Bỏ qua nội dung chính

Địa chí Đồng Nai

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin > Địa chí Đồng Nai > Danh mục
Báo động ô nhiễm nước hạ lưu sông Đồng Nai

Phó giám đốc Sở Tài nguyên môi trường TP HCM Nguyễn Văn Phước cho hay, hiện nước sông Đồng Nai đoạn từ nhà máy nước Thiện Tân đến Long Đại trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã bị ô nhiễm chất hữu cơ và chất rắn lơ lửng vượt mức cho phép 3-9 lần. Giá trị các chất COD vượt 1,8-2,8 lần, giá trị DO cũng thấp dưới giới hạn cho phép.

Vùng hạ lưu sông nhiều đoạn bị ô nhiễm ở mức báo động. Toàn lưu vực cũng bị tình trạng nhiễm mặn, nguồn nước không còn khả năng sử dụng cho mục đích tưới tiêu và sinh hoạt.

Nước hồ thủy điện Trị An cũng bị cảnh báo là ô nhiễm nghiêm trọng
 

Theo nghiên cứu của Sở Tài nguyên môi trường TP HCM, đoạn sông từ khu vực trạm bơm cấp nước Hóa An đến Cát Lái, qua địa bàn TP HCM thuộc hệ thống sông Sài Gòn chất lượng nước tương đối ổn định.

Nước hồ Trị An cũng bị cảnh báo là ô nhiễm nghiêm trọng     Tuy nhiên, tại các trạm quan trắc Phú Cường, Bình Phước và Phú An, nước đã bị ô nhiễm hữu cơ, đặc biệt là ô nhiễm dầu và vi sinh, không thể dùng làm nguồn cấp nước sinh hoạt.

Càng xuống vùng trung lưu (khu vực cầu Bến Súc, cửa sông Thị Tính) và đi dần về phía hạ lưu sông thì tình hình ô nhiễm lại ở mức báo động. Theo kết quả quan trắc, vùng cửa sông Thị Tính có hàm lượng Nitơ vượt gần 30 lần tiêu chuẩn.

Trong khi đó, chất lượng nước của các sông khác trong lưu vực cũng đang bị suy giảm. Nước các nhánh sông Bé, Đa Nhim - Đa Dung thuộc các tỉnh Bình Dương, Bình Phước diễn biến theo chiều hướng xấu với hàm lượng sắt trong nước tăng cao.

Tình trạng ô nhiễm nặng tại sông Thị Vải, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, với một đoạn sông "chết" dài hơn 10 km. Nước ở đây bị ô nhiễm hữu cơ nghiêm trọng, có màu nâu đen và bốc mùi hôi thối kể cả khi triều lên xuống.

Điều đáng nói là trong thời gian qua, công tác quản lý các lưu vực sông còn nhiều bất cập vì khó phân định trách nhiệm, thẩm quyền rõ ràng giữa các Bộ, ngành. Hiện vẫn chưa có một cơ chế rõ ràng cho việc huy động nguồn lực từ các tổ chức tư nhân, phi chính phủ, các tổ chức quốc tế, cộng đồng tham gia vào việc phát triển và bảo vệ tài nguyên nước.

Các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã đề nghị Thủ tướng cho phép triển khai Đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai từ nay đến năm 2020. Mục tiêu nhằm bảo vệ an toàn nguồn nước thuộc hệ thống về chất lượng và lưu lượng, đạt tiêu chuẩn nước sạch tự nhiên, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội toàn khu vực.

Chảy qua 12 tỉnh, trong đó 7 địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Long An, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu) và một phần Đăk Lăk, Đăk Nông, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng, nguồn nước hệ thống sông Đồng Nai có tầm quan trọng đặc biệt và sống còn trên lưu vực trong phát triển kinh tế - xã hội. Đây là nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho hàng chục triệu người, cấp nước cho công nghiệp, tưới tiêu nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, du lịch sông nước...

            Vi Vi

Xử lý nước thải công nghiệp: Còn lắm gian nan

* Sân chơi chưa thật công bằng

Theo Luật Bảo vệ môi trường, mỗi doanh nghiệp (DN) khi đi vào hoạt động phải có hệ thống xử lý nước thải cục bộ và các KCN phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung (XLNTTT). Thế nhưng, trên thực tế ở Đồng Nai vẫn có tình trạng DN đầu tư hoàn thiện, DN làm nửa vời và DN không làm gì. Thậm chí, nhiều DN "né" và "khất lần" bằng việc chấp nhận đóng phạt với nhiều lý do để trì hoãn việc thực hiện xử lý nước thải.

Thực tế cho thấy có nhiều công ty kinh doanh hạ tầng KCN đang ra sức củng cố "thương hiệu" xanh về môi trường ở KCN mình. Có thể kể đến như: KCN Biên Hòa 2, Amata (giai đoạn 1), Loteco, Tam Phước, Long Thành, Gò Dầu, Nhơn Trạch 1, Nhơn Trạch 3... Đây là những KCN được quy hoạch tương đối hoàn chỉnh về cảnh quan, cây xanh, có hệ thống XLNTTT và thu hút được nhiều dự án đầu tư. Nhưng bên cạnh đó, còn nhiều KCN đã đi vào hoạt động khá lâu, thu hút đầu tư khá nhiều nhưng chưa mấy "rục rịch"  với việc xử lý nước thải KCN như: Hố Nai, Bàu Xéo, Sông Mây, Nhơn Trạch 2, Ông Kèo, Thạnh Phú, Nhơn Trạch 5... Điều này đã làm cho cuộc cạnh tranh giữa các đơn vị kinh doanh hạ tầng chưa công bằng và sòng phẳng.

Qua trao đổi với  đại diện một số KCN làm tốt công tác xử lý nước thải, được biết: đầu tư cho xử lý nước thải không có lãi và thu hồi vốn chậm, nhưng họ đã phải lo tiền tỷ để làm hệ thống XLNTTT. Song, vẫn chưa chắc hiệu quả cải thiện ô nhiễm môi trường chung đạt kết quả tốt vì còn các KCN khác vẫn cứ "vô tư" thải trực tiếp ra sông hoặc cho tự thấm xuống đất. Trước mắt, họ thu lợi vì không tốn tiền xử lý. Cũng vấn đề này, ông Phùng Chí Sỹ, Phó viện trưởng Viện Kỹ thuật nhiệt đới và BVMT cho rằng: "Trong thời cạnh tranh, việc buông lỏng quản lý đối với những DN không có xử lý nước thải và những đơn vị kinh doanh hạ tầng KCN chậm trễ hoặc cố trì hoãn không xây dựng hệ thống XLNTTT sẽ không khuyến khích động viên những đơn vị làm tốt. Điều không công bằng này không chỉ xảy ra giữa các KCN với nhau mà còn với các DN. Thực tế, có những KCN lấp đầy đến 80-90% diện tích, không xử lý nước thải vẫn ngang nhiên hoạt động".

* Bảo vệ môi trường – phải thực hiện nghiêm                                                                                   

Tại buổi làm việc với các đơn vị kinh doanh hạ tầng KCN vào ngày 18-7 vừa qua, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ao Văn Thinh, cho rằng: "Đã đến lúc không thể nhân nhượng hơn đối với những DN, đơn vị hạ tầng KCN không thực hiện đúng quy định của pháp luật hiện hành. Sau thời hạn cuối năm nay, DN, đơn vị nào không chấp hành sẽ xử lý nghiêm khắc theo luật. Trong thị trường cạnh tranh, dù nhãn hiệu xanh là một lợi thế cạnh tranh mà nhiều DN đang hướng đến, nhưng phải có sự sòng phẳng và công bằng ngay chính trên sân chơi nội bộ. Không thể chấp nhận tình trạng người thì bỏ tiền đầu tư xử lý để bảo vệ môi trường, người không làm lại ngồi đó thụ hưởng. Tỉnh và các ngành sẽ có những giải pháp hợp lý để hỗ trợ, nhưng mỗi DN, đơn vị phải là người chủ động thực hiện việc xử lý nước thải để bảo vệ môi trường, nếu muốn còn được tiếp tục hoạt động".

Cũng tại cuộc họp này, lãnh đạo tỉnh cũng thống nhất chủ trương đồng hành cùng DN bằng việc sẽ hỗ trợ giải quyết những vướng mắc của DN  như vấn đề thu hồi đất, khó khăn về vốn hay những vấn đề rắc rối phát sinh để tạo điều kiện cho các công ty kinh doanh hạ tầng KCN xây dựng hệ thống XLNTTT. Như ở KCN Hố Nai, mặc dù phần đất vị trí được duyệt để xây dựng khu xử lý nước thải tập trung đã được ban quản lý KCN đem cho một DN thuê, nay được tỉnh đồng ý cho đặt hệ thống tại một vị trí khác để xử lý nước thải cho 104 nhà máy ở đây. Hay KCN Sông Mây, tỉnh cũng chỉ đạo huyện có biện pháp hỗ trợ KCN giải tỏa,  thu hồi đất để dự án nhà máy xử lý nước thải tập trung sớm được thực hiện. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đấu nối thoát nước ngoài hàng rào KCN...

Làm theo luật và có sự hỗ trợ của tỉnh, không sớm thì muộn các đơn vị hạ tầng chắc chắn phải đầu tư hệ thống XLNTTT. Tuy nhiên, "phản ứng" về quy định về "KCN phải có hệ thống xử lý NTTT thì mới được đưa vào hoạt động" một số đơn vị kinh doanh hạ tầng KCN vẫn có lý lẽ cho rằng: quy định đúng nhưng không phù hợp với tình hình thực tiễn tại VN. Bởi hiện nay hầu hết các đơn vị kinh doanh hạ tầng KCN hoạt động theo kiểu "cuốn chiếu": xây dựng đến đâu, kêu gọi đầu tư đến đó để lấy tiền tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, trong đó có hệ thống XLNTTT, vì không phải đơn vị nào cũng đủ lực để đầu tư một lần cho tất cả các hạng mục công trình. Mà nếu có đủ lực, việc bảo quản thiết bị của hệ thống xử lý cũng khó khăn vì phải "dầm mưa dãi nắng" chờ kêu gọi đầu tư, chờ DN xây dựng, chờ nhà máy đi vào sản xuất mới có nước thải để hệ thống hoạt động... Ngoài ra, khi thiết kế sẽ khó tính toán chính xác được công suất xử lý để thiết kế công suất. Nếu áp dụng cách tính lượng nước thải bình quân cho mỗi dự án trong KCN là 30m3 nước/ngày đêm thì đó chỉ là bài toán trên giấy,  bởi thực tế lượng nước thải của KCN không tùy thuộc vào số lượng dự án, mà phụ thuộc vào lượng nước thải của những dự án đó nhiều hay ít.

Dù thực tế còn có không ít bất cập nhưng các DN, đơn vị kinh doanh hạ tầng vẫn phải thực hiện nghiêm theo Luật BVMT về xử lý nước thải để bảo đảm sự công bằng giữa các doanh nghiệp trong cùng một sân chơi.

* Phó chủ tịch HĐND tỉnh HUỲNH CHÍ THẮNG: Không khắc phục sẽ phải đình chỉ hoạt động

Đã đến lúc không thể nhân nhượng tình trạng xả nước thải bừa bãi, xả thải không qua hệ thống xử lý gây ô nhiễm môi trường. Từ nay đến hết năm 2008, nếu nhà máy, đơn vị kinh doanh hạ tầng KCN nào không thực hiện đầu tư cho hệ thống xử lý nước thải thì sang đầu năm 2009 sẽ bị rút phép xả thải và đình chỉ hoạt động SX-KD cho đến khi khắc phục xong.

* Phó chủ tịch UBND tỉnh AO VĂN THINH: Hậu quả đã rõ, cần khắc phục ô nhiễm càng sớm càng tốt

Trong quá trình thu hút đầu tư, đã có lúc xem nhẹ việc bảo vệ môi trường, đến nay hậu quả đã rõ. Dù cho hiện nay nhiều tiêu chuẩn còn cao, xử lý khó đạt được, nhưng mỗi doanh nghiệp, mỗi đơn vị hạ tầng phải thực hiện bằng sự nỗ lực cao nhất và khắc phục càng sớm càng tốt. Ngoài xử lý cục bộ tại mỗi nhà máy, xử lý tập trung ở các KCN, mỗi đơn vị hạ tầng cần có thêm hồ sinh học để làm lắng đọng các chất ô nhiễm trong nước thải một lần nữa trước khi đưa ra môi trường.

* Giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường LÊ VIẾT HƯNG: Đã đến lúc cần đánh vào thương hiệu của doanh nghiệp

Đã đến lúc không thể kéo dài hơn được nữa tình trạng doanh nghiệp không chấp hành luật và cũng không thể kéo dài thêm lộ trình vì đã nhiều lần gia hạn rồi. Theo chỉ đạo của Bộ TN-MT về phân loại các doanh nghiệp theo mức độ ô nhiễm, Sở TN-MT đang tiến hành lấy mẫu của tất cả các doanh nghiệp để phân tích và xếp loại ô nhiễm theo tiêu chí của bộ. Kết quả mức độ ô nhiễm của từng doanh nghiệp sẽ được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đã đến lúc cần đánh vào thương hiệu của doanh nghiệp. Trong thời cạnh tranh, những doanh nghiệp quản lý kém về môi trường sẽ mất lợi thế.

Đồng Nai hiện có 21/27 KCN đang hoạt động, mỗi ngày xả thải khoảng 68.000m3 nước thải, nhưng mới chỉ 9 KCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung và xử lý được 21.000m3 nước thải. Còn 47.000m3 chưa qua xử lý được xả thải ra môi trường. Riêng với 110 doanh nghiệp có lượng xả thải lớn nằm ngoài KCN, mỗi ngày xả thải 136.000m3, nhưng mới chỉ có 36 doanh nghiệp có hệ thống xử lý cục bộ và xử lý khoảng 27.000m3 nước thải. Vậy còn 110.000m3 chưa qua xử lý tiếp tục được đưa ra môi trường.

Phương Liễu

Theo Báo Đồng Nai (29/7/2008)

 

HĐND tỉnh giám sát môi trường tại huyện Trảng Bom: Các khu công nghiệp đều chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung

Được biết, hiện nay các KCN trên đều chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung; nhiều doanh nghiệp trong các KCN này chưa có hệ thống xử lý nước thải cục bộ. Điển hình như ở KCN Hố Nai có 104 doanh nghiệp đã đi vào hoạt động sản xuất, nhưng mới chỉ có 14 doanh nghiệp có hệ thống xử lý nước thải cục bộ và phân nửa trong số này xử lý không đạt tiêu chuẩn. Nhiều doanh nghiệp không đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại; không thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường theo cam kết trong đánh giá tác động môi trường nhưng vẫn đi vào hoạt động, thậm chí mở rộng hoạt động...

Phương Liễu

Sông Thị Vải bị ô nhiễm nặng

Sông Thị Vải với chiều dài gần 80 km chảy qua TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh: Đồng Nai, Bà Rịa -Vũng Tàu.

Đây là dòng sông mang nguồn nước mặn, lợ với với chế độ bán nhật triều và hệ động thực vật từ thượng đến hạ nguồn rất phong phú, đa dạng. Tuy vậy, hiện nay dòng sông đang bị ô nhiễm nặng bởi ngày đêm phải hứng chịu hàng chục ngàn khối nước thải trực tiếp từ các nhà máy, khu công nghiệp đổ vào.

Tại cửa cảng Nhà máy lân phốt phát thuộc Khu công nghiệp Gò Dầu ở xã Phước Thái, huyện Long Thành (Đồng Nai), nước thải qua các cửa cống tuôn màu đen đặc.

Còn cửa xả nước thải của Công ty cổ phần Vedan Việt Nam cũng tương tự và nước thải cũng trực tiếp từ cửa cống xả thẳng ra sông. Vì vậy, khu vực từ cửa cảng Thị Vải đến lưu vực Nhà máy Vedan Việt Nam, bầu không khí đậm đặc mùi hôi thối bốc lên.

Ngoài việc bị viêm xoang, những người sống ven con sông này cũng bị điêu đứng bởi tình trạng cá tôm nuôi bị chết phơi bụng hàng loạt, vì vậy những dãy hồ nuôi cá dọc bờ sông thuộc địa bàn xã Long Thọ bị bỏ không từ nhiều năm nay. Không những thế, tình hình sức khỏe của người dân sống gần sông cũng đang bị đe dọa.

Qua đợt kiểm tra và khảo sát mới đây của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mức độ ô nhiễm của nguồn nước sông Thị Vải hiện rất đáng báo động.

Mỗi ngày dòng sông phải hứng chịu khoảng 24.500m3 nước thải từ các nhà máy xí nghiệp trực tiếp xả thẳng ra sông.

Mặc dù đã có nhiều đoàn kiểm tra khảo sát từ trung ương đến địa phương lên tiếng cảnh báo, những tình trạng xả nước thải trực tiếp ra sông vẫn chưa hề được ngăn chặn.

(Theo TTXVN) 
 

Đồng Nai: Sông Thị Vải bị ô nhiễm nghiêm trọng vì nước thải từ KCN Gò Dầu – Vedan

Hiện nay, Khu công nghiệp Gò Dầu - Ve Dan có 21 dự án đăng ký, trong đó có 20 dự án đã đi vào hoạt động. Trong khu công nghiệp này luôn tồn tại một khối lượng nguyên liệu có tính chất đặc biệt nguy hiểm về cháy nổ, độc hại. Ngoài ra, ở đây còn có 10 cảng biển và cảng sông (gồm 8 cảng chuyên dùng, 2 cảng tổng hợp) cho tàu có trọng tải từ 2.000-5.000 tấn, mỗi tháng 30-40 lượt tàu ra vào cảng.

Đặc biệt, các loại hóa chất dễ cháy, dễ nổ, độc hại chủ yếu được vận chuyển qua cảng và hệ thống đường ống dẫn từ cầu cảng vào đến bồn chứa trong các doanh nghiệp, lượng hàng hóa bốc dỡ hàng năm qua hệ thống cảng của Khu công nghiệp Gò Dầu - Ve Dan rất lớn từ 450.000-500.000 tấn.

Nhưng điều đáng báo động là lượng nước thải hàng ngày 6.934m3 của 15 doanh nghiệp và nước thải nhiệt của Công ty Ve Dan là 4.152m3/ngày đã và đang làm ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước sông Thị Vải.

Qua kiểm tra 24 mẫu nước thải ra sông Thị Vải đã qua xử lý của 7 doanh nghiệp thì tất cả 24 mẫu nước đều không đạt tiêu chuẩn theo quy định (TCVN 5945-1995. Loại B). Các thông số đều vượt quá quy định, như: SS tỉ lệ khoáng 29,2%, BOD5: 12%, COD: 28,5%, Coliform 45%, dầu khoáng: 100%.

Đó là chưa tính tới khí thải cũng vi phạm nghiêm trọng TCVN 5939,5940-1995, cụ thể: CO tới 50%, NOX: 33,3%, SO2: 33,3% và bụi: 100%. Trong 15 doanh nghiệp (chưa tính Công ty Ve Dan) chỉ có 1 doanh nghiệp hoàn thành thủ tục đăng ký xử lý chất thải, có thực hiện giám sát về môi trường.

Riêng Công ty Ve Dan, từ tháng 10/1994 đến tháng 3/1995, các hộ nuôi tôm, ngư dân thuộc các xã: Long Thọ, Phước An (huyện Nhơn Trạch - Đồng Nai), xã Phước Thái (huyện Long Thành - Đồng Nai), xã Mỹ Xuân (huyện Tân Thành - Bà Rịa - Vũng Tàu) gửi đơn đến Chính phủ, các cơ quan, ban, ngành, thông tấn báo chí… phản ánh sông Thị Vải bị ô nhiễm làm chết tôm cá  thiệt hại trị giá 21 tỷ 384,7 triệu đồng. Sau đó, Công ty Ve Dan đồng ý đền bù cho nhân dân các huyện Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh) 2 tỷ 702 triệu đồng, huyện Tân Thành 6 tỷ 960,5 triệu đồng, huyện Nhơn Trạch  trên 7 tỷ 233,2 triệu đồng và huyện Long Thành 4 tỷ 453 triệu đồng.

Hiện tại các cơ quan chức năng về quản lý môi trường ở Đồng Nai và Trung ương đã đưa Công ty Ve Dan vào danh sách sổ đen về ô nhiễm môi trường cần phải được xử lý triệt để.

Nguồn nước sông Thị Vải đã bị ô nhiễm đến mức báo động từ lâu, nhưng các cơ quan chức năng ở tỉnh Đồng Nai vẫn chưa có biện pháp xử lý. Có chăng là chỉ mới đóng cửa được một phân xưởng sản xuất axít của Nhà máy Super lân Long Thành (doanh nghiệp Nhà nước thuộc Công ty Phân bón miền Nam) mà thôi.

Thu Thảo

Nguồn cand.com.vn

Chất lượng môi trường ở Đồng Nai có biểu hiện suy giảm

Theo kết quả điều tra, thống kê và quan trắc thời gian qua cho thấy, chất lượng môi trường ở Đồng Nai đang có biểu hiện suy giảm và xuất hiện tình trạng ô nhiễm môi trường cục bộ.

                                                      

                        Nước thải từ các nhà máy, xí nghiệp, một yếu tố gây ô nhiễm môi trường

So với năm 2005, 2006, kết quả quan trắc năm 2007 cho thấy: chất lượng môi trường không khí trong các khu công nghiệp, các khu dân cư tập trung, khu vực giao thông trọng điểm và khu nông thôn miền núi trong năm 2007 cơ bản đều nằm trong giới hạn cho phép theo tiêu chuẩn chất lượng không khí xung quanh. Tuy nhiên đã có biểu hiện ô nhiễm môi trường cục bộ qua các thông số ô nhiễm phổ biến đặc trưng như: bụi, CO tại một số vị trí ở khu công nghiệp, khu dân cư và các trục lộ giao thông công cộng trên địa bàn tỉnh. Chất lượng môi trường nước mặt có biểu hiện suy giảm tại một số vị trí thuộc các đoạn sông Đồng Nai, hồ Sông Mây, hồ Thanh Niên, hồ Gia Ui. Đặc biệt, mức độ ô nhiễm môi trường có chiều hướng tăng lên đến mức độ ô nhiễm nghiêm trọng tại một số khu vực thuộc sông Đồng Nai, suối Linh, suối Săn Máu, suối Bà Lúa và suối Gia Măng. Ngoài ra, khu vực cấp nước thô của nhà máy nước Biên Hoà đã nhiễm bẩn do chất thải hữu cơ và vi sinh (colifrom) vượt quá chất lượng môi trường cho phép. Đối với sông Thị Vải, qua kết quả quan trắc cho thấy đã bị ô nhiễm hữu cơ mức cao, thể hiện qua thông số COD vượt tiêu chuẩn cho phép 4,9 lần và ô nhiễm thông số N-NH3 vượt tiêu chuẩn cho phép 4 lần. Về mức độ ô nhiễm kim loại nặng trong môi trường đất cơ bản đều đạt tiêu chuẩn TCVN 7209 – 2002. Tuy nhiên, có 1 số vị trí bước đầu không đạt về thông số Arsenic.

Tại các khu công nghiệp (KCN), khí thải của những doanh nghiệp có nguồn thải cố định do đốt nhiên liệu dầu FO, DO cung cấp cho lò hơi, lò sấy, lò nung…thường chứa các chất ô nhiễm, các chất hữu cơ bay hơi nhưng chưa được xử lý hoặc xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường quy định. Hơn nữa, chất thải nguy hại từ các KCN rất đa dạng và phức tạp, chủ yếu phát sinh từ các doanh nghiệp giày da, điện - điện tử, ắc quy, thuốc bảo vệ thực vật, vật liệu xây dựng, hoá chất…

Tại các làng nghề, hầu hết các cơ sở sản xuất đều chưa đầu tư xử lý môi trường hoặc nếu có đầu tư thì chưa đúng mức và chưa vận hành thường xuyên đã tác động tiêu đến môi trường…

Tuy nhiên, thời gian qua, với nỗ lực không nhỏ của các cấp, các ngành liên quan, nhiều biện pháp nhằm bảo vệ môi trường đã và đang được thực hiện đã phần nào hạn chế được sự ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh. Nhờ việc phát triển hệ thống giao thông, sử dụng nguồn năng lượng sạch (điện, gas) tại các đô thị nên chất lượng không khí tại các đô thị được cải thiện. Thông số SO2, NO2, CO có giảm và nằm trong giới hạn tiêu chuẩn cho phép. Hiện Đồng Nai đã quy hoạch các khu xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Cụ thể, các vị trí hiện hữu đã và đang đầu tư xây xây dựng gồm: Bãi rác Trảng Dài với diện tích 15 ha tại phường Trảng Dài, bãi rác 10 ha tại xã Túc Trưng (Định Quán), bãi rác 5ha tại xã Phú Thạnh (Tân Phú)…Ngoài ra còn có các vị trí bổ sung mới và các khu xử lý tập trung liên huyện như vị trí tại xã Bàu Cạn (Long Thành) với diện tích 30ha, quy hoạch mở rộng hoàn chỉnh 100ha. Dự kiến đây là bãi rác tập trung xử lý rác sinh hoạt tập trung cho 2 huyện Long Thành và Nhơn Trạch; vị trí tại xã Quang Trung, huyện Thống Nhất với diện tích 10 ha, quy hoạch mở rộng hoàn chỉnh là 130 ha thành khu xử lý chất thải rắn liên huyện Thống Nhất và thị xã Long Khánh. Được biết, năm 2006, lượng chất thải rắn trên địa bàn tỉnh phát sinh được thu gom và xử lý khoảng 540.000 tấn/năm, năm 2007, lượng chất thải rắn được thu gom và xử lý khoảng gần 1,4 triệu tấn (tăng 2,5 lần so với cùng kỳ). Ngoài ra, tỉnh đã đầu tư và trang bị 4 lò đốt chất thải y tế…Tại các KCN trên địa bàn đã có 10 KCN xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, trong đó có 6 hệ thống đã và đang đi vào hoạt động. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 2 đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển, lưu giữ, xử lý và tiêu huỷ chất thải nguy hại và có 5 đơn vị tại TP.HCM cùng tham gia. Năm 2007 đã có 977.380 tấn chất thải rắn được thu gom, xử lý (tăng 7 lần so với cùng kỳ).

Trong chuyến khảo sát về môi trường ở Đồng Nai, ông Nghiêm Vũ Khải, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhận xét, Đồng Nai có bộ máy BVMT khá so với các tỉnh khác nhưng Đồng Nai tập trung các yếu tố gây ô nhiễm môi trường. Do đó, công tác BVMT cần sự nỗ lực hợp sức của các ngành, các cấp, các doanh nghiệp và toàn thể nhân dân.

Đào Lan

Đưa vào vận hành hệ thống xử lý rác thải thành phân vi sinh

Đây là nhà máy xử lý rác thành phân vi sinh thuộc loại hiện đại ở Việt Nam với công suất xử lý 400 tấn/ngày, được đầu tư gần 45 tỷ đồng (riêng giai đoạn 1 là 30 tỷ đồng) theo quy trình công nghệ khép kín của Đan Mạch. Sắp tới, khi hoạt động ổn định, nhà máy không chỉ chế biến ra khoảng 10 loại phân vi sinh có thành phần khác nhau để phục vụ sản xuất nông nghiệp, mà còn giải quyết cơ bản vấn đề ô nhiễm từ các bãi rác, giảm diện tích đất chôn lấp và không phải xử lý nước rỉ từ rác.

Theo nguồn Báo Đồng Nai

Hệ thống sông Sài Gòn-Đồng Nai: Giá trả cho ô nhiễm ngày càng cao

Mầm ô nhiễm bùng phát
    Tình trạng ô nhiễm sông rạch đã được cảnh báo từ rất lâu tại các địa phương đông dân cư và sản xuất công nghiệp phát triển như TPHCM, Đồng Nai. Chính vì thế, những diễn biến mới đây về sự cố ÔNMT thực chất là sự bùng phát của mầm ô nhiễm đã tích tụ hàng chục năm nay. 5 lưu vực kênh rạch TPHCM lâu nay đã trở thành những dòng kênh đen hôi thối bởi sự phân hủy của các chất hữu cơ và đầy rác. Vụ khoảng 20 tấn cá chết ở quận 7-TPHCM mà kết quả mẫu nước từ rạch chảy vào các ao cá, sau khi phân tích cho thấy có dư lượng thuốc trừ sâu. Tiếp đến, sự cố "luồng nước đen" đến đậm đặc từ sông Vàm Thuật chảy ra sông Sài Gòn mà kết luận cuối cùng của Sở KHCNMT cho rằng do dòng nước ô nhiễm từ kênh Tham Lương loang ra. Tình trạng ô nhiễm đã không chỉ dừng lại ở hạ lưu sông Sài Gòn mà lan lên tới đoạn sông thuộc tỉnh Bình Dương - phần thượng lưu. Cây trồng, vật nuôi trong môi trường nước bị hủy hoại nặng nề. Sự cố này đang còn trong vòng bàn thảo về các giải pháp khắc phục, thì mới đây lại xảy ra tình trạng cá bè chết hàng loạt tại Đồng Nai với số lượng lên đến 120 tấn và 30.000 con cá nhỏ ương nuôi. Theo phản ánh của các chủ nuôi cá bè là "có nguồn nước màu đen, có mùi hôi nồng của hoá chất do thủy triều đẩy từ các cống xả  của các đơn vị sản xuất phía KCN Biên Hoà 1". Tháng 7.2002 cũng đã từng xảy ra vụ chết gần 200 tấn cá bè nuôi trên sông Đồng Nai. Kênh rạch ô nhiễm trầm trọng đã đành, nhưng đến những con sông giờ đây cũng không còn là chốn yên ổn cho các loài thủy sinh.

    Với lượng nước thải xả thẳng vào hệ thống kênh rạch hơn 1 triệu mét khối mỗi ngày tại KVKTĐLPN hiện nay, không chỉ có các thành tố hữu cơ gây ô nhiễm mà nước thải công nghiệp còn mang theo các thành tố hoá học độc hại, như của ngành dệt nhuộm, xi mạ, chế biến thủy sản, sản xuất thuốc bảo vệ thực vật v.v... Nếu tình trạng ô nhiễm không được hạn chế, khắc phục thì hệ thống sông Sài Gòn-Đồng Nai vốn là nguồn cấp nước sinh hoạt chính cho khoảng 12 triệu dân thuộc khu vực trên sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng, đe dọa đến an toàn sự sống con người.  

Thủ phạm chính là nước thải công nghiệp!
    Việc ô nhiễm kênh Tham Lương đã được xác định do nước thải từ sản xuất công nghiệp. Dọc trên tuyến kênh này hiện vẫn còn 28 đơn vị xả nước thải xuống kênh không qua xử lý. Chỉ có nước thải công nghiệp mới mang những đặc trưng về mùi hôi nồng nặc của hoá chất và một số chỉ số khác cho thấy sự tích tụ chất hữu cơ lâu năm phân hủy do ngành sản xuất thực phẩm tạo nên. Vụ cá bè chết trên sông Đồng Nai đang được đặt nghi vấn do nước thải của các đơn vị là Cty giấy Đồng Nai, Tân Mai, Cty đường Biên Hoà và Cty sản xuất bột ngọt Ajinomoto VN. Trong khi đó, tại TPHCM có khoảng 30.000 cơ sở sản xuất TTCN và đơn vị sản xuất công nghiệp lớn mà đại đa số xả nước thải chưa qua xử lý trực tiếp ra sông rạch.
    ÔNMT do nước thải công nghiệp đã rất trầm trọng, dù đã được cảnh báo rất nhiều nhưng cuối cùng cũng trôi lờ đi bởi những áp lực về thu hút đầu tư, phát triển sản xuất và lợi nhuận. Nhìn một cách hệ thống và tổng thể - từ Bộ Công nghiệp là cơ quan quản lý nhiều nhà máy sản xuất công nghiệp lớn nhất, cho đến hai địa phương có nhiều đơn vị  sản xuất công nghiệp đóng trên địa bàn là TPHCM và Đồng Nai - đều chưa có một chiến lược triệt để và kiên quyết để giải quyết ÔNMT do sản xuất công nghiệp gây ra. Năm 2000, TPHCM từng khởi động trở lại chương trình di dời DN gây ô nhiễm ra ngoại thành, nhưng tiến độ quá chậm chạp. Số DN di dời được tại TPHCM mới đếm trên đầu ngón tay, trong khi đó theo thống kê của 15/22 quận, huyện của thành phố đã có trên 930 cơ sở sản xuất cần phải di dời. Nhiều DN, đặc biệt là đơn vị trực thuộc Bộ Công nghiệp (ngành sản xuất sữa, dệt) vẫn lần lữa, trễ nải trong việc trang bị hệ thống xử lý nước thải. Sự phối hợp giữa Bộ Công nghiệp với các địa phương bị ÔNMT vì sản xuất công nghiệp hàng chục năm qua là con số 0. Chưa kể, có những đơn vị sản xuất công nghiệp lớn cậy thế trung ương, bao năm qua trì hoãn thực thi các giải pháp khắc phục ÔNMT và di dời. Pháp luật về bảo vệ môi trường sống không thiếu, nhưng trong công tác quản lý về môi trường lại đang thiếu sự kiên quyết trong trách nhiệm và thừa thãi sự xuê xoa, cả nể cho nhau.

Thẩm Hồng Thụy

Từng bước xử lý ô nhiễm môi trường sông Đồng Nai

Định hướng chung của Đề án sông Đồng Nai là từng bước xử lý ô nhiễm môi trường, cải thiện và nâng cao chất lượng nước của dòng sông; thực hiện cân bằng nguồn nước nhằm phục vụ an toàn cho việc cấp nước sinh hoạt, tưới tiêu nông nghiệp, các nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội bền vững khác và gìn giữ cảnh quan thiên nhiên đặc trưng của lưu vực sông; xây dựng mô hình quản lý môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội, bảo đảm công bằng cho mọi đối tượng, mọi tiểu vùng trong lưu vực, gắn với quyền lợi của người khai thác, sử dụng tài nguyên trên lưu vực với nghĩa vụ bảo vệ môi trường phục vụ phát triển bền vững dòng sông; xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả hệ thống cơ chế, chính sách, các giải pháp khoa học công nghệ tiên tiến và khả thi nhằm ngăn chặn mức độ gia tăng ô nhiễm; phục hồi, tái tạo, bảo vệ, cải thiện chất lượng môi trường và phát triển tài nguyên lưu vực sông.

Một số mục tiêu cụ thể đến năm 2010 là thành lập và đưa vào hoạt động Uỷ ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai, 100% các cơ sở sản xuất xây dựng mới phải áp dụng công nghệ sạch, ít gây ô nhiễm và thân thiện với môi trường hoặc được trang bị các thiết bị giảm thiểu ô nhiễm, xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường. Phấn đấu đến 80% các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, 40% các khu đô thị mới có hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Giai đoạn 2016-2020, hoàn thành xử lý triệt để trên 95% các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và ngăn chặn có hiệu quả mức độ gia tăng ô nhiễm tại địa bàn. Ít nhất 70% khu đô thị và 100% các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường; nâng tỷ lệ che phủ rừng toàn lưu vực đạt ít nhất 50% tổng diện tích rừng tự nhiên, khôi phục cơ bản rừng đầu nguồn đã bị suy thoái.

Theo TTXVN, 05/12/2007

Đồng Nai: Ô nhiễm từ hoạt động sản xuất gạch thủ công

Dọc con đường lổm ngổm gạch vụn dẫn vào xã An Hòa, lác đác những lò gạch thủ công cũ kỹ đang hoạt động. Từ những mái tôn lụp xụp, chắp vá, những làn khói đen, trắng mang theo hơi nóng thi nhau tuôn ra, theo gió bay mù trời, bầu không khí nơi đây nặng nề, ngột ngạt.

Địa bàn ấp 3 có 4 lò gạch đang hoạt động hết công suất nhằm phục vụ thị trường cuối năm, lửa đỏ hừng hực, khói bốc nghi ngút. Ông Hai Chất, trưởng ấp 3, cho biết: “Đại bộ phận các lò gạch ở đây quy mô như nhau, mỗi lần đốt từ 5 đến 7 muông (1 muông bằng 10.000 viên).

Gạch được đốt bằng gỗ, mùn cưa, vỏ hạt điều, trung bình mỗi mẻ gạch phải dùng tới cả chục tấn chất đốt.” Quá trình đốt gạch thải ra môi trường rất nhiều loại khí độc hại: SO2, CO, CO2, NOx, đặc biệt SO2 có ảnh hưởng rất xấu tới sức khỏe người dân, môi trường và sản xuất hoa màu. (ngoài ra còn có PM10, PM2,5 là dạng bụi kích thước nhỏ hơn 10 micromet và 2,5 micromet, nguyên nhân gây các bệnh về đường hô hấp).

Gạch sau khi ra khuôn được đốt nhỏ lửa để làm khô, gọi là “xông gạch”. Giai đoạn này kéo dài từ 15 đến 20 giờ, sinh ra những làn khí trắng, rồi đổi màu thành đen mỏng với mùi khó chịu. Công đoạn “ngột ngạt” nhất là quá trình đốt gạch chín. Tuy chỉ mất khoảng 10 giờ đốt liên tục nhưng lại tốn nhiều củi nhất và cũng là độc hại nhất.

Do yêu cầu nhiệt độ cao và đều đặn, củi, mùn cưa được đưa vào lò liên tục, các lò gạch phân bố khắp làng phun lên trời những cột khói, mảng khói đen kịt, bầu không khí trở nên ngột ngạt, khó chịu. Những người đàn ông mồ hôi nhễ nhại nước mắt nước mũi giàn giụa chạy vội ra ngoài sau mỗi lần “nhịn thở” chạy vào thêm củi. Tội nghiệp nhất là bọn trẻ nhà gần lò gạch đều được mang gửi nhà trẻ hoặc nhà người thân… vì bụi.

Không khẩu trang, quần áo bảo hộ, mắt kính, bao tay, giày… những người thợ gạch ngày qua ngày ngoi ngóp, vật lộn với khói, bụi và hơi nóng hầm hập phả ra từ lò gạch. Mỗi ngày làm như thế này, các anh kiếm được trung bình 70.000 đồng.

Anh Lê Bình mới 25 tuổi nhưng đã có thâm niên gần chục năm làm gạch. Khuôn mặt gầy guộc, hốc hác, trông anh già hơn cái tuổi 25 trai trẻ rất nhiều. Anh Bình than thở: “Không có ruộng, đi làm công nhân lương thấp lắm, lại xa nhà nên đến đây làm gạch. Biết là độc hại, sẽ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe nhưng vẫn phải làm để lo cuộc sống gia đình, nuôi con cái…”. Mỗi khi được hỏi, những câu trả lời của các anh thường đứt quãng bởi… ho sặc sụa.

Những ngày cuối năm, các lò gạch hoạt động hết công suất bởi nhu cầu cần gạch xây sửa nhà dịp năm hết Tết đến là rất lớn.

Tỉnh Đồng Nai cũng đã đưa ra chủ trương xóa bỏ các cơ sở sản xuất thủ công gây ô nhiễm, thay thế bằng việc áp dụng công nghệ mới. Người dân sẽ được tỉnh hỗ trợ đầu tư xây lò gạch sử dụng công nghệ hiện đại, giảm thiểu ô nhiễm môi trường (tỉnh hỗ trợ 70% vốn từ ngân sách). Mong sao chủ trương trên sớm triển khai trong thực tế.

            V. H - K. G

1 - 10 Tiếp theo