Để công tác đền ơn, đáp nghĩa trở thành phong trào quần chúng sâu rộng, có ý nghĩa thiết thực, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 20 về chế độ “Hưu bổng, thương tật và tiền tuất cho thân nhân tử sĩ” (16/2/1947; ngày 31/10/1947, Người ký sắc lệnh số 101: thành lập Sở, Ty Thương binh, cựu binh ở khu tỉnh và đến ngày 16/12/1952, Người ký sắc lệnh số 129 đặt ra Bằng Bảng vàng danh dự và Bằng Gia đình vẻ vang để thưởng cho các gia đình chiến sĩ có nhiều người tòng quân hoặc hy sinh trong kháng chiến. Bên cạnh đó, Người cũng ký nhiều lệnh để tặng, truy tặng các danh hiệu anh hùng, huân chương, huy chương cho các liệt sĩ, thương binh đồng thời đôn đốc việc tổ chức thực hiện….
Tiếp tục truyền thống “uống nước, nhớ nguồn” của dân tộc, thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác thương binh, liệt sĩ trong những năm qua Đảng và Nhà nước đã cố gắng tạo điều kiện về công ăn, việc làm, mở các lớp dạy nghề thích hợp,… cho từng đối tượng con em thương binh và thân nhân gia đình liệt sĩ, kể cả đi đào tạo ở nước ngoài,… chính là để đền đáp phần nào những mất mát, đau thương của thương binh, liệt sĩ.