Đồng Nai là tỉnh có truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng kiên cường. Đặc biệt từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhân dân Đồng Nai không phân biệt dân tộc, tôn giáo, thành phần xuất thân đã đoàn kết một lòng chiến đấu vì sự nghiệp giành độc lập, dân tộc, thống nhất đất nước.
Trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đồng Nai là một chiến trường trọng điểm ở miền Đông Nam bộ, nơi có Chiến Khu Đ, chiến khu Rừng Sác Phước An... nơi đứng chân của nhiều cơ quan chỉ huy Miền, của Khu và nhiều lực lượng vũ trang. Đồng Nai cũng là nơi đế quốc Mỹ đặt các cơ quan đầu não nhằm đánh giá phong trào cách mạng miền Đông, kiểm soát các khu căn cứ quân sự của ta. Do đó Đồng Nai trong 21 năm là chiến trường đấu tranh ác liệt giữa lực lượng cách mạng và đế quốc Mỹ, ngụy.
Đảng bộ và Quân Dân Đồng Nai với lý tưởng “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, mục tiêu giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước đã vượt qua mọi khó khăn gian khổ, hy sinh xương máu, làm nên những chiến công oanh liệt, ghi đậm trong lịch sử của dân tộc như các Cuộc nổi dậy phá khám Tân Hiệp, trận đánh Mỹ đầu tiên ở Nhà Xanh, trận đánh vào Sân bay Biên Hòa, Tổng kho Long Bình, Cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân năm 1968, đợt tiến công xuân Kỷ Dậu năm 1969, Chiến dịch Xuân Lộc năm 1975 và tiến tới thắng lợi toàn diện giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, non sông thu về một mối, đưa đất nước sang một trang mới độc lập, tự do, thống nhất và đi lên xây dựng Chủ nghĩa Xã hội.
Khắc phục hậu quả sau chiến tranh, ổn định đời sống xã hội:
Sau ngày đất nước được hoàn toàn giải phóng (30/04/1975), cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước (1954 – 1975) kết thúc thắng lợi, hoà bình được lập lại, đất nước độc lập thống nhất về mặt lãnh thổ, cả nước đi lên xây dựng Chủ nghĩa Xã hội. Nhưng cả nước lại rơi vào hoàn cảnh khó khăn, trải qua hai cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mĩ, miền Bắc đã bị tàn phá nặng nề, sản xuất nhỏ, manh mún phổ biến, nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu. Ở Miền Nam, hậu của 30 năm chiến tranh chống Mỹ cứu nước (1945 – 1975) hết sức nặng nề; những tàn dư của chế độ thực dân mới còn rất lớn… Do đó, nguồn lương thực thiếu thốn trầm trọng, sản xuất công nghiệp manh mún, nhỏ lẻ. Hậu quả chiến tranh để lại còn hết sức nặng nề, lại thêm thiên tai mất mùa. Các thế lực thù địch vẫn không ngừng ra sức phá hoại công cuộc cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội trên nhiều mặt, trong khi công tác quản lý điều hành còn gặp nhiều khó khăn do nóng vội, chủ quan.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Nai lần thứ I (1976-1978)
Trước tình hình đó, với ý chí kiên cường, năng động, sáng tạo, Đảng bộ, nhân dân Đồng Nai đã nỗ lực từng bước vuợt qua bao khó khăn, thử thách. Từ năm 1976-1985, dưới ánh sáng của Nghị quyết Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ IV, V, VI của Đảng, căn cứ vào vị trí và điều kiện thực tế của địa phương, Đảng bộ Đại biểu Đảng bộ tỉnh các nhiệm kỳ I, II và III đã bám sát thực tế địa phương, đề ra một số mục tiêu, phương hướng cụ thể về kinh tế - xã hội nhằm đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp toàn diện (bao gồm cả nông, lâm, ngư nghiệp), từng bước khẩn trương xây dựng Đồng Nai thành tỉnh phát triển công - nông nghiệp giàu mạnh, trong đó ra sức ổn định và đảm bảo đời sống nhân dân, đảm bảo cho mọi người có công ăn việc làm lên hàng đầu, đáp ứng những nhu cầu cấp bách và thiết yếu nhất, dần dần ổn định, tiến lên cải thiện một bước đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân. Do Đảng bộ tỉnh có chủ trương - định hướng kịp thời, vạch ra quyết sách đúng đắn, huy động được sức mạnh của quần chúng nhân dân nên những chỉ tiêu, kế hoạch mà các Đại hội đề ra đều được hoàn thành.
Trong một thời gian ngắn, tỉnh Đồng Nai đã khắc phục hậu quả của chiến tranh, giải quyết được nhu cầu đời sống nhân dân trước hết là vấn đề lương thực và góp phần làm nghĩa vụ đối với Trung ương, khôi phục và phát triển sản xuất. Đến năm 1985, toàn tỉnh đã cơ bản hoàn thành hợp tác hóa nông nghiệp, giá trị sản xuất nông nghiệp đã tăng 2,5 lần, trong đó sản lượng lương thực tăng 2,16 lần. Trong giai đoạn này, ngành cao su, các xí nghiệp nhà máy thuộc Khu Công nghiệp Biên Hòa được tổ chức đi vào hoạt động lại và phấn đấu đạt và vượt kế hoạch Nhà nước. Dù gặp khó khăn về vật tư, nguyên liệu nhưng công nghiệp địa phương đã phát triển với nhiều ngành nghề đa dạng, tổng sản luợng công nghiệp tăng gấp 6 lần và đã hình thành cơ cấu công nghiệp phục vụ nông nghiệp. Nhiều hợp tác xã, tổ hợp tiểu thủ công nghiệp cũng ra đời với sản lượng đạt gần 1 tỷ đồng, chiếm 52% tổng giá trị hàng công nghiệp của tỉnh và tăng gấp 4 lần. Sản luợng hàng xuất khẩu cũng tăng gấp 2,4 lần. Đội ngũ công nhân lúc này là gần 40 ngàn người, tăng gấp 4 lần. Đầu tư xây dựng cơ bản của tỉnh tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm xây dựng cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội, phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục. Các cơ sở Đảng cũng được củng cố, chính quyền được xây dựng ngày một vững mạnh, đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ mới.
Phát huy tinh thần đổi mới tư duy
Từ những thành tựu đạt được từ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ I, lần thứ II và lần thứ III trên, từ năm 1986-1995, Đảng bộ và quân dân Đồng Nai bước vào thời kỳ mới, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, xây dựng và phát triển theo cơ cấu công nghiệp - nông nghiệp - dịch vụ thương mại, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân. Đây là giai đoạn rất gian nan, bởi đời sống người dân tuy không còn thiếu đói nhưng vẫn còn rất khó khăn bởi cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội kéo dài, nhất là khi hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ.
Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, tại các kỳ Đại hội lần thứ IV và V, Đảng bộ Đồng Nai đã khẳng định lập trường quan điểm, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong suốt quá trình đổi mới; đổi mới toàn diện, đồng bộ và triệt để nhưng phải có bước đi, hình thức và cách làm phù hợp. Chủ động, sáng tạo trong việc vận dụng đường lối của Trung ương Đảng, Đảng bộ Đồng Nai đã chuẩn bị và định hướng các vùng phát triển công nghiệp và nông nghiệp, tích cực kêu gọi và ủng hộ các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào Đồng Nai. Trong 10 năm đổi mới, tỉnh đã hình thành được các khu công nghiệp tập trung lớn, trở thành tỉnh có vị trí quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Mức tăng trưởng kinh tế - xã hội phần lớn đều đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết các Đại hội, góp phần đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội. Đời sống nguời dân thành thị lẫn nông thôn được nâng cao, đưa mức GDP bình quân đầu người tăng 1,5 lần. Nhiều vấn đề xã hội được tích cực thực hiện, như giải quyết việc làm cho người lao động, xóa đói giảm nghèo, chính sách cho người có công... đem lại hiệu quả thiết thực; an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công cuộc đổi mới, chỉnh đốn xây dựng Đảng đem lại nhiều kết quả tích cực, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước được củng cố và tăng lên.
Nhạy bén, sáng tạo trong sự nghiệp Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa
Từ năm 1996 đến nay, tỉnh nhà bước vào thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa, với đà phát triển công nghiệp, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo khai thác, phát huy mọi nguồn lực nội địa và thu hút đầu tư nuớc ngoài đáp ứng yêu cầu đặt ra của thời kỳ đổi mới.
Các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VI, VII, VIII và IX đã chỉ ra những yếu tố quan trọng đưa đến thắng lợi trong công cuộc xây dựng Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa, đó là: Xây dựng Đồng Nai thành một tỉnh công nghiệp phát triển, từng bước đẩy mạnh Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, tiếp tục thực hiện cơ cấu kinh tế công – nông nghiệp – dịch vụ với mức tăng trưởng cao, liên tục, bền vững. Tận dụng thời cơ, vượt qua thử thách, giữ vững ổn định chính trị, phát huy tối đa mọi nguồn lực, nâng cao năng lực cạnh tranh phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực. Đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ hơn, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, phát huy sức mạnh toàn dân, xây dựng Đồng Nai thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Kết quả, đã duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng định hướng và từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, thúc đẩy tiến tình Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa: tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng bình quân 13,2%/năm cao gấp 1,5 lần mức tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, gấp 1,9 lần mức tăng trưởng chung của cả nước…
Song song đó, Đảng bộ tỉnh chú trọng phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo, y tế, giải quyết các vấn đề xã hội và tăng cường bảo vệ an ninh chính trị nhằm mục đích ngày càng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nguời dân, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong tiến trình hội nhập quốc tế. Đảng bộ Đồng Nai xác định cùng với phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ, tiếp tục lãnh đạo đẩy mạnh Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng Nông thôn mới, thúc đẩy kinh tế - xã hội ở nông thôn phát triển bền vững, đời sống của nhân dân nông thôn ngày càng được cải thiện. Đồng thời, nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp ủy đảng, năng lực quản lý, điều hành của chính quyền địa phương, chú trọng rèn luyện phẩm chất, đạo đức của đội ngũ cán bộ, đảng viên khu vực nông nghiệp, nông thôn…
So với vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai đã có gần 320 năm hình thành và phát triển, thì 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, gần 40 năm khôi phục và phát triển tỉnh nhà là khoảng thời gian không dài. Nhưng đó là một chặng đường mà ở đó, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh Đồng Nai có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Với những kết quả đã đạt được trên nhiều lĩnh vực, Đảng bộ Đồng Nai qua từng thời kỳ đã lãnh đạo mọi mặt tạo ra thế và lực để tỉnh nhà vượt qua những khó khăn, thử thách, đẩy lùi những yếu kém, khuyết điểm để đạt được những thành lựu đáng tự hào về các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng, xây dựng Đảng... Trước thềm Đại hội Đảng bộ tỉnh Đồng Nai lần thứ X (2015 – 2020), xin được điểm lại chặng đường đã qua nhằm nhấn mạnh vai trò lãnh đạo và chỉ đạo của Đảng bộ Đồng Nai qua các thời kỳ là đúng đắn, năng động, nhạy bén… tin chắc vào Đại hội Đảng bộ tỉnh lần này sẽ thành công tốt đẹp, Nghị quyết Đại hội sẽ đem lại tin vui, sự phấn khởi nơi nhân dân, tin tưởng rằng dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, đời sống nhân dân sẽ ngày được ấm no, hạnh phúc, Đồng Nai ngày càng phát triển bền vững và sẽ trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại trong tương lai không xa.
Đinh - Nhài