Bỏ qua nội dung chính

Địa chí Đồng Nai

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin > Địa chí Đồng Nai > Bài đăng > Chất lượng môi trường ở Đồng Nai có biểu hiện suy giảm
Chất lượng môi trường ở Đồng Nai có biểu hiện suy giảm

Theo kết quả điều tra, thống kê và quan trắc thời gian qua cho thấy, chất lượng môi trường ở Đồng Nai đang có biểu hiện suy giảm và xuất hiện tình trạng ô nhiễm môi trường cục bộ.

                                                      

                        Nước thải từ các nhà máy, xí nghiệp, một yếu tố gây ô nhiễm môi trường

So với năm 2005, 2006, kết quả quan trắc năm 2007 cho thấy: chất lượng môi trường không khí trong các khu công nghiệp, các khu dân cư tập trung, khu vực giao thông trọng điểm và khu nông thôn miền núi trong năm 2007 cơ bản đều nằm trong giới hạn cho phép theo tiêu chuẩn chất lượng không khí xung quanh. Tuy nhiên đã có biểu hiện ô nhiễm môi trường cục bộ qua các thông số ô nhiễm phổ biến đặc trưng như: bụi, CO tại một số vị trí ở khu công nghiệp, khu dân cư và các trục lộ giao thông công cộng trên địa bàn tỉnh. Chất lượng môi trường nước mặt có biểu hiện suy giảm tại một số vị trí thuộc các đoạn sông Đồng Nai, hồ Sông Mây, hồ Thanh Niên, hồ Gia Ui. Đặc biệt, mức độ ô nhiễm môi trường có chiều hướng tăng lên đến mức độ ô nhiễm nghiêm trọng tại một số khu vực thuộc sông Đồng Nai, suối Linh, suối Săn Máu, suối Bà Lúa và suối Gia Măng. Ngoài ra, khu vực cấp nước thô của nhà máy nước Biên Hoà đã nhiễm bẩn do chất thải hữu cơ và vi sinh (colifrom) vượt quá chất lượng môi trường cho phép. Đối với sông Thị Vải, qua kết quả quan trắc cho thấy đã bị ô nhiễm hữu cơ mức cao, thể hiện qua thông số COD vượt tiêu chuẩn cho phép 4,9 lần và ô nhiễm thông số N-NH3 vượt tiêu chuẩn cho phép 4 lần. Về mức độ ô nhiễm kim loại nặng trong môi trường đất cơ bản đều đạt tiêu chuẩn TCVN 7209 – 2002. Tuy nhiên, có 1 số vị trí bước đầu không đạt về thông số Arsenic.

Tại các khu công nghiệp (KCN), khí thải của những doanh nghiệp có nguồn thải cố định do đốt nhiên liệu dầu FO, DO cung cấp cho lò hơi, lò sấy, lò nung…thường chứa các chất ô nhiễm, các chất hữu cơ bay hơi nhưng chưa được xử lý hoặc xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường quy định. Hơn nữa, chất thải nguy hại từ các KCN rất đa dạng và phức tạp, chủ yếu phát sinh từ các doanh nghiệp giày da, điện - điện tử, ắc quy, thuốc bảo vệ thực vật, vật liệu xây dựng, hoá chất…

Tại các làng nghề, hầu hết các cơ sở sản xuất đều chưa đầu tư xử lý môi trường hoặc nếu có đầu tư thì chưa đúng mức và chưa vận hành thường xuyên đã tác động tiêu đến môi trường…

Tuy nhiên, thời gian qua, với nỗ lực không nhỏ của các cấp, các ngành liên quan, nhiều biện pháp nhằm bảo vệ môi trường đã và đang được thực hiện đã phần nào hạn chế được sự ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh. Nhờ việc phát triển hệ thống giao thông, sử dụng nguồn năng lượng sạch (điện, gas) tại các đô thị nên chất lượng không khí tại các đô thị được cải thiện. Thông số SO2, NO2, CO có giảm và nằm trong giới hạn tiêu chuẩn cho phép. Hiện Đồng Nai đã quy hoạch các khu xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Cụ thể, các vị trí hiện hữu đã và đang đầu tư xây xây dựng gồm: Bãi rác Trảng Dài với diện tích 15 ha tại phường Trảng Dài, bãi rác 10 ha tại xã Túc Trưng (Định Quán), bãi rác 5ha tại xã Phú Thạnh (Tân Phú)…Ngoài ra còn có các vị trí bổ sung mới và các khu xử lý tập trung liên huyện như vị trí tại xã Bàu Cạn (Long Thành) với diện tích 30ha, quy hoạch mở rộng hoàn chỉnh 100ha. Dự kiến đây là bãi rác tập trung xử lý rác sinh hoạt tập trung cho 2 huyện Long Thành và Nhơn Trạch; vị trí tại xã Quang Trung, huyện Thống Nhất với diện tích 10 ha, quy hoạch mở rộng hoàn chỉnh là 130 ha thành khu xử lý chất thải rắn liên huyện Thống Nhất và thị xã Long Khánh. Được biết, năm 2006, lượng chất thải rắn trên địa bàn tỉnh phát sinh được thu gom và xử lý khoảng 540.000 tấn/năm, năm 2007, lượng chất thải rắn được thu gom và xử lý khoảng gần 1,4 triệu tấn (tăng 2,5 lần so với cùng kỳ). Ngoài ra, tỉnh đã đầu tư và trang bị 4 lò đốt chất thải y tế…Tại các KCN trên địa bàn đã có 10 KCN xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, trong đó có 6 hệ thống đã và đang đi vào hoạt động. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 2 đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển, lưu giữ, xử lý và tiêu huỷ chất thải nguy hại và có 5 đơn vị tại TP.HCM cùng tham gia. Năm 2007 đã có 977.380 tấn chất thải rắn được thu gom, xử lý (tăng 7 lần so với cùng kỳ).

Trong chuyến khảo sát về môi trường ở Đồng Nai, ông Nghiêm Vũ Khải, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhận xét, Đồng Nai có bộ máy BVMT khá so với các tỉnh khác nhưng Đồng Nai tập trung các yếu tố gây ô nhiễm môi trường. Do đó, công tác BVMT cần sự nỗ lực hợp sức của các ngành, các cấp, các doanh nghiệp và toàn thể nhân dân.

Đào Lan

Comments

Không có nhận xét nào cho bài đăng này.