Tác giả bài viết này đã mượn cụm từ “tình cảm, hoài bão, khí phách” của đồng chí Phạm Văn Đồng để nói về chữ Tâm trong Di chúc của Bác, điều mà tác giả nghĩ không thể thiếu trong việc tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, nhân cách của người đảng viên.
Theo tác giả, có đọc hết di chúc của Bác, mới thấm thía hết được tình yêu thương quê hương bao la, nỗi trăn trở của Người trong từng nét chữ mà đồng chí thư ký riêng - Vũ Kỳ của Bác đã kể lại. Bản di chúc được Bác trăn trở trong 4 năm trời, cứ vào tháng 5 mỗi năm Bác đều xem lại và thêm bớt ý, sửa chữa từng câu, từng chữ… thế mới cảm nhận hết được cái Tâm Bác dành cho Di chúc.
Chữ Tâm trong Di chúc của Bác không dừng lại trong “Trước hết nói về Đảng” mà còn trải rộng ra trong “công việc đối với con người”, với rất nhiều đối tượng, trong nhiều hoàn cảnh, thời điểm khác nhau. Tác giả trích dẫn những lời dạy của Bác trong các tác phẩm của Người, khi Người nói về cái Tâm trong cuộc sống tại các buổi sinh hoạt Đảng. Đồng thời, tác giả còn trích dẫn lời nói của các đồng chí Lê Khả Phiêu, đồng chí Phạm Văn Đồng, đồng chí Nguyễn Văn Linh, đồng chí Lê Duẩn… trong việc nhận định, đánh giá công cuộc xây dựng và chỉnh đốn lại Đảng theo lời Bác dặn. Qua đó, tác giả có đề xuất những nhận định, đề nghị của mình đối với công tác xây dựng Đảng như “Tôi đề nghị đã có quy trình tập trung trí tuệ xây dựng NQTƯ 6 (lần 2) nghiêm túc, có chất lượng thì việc xây dựng chương trình hành động cũng phải được nghiên cứu và triển khai theo một quy trình mang tính dân chủ thật sự, có lãnh đạo đúng đắn, có nghĩa là thể hiện được ý thức sâu sắc của toàn Đảng từ cấp lãnh đạo đến từng người đảng viên về sứ mạng và trách nhiệm của Đảng, của người đảng viên…” Tác giả nói “Làm theo di chúc của Bác, phải hiểu và nhớ lời Bác dạy từ những tháng năm chuẩn bị cho việc thành lập Đảng mang giá trị thời sự nóng bỏng: đồng chí, đồng tâm còn phải biết cách làm.