Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Văn Hóa Các Dân Tộc Đồng Nai Thứ Sáu, 02/03/2018, 15:20

Cây Nêu - Nghệ thuật tạo hình độc đáo của đồng bào Chơ ro ở tỉnh Đồng Nai

 

Có thể nói, nghệ thuật tạo hình, trang trí của đồng bào Chơ ro rất phong phú và sáng tạo. Người Chơ ro tạo hình ở nhiều nơi như: kiến trúc nhà, trên bàn thờ tổ tiên, vật dụng dùng trong sinh hoạt: gùi, thổ cẩm,… Đặc biệt, nghệ thuật tạo hình thể hiện tính độc đáo và đa dạng nhất của người Chơ ro là trên cây Nêu trong lễ cúng thần Lúa.
Người Chơ ro tại xã Phú Lý huyện Vĩnh Cửu khi cúng thần Lúa làm cây nêu khá lớn. Cây Nêu được làm từ cây vàng nghệ - một loại cây trong rừng, có thân suông, thẳng. Đặc biệt, loại cây này khi bào vỏ thì có màu vàng nghệ rất đẹp. Khi chặt cây vàng nghệ đem về, người Chơ ro chọn phần suông, thẳng để làm cây Nêu. Thường thì đoạn gốc dài trở lên khoảng 5 mét. Người Chơ ro đặt cây vàng nghệ với phần gốc chạm đất và phần ngọn cao lên vừa tầm người làm qua một chạng đỡ có hai cây bắt chéo nhau. Thân cây vàng nghệ được bào nhẵn bốn phía, phía gốc to và thon dần lên phía ngọn.
Trang trí trên thân cây Nêu: Khi thân cây vàng nghệ được bào nhẵn, người Chơ ro dùng vôi và củ nghệ tươi bôi đều từ gốc đến ngọn. Thân cây thấm nước vôi và màu vàng của nghệ tạo cho cây có màu vàng tươi thêm và giữ được màu sắc trong thời gian dài.
Người Chơ ro dùng lá buông khô, tước đi những gân lá để buộc vào thân cây vàng nghệ. Cách quấn theo hình chéo nhau từ dưới gốc lên đến ngọn, tạo những khoảng trắng hình thoi đổi xứng, uốn theo thân cây. Khi buộc lá buông thì chừa đoạn gốc khoảng 1 mét.
Sau đó, người Chơ ro dùng đèn dầu chai. Những cục nhựa từ cây dầu chảy ra, khô lại được người Chơ ro quấn trong lớp lá dứa tạo thành khối hình ống tròn. Đòn dầu chai được đốt lên cho khói rất nhiều. Người Chơ ro hơ vào thân cây từ gốc lên ngọn và phải trải qua một thời gian rất dài. Đây là công đoạn làm khá tỉ mỉ để giữ cho thân cây có một màu khói ươm vào đều khắp.
Khi hun khói xong thì người Chơ ro gỡ lớp lá buông quấn ra. Những nơi trên thân cây vàng nghệ có lá buông quấn sẽ tạo thành nếp sáng giữ màu so với những mảng đen bị khói hun ám vào. Thân cây vàng nghệ có đường nét hoa văn với các hình thoi đen và đường dây trắng liên tục nối chéo nhau.
Trang trí trên ngọn của cây Nêu: Người Chơ ro làm một giỏ hình cái phểu. Để làm giỏ này, người Chơ ro dùng mây buộc chặt một phần của ngọn (cách ngọn khoảng 2 tấc) và chẻ từ ngọn xuống chỗ buộc làm 8 phần rồi nẻ ra. Sau đó, chọn thêm 10 thẻ tre bàng nhau tạo thành hình cái giỏ có 18 phần thẻ bằng nhau. Các thẻ này được bện kết với nhau bằng lạt mây rừng. Từ chỗ buộc dây tạo dáng hình phểu được mở rộng dần lên tạo thành một cái giỏ lớn. Trên vành miệng giỏ, người Chơ ro trang trí 36 chùm tia. Các chùm tia này làm từ cây vàng nghệ. Ban đầu người Chơ ro chặt từng đoạn thẳng bằng nhau được bào vỏ khá kỹ càng. Đoạn cây gỗ vàng nghệ hình chữ nhật. Một đầu đoạn cây gỗ giữ nguyên làm gốc. Người Chơ ro dùng dao côi chẻ tia từ đầu ngọn vào tạo nên một chùm tia với các lát dát mỏng hình vòng cung xoắn đều. Các chùm tia được gắn vào phần gốc trên vành giỏ, chùm tia tỏa xuống phía dưới và ra bốn bên đều nhau tạo hình bông lúa lớn rất đẹp.
Từ tâm chính của giỏ buộc một đoạn cây tre ngắn cao vượt lên vành giỏ khoảng 40 tấc. Trên đoạn tre này buộc một khoanh bông gòn và trên cùng là chùm lúa chín, nhiều hạt. Trên vành miệng giỏ người Chơ ro trang trí 4 tia hơi ngả ra phía ngoài, đối xứng với qua đoạn cây tre cột chùm lúa chín. Các tia này cũng làm từ thân cây vàng nghệ. Trên thân các tia mỗi đoạn được vạt dồn những dăm bào xoắn dính liền từng nấc cho đến phần ngọn. Đầu hai tia cột một ít lông gà và hai tia còn lại buộc mỗi tia hai dát bông bào mỏng, dài của thân cây vàng nghệ tượng trưng cho lông đuôi của chim chèo bẽo. Từ 4 tia này được cốt nối kết bằng các sợi chỉ qua lại đan xen nhau và trên các sợi chỉ gắn trang trí những cục bông gòn nhỏ.
Từ ngọn cây nêu trở xuống khoảng 6 tấc, người Chơ ro đục bốn lỗ vào thân cây. Tại bón lỗ này đạt vào bốn thẻ nêm bằng nhau, từ thân cây chính đối xứng ra bốn hướng. Các thẻ nêm cũng làm từ cây vàng nghệ, mỗi thẻ dài khoảng 2 tấc và rộng khoảng 0,5 tấc. Trên các miếng thẻ nên phía đầu ngoài có khoét sẵn một lỗ tròn nhỏ. Bốn lỗ trên thẻ nêm dùng để gắn bốn cây nêu nhỏ. Từ chỗ các thẻ nêm phía trên xuống phía dưới thân cây khoảng 6 tấc có thêm bốn lỗ đục âm vào thân cây. Tại đây cũng gắn các thẻ nêm như phần phía trên nhưng các thẻ nêm có kích cỡ to hơn.
Trên các thẻ nêm trên toàn thân cây Nêu có 8 cây Nhang nhỏ. Những cây Nhang nhỏ này cũng được làm từ cây vàng nghệ. Cách thức làm cây Nhang nhỏ và cách trang trí trên nó cũng giống như làm cây nêu lớn nhưng kích cỡ nhỏ hơn. Mỗi cây nêu nhỏ dài khoảng 1 mét. Cây Nhang nhỏ chỉ có phần giỏ phía trên và thân dài nhọn đầu dần về phía gốc, hoa văn được tạo hình như cây Nêu. Các phần bài trí trên cây Nêu nhỏ tuân thủ theo số chẵn, như: 8 thanh làm giỏ, 14 hay 16 chùm tia và 4 tia trên vành. Điều khác biệt so với cây Nêu chính là trên các giỏ cây Nhang nhỏ không có gắn chùm bông lúa. Các cây Nhang nhỏ được gắn vào các nêm chốt có phần ngọn đưa lên 1 phần và 2 phần gốc hướng về gốc cây Nêu chính. Từ các phần gốc câyNhang nhỏ buộc những lát thân cây vàng nghệ dài, xoắn, dát mỏng thả xuống; phía trên thân và đuôi các lát dát mỏng buộc các nếp bông gòn nhỏ.
Khi cây Nêu được làm xong, người chủ nhà khấn Yang và cho trai làng dựng cây nêu trước khoảng sân nhà sàn. Tại chỗ dựng gốc Nêu chôn một đoạn gốc có chạng chĩa làm đôi đe giữ và buộc dây mây vào khoảng gốc khoảng 5 tấc.
Cây nêu có ba tầng nấc chính. Trên cao là chùm lúa nhiều hạt vươn lên với vai trò chủ thể cúng của người Chơ ro. Hai tầng nấc cây Nêu nhỏ trên thân cây Nêu chính tượng trưng cho thần linh và tổ tiên. Cây Nêu được dựng lên như một nghi thức có tính chất trình báo về lễ cúng mà người Chơ ro quan niệm đến các thần linh, tổ tiên. Cây Nêu là biếu hiện sự giao cảm, giao hoà giữa con người Chơ ro với thần linh, với tổ tiên.
Người Chơ ro ở xã Phước Bình, phía nam huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, làm cây Nêu có những chi tiết khá độc đáo. Thân cây Nêu làm từ cây tre nhưng tạo dáng bông rọ tròn một phía đầu. Ngọn tre được chẻ ra và liên kết bởi các lạt tre hoặc mây mỏng. Từ bông rọ này có hai tia tre dài cân đối nhau, tỏa ra hai phía và thỏng xuống dưới. Trên các mắt tre ở hai tia tạo dáng trang trí bằng các dăm tre được dát vuốt mỏng đối xứng. Vì vậy, khi tia tre thỏng xuống thì các dăm tre bồng lên tạo hình bông hoa đang nở. Bông rọ trên cây Nêu được chưng các lễ vật cúng của trong lễ hội như bánh dày, xôi hấp, thịt gà.. phía dưới gốc Nêu được cắm vào sóp đựng lúa. Cây Nêu được để trong ngay tại bàn thờ chính trên nhà sàn trong suốt thời gian người Chơ ro thực hiện các nghi lễ cúng mừng thần lúa. Riêng tại sân sinh hoạt cộng đồng, người Chơ ro làm một cây Nêu lớn. Cây Nêu cao với phần đầu buộc toả ra hình chiếc bông lúa. Phía dưới gần kề buộc một nhóm lá cây rừng toả ra bốn bên. Phía dưới gốc để những ché rượu cần. Xung quanh cây Nêu sẽ diễn ra những trò chơi sinh hoạt thể thao hoặc tấu những nhạc cụ của cộng đồng người Chơ ro.
Người Chơ ro địa bàn xã Túc Trưng, huyện Định Quán làm cây Nêu khá đơn giản. Thân Nêu làm từ cây tre và được chẻ cân đối những thẻ ở hai đầu. Từ những thẻ tre này được nông thành vành lớn dần ra phía ngoài. Những thẻ tre tạo vòng tròn được nối buộc bởi những lạt dây mây tạo thế liên kết, hình thành như cái loa rọ. Người Chơ ro xem đó là cách thể hiện hình thức tượng trưng sinh sôi, nảy nở của những bông lúa nhiều hạt. Cây Nêu được sử dụng nhiều trong các hoạt động của hệ thống nghi thức trong lễ cúng.
Cây Nêu được già làng đem trình cúng trước bàn thờ chính trên nhà sàn. Sau đó, khi đi rước các lễ vật cúng, người già làng dẫn đầu đọàn rước với cây Nêu trên tay đến nơi các gia chủ dâng lễ vật như rượu cần, bánh hay thịt vật tế... để rước về nơi bàn thờ chính. Mồi lần đi rước lễ vật thì một người cầm cây nêu đi trước, tiếp theo sau là đoàn người dùng nhạc khí cụ và cộng đồng. Khi đoàn rước lễ vật cúng thì những người Chơ ro sử dụng nhạc khí cụ tấu lên những bài cồng chiêng dùng trong lễ hội. Cây Nêu được để ngay bên bàn thờ chính trong suốt quá trình cúng trên nhà sàn chính. Sau buổi cùng, cây nêu được đem đến phần sân người Chơ ro cùng tham gia sinh hoạt cộng đồng.
Nét đặc trưng trong văn hóa của người Chơ ro được thể hiện rất cụ thể và rõ nét trên nhiều lĩnh vực nghệ thuật, văn học, tín ngưỡng dân gian,… Góp thêm sắc màu làm sinh động văn hóa của tỉnh Đồng Nai nói riêng và của dân tộc Việt Nam nói chung. Thế hệ trẻ của đồng bào thêm phần tự hào và luôn cố gắng giữ gìn, phát huy nét đẹp truyền thống trong văn hóa của dân tộc mình.
Đào Thanh
 

 


Số lượt người xem: 691 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày