Huyện Vĩnh Cửu đất không rộng, người không đông (Theo Niên giám Thống kê Đồng Nai 2014, huyện Vĩnh Cửu có diện tích 1.095,71 km2, dân số là 143,07 nghìn người), nhưng có vị trí chiến lược về chính trị, quân sự. Về giao thông đường thủy, Vĩnh Cửu có đường sông Đồng Nai, liên tỉnh lộ 24 chạy cặp sông Đồng Nai dài 40 km nối liền thành phố Biên Hòa lên Trị An, đường Thiện Tân từ Hố Nai lên nhà máy nước Thiện Tân, đường từ ngã ba Chợ Sặt lên Trị An. Vĩnh Cửu là chiến trường trọng điểm của tỉnh Biên Hòa có tác dụng uy hiếp và kiềm chế rất quan trọng đối với kẻ thù, là vành đai án ngữ cửa ngõ Chiến khu Đ về phía Nam; đồng thời là hành lang giao liên quan trọng từ Chiến khu Đ qua lộ 1 xuống Long Thành, Bà Rịa. Vĩnh Cửu lại nằm sát ngay thành phố Biên Hòa về phía bắc, nơi đóng nhiều căn cứ chỉ huy đầu não của địch ở miền Đông Nam bộ. Do đó, Vĩnh Cửu là bàn đạp quan trọng để các lực lượng vũ trang cách mạng tiến công vào sân bay Biên Hòa và các kho tàng, căn cứ quân sự lớn của Pháp, Mỹ, ngụy; đồng thời là chiến trường rất thuận lợi cho những trận đánh lớn, phục kích, tập kích, tập kích sâu vào hậu cứ của địch, là chiến trường lý tưởng cho tác chiến du kích và đánh lớn.
Nhân dân Vĩnh Cửu có truyền thống yêu nước tạo điều kiện thuận lợi quan trọng cho việc xây dựng phát triển lực lượng cách mạng, xây dựng phong trào chiến tranh nhân dân; đồng thời là nơi cung cấp sức người sức của cho công cuộc kháng chiến.
Đảng ra đời, Chi bộ Bình Phước - Tân Triều được thành lập (năm 1935) do đồng chí Hoàng Minh Châu làm bí thư, đồng chí Huỳnh Văn Phan - Phó Bí thư, các đảng viên là: Lưu Văn Viết, Lưu Văn Văn, Quánh Tỷ, Quách Sanh, Trần Minh Triết, Phạm Văn Khoai... là một bước chuyển mình toàn diện của phong trào đấu tranh ở Vĩnh Cửu. Những người con ưu tú của nhân dân lao động Việt Nam tại chỗ cũng như từ các nơi về đã tìm thấy nơi mảnh đất Vĩnh Cửu một địa bàn lý tưởng cho việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin. Những đồng chí Trương Văn Bang, Nguyễn Văn Nghĩa, Phạm Văn Khoai, Phạm Văn Thuận... đã đem ánh sáng Đảng đến với nhân dân Vĩnh Cửu, từng bước đưa cuộc đấu tranh của nhân dân trở thành tự giác vì nhận thức được quyền lợi của mình gắn liền với quyền lợi của giai cấp và dân tộc. Sự ra đời của Chi bộ cộng sản Bình Phước - Tân Triều đã đánh dấu một mốc lịch sử quan trọng, một bước phát triển mới của phong trào cách mạng ở tỉnh Biên Hòa. Chi bộ Bình Phước - Tân Triều là hạt nhân lãnh đạo phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương ở Biên Hòa (1936-1939), làm nòng cốt cho việc hình thành Tỉnh ủy lâm thời Biên Hòa (1937). Nhiều đảng viên của Chi bộ sau này trở thành những cán bộ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Biên Hòa và tỉnh Thủ Biên. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ (1945 - 1975), Đảng bộ và Quân dân huyện Vĩnh Cửu đã kiên cường bám trụ địa bàn, phát huy tinh thần tự lực tự cường, sáng tạo trong chiến đấu, kết hợp 21 lực lượng vũ trang địa phương với chủ lực, kết hợp 3 mũi đấu tranh đẩy lui địch từng bước, giành thắng lợi từng phần, tiến lên đánh bại địch hoàn toàn, góp phần vào thắng lợi chung, giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc. Quá trình đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và Nhân dân Vĩnh Cửu là quá trình phát huy truyền thống yêu nước, tin Đảng, thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ chính trị trong từng giai đoạn lịch sử. Từ những đêm dài nô lệ trong chế độ thực dân, phong kiến, nhân dân Vĩnh Cửu đã không ngừng đứng lên chống giặc ngoại xâm, bảo vệ thành quả lao động, bảo vệ đất nước. Xóm Cháy, cầu Xay, những địa danh một thời ghi dấu ấn của nhân dân theo nghĩa quân Nguyễn Tri Phương chống giặc, Đoàn Văn Cự - người yêu nước với tổ chức Thiên Địa Hội (Ấp Vĩnh Cửu - Tam Hiệp), Trại Lâm Trung (Thiện Tân) những năm đầu thế kỷ 20, với hoạt động tập hợp thanh niên yêu nước, đánh giặc Pháp phá trại giam, là đỉnh cao của lòng căm thù giặc ngoại xâm của nhân dân Vĩnh Cửu khi Đảng ta chưa ra đời.
Với khí thế sục sôi Cách mạng tháng Tám, nhân dân Vĩnh Cửu, lớp trước ngã, lớp sau tiến lên theo Đảng làm cuộc kháng chiến trường kỳ, lập nên bao chiến công chói lọi. Đó là trận đánh giặc Pháp đầu tiên ở cầu Rạch Gốc (xã Bình Hoà) của vệ quốc đoàn Châu Thành, đó là đội xung phong cảm tử gồm toàn thiếu niên đánh giặc tận hang ổ ở Biên Hoà những ngày đầu kháng chiến. Đó là chiến thắng hạ đồn Cây Gáo bằng súng bộ binh. Những chiến thắng Bàu Cá, La Ngà, Trảng Bom đều có công sức đóng góp xứng đáng của quân và dân Vĩnh Cửu…
Trong kháng chiến chống Mỹ, Vĩnh Cửu là địa bàn xung yếu đặc biệt quan trọng, cửa ngõ của căn cứ địa chiến khu Đ, một bàn đạp tiến công các cơ quan đầu não, các kho tàng quân sự, hậu cứ của địch ở thành phố Biên Hoà, nên kẻ thù càng ra sức đánh phá ác liệt. Nhân dân Vĩnh Cửu lại lên đường chống Mỹ cứu nước. Cuộc đấu tranh hết sức ác liệt, gian khổ, phong trào cách mạng huyện chịu nhiều hy sinh, tổn thất, Đảng bộ bị thiệt hại lớn, nhân dân bị kìm kẹp nặng nề. Nhưng vững lòng tin nơi Đảng, vào thắng lợi cuối cùng hoàn thành sự nghiệp giải phóng Miền Nam thống nhất Tổ quốc, nhân dân Vĩnh Cửu vẫn một lòng che chở, đùm bọc cán bộ của Đảng, phát huy vai trò hậu phương tiễn đưa con em lên đường chiến đấu, vừa đấu tranh với địch, vừa sản xuất cung cấp lương thực cho lực lượng kháng chiến…
Suốt hai cuộc kháng chiến, Vĩnh Cửu là vùng “bản lề” vừa án ngữ bảo vệ chiến khu Đ, vừa là bàn đạp đế tạo thế tiến công địch ở vùng sâu, yếu và các hậu cứ, kho tàng địch trong thành phố Biên Hoà. Do đó, đây là vùng địch chà đi, xát lại ác liệt hòng đẩy lực lượng cách mạng ra khỏi địa bàn để giành quyền kiểm soát, cắt đứt nguồn tiếp tế vận chuyển của cách mạng. Phong trào cách mạng khi gặp khó khăn, tinh thần đoàn kết trong Đảng bộ càng chặt chẽ, keo sơn. Bom pháo địch đánh ác liệt, biệt kích Mỹ, bộ binh Mỹ ngụy đóng dày đặc trong rừng, trong xóm ấp, nhưng chỉ thị của Đảng bộ phải bám trụ vào trong dân đều được cán bộ, đảng viên chấp hành triệt để. Những lúc lương thực thiếu nghiêm trọng, sống chia nhau từng hạt muối, cọng rau, từng hơi thuốc lá mà vẫn lạc quan, vẫn ấm tình đồng chí, đồng đội. Trong kháng chiến, Đảng bộ huyện Vĩnh Cửu luôn luôn chấp hành và vận dụng những chủ trương của Đảng vào thực tiễn cách mạng địa phương: Từ việc xây dựng căn cứ, xây dựng lực lượng, bám trụ, giữ địa bàn, đến những đợt đồng loạt tiến công địch như Đông Xuân 1953-1954, nổi dậy thực hiện Nghị quyết 15 của Trung ương (1960-1961), đồng loạt đánh bại “quốc sách” ấp chiến lược (1964), xuân Mậu Thân 1968, chiến dịch Nguyễn Huệ 1972, tiến công và nổi dậy giải phóng toàn huyện xuân 1975. Trong gần 30 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, tuy Đảng bộ còn có mặt thiếu sót, nhưng những kết quả đạt được về mọi mặt cũng đã chứng tỏ bài học vận dụng sáng tạo đường lối của Đảng, nắm vững quan điểm bạo lực cách mạng và tư tưởng tiến công là đúng. Di chúc thiêng liêng của Bác Hồ kính yêu đã được Đảng bộ và Nhân dân Vĩnh Cửu ra sức phấn đấu, đặc biệt trong giai đoạn thực hiện đường lối đổi mới toàn diện của Đảng (từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng năm 1986) để góp phần làm cho Tổ quốc giàu mạnh, cho nhân dân hạnh phúc.
Từ Chi bộ cộng sản đầu tiên với số lượng đảng viên ít ỏi của những ngày thành lập, đến nay Đảng bộ huyện Vĩnh Cửu đã có 39 tổ chức cơ sở Đảng với 3.400 đảng viên. Với số lượng đảng viên hùng mạnh về số lượng và chất lượng cộng với truyền thống yêu nước, đoàn kết toàn dân, tinh thần kiên cường đấu tranh và lao động sáng tạo, dưới ánh sáng của Đảng Cộng sản Việt Nam, một Đảng bộ dày dạn kinh nghiệm, năng động trong lãnh đạo, chỉ đạo cùng với nhân dân huyện Vĩnh Cửu sẵn có bàn tay, khối óc và trái tim nhiệt huyết, tin chắc rằng trong tương lai Đảng bộ và nhân dân huyện Vĩnh Cửu sẽ quyết tâm đạt được thắng lợi trong sự nghiệp xây dựng “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng và văn minh”.
Trần Thủy