Trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, Long Thành là địa phương sớm có Chi bộ Đảng Cộng sản. Từ những năm 1936, nhân dân các xã Phước Lộc, Long An, Tam An, Tam Phước đã bắt đầu tiếp thu tư tưởng cách mạng tham gia mít tinh, biểu tình chống Pháp; đến năm 1937 bắt đầu có cơ sở Đảng, năm 1944 lập chi bộ Đảng đầu tiên do đồng chí Trịnh Văn Dục làm bí thư.
Từ khi Chi bộ Đảng được thành lập, ở Long Thành đã bùng lên một cao trào đấu tranh cách mạng rộng lớn, ví như cuộc biểu tình giành thắng lợi của gần 500 công nhân ở các đồn điền Bình Sơn, An Viễn đòi yêu sách “cấm đánh đập, cấm cúp lương, cung cấp đầy đủ lương thực thực phẩm, ngày làm 8 giờ, đau bệnh được nghỉ và phải được cấp thuốc”. Điều này đã góp phần nâng cao uy tín của Chi bộ. Hay cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám 1945, với khí thế cách mạng dâng cao, cùng với cả nước, quân dân Đồng Nai nói chung và quân dân Long Thành nói riêng dưới sự lãnh đạo của Đảng đã huy động công nhân cao su, nhân dân các xã kéo về quận lỵ giành chính quyền. Chỉ trong ngày 24-8-1945, chính quyền của toàn bộ 21 xã thuộc huyện Long Thành đã về tay nhân dân. So với các huyện trong toàn tỉnh có thể nói Cách mạng tháng Tám ở Long Thành đã giành thắng lợi sớm nhất trong toàn tỉnh. Đó là thành quả trong lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng phong trào của Đảng; là kết quả của việc phát huy truyền thống đấu tranh của nhân dân địa phương.
Đến năm 1947, để tăng cường sự lãnh đạo thống nhất, toàn diện của Đảng với phong trào kháng chiến, vào ngày 5 tháng 5, Tỉnh ủy Biên Hòa quyết định thành lập Đảng bộ huyện Long Thành. Đây là Huyện ủy đầu tiên do tỉnh chỉ định được thành lập, Bí thư Huyện ủy là đồng chí Vũ Hồng. Huyện ủy thành lập đã góp phần tạo nên nhiều thắng lợi to lớn trong phong trào kháng chiến của địa phương, cụ thể:
Cuối tháng 6-1947, Huyện ủy Long Thành chỉ đạo tăng cường ngăn chặn một tiểu đoàn địch càn vào rừng sác Phước An; phá tan âm mưu “dùng người Việt đánh người Việt” của thực dân đặc biệt là âm mưu thủ đoạn chia rẽ tôn giáo, dân tộc của tiểu đội Cao Đài trong bót Cầu Quản Thủ và bót nhà thờ Mỹ Hội; phối hợp với quân dân Xuân Lộc diệt đoàn xe lửa quân sự của địch trong trận Bàu Cá vào ngày 14-7-1947 giành thắng lợi; phối hợp với dân quân du kích Long Điền thực hiện trận đánh chống càn quy mô lớn của địch bằng đường sông tại ngã ba Long Điền vào ngày 12-1-1948, kết quả 18 ghe xuồng của chúng bị chìm, diệt được 50 tên giặc, thu 28 súng trong đó có 2 khẩu trung liên. Đây là trận thắng lớn nhất trên đường sông kể từ đầu cuộc kháng chiến chống Pháp ở Long Thành đã gây được tiếng vang rộng lớn trong huyện.
Tháng 5-1948, Huyện ủy tiếp tục tổ chức một đợt phá giao thông đường 15 nhằm ngăn chặn con đường vận chuyển của địch, bên cạnh đó trong thời gian này công tác diệt tề trừ gian được đẩy mạnh trong toàn huyện dưới nhiều hình thức, nhiều tên tề, điệp bị ta trừng trị.
Song song với phát triển du kích chiến tranh, Huyện ủy còn chủ trương củng cố chính quyền cách mạng cơ sở: Thành lập ủy ban kháng chiến hành chính các xã, thực hiện chính sách giảm tô, đẩy mạnh thi đua sản xuất với việc hình thành các phong trào “Con gà kháng chiến”, “Giồng lang kháng chiến”, “Mẩu mì kháng chiến”, “Tuần lễ đồng”, nhiều trường học của huyện được mở: Trường bổi bồi dưỡng lý luận cho cán bộ thanh niên ở rừng Sác, trường tiểu học Kiêm Bị ở Bào Bông, trường y tá, các lớp quân chính huấn luyện cán bộ quân sự, chính trị của các chi đội… góp phần ổn định kinh tế, văn hóa xã hội ở các xã tự do.
Tuy nhiên không lâu sau, từ năm 1950 phong trào kháng chiến của huyện gặp khó khăn do sự đánh phá liên tục của địch, gây cho ta nhiều khó khăn tổn thất, nhiều vùng tự do đã rơi vào tay giặc. Mặc dù vậy, quân dân Long Thành dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy không nao núng tinh thần, tiếp tục củng cố lực lượng, chống lấn chiếm, khôi phục phong trào cách mạng.
Từ đầu tháng 5-1954, trên chiến trường Long Thành ta đã chuyển sang thế áp đảo địch. Du kích các xã phát triển mạnh. Bộ đội huyện cơ động rộng. Huyện ủy Long Thành chỉ đạo các lực lượng huyện tăng cường hoạt động vũ trang và tuyên truyền sâu vào các vùng tạm chiếm, du kích xã tổ chức đánh diệt các bót giành thắng lợi.
Chín năm kháng chiến gian khổ chống thực dân Pháp kết thúc. Đó là 9 năm Đảng bộ, chính quyền và quân dân huyện Long Thành đã thể hiện được ý chí quyết tâm chiến đấu, vượt qua biết bao khó khăn, thử thách. Với những chủ trương đúng đắn Đảng bộ Long Thành đã thống nhất được lực lượng vũ trang, phát triển cơ sở chính trị làm nòng cốt xây dựng chiến tranh, phát huy được sức mạnh nhân dân, đảm bảo một phần quan trọng hậu cần tại chỗ. Những kinh nghiệm và bài học đó được Đảng bộ Long Thành vận dụng và phát triển trong cuộc kháng chiến tiếp theo để từ đó cùng toàn tỉnh và cả nước tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn vào mùa Xuân năm 1975.
Nguyễn Thị Sen