức thuyết phục cao, vì nó dễ diễn đạt được đầy đủ nội dung tài liệu cũng như những ý kiến đánh giá về tác phẩm. Người giới thiệu có thể tùy theo đối tượng người nghe để điều chỉnh nội dung cũng như phương thức truyền tải cho phù hợp.

+ Nói chuyện, kể sách: Một người kể cho nhiều người nghe, trong đó người kể thuật lại nội dung hoặc kể theo nguyên văn trong sách. Người nghe nhận thức được nội dung và chủ đề tư tưởng của tác phẩm thông qua sự thụ cảm bằng tai mình và giọng nói diễn cảm của người kể. Kể sách là hình thức tuyên truyền đơn giản, dễ thực hiện, tính linh hoạt cao, phù hợp với lứa tuổi thiếu niên và người cao tuổi, nhưng lại có sức thuyết phục, sức hấp dẫn mạnh mẽ vì nó tác động trực tiếp vào tình cảm người nghe. Tùy thuộc vào đối tượng nghe, cán bộ thư viện lựa chọn những truyện ngắn, những bài học tâm lý qua các câu chuyện tình huống, truyện cổ tích... đặc sắc hoặc những thông tin trên báo chí... Việc đọc không nên kéo dài quá 30 phút.

             Hình thức này thường được áp dụng cho các em thiếu nhi. Kể chuyện theo sách nhằm giúp các em rèn luyện kỹ năng đọc, kỹ năng nhớ, kỹ năng sử dụng ngôn ngữ. Đây cũng là hình thức giáo dục nhân cách, đạo đức, kỹ năng sống... một cách nhẹ nhàng, tự nhiên; tạo thói quen làm việc theo nhóm cho các em.

             + Điểm sách: Là hình thức giới thiệu một số sách có cùng chung đặc điểm, như: sách mới bổ sung của một nhà xuất bản; sách có cùng chung chủ đề, của cùng một tác giả... số lượng tối thiểu là 2 - 3 cuốn, tối đa là 5 - 6 cuốn.

             Điểm sách chủ yếu là giới thiệu nội dung cơ bản, điểm đặc trưng của từng cuốn sách để thu hút được người nghe. Yêu cầu bài giới thiệu phải có tính trình tự logic và giữa phần giới thiệu mỗi cuốn sách cần có câu nối, chuyển tiếp cho bài giới thiệu được liền mạch.

 

 

             + Giao lưu tác giả - tác phẩm:

             Đây là hình thức giới thiệu các tác phẩm của một hoặc hai, ba tác giả mà diễn giả chính là các tác giả. Hình thức tuyên truyền này đòi hỏi sự chuẩn bị rất công phu, trình độ và khả năng diễn thuyết của người dẫn chương trình, người nói và cả người nghe, nhưng hiệu quả tuyên truyền rất sâu rộng. Nó thuyết phục người nghe bởi “người thật, việc thật”.

     Thông qua các buổi nói chuyện giới thiệu sách, thư viện sẽ đem đến cho bạn đọc những tác phẩm có giá trị và góp phần dẫn dắt dư luận bạn đọc đối với tác phẩm và nhà văn. Giúp bạn đọc tìm đến tác phẩm nhiều hơn và đọc có suy ngẫm có chính kiến hơn.

 

 

              - Tuyên truyền trực quan

     Đây là phương pháp tuyên truyền thông qua sự cảm thụ bằng mắt, phù hợp với quá trình nhận thức của con người (từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng), giúp bạn đọc nhận thức nhanh và nhớ lâu, kích thích hứng thú đọc, nên được các thư viện thường xuyên áp dụng. Trưng bày sách, báo là hình thức tuyên truyền trực quan được áp dụng phổ biến và được thực hiện bằng cách trưng bày trực tiếp sách, báo cùng những hình ảnh và lời giới thiệu ngắn thể hiện nội dung.

Hình thức trưng bày này giúp người đọc có điều kiện tiếp xúc trực tiếp với sách báo, tránh được tâm lý cần tài liệu nhưng ngại tìm, ngại hỏi. Việc trưng bày đơn giản, ít tốn công, không tiêu hao kinh phí. Đây là hình thức trang trí, làm cho thư viện thêm sinh động và hấp dẫn. Nhân những ngày lễ, sự kiện lớn của đất nước, địa phương các thư viện thường tổ chức triển lãm sách, báo. Đây thực chất cũng là hình thức trưng bày nhưng quy mô lớn hơn, số lượng tài liệu nhiều hơn, được chuẩn bị tỷ mỉ chu đáo hơn và đòi hỏi có kinh phí tổ chức. Sách, báo của triển lãm thường được trưng bày trong không gian lớn, được bài trí hoành tráng và được tuyên truyền, quảng cáo rầm rộ bằng các pano, áp phích, biểu ngữ và đặc biệt là các phương tiện thông tin đại chúng. Để các cuộc triển lãm sách báo sinh động hấp dẫn, các thư viện thường kết hợp việc trưng bày các ấn phẩm với việc sử dụng công nghệ thông tin và các phương tiện nghe nhìn như các cơ sở dữ liệu, dữ kiện có âm thanh, hình ảnh, các băng đĩa chuyên đề…

 

 

Ngoài ra thư viện còn kết hợp làm các bảng pano, áp phích có hình ảnh các cuốn sách để tuyên truyền các ngày lễ lớn, các sự kiện kỷ niệm. Đồng thời, xếp sách mô hình, sách nghệ thuật theo các chủ đ tạo sự mới lạ, sáng tạo truyền tải những thông điệp bổ ích đến người xem.

Một số hình thức tuyên truyền giới thiệu sách khác

Tuyên truyền giới thiệu sách trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội

 Đây là hình thức giới thiệu những bài viết, video-clip trình bày cảm nhận về những cuốn sách hay để giới thiệu đến cho bạn đọc đăng tải trên các trang website, trang mạng xã hội. Bên cạnh đó, sử dụng báo hình để truyền tải thông điệp của những cuốn sách hay. Ví dụ như: Chương trình mỗi ngày một cuốn sách hay chuyên mục Văn hoá đọc...

- Tuyên truyền giới thiệu sách dưới hình thức sân khấu hóa: 

Hình thức này đòi hỏi cán bộ thư viện phải hiểu biết sâu hơn, đầu tư công sức và kinh phí nhiều hơn, phải có kịch bản chặt chẽ, có người dẫn chương trình và có nhân vật giao lưu. Để tổ chức được những cuộc giao lưu này ngoài việc phải xác định rõ chủ đề giao lưu, và các tác phẩm tiêu biểu còn phải tìm ra các nhân vật, các tình tiết làm nổi bật chủ đề. Tiếp đó là phải xây dựng được kịch bản tốt – khâu then chốt quyết định sự thành bại của buổi tuyên truyền.

 

 

Hội thi tuyên truyền giới thiệu sách: Đây cũng là hình thức tuyên truyền miệng hấp dẫn được các thư viện áp dụng. Hình thức tuyên truyền này thường được tổ chức dưới dạng sân khấu hóa gồm ba phần: chào hỏi, tuyên truyền giới thiệu sáchthi năng khiếu.

Để tổ chức hội thi này thì cần phải thành lập các đội thi. Tiếp đó, các đội thi phải lựa chọn một hoặc một chùm tác phẩm hay theo một chủ đề nhất định để giới thiệu... Hình thức tuyên truyền này rất lý thú bởi nó tạo cho bạn đọc cảm giác không những đang xem một cuộc trình diễn nghệ thuật mà còn được trực tiếp cảm nhận được tác phẩm sống động qua cách diễn suất. Thêm vào đó bạn đọc còn luôn bị cuốn hút vào màn tuyên truyền trên sân khấu, bởi tâm lý ủng hộ cho đội mình thích. Hình thức tuyên truyền này là một buổi giao lưu sinh hoạt văn hóa ý nghĩa và bổ ích. Đồng thời, rèn luyện khả năng tuyên truyền cho cán bộ thư viện, giới thiệu sâu rộng hơn những cuốn sách hay, sách tốt để nâng cao văn hóa đọc.

 

 

Về kỹ năng tuyên truyền, thì người giới thiệu sách bắt buộc phải đọc nhiều lần tác phẩm mình muốn giới thiệu, phải “ngấm” được cái hồn của tác phẩm. Điều này giúp người giới thiệu có cảm xúc thật khi nói, không bị “diễn” và làm chủ được sân khấu. Người giới thiệu cần có khả năng biểu cảm, giọng nói truyền cảm và duyên sân khấu (sẽ cuốn hút được người nghe, hiệu quả tuyên truyền sẽ cao hơn), như: Đứng và di chuyển trên sân khấu; Sử dụng tiết tấu kể nhanh, chậm, tông giọng cao thấp cho phù hợp với ngữ cảnh; Thêm sắc thái cho từ ngữ; Chỉnh giọng nói phù hợp với nhân vật (lứa tuổi, tính cách...). Cần tạo khoảng dừng cho từng đoạn của câu chuyện, tránh giọng kể đều đều, điệu quá hay cường điệu quá cũng sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả tuyên truyền.

Như vậy, trong tuyên truyền giới thiệu sách, vấn đề mấu chốt là phải chọn đúng các tác phẩm và chủ đề sao cho các tác phẩm được giới thiệu phải thực sự là các tác phẩm có giá trị và chủ đề được chọn phải là các chủ đề được quan tâm thì mới thu hút được sự chú ý của bạn đọc. Điều này đòi hỏi sự nhạy bén, hiểu biết sâu rộng, lòng say mê đọc và khả năng thẩm định giá trị tác phẩm của người làm công tác tuyên truyền. Một điều nên tránh đó là bệnh làm hình thức: “làm cho có”. Phải làm sao để “làm cho hay”, “Làm cho hấp dẫn”. Muốn vậy phải biết chọn các hình thức tuyên truyền phù hợp với yêu cầu tuyên truyền, nội dung tác phẩm và đối tượng tuyên truyền.

Nhận thức đúng và làm tốt công tác tuyên truyền giới thiệu sách, sẽ giúp các thư viện nói chung và hệ thống thư viện công cộng nói riêng phát triển không ngừng, góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ giáo dục chính trị, bồi dưỡng kiến thức cho bạn đọc, làm tốt chức năng gìn giữ và phát triển văn hóa đọc của nước nhàphục vụ công cuộc xây dựng quê hương giàu mạnh./.

Đinh Nhài

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 855 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày