Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Văn Hóa Các Dân Tộc Đồng Nai Thứ Ba, 12/06/2018, 14:45

Đặc điểm văn hóa của người Châu Ro ở Đồng Nai

Châu Ro là một trong những dân tộc ít người bản địa cư trú lâu đời ở vùng trung du Đông Nam bộ. Ngoài địa bàn cư trú chủ yếu ở Đồng Nai, người Châu Ro còn có ở Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận với số dân ít hơn và phân bố rải rác ở các vùng rừng, vùng cao.

Người Châu-Ro đến Đồng Nai khai khẩn lập nghiệp trước thế kỷ XVI, được xem là cư dân tại chỗ của vùng đất Đồng Nai. Về ngôn ngữ, tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Môn – Khmer, ngữ hệ Nam Á, cuộc sống gắn với hệ sinh thái rừng núi trung du miền Đông; có quan hệ mật thiết với các tộc người Mạ, Xtiêng, Kơho, Raklây; hình như các tộc người này có quan hệ “họ hàng” với nhau về nguồn gốc dân tộc, tổ chức xã hội, sinh hoạt văn hóa… cũng như người Mạ, Xtiêng, Kơho, người Châu Ro chưa có chữ viết, việc truyền bá kiến thức cho thế hệ sau đều theo lối truyền khẩu. Hiện nay trên địa bàn Đồng Nai, người Châu-Ro có khoảng 16.169 người chiếm 8,55% nhân khẩu là đồng bào dân tộc thiểu số trên toàn tỉnh, xếp đứng thứ 4 trong gần 40 thành phần dân tộc tỉnh Đồng Nai.

Người Châu Ro sống tập trung chủ yếu tại ấp Lý Lịch, xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu; xã Túc Trưng huyện Định Quán; các xã: Bảo Vinh, Bảo Quang, Hàng Gòn, thị xã Long Khánh; các xã: Xuân Trường, Xuân Phú, Xuân Thọ huyện Xuân Lộc; xã Phước Bình (huyện Long Thành), xã Xuân Thiện (huyện Thống Nhất). Còn lại sống rác rác trên khắp địa bàn các huyện, thị và thành phố Biên Hòa.

Người Châu Ro chịu khó, gan dạ, đóng góp nhiều thành tích trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Đại biểu Quốc hội khóa I Điểu Xiểng, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Điểu Cải… là những tấm gương tự hào của người Châu Ro. Các thành tích anh hùng của xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu), xã Túc Trưng (huyện Định Quán) đều ghi dấu công trạng và sự hy sinh lớn lao của người Châu Ro ở địa phương.

Ở góc độ bài viết này, xin được tìm hiểu đôi nét về đặc điểm văn hóa của người Châu Ro ở Đồng Nai:

- Về hoạt động kinh tế:

Kinh tế truyền thống của người Châu Ro ở Đồng Nai là kinh tế nương rẫy. Nguồn sống của người dân chủ yếu dựa vào kết quả mùa màng. Xưa kia, người dân khai thác vùng đồi núi nơi cư trú của mình để trồng trọt theo lối du canh du cư, nên cuộc sống nghèo nàn và không ổn định. Sau này, người dân đã biết biến rẫy thành đất định canh và phát triển nương rẫy thành ruộng nước, vì vậy đời sống có phần khá hơn. Cùng với nông nghiệp ruộng nước, nương rẫy, việc làm vườn, chăn nuôi, săn bắt, đánh cá, hái lượm... là những ngành kinh tế phụ bổ trợ cho kinh tế nương rẫy. Ngoài ra, một số ít sống bằng nghề đan lát, dệt thổ cẩm, rèn, làm các đồ dùng bằng tre, gỗ.

- Về văn hoá -  xã hội:

Người Châu Ro ăn cơm tẻ là chính, canh bồi, đọt mây nướng, lá nhíp ống thụp là thức ăn quen thuộc. Người Châu Ro hút thuốc lá sợi bằng tẩu. Trong dịp lễ, tết thường có: cơm lam, thịt nướng, rượu cần.

Về trang phục, phụ nữ quấn váy, đàn ông đóng khố, mặc áo chui đầu; trời lạnh có tấm vải choàng. Ngày nay, người Châu Ro mặc như trang phục giống người Kinh trong vùng. Phụ nữ hay đeo các vòng đồng, bạc, dây cườm trang sức nơi cổ và tay. Trang phục truyền thống được sử dụng trong các dịp lễ, tết truyền thống của đồng bào.

 

Về nhà cửa: Đối với người Châu Ro, Làng (plây) là đơn vị cư trú của người Châu Ro, giống như thôn xóm của người Việt. Mỗi làng thường có từ 10 đến 15 nóc nhà dài. Các gia đình trong làng thuộc nhiều dòng họ khác nhau, nhưng phần lớn có quan hệ họ hàng với nhau.

Ngày nay, một số làng đã thành ấp. Vai trò của già làng được chuyển sang trưởng ấp. Tuy nhiên, theo quan niệm của người dân Châu Ro, già làng vẫn giữ vai trò là người giải quyết các vấn đề của làng, các công việc trong gia tộc; hòa giải các mâu thuẫn của người dân; tổ chức nghi lễ cúng nhang, lễ tết; nhắc nhở bà con chấp hành pháp luật.

- Các nghi lễ:

Từ xưa, để tiếp xúc và khẩn cầu đến thần linh, con người đã từng bước hình thành các nghi lễ vừa mang tính dân gian vừa mang yếu tố tôn giáo. Hàng năm người Châu Ro thường tổ chức cúng Thần Lúa (SaYangva); cúng thần Rừng, Lễ cầu mưa, dựng cây nêu….Các nghi lễ trong chu kỳ vòng đời được tính đến là các nghi lễ của một con người từ khi sinh ra đến khi chết.

+ Hôn nhân: Kiêng kỵ lớn nhất của người Châu Ro là hôn nhân cùng dòng họ. Nói cách khác, ngoại hôn dòng họ là nguyên tắc bắt buộc đối với nam nữ Châu Ro. Độ tuổi kết hôn thường từ 16 - 20. Hiện nay, tuổi kết hôn trung bình của người dân Châu Ro đã tăng hơn 1 - 2 tuổi so với vài năm trước. Người Châu Ro không theo chế độ mẫu hệ hay phụ hệ mà coi trọng cả hai như nhau. Trong hôn nhân, tuy nhà trai hỏi vợ cho con, nhưng lễ cưới tổ chức tại nhà gái, chàng trai phải ở rể vài năm rồi vợ chồng làm nhà ở riêng. Người Châu Ro thường có tục chia của cho con cái khi ra ở riêng, do đó chàng trai sẽ được một phần của cải của gia đình. Chế độ một vợ một chồng đã được thiết lập từ lâu trong xã hội người Châu Ro và vợ chồng chung sống với nhau hoà thuận.

+ Sinh đẻ và nuôi con: Việc sinh đẻ, chăm sóc sản phụ và nuôi dưỡng con cái của người Châu Ro chủ yếu dựa trên những kinh nghiệm của cuộc sống, kiến thức y học dân gian và những kiêng kỵ liên quan đến tín ngưỡng. Theo quan niệm của người dân Châu Ro ở Đồng Nai, ăn thịt những con thú trên khi có thai thường mang lại xui xẻo, dễ làm cho hư thai hoặc đẻ non, con chết... Trước đây, trong quan niệm của người Châu Ro, cha mẹ thường mong sinh con gái. Về tình thương, gia đình thương cả con trai lẫn con gái, nhưng nếu sinh con gái thì tổ chức tiệc ăn mừng. Ngày nay, cha mẹ và ông bà lại mong có con trai, vì chế độ mẫu hệ đã dần dần bị thay thế bằng chế độ phụ hệ, cô dâu về nhà chồng sau khi kết hôn. Đồng thời, con trai còn là nguồn lao động chính trong gia đình.

+ Tang ma:Theo quan niệm của người Châu Ro, bên cạnh thế giới của người sống còn có thế giới của người chết. Người Châu Ro theo tập quán thổ táng. Mộ phần được đắp lên cao theo hình bán cầu. Trong ba ngày đầu, người ta gọi hồn người chết về ăm cơm; sau đó là lễ “mở cửa mả” với 100 ngày cúng cơm.

- Văn hoá tâm linh: 

Người Châu Ro ở Đồng Nai thờ đa thần. Họ tin mọi vật đều có “hồn” và các “thần linh” chi phối vô hình đối với con người, khiến con người phải kiêng kỵ và cúng tế. Yang bri (thần rừng) được xem là vị thần tối cao. Đó chính là nguyên nhân của các kiêng kỵ và các lễ cúng tế. Trong một dòng họ thường có một hoặc hai thầy bóng. Người làm nghề thầy bóng chủ yếu là nữ.

- Văn hoá nghệ thuật: Vốn văn nghệ dân gian của người Châu Ro phong phú, với nhiều thể loại: truyện kể, thơ ca trữ tình, múa, lối hát đối đáp, nhiều loại nhạc cụ... Các câu tục ngữ, phương ngôn đúc kết các kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp, kinh nghiệm về thiên nhiên và cuộc sống xã hội.

Nhạc cụ của người Châu Ro gồm nhiều loại, trong đó nổi bật và cũng là phổ biến là bộ chiêng 7 chiếc. Ngoài ra, người Châu Ro còn sử dụng nhiều loại nhạc cụ cổ truyền khác như: trống, kèn, sáo...

Nhìn chung kho tàng văn hóa dân tộc của người Châu Ro khá phong phú và đa dạng, người Châu Ro ở Đồng Nai còn bảo lưu nhiều yếu tố văn hoá truyền thống của dân tộc, nhưng do cuộc sống phân bố rải rác, phải di chuyển nhiều nên kho tàng văn hóa ấy đã phần nào bị mai một, thất tán, hiện có nguy cơ bị hòa tan vào các dòng văn hóa khác. Do những tác động của hoàn cảnh lịch sử - xã hội dưới ảnh hưởng của môi trường sinh thái và những chính sách nhằm phát triển các dân tộc thiểu số bản địa ở địa bàn tỉnh đã diễn ra những biến đổi sâu sắc trong đời sống kinh tế, văn hoá xã hội. Nhiều tập tục lạc hậu mang tính chất mê tín dị đoan đã được loại bỏ. Thông qua giao tiếp văn hoá, họ đã tiếp thu không ít những giá trị văn hoá của người Việt sống trong cùng địa phương, kể từ cung cách làm ăn đến nhà cửa, quần áo, thậm chí tiếng nói và phong tục, tập quán….

Bên cạnh việc ra sức tuyên truyền việc bảo tồn và phát huy những giá trị vốn có của nền văn hóa dân tộc Châu Ro ở Đồng Nai, chúng ta cần có nhiều thêm những công trình nghiên cứu về bản sắc của nền văn hóa trên và đề ra những giải pháp thiết thực nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa đó để không bị mai một trong tiến trình phát triển đất nước hiện nay.

 

Đinh Nhài

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 1815 Bản inQuay lại

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày