Bỏ qua nội dung chính

Địa chí Đồng Nai

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin > Địa chí Đồng Nai > Bài đăng > Mẹ Nguyễn Thị Đởm (1906 - )
Mẹ Nguyễn Thị Đởm (1906 - )

        Chúng tôi đến trại nuôi dưỡng cha mẹ liệt sĩ ở xã Hiệp Hòa vào một buổi sáng tháng mười, bên bờ sông Đồng Nai quanh năm lặng lẽ bồi đắp phù sa. Gặp lại mẹ Nguyễn Thị Đởm trong niềm vui và xúc động. Mẹ đã ở vào tuổi 89 (1906), nhưng dáng người vẫn thẳng thắn như thời mẹ còn trẻ. Vẫn giọng nói sang sảng của những ngày mẹ làm công tác tuyên truyền, vận động anh em binh lính buông súng về với cách mạng, của những năm tháng kêu gọi đấu tranh chống áp bức, bóc lột, đòi tăng lương, đòi cải thiện đời sống công nhân cạo mủ ở đồn điến cao su Suối Tre, Bàu Hàm... Riêng đôi mắt mẹ đã bao lần ngóng trông người con trai của mẹ trở về... nhưng con mẹ đã không trở về, và đôi mắt thì mỗi ngày một mờ đi...

 

             Mẹ đón chúng tôi thân tình như con cháu lâu ngày gặp lại. Mẹ hồn nhiên, dẫn tay chúng tôi chỉ cho xem những tấm huy chương mà nhà nước đã phong tặng cho mẹ, cho chồng, con mẹ
 - " Và cả vòng hoa này nữa, các con xem có đẹp không ?" (Và khi chúng tôi chụp ảnh lưu niệm thì mẹ nhất định đòi đeo vòng hoa ấy cho kỳ được !)
Đang vui, chợt cái nhìn của mẹ thoáng xa xăm. Đôi mắt mờ dõi về một nơi như con mẹ vẫn đang hiện hữu...
 - Đấy ! Các con xem, anh Dần con có giống mẹ không ? Mẹ chỉ có mình anh con, thế mà mẹ cũng không giữ được nó ! Trong cảnh đất nước tang thương, nếu người mẹ nào cũng chỉ muốn giữ con ở nhà với mình, thì đất nước này sẽ về đâu ? ! Biết bao người mẹ đã hy sinh cái riêng để được cái chung ! Nào đâu phải chỉ mình mẹ. Mấy mươi năm rồi còn gì ? ! - Mẹ lấy khăn chậm nước mắt, giọt nước mắt hiếm muộn của tuổi già làm chúng tôi nao nao trong dạ. Rồi mẹ lặng im như đang lục tìm trong ký ức những dấu ấn của một thời đã qua.
             Quê mẹ ở Thụy Anh, Thái Bình. Năm 1926, mẹ theo những người mộ phu vào Nam và chọn Đồng Nai làm quê hương thứ hai. Là một công nhân cạo mủ, phải chịu bao cảnh áp bức, bóc lột của bọn cai, bọn tổng đồn điền, mẹ đã sớm được giác ngộ cách mạng và làm công tác tuyên truyền. Mẹ lấy ông Nguyễn Văn Biên ở Bầu Lâm - Xuyên Mộc - Bà Rịa. Những tưởng cuộc đời sẽ đổi khác, nhưng mẹ đã âm thầm xót xa với cảnh lẻ mọn, Năm 1935, anh Nguyễn Văn Dần ra đời, niềm vui chưa trọn vẹn, thoắt đã ly tan, chồng mẹ bị Pháp bắt và giết chết vì tội "tham gia cách mạng", còn lại mình mẹ côi cút nuôi con. Năm 1950, anh Dần tham gia cách mạng và làm du kích ở xã An Lộc - Xuân Lộc - Đồng Nai, và khi đến tuổi 20 thì anh thoát ly hoạt động bí mật. Ngày chia tay, anh nói với mẹ : "Con muốn ở nhà làm rẫy nuôi mẹ, nhưng giặc không để chúng ta yên ổn làm ăn... Mẹ hãy để con đi... Con còn phải trả thù cho cha nữa !"
             Dứt ruột đưa tiễn con vào kháng chiến, những lần gặp mặt vội vã qua những lần tiếp tế cho con, còn lại mình mẹ, mẹ tiếp tục công tác hậu phương. Tảo tần với đủ mọi nghề, mọi việc, dành dụm được ít tiền, vàng, mẹ cũng bán đi để gửi cho con và cho anh em cách mạng.
             Trong những năm tháng làm công tác hậu phương, mẹ cũng đã từng ra khám vào tù (có năm mẹ bị tù tới bốn lần), bị đánh đập tra khảo, nhưng không moi được chứng cớ gì ở mẹ, chúng đành thả mẹ ra. Mẹ lại tiếp tục công việc của mình. Một đặc điểm nổi bật ở mẹ là sự nhanh trí và khéo léo, mẹ đã nhiều lần qua mặt được kẻ thù giúp cho những cuộc họp, những cuộc hành quân bí mật của anh em cách mạng được an toàn... Lắm khi nhớ lại, mẹ bật cười : "Nghĩ hồi ấy, mình cũng gan !..."
             Những tưởng mẹ con sẽ có một ngày gặp lại, nhưng anh Dần đã vĩnh viễn nằm lại ở ấp Núi Tung, xã An Lộc - Xuân Lộc - Đồng Nai ngày 2-9-1969 khi bám đánh địch ở núi Tung bị vướng mìn của địch gài, anh hy sinh tại chỗ. Chiến tranh qua đi, hòa bình lập lại, con của mẹ chỉ còn trở về với tấm di ảnh nơi đầu giường của mẹ. Vắng sự chăm sóc của con nhưng mẹ lại được sống trong sự yêu thương đùm bọc của các cấp, các ngành... dẫu cho đó là sự bù đắp rất nhỏ.
            Mẹ được nhà nước phong tặng danh hiệu : "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" tháng 11 -1994.
 

Comments

Không có nhận xét nào cho bài đăng này.