Bỏ qua nội dung chính

Địa chí Đồng Nai

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin > Địa chí Đồng Nai > Bài đăng > Biên Hùng Liệt Sử : Địa Lý Phong Thủy
Biên Hùng Liệt Sử : Địa Lý Phong Thủy
Việt Nam xưa đã từng gián tiếp chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc, dân tộc ta tin tưởng vào phong thủy địa lý, mà xét đoán sự thạnh suy của đời sống gia đình, của sinh hoạt xã hội trong cộng đồng quốc gia.


Miền Đồng Nai, Biên trấn được phước quả nằm trong một thế đất (thuộc khu vực ảnh hưởng của sao Dực và sao Chẩn, vị thứ sao Thuần vĩ, chiếu dương), là nơi tụ khí tàng phong, có khí hòa gió thuận).
Các nhà phong thủy thâm nho, các sử gia thường gọi xứ Biên Hùng là vùng đất linh; nhờ địa linh, mới sanh xuất nhiều bậc hiền tài, nhơn kiệt, được lưu danh trong quốc sử.
           Ngoài đất địa linh vì khí thế oai hùng, nay nghiên cứu lại địa thế Biên-Hòa theo sử sách góp nhặt và nhận xét cá nhân, đất thiêng Đồng Nai có phần lớn ẩn hình: Long, Lân, Qui, Phụng.
          Bốn thú nầy được thần thoại Trung Quốc liệt vào bộ Tứ Linh, vì có những siêu tính xuất chúng: Theo sử gia Lương Văn Lựu thì đệ nhứt linh là:
           Long :
          Tức là con sông lớn uốn khúc chảy từ bắc xuống nam, rưới nguồn tươi mát lên đất Biên hùng, giống hình con long ẩn thủy. Dưới thời các chúa Nguyễn, có danh xưng là Phước Long giang (về sau kinh lược sứ Nguyễn Hữu Cảnh di dân từ Quảng Bình vào lập cư, đặt là sông Đồng Nai). Đúng là con sông rồng đem phước quả vào lãnh địa Biên Hoà.
          Nơi bờ sông Long Sơn, Long Đại, Cù lao Cái Giắt (kinh châu Phước long thôn) xưa, có đền thờ Long Vương Tam Lang, rất linh ứng, được giới thương hồ tôn kính, khi thuyền qua, đều ghé cúng bái cầu an.
         Tác giả Bình Nguyên Lộc trong tác phẩm Câu Dầm có kể một ngư phủ ở Tân Uyên câu được con cá lạ là con của Long Vương, ngư ông đem thả nên sau được đền ơn mời xuống Long điện làm thượng khách của Long Vương.
         Hai ngọn núi Long Ẩn (lấy đá) và Bình Điện (có ngôi Bửu Phong cổ tự) tại xã Bửu Long (Đức Tu) kết hợp cùng các gò nổng uốn quanh, lồi lên lõm xuống, chạy qua các xã Tân Ba, An Thành, Tân Hiệp, Bình Trị, Hoá An, Võ Sa và ngọn núi Chiêu Thái (Châu Thới, có giả thuyết cho Châu Thới là trái châu?), vì có Long mạch nên thầy địa lý Tàu mới chôn Chú Hỏa tên thiệt là Hui Bon Hỏa. Ở đó, giốc Chú Hỏa xưa làm ngoại cảnh quay cuốn phim "Con Ma Nhà Họ Hứa", có phải nhờ đó mà con cháu một người bán ve chai sau trở nên đại kỹ nghệ gia bên Pháp ? ) ; gân đất cấu thành các bộ phận một con rồng khổng lồ, nằm vắt ngang dưới lưu vực sông Phước Long (ấp Tân Lại xã Tân Thành). Núi Long Ẩn là đầu, chuỗi gò nổng nối dài kể trên là mình rồng lượn khúc, núi Châu Thới phía nam là đuôi vảnh lên cao. Núi Bình Điện là trái ngọc châu.
        Tư thế rồng nằm quay đầu về hướng bắc, ngậm trái châu Bình Điện.
        Rồng đây là rồng quý, phần đầu là một vị trí tôn nghiêm, được quí trọng xem như bảo vật, xưa được lấy làm hậu bình cho Văn miếu tại thôn Tân Lại, thờ đức Khổng Phu Tử và các Á thánh Văn thần, điạ danh Bửu Long xuất phát trong khung cảnh nầy.
       Biên Hoà xuất xứ từ cốt rồng nằm. Một số địa phương được mang tên với phụ danh "Long" như: Phước Long, Long Phước, Long Khánh, Long An, Long Tân, Bình Long, Long Hưng, Long Bình Tân, Long Bình (sau làm căn cứ quân đội Mỹ trấn đóng). Một tên lạ địa phương hay gọi là Cây Đào để chỉ Tân Uyên mà tôi chưa tìm ra xuất xứ.
       Vốn đất rồng và có người tin rồng lấy nước, nên Biên Hoà, cùng nhằm năm rồng giậy (Bính Thìn 1916 và Nhâm Thìn 1952) đã hai lần hứng chịu nạn lụt to, bão lớn.
       Rồng là thú của thần thoại, loại rắn khổng lồ, mình có 4 chân, lưng đuôi viền kỳ, miệng rộng, mũi to, râu cọng dài, đầu hai sừng, sống dưới nước, trong biển sâu.
       Rồng ở trên trời cao, lấy nước biển làm mưa cho thế nhân hưởng, ám chỉ nơi tôn nghiêm, tinh khiết, chỗ an vị của đức Văn Thù Bồ Tát, được gọi là Long Nhiểu. Việt tộc chúng ta rất hãnh diện dưới nguồn gốc con Rồng cháu Tiên.
        Lân:
       Đệ nhị linh là lân, thú cùng loại sư tử, hình thù cổ quái bởi sừng đuôi trâu, chân ngựa, nhưng tính tình rất hiền, không ăn sinh vật, khi xuất hiện, báo điềm lành.
       Cuộc đất ấp Lân Thành thuộc xã Bình Trước (tỉnh lỵ) nhưng ở vào vị trí của đồng quê. Tương truyền địa danh Tân Thành do thế đất nên được mệnh danh Lân Thành, do lân mà thành.
       Để tìm hình thế, nhà địa lý nhận thấy con lân nằm mọp trong phần đất của ấp, đầu là Núi Đất, quay về hướng bắc, lưng trải ra làm trung tâm ấp, vùng ở dưới thấp là mình oằn xuống, Gò Me cạnh sông Sa Hà (Rạch Cát) là chóp đuôi vảnh lên ở hướng nam. Núi Đất ở sau câu lạc bộ hồ tắm Biên Hoà, nay đã bị san bằng, nhưng vẫn giữ được danh xưng. Núi Đất đặt cho một ấp hành chánh có đền thờ dũng tướng kháng Pháp Trương Công Định.
      Giữa thân con Lân, dựng đền thờ Thần hoàng bổn xứ và chùa Thiên Long, đặc biệt, có hai ngôi mộ của cố Hồ Văn Rạng là nội tổ và cố Trần Thị, là bà dì của Tá Thiên Nhân Hoàng Hậu, vợ vua Minh Mạng.
     Cũng từ gốc Kỳ lân, thú lành, mà Biên trấn, đã phát xuất tục múa lân nhân dịp Tết Nguyên đán và Tết Nhi đồng Trung Thu, chủ xướng bởi nhóm quan binh Tàu di cư đến lập ấp, vào khoảng năm 1700.
     Về sau, hai nhóm lân vũ thành lập tại Bình Trị Hóa An và Bửu long, để hiện gìờ, được tiếp nối, do hội Tân Bình Đường và xóm đình Tân Lân và chùa Một Cột, Phật bốn tay (đền Tân Lân thờ đức Trần Thượng Xuyên gốc Hoa có công lớn di dân lập ấp, phát triển Biên Hoà, sinh tiền ông rất ghét màu đỏ nên xe đò Liên Hiệp muốn tránh tai họa phải sơn màu xanh).
      Lân nhi là quí tướng, nên có câu: "Kỳ lân xuất hiện, thánh nhân ra đời", câu này ứng với đức Khổng Tử, khi bà Nhan Thị thấy con Kỳ lân hiện ra nhả tờ ngọc thơ có đề: Thủy tinh chi tử, kế suy Châu vị Tố vương, bà vội lấy dây lụa buộc vào sừng, Kỳ lân biến mất, bà mang thai, sau sanh Khổng Châu tự Trọng Ni, thành bậc thánh triết Á đông, được nhân dân ta suy tôn là "Vạn thế sư biểu".

       Qui:

       Đệ tam linh là qui tức con rùa: là loài sinh vật có mai, bò sát, đầu đen, cổ rút, có thể nhịn ăn mà vẫn sống.
       Cù Lao Rùa tại xã Thạnh Hội còn gọi là cù lao Nhựt Thạnh, nơi mà tôi đã chạy giặc Pháp rồi giặc Nhật về đó hồi mới 4 tuổi, ngó qua Tân Triều là quê ngoại của tôi, và cũng là quê ngoại của Nam Phương Hoàng Hậu, hiện tại ngôi nhà thờ từ đường còn miếng đá có khắc tên gia đình ông ngoại của bà là ông Lê Phát Đạt. Biên Hoà nổi tiếng nhờ bưởi Tân Triều, Cù lao Rùa có lò che do trâu kéo (lò đường) mà nơi đó, tôi tập trận cờ lau, thưởng thức mía lùi và kẹo kéo từ đường mật ngay tại cây cột bóng lưởng của lò che. Ở phía Bồng Giang (Sông Cái) thuộc quận Tân Uyên, được chánh sử ghi là đảo Qui Dự, nguyên là một gò đất nổi, trên có huyền vũ gồm một rừng cổ thọ, mà ngọn cây họp thành hai chòm như hai cái vung úp, cái lớn cao, cái nhỏ thấp, gần nhau, ở xa trông rõ là hình con linh qui khổng lồ, có đủ mai và quay đầu về hướng tây bắc nằm trên sông Phước Long. Hiện giờ hai chòm cây hình rùa không còn, vì đã bị đốn mất vào khoảng năm 1948, khi quân đội Pháp đến đóng đồn.
        Phía bắc đảo Qui Dự (đối diện ấp Tân Llương xã Phước Thành) là gò Thạch hHa, có loại đá đen, khi nắng chiếu, bắn ra tia hỏa quang, lấp lánh như sao bay. Thêm nữa, dưới gò đất là bụng rùa, đồng bào Thạnh Hội đào được rất nhiều đá bén, và Cồn Gáo, đá hình lưỡi tầm sét có khả năng trị sốt và làm kinh, mà huyền thoại mê tín cho rằng thần qui giữ kho vũ khí của Lôi Thần.
       Một ngọn núi ở vào mạn bắc, trên ngọn Tiểu Giang (Sông Bé), dưới chân có hai tảng đá thật lớn, nằm khít nhau, trông giống hình rùa trong lòng sông.
       Vị thế nằm của đá, tùy mực nước lên xuống và phía đứng, mà trông thấy rùa nằm ngang hay xuôi. Tương truyền rùa di chuyển để cản nước hoặc cho xuôi dòng. Thổ dân và các nhà khai thác lâm sản xem hiện tượng đó mà chiêm nghiệm, dự đoán nạn nước tràn ngập dưới đồng bằng.
       Được sử ghi với danh xưng "Thần qui sơn" và "Thọ sơn" (rùa sống lâu). Người địa phương gọi là Núi Ba Ba.

Linh vật thứ ba được phó cho đội kinh và đội bia trong các đền thờ.
       Rùa nghe kinh, tuổi rùa, hạc cưỡi rùa, mai rùa có bát quái đồ dược dùng để xủ quẻ, bói toán.
       Rùa linh thiêng nên mới có truyện Thần Kim Quy cho An Dương Vương nỏ thần dẹp giặc ngay trong lịch sử Việt nam. Ngày nay, chính phủ Cộng Sản không tin phong thủy nên cho khai thác cát bừa bãi nên Cù Lao Rùa gần bị sạt lở đứt gần cái cổ rùa. Với mục đích xóa bỏ tên làng Tân Tịch, chúng đã sát nhập vào làng Thượng Lảng gọi là làng Thượng Tân.
        Phụng:
       Đệ tứ linh là phụng, loài chim quí (con mái gọi là Hoàng hoặc Loan), lông đuôi dài, khi xoè lên, ửng hoa sao ngũ sắc, là chúa của thượng cầm).
       Đất các xã ở Biên Hoà vùng Long Thạnh Mỹ (Thủ Đức), xưa thuộc huyện Long thành, có chất đá ong thích hợp loại thổ sản dưa, đậu được cấu thành bởi hình dáng con phụng xòe cánh. Nơi đó là một cửa quan hiểm yếu, sử gia đặt "Khổng tước quan" là cửa ải Điểu Công (cùng loại với Phụng). Người Biên-hòa gọi nôm na "Khổng Tước Nguyên" là Gò Công.
       Quanh vùng Gò Công có một con rạch mang tên Trau Trảu (cũng là loại điểu thú).
Trên quốc lộ 15, dẫn đi Vũng Tàu (tên xưa Thuyền Úc), nơi trụ số 46, ranh giới xả Tân Phước và Phước Tân, có một chiếc cầu, sử ghi là Phụng Kiều.
      Gò dốc 47, Núi Chùa (ngả vào ngọn Sông Buông) và núi đất đỏ (Hòn Máu), có tháp canh cạnh khúc đường cua, nơi đầu ấp Tân Mai II, họp thành giống hình thể một con phụng có đầu mình và đuôi.
      Miệt Võ Su, Võ Đắt nổi tiếng là ông Võ Văn Trạng và con gái chuyên săn cọp, nơi mà hồi còn trẻ, tôi, anh Trần Ngọc Ca (Năm Tân) và Đỗ Cao Phước thường đi săn con minh (trâu rừng).
      Dân quê địa phương đơn giản gọi là Cầu Vạc (loài chim ăn đêm xưa thường đến đậu). Cầu Vạc chính là địa điểm này, chớ không phải là xã Bùi Tiếng và lò gạch Tân Mai (Bình Trước).
      Miền đông bắc Tân Uyên, là nê địa, sình lầy, không cần cày trâu, mà chỉ cuốc tay để làm ruộng, được mang tục danh là "Đất Cuốc" (xã Tân hòa) và Sình (Tân Nhuận). Có làng đồng bào thượng tên Cát Tiên.
      Nơi mà đồng bào tản cư năm 1945, đã lưu nhiều kỷ niệm, người Pháp đặt là chiến khu Đ.
      Vùng đất thiêng nầy đã phát xuất nhiều huyền thoại. Tương truyền đây nguyên là một Phượng Trì (xã Chánh Hưng), vì vùng ao to rộng nầy, xưa có chim phượng tới tắm nước, rỉa lông (Phượng hoàng ẩm thủy). Do đó nhân dân địa phương đặt là Bàu Phụng (chớ không phải là bà Phụng).
      Năm Bính Dần 1806, vua Gia Long và Thuận Thiên Hoàng Hậu tuyển con gái các quan đại thần trong triều để nạp làm phi cho Thái tử Đảm, tức là vua Minh Mạng sau này. Con gái của Phúc Quốc Công Hồ Văn Bôi, quê ở làng Bình An, tỉnh Biên Hoà, sinh năm Tân Hợi 1791, cùng tuổi với Thái tử Đảm, tên húy là Hồ Thị Hoa trúng tuyển vào cung, sau chính là Tá Thiên Nhân Hoàng Hậu, là người đoan trinh, hiền thục. Vua Gia Long cho là chữ "Hoa" như tên của bà chiết tự ra có nghĩa là "một chút hương thơm" thì e không tốt cho vận số, chi bằng đổi chữ "Hoa" thành chữ "Thực", có nghĩa là "quả" hay " quả phúc" thì tốt hơn. Sau sanh Nguyễn Phúc Tuyền Minh Tông thành vua Thiệu Trị. Bởi cung cách và phẩm hạnh của bà, vua Gia Long cấm gọi phạm húy tên bà, nên người trong Nam mới gọi là "bông", như bông sen thay vì hoa sen.
      Biên Hoà có sông, có núi, nước không cần sâu nhưng cần có rồng, thì hóa linh; núi không cần cao, nhưng có tiên, nên thành thiêng, hồn thiêng sông núi hun đúc nhiều nhân tài, chí sĩ yêu nước.
Đất Biên Hoà có Long mạch, nên phát sinh khí thế hồn thiêng. Một cuộc đất, nói theo phong thủy địa lý, có tiên thánh (núi Tiên Cước phía nam Long Thành) mà còn Long Lân Qui Phụng họp thành bộ "Tứ Linh", nên được linh thiêng, danh bia thanh sử.
      Nguồn vnthuquan.net

Comments

Không có nhận xét nào cho bài đăng này.