* Làm theo Bác gắn với nhiệm vụ chuyên môn
Để các buổi sinh hoạt về tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được thực hiện có chất lượng, Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh phân công mỗi ban khi nói về tư tưởng, tấm gương đạo đức của Bác phải gắn với nhiệm vụ chuyên môn của từng ban. Theo đó, Ban Dân chủ - pháp luật thường kể những câu chuyện liên quan đến việc tiếp dân của Bác Hồ; Ban Phong trào kể những câu chuyện liên quan đến việc quan tâm, chăm sóc người nghèo của Bác; Ban Tổ chức - tuyên giáo kể những nội dung liên quan đến việc Bác lựa chọn, đề bạt cán bộ ra sao; Ban Văn phòng kể những nội dung liên quan đến tiết kiệm giấy, mực, điện, nước...
Mỗi ban sẽ đăng ký thi đua hàng năm gắn với chú trọng việc nâng cao chất lượng công tác chuyên môn. Ủy ban MTTQ tỉnh cũng có quy định, ban nào, cá nhân nào để sai sót nhiều sẽ bị trừ điểm thi đua cuối năm. Chuyên viên Ban Tổ chức - tuyên giáo Dương Thị Hòa chia sẻ từ các buổi sinh hoạt chuyên đề về tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, mỗi người đều phải liên hệ đến công việc của mình, xem điểm gì tốt thì phát huy, những hạn chế, tồn tại thì phải sớm khắc phục.
Một trong những tác dụng rõ nhất của việc sinh hoạt theo tư tưởng tấm gương đạo đức của Hồ Chí Minh ở cơ quan Ủy ban MTTQ tỉnh hiện nay là nâng cao ý thức trách nhiệm của các cán bộ, công chức, viên chức trong công việc, ngay cả những việc nhỏ cũng được chú ý khắc phục triệt để như: sai sót về lỗi chính tả, thể thức văn bản, số liệu...
* Tích cực chăm lo cho người nghèo
Nhiều năm qua, việc vận động, tiếp nhận tiền, quà từ các cá nhân, tổ chức cho người nghèo được Ủy ban MTTQ tỉnh triển khai thực hiện tốt, không để xảy ra thất thoát, tiêu cực. Đây là sự nỗ lực rất lớn của cán bộ, công chức, viên chức Ủy ban MTTQ tỉnh. Ông Nguyễn Công Ngôn, Phó chủ tịch thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh, cho biết cán bộ MTTQ làm theo Bác ở tấm lòng và tinh thần làm việc trách nhiệm, hết lòng vì dân của Bác. Ngay cả khi trao quà cho người nghèo cũng phải học Bác ở thái độ đúng mực, trân trọng, sẻ chia.
Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đặng Mạnh Trung cho rằng, mô hình học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ở Ủy ban MTTQ tỉnh cần được nhân rộng. Theo đó, việc học tập và làm theo Bác đã đi vào nề nếp, thể hiện rõ trách nhiệm công việc của từng cá nhân. Hầu hết cán bộ, đảng viên, nhân viên ở Ủy ban MTTQ tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong việc vận động toàn dân chăm lo cho người nghèo, các đối tượng chính sách, người gặp khó khăn, hoạn nạn trong cuộc sống. Số tiền vận động được cho các loại quỹ này rất lớn nhưng không để xảy ra tham ô, tham nhũng ở cơ quan Mặt trận.
|
Đồng chí Vy Văn Vũ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, trao bằng công nhận
cho đại diện các khu dân cư tiêu biểu năm 2013.
Ủy ban MTTQ tỉnh cũng thực hiện nghiêm túc quy chế nêu gương. Cụ thể như, để vận động giúp đỡ người nghèo, không chỉ có ban chuyên môn đi vận động mà ngay tập thể thường trực của Ủy ban MTTQ tỉnh cũng không nề hà công việc này. Trong đó, riêng dịp Tết Nguyên đán năm 2014, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã trực tiếp đi vận động và cùng các đơn vị tài trợ trao tặng gần 2 ngàn phần quà cho người nghèo trong tỉnh. Ngoài ra, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh còn vận động hỗ trợ 2 tỷ đồng cho Tổng hội người Campuchia gốc Việt tại tỉnh Kampong Thom (Vương quốc Campuchia) để mua đất xây dựng trường học cho con em họ tại đây...
Từ việc đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, cán bộ, công chức, viên chức của Ủy ban MTTQ tỉnh đã có nhiều sáng tạo trong công việc. Trong đó, ngoài xây dựng những tiêu chí của Trung ương quy định về xét công nhận ấp, khu phố văn hóa, Ủy ban MTTQ tỉnh còn tham mưu cho tỉnh đưa thêm nhiều nội dung khác vào đánh giá, xét công nhận ấp, khu phố văn hóa. Đơn cử như quy định“4 giảm” (giảm ma túy, mại dâm, tội phạm và tai nạn giao thông) khi xét công nhận danh hiệu ấp, khu phố văn hóa nhằm giúp cho việc bình xét này đi vào thực chất hơn. Đến nay, toàn tỉnh có 927/1.007 ấp, khu phố đạt danh hiệu văn hóa...