Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Văn Hóa Các Dân Tộc Đồng Nai Thứ Tư, 07/03/2018, 08:40

Quan niệm dân gian về vũ trụ của người Mường

Người Mường di cư vào Nam từ sau năm 1954 và một số ít đã định cư tại Đồng Nai nhưng tập trung nhiều ở huyện Định Quán. Khởi nguồn từ xa xưa, Người Mường đã theo thói quen cư trú chủ yếu ở các vùng thung lũng, ven các con sông con suối hay những dải đồi thấp ven núi ở phía Bắc Việt Nam, vì vậy từ xưa tới nay, cư dân Mường sống bằng nghề nông nghiệp, trồng lúa và kết hợp làm nương rẫy. Bản làng được tập trung ở chân núi với hướng nhà nhìn ra cánh đồng hay dòng suối. Đối diện cuộc sống nơi núi cao hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt, họ càng cần nhiều hơn niềm tin tâm linh, làm chỗ dựa để vượt qua những khó khăn. Chính vì điều kiện cư trú như vậy, nên nền văn hóa Mường mang đậm nét bản địa, bó gọn lại trong các Mường và lưu truyền nó qua cuộc sống hàng ngày trong từng nếp ăn, nếp nghĩ cũng từ đó mà hình thành một nền văn hóa hết sức giản dị, mộc mạc mà độc đáo trong đó thể hiện rõ nhất quan niệm dân gian về vũ trụ của người Mường.

Sử thi của người Mường: Khi nói đến di sản văn hóa truyền thống của người Mường thì ngoài cồng chiên không thể không kể đến diễn xướng dân gian, trong đó có Mo, Trượng, Mỡi. Nằm trong hệ thống phong tục, nghi lễ của dân tộc Mường, ngoài ông Mo còn có ông Trượng và bà Mỡi (hay ông Mỡi), những người này có địa vị tôn quý thực hiện việc diễn xướng sử thi trong các nghi lễ. Tuy trong cách sử dụng và lưu truyền có khác nhau về hình thức, nhưng cơ bản có sự tương đồng về mục đích và ý nghĩa, theo đó ta có thể hiểu Mo là một loại hình diễn xướng sử thi của dân tộc Mường. Người Mường lưu giữ các thần thoại, huyền tích và trường ca “Đẻ đất đẻ nước” chủ yếu bằng con đường truyền miệng và diễn xướng sử thi thường diễn ra trong các nghi lễ của đồng bào. Đó là tín ngưỡng bắt nguồn từ mong ước đời sống yên bình, làm ăn phát triển trong sản xuất nông nghiệp nên thường vào các ngày lễ hội đình trong lời khấn vái của mình, các ông Mo, Trượng đã thay mặt nhân dân Mường nói lên ý muốn của họ với các thần linh để mong họ phù hộ.

Theo sử thi thần thoại Đẻ đất đẻ nước thì từ thời xa xưa đất, nước còn liền nhau, bỗng một hôm gió cuốn đất cát, làm cho trời đất tách thành ông Trời, bà Đất. Lúc đó các loài sinh vật rất khó tồn tại, duy chỉ có một loại cây dẻo dai nhất đã mọc, đó là cây Si – cây vũ trụ đầu tiên, là biểu tượng linh hồn đất, nước, con người trong không gian bé nhỏ của người khai thiên lập địa xa xưa ấy. Cây cổ thụ khai sinh muôn loài, các cây si con cũng mọc làm biểu tượng cho các lớp thế hệ về sau, do đó người Mường dần sinh sôi phát triển thành cộng đồng dân tộc Mường. Mộc mạc và giản dị nhưng nền văn hóa đặc sắc của người Mường cùng trường ca “Đẻ đất đẻ nước” đã được truyền lại qua bao thế hệ, để ngày nay mang trong mình một sức sống mạnh mẽ, lâu bền, những thế hệ đồng bào Mường cùng nhau xây dựng bản làng, phát triển đời sống văn hóa tinh thần, cuộc sống ngày càng ấm no hạnh phúc. Trường ca “Đẻ đất đẻ nước” là bản hùng ca huyền thoại của người Mường đã thể hiện sức mạnh hào hùng, anh dũng của dân tộc Mường qua bao thời đại.

Quan niệm về không gian – vũ trụ: người Mường quan niệm vũ trụ có ba tầng và năm thế giới đó là: vũ trụ gồm có địa phủ nơi con người sinh sống, Thiên phủ là không gian bao la bát ngát, Thủy phủ là trong lòng đất và đáy sông nước; năm thế giới gồm: Mường người, Mường Trời, Mường Ma, Mường âm Phủ và Mường địa phủ. Đây còn là quan niệm về chín tầng đất, mười hai tầng trời, bởi tầm nhìn của con người vào trong không gian thì xa tít tắp và sâu thẳm. Với quan niệm rộng rãi như vậy, con người lại là trung tâm nên từ xa xưa con người phải lao động, đấu tranh không ngớt với các thế lực siêu nhiên để tồn tại và phát triển, từ đó đề ra các tục lệ, việc cúng lễ, thờ phụng.

Quan niệm về cõi sống: Theo quan niệm của người Mường, từ phần tinh thần và phần thể xác đẻ ra vía khi người sống, khi chết là hồn (ma) cho nên cuộc sống muốn được khỏe mạnh, mát lành thì phải làm cho tinh thần ổn định. Người Mường quan niệm “Người làm ăn ở phía nhà, ma làm ăn ở phía đống” vì thế mà có tục lệ cúng vía.

Quan niệm này còn được thể hiện ước mơ qua lời chúc tết hàng năm của con cái đối với ông bà, cha mẹ rất da diết và đầy ý nghĩa. Trong cõi sống, tùy theo từng lứa tuổi mà cúng lễ, yếm trừ, thuốc thang cho các vía theo từng loại, ngoài ra không được quên ơn đối với người đã khuất, nhất là những bậc có công với đất nước, với quê hương, công sinh thành nuôi dưỡng. Nói chung, người Mường cho rằng trong cõi sống con người phải thấu nghĩa thấu tình, có trên có dưới, có trước có sau, có âm – dương, sống phải có đạo đức tạo thành một mối tổng hòa để cõi sống được “sống xa già lâu”.

Quan niệm về cõi chết: người Mường quan niệm chết là do hết số hay cây Si linh hồn bị héo úa, chết lá gãy cành bị gió thổi đổ cây trơ rễ mà chết, bởi thế họ chữa điềm gở, chuộc số, kéo Si,… để bảo vệ cuộc sống. Nếu không sống được thì khi chết cũng phải được thanh thản, không bệnh tật, không bị thần ác làm hại.

Hàng năm con cháu phải lễ lạt tháng ba, tảo mộ cuối năm để tu sửa mồ mả cho khỏi xối nước quá, trâu bò giẫm đạp,… làm khó khăn cho linh hồn. Mặt khác, để tỏ lòng đền ơn công đức sinh thành, nuôi dưỡng, đến ngày lễ ngày tết đều phải thỉnh mời hồn về ăn trước, uống trước xin phù hộ độ trì che chở cho người sống. Đồng thời, có thiếu thốn gì cũng được con cháu cung cấp như vải vóc, quần áo, tiền bạc, ma khỏi đòi hỏi quấy nhiễu.

Đó là đối với những hồn là người bình dân, riêng những người có chức tước trong xã hội thì ở cõi chết cũng có địa vị cao không những với đất đống (được cung cấp đất đai, ruộng vườn sinh hoạt khi chết) mà còn được thờ tự ở làng, ở mường hay cả dân tộc, đất nước. Hàng năm các ngày lễ khai hạ, xuống đồng, rửa lá lúa lá mạ đều có thờ lễ tập trung ở đình, ở miếu. Cuộc lễ đó không chỉ nhớ ơn những vị có công với dân làng, đất nước mà còn mong được mùa màng tươi tốt, cuộc sống bình yên. Các gia đình mỗi khi có cưới xin, nhà mới cho đến các việc ma chay đều có cỗ riêng, thỉnh mời họ về ăn uống và chứng kiến để giúp ngăn cản ma ác không thể làm hại được người sống. Vì thế, họ không chỉ được gọi là quan làng đất nước mà còn dành cho họ một cái tên đầy trìu mến, cao thượng: Bố Đất, Mẹ Mường.

Với các nhân vật tiêu biểu như Quốc Mẫu Hoàng Bà, Vua Cả (Thánh Tản)… có công lớn trong việc làm kinh tế nông nghiệp, đánh giặc giữ nước. Họ lập đình mở hội tế lễ hàng năm để ghi nhớ công ơn, mong giúp đỡ và cầu được mùa, cầu mưa thuận gió hòa, cầu yên dân, buôn làng ấm no, hạnh phúc.

Từ các quan niệm về không gian vũ trụ, thế giới quan, nhân sinh quan với cái nhìn đa sắc màu, đã tạo ra đời sống văn hóa của người Mường giàu bản sắc, đời sống tâm linh phong phú, tốt đẹp. Các phong tục truyền thống này đã bắt rễ lâu đời, ăn sâu vào tâm khảm của người dân, là chất liệu góp phần xây dựng nên nét đẹp mộc mạc và giản dị của dân tộc Mường, những con người Mường đã làm phong phú thêm vẻ đẹp dân tộc Việt, đã góp phần tạo một nền truyền thống văn hóa đa dạng cho đất nước Việt Nam.

Tài liệu tham khảo:

1. Diễn xướng nghi lễ - Di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc Mường. - Nxb. Văn hóa dân tộc, 2015.

2. Người Mường ở Việt Nam. – Nxb. Thông tấn, 2008

3. Địa chí Đồng Nai, tập 5: Văn hóa – xã hội. – Nxb. Đồng Nai, 2001

 

Như Quỳnh

 

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 526 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày