Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta.
Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét”.
Thấm nhuần và quán triệt sâu sắc tư tưởng của Người, 62 năm qua, Đảng và Nhà nước ta, bất luận trong hoàn cảnh nào, cũng luôn xách định chính sách đối với thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng là một trong những chính sách lớn, có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển con người. Trên tinh thần đó, Đảng và Nhà nước đã từng bước đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính sách thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng. Từ chính sách thương binh, liệt sĩ do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng, đến nay đã phát triển thành hai pháp lệnh: Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng và Pháp lệnh Ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng. Các chủ trương đó đã đi vào cuộc sống, được toàn xã hội đón nhận và ủng hộ.