Bỏ qua nội dung chính

Chào Mừng ĐHĐB Đảng Bộ Đồng Nai Lần Thứ X

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Danh mục
Không có khoản mục nào trong danh sách này.
Blogs khác
Không có khoản mục nào trong danh sách này.
Liên kết
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Bài viết 2015 > Chào Mừng ĐHĐB Đảng Bộ Đồng Nai Lần Thứ X > Bài đăng > Vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ Long Khánh trong kháng chiến chống Mỹ
Vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ Long Khánh trong kháng chiến chống Mỹ

Nằm dọc trên Quốc lộ 1A, cửa ngõ vào thành phố Hồ Chí Minh, Long  Khánh là một Thị xã, đô thị loại 4 được thành lập theo Quyết định số 97/2003/NĐ-CP ngày 21-8-2003 của Chính phủ. Trước đó, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Long Khánh vẫn là địa bàn thuộc huyện Xuân Lộc – địa giới hành chính đến ngã ba Ông Đồn. do yêu cầu chia tách địa giới hành chính để thuận tiện trong việc quản lý địa bàn nên Long Khánh được tách ra từ huyện Xuân Lộc.

Long Khánh là vùng kinh tế trọng điểm phía Đông của tỉnh Đồng Nai, là Thị xã có vị trí quan trọng cả về quân sự, chính trị và kinh tế. Đường quốc lộ I đi qua Thị xã, con đường huyết mạch nối liền ra miền Trung, miền Bắc, cửa ngõ án ngữ phía Đông nam để vào thành phố Biên Hòa và Sài Gòn… Chính vì địa thế trên nên cả ta và địch đều tận dụng địa bàn Long Khánh để thực hiện các mục đích quân sự lâu dài. Trong chiến tranh, Long Khánh là khu vực kinh tế quan trọng của tư bản thực dân Pháp với nhiều công ty, đồn điền cao su và cũng nơi đây Mỹ và chính quyền Sài Gòn coi Long Khánh là “bức tường thép” bảo vệ hướng Đông Bắc Sài Gòn, do vậy chúng đã lập tỉnh Long Khánh (năm 1957), mà Thị xã Long Khánh hiện nay là tỉnh lỵ, tập trung xây dựng ở đây nhiều căn cứ quân sự lớn, với nhiều lực lượng quân binh chủng quan trọng để đàn áp phong trào cách mạng địa phương và ngăn chặn các đòn tiến công của ta.

Lịch sử đấu tranh cách mạng của quân và dân Long Khánh trong thời kỳ kháng chiến luôn là bản anh hùng ca bất tận với những chiến công hiển hách. Tiêu biểu là chiến dịch 12 ngày đêm: “thần tốc, táo bạo, bất ngờ” đập tan “cánh cửa thép” của địch án ngữ phía đông bắc Sài Gòn. Chiến dịch tiến công Xuân Lộc kết thúc thắng lợi, Thị xã Long Khánh được hoàn toàn giải phóng. Thừa thắng, quân và dân các địa phương đã tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn tỉnh Long Khánh.

            Với những chiến công oanh liệt mà quân và dân Thị xã Long Khánh đã đấu tranh giành lại được. Ta càng khẳng định vai trò lãnh đạo và chỉ đạo của Đảng bộ Long Khánh trong công cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ là cực kỳ quan trọng.

 

 

Chiến sự ở Xuân Lộc - Long Khánh, “cánh cửa thép” sống còn bảo vệ Sài Gòn

 

Trong những ngày đầu kháng chiến, Đảng bộ Long Khánh luôn nắm vững quan điểm bạo lực cách mạng và tư tưởng tiến công, quân dân từng bước xây dựng và hình thành thế trận chiến tranh nhân dân, kết hợp chặt chẽ ba mũi giáp công: chính trị, quân sự, binh vận trên các vùng đô thị, nông thôn, cao su, tiếp tục giữ vững phong trào cách mạng của quần chúng và giành được những thắng lợi có ý nghĩa; xây dựng được những lõm căn cứ vùng ven đảm bảo cho Đảng bộ và các lực lượng vũ trang đứng chân hoạt động. Trong giai đoạn cuối cuộc chiến tranh giải phóng (từ tháng 2- 1975), Đảng bộ Long Khánh đã thực hiện tốt sự chỉ đạo của Khu uỷ, Tỉnh ủy với phương châm: Tỉnh giải phóng tiểu khu, tỉnh lỵ; huyện giải phóng chi khu, huyện lỵ; xã giải phóng xã, ấp giải phóng ấp, đã chủ động xây dựng kế hoạch và thực hiện thắng lợi kế hoạch giải phóng vùng ven thị xã Long Khánh vào cuối tháng 3-1975, tạo địa bàn đứng chân cho quân chủ lực và huy động sức mạnh toàn dân trong công tác phục vụ hậu cần, kết hợp tiến công của chủ lực với phát động toàn dân mới nổi dậy làm chủ thị xã, tạo điều kiện cho chiến dịch giải phóng thị xã Long Khánh thắng lợi, mở đường cho chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.

Về công tác chỉ đạo, Đảng bộ Long Khánh luôn đánh giá đúng những đặc điểm, tính chất, vị trí quan trọng về quân sự, chính trị, kinh tế của chiến trường. Đây là yếu tố quan trọng để đề ra được những nhiệm vụ chính trị sát hợp với yêu cầu; phát động và tạo được thế trận chiến tranh nhân dân, phát huy sức mạnh toàn dân để đánh bại kẻ thù xâm luợc.

Nhận thức và đánh giá đúng tính chất, vị trí chiến lược của chiến trường, Đảng bộ Long Khánh trên cơ sở quán triệt đường lối của Tỉnh ủy, Trung ương Cục đã vận dụng, tổ chức thực hiện thắng lợi cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện, phát huy tinh thần tự lực, tự cường để giành thắng lợi. Từ đó, Đảng bộ Long Khánh đã đề ra những chủ trương chỉ đạo sát hợp chiến trường như thực hiện phương châm bám trụ, tự lực tự cuờng; kết hợp hai lực luợng bên trong, bên ngoài; kết hợp lực luợng tại chỗ với lực lượng cấp trên; kết hợp 3 mũi đấu tranh vũ trang, chính trị, binh vận...

Quán triệt tư tưởng dựa vào dân là chính, Đảng bộ Long Khánh luôn xác định quần chúng nhân dân là chỗ dựa đáng tin cậy, đặc biệt là đồng bào dân tộc, giai cấp công nhân lao động và đội ngũ công nhân cao su. Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, thực hiện đường lối đoàn kết toàn dân của Đảng, Đảng bộ Long Khánh, Mặt trận Việt Minh, Mặt trận Dân tộc giải phóng cùng các đoàn thể cứu quốc, cách mạng chính là nòng cốt xây dựng khối đại đoàn kết quần chúng thông qua công tác tuyên truyền giáo dục và giác ngộ nhân dân, không phân biệt đối tượng giai cấp. Đặc biệt bằng công tác binh vận, địch vận, Đảng bộ huy động được cả những tầng lớp trên (nguỵ quyền, công chức, sĩ quan, chức sắc tôn giáo…) tham gia hoặc ủng hộ những cuộc xuống đường đấu tranh của quần chúng. Biết gắn chặt quyền lợi giai cấp công nhân và nông dân, trong lãnh đạo, chỉ đạo phong trào, Đảng bộ đã kết hợp, phối hợp nhịp nhàng các hoạt động hỗ trợ giữa khu vực đồn điền với nông thôn, đô thị tạo khí thế quần chúng lớn mạnh áp đảo kẻ thù. Đặc biệt đối với đội ngũ đảng viên, cán bộ, chiến sĩ, du kích, cơ sở cách mạng, công tác giáo dục, học tập tình hình nhiệm vụ được Đảng bộ triển khai kịp thời, tạo cơ sở nền tảng thống nhất về lý tưởng giải phóng dân tộc, cũng là cơ sở của khối đoàn kết quân – dân – chính - Đảng vững vàng chiến đấu vượt mọi khó khăn.

Một trong những thành công có ý nghĩa rất quan trọng của Đảng bộ Long Khánh trong các cuộc kháng chiến chính là đã xây dựng được những căn cứ địa kháng chiến, xây dựng hậu phương, hậu cần tại chỗ, xây dựng nền kinh tế kháng chiến. Trong đấu tranh chính trị, binh vận, Đảng bộ Long Khánh luôn có chủ trương chỉ đạo chặt chẽ bằng nhiều phương án, nhiều lực lượng, nhiều hướng, nhiều tình huống có thể xảy ra để xử lý kịp thời. Đặc biệt, Đảng bộ Long Khánh rất chú ý công tác binh vận, xây dựng cơ sở nội tuyến trong lòng địch với nhiều phương thức giáo dục, xây dựng, cài cắm...

Công tác xây dựng Đảng luôn được Đảng bộ Long Khánh hết sức chú trọng trong mọi hoàn cảnh. Điều này thể hiện về mặt hình thức, luôn có hai loại chi bộ Đảng là chi bộ lộ (bên ngoài) và chi bộ mật (bên trong vùng địch) có quan hệ kết hợp chặt chẽ với nhau trong lãnh đạo, chỉ đạo. Về chất lượng, đảng viên luôn được học tập, quán triệt và nắm vững nhiệm vụ, vai trò của Đảng trong sự nghiệp cách mạng, luôn kiên định vững vàng trong chiến đấu.

 

 

Đại hội đại biểu Đảng bộ Thị xã Long Khánh nhiệm kỳ 2010 - 2015

 

Việc phát huy những nhân tố tích cực có ý nghĩa lớn trong sự nghiệp cách mạng luôn được Đảng bộ Long Khánh chú trọng. Sự hy sinh cao cả của liệt sĩ người dân tộc Điểu Xiển cùng những chiến sĩ công nhân cao su trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, có ý nghĩa thôi thúc, động viên quần chúng thêm căm thù địch, nâng cao lòng yêu nước và hăng hái đấu tranh trong quần chúng. Trong kháng chiến chống Mỹ, những tập thể anh hùng như đội du kích Bình Lộc với anh hùng liệt sĩ Lê A, đội biệt động, trinh sát vũ trang với nữ anh hùng, liệt sĩ Hồ Thị Hương… và biết bao những chiến sĩ, cơ sở quần chúng chiến đấu kiên cường với địch trên chiến trường cũng như trong các nhà tù Mỹ ngụy… có ý nghĩa tuyên truyền cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng, động viên các tầng lớp nhân dân trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu.  

Thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và nhân dân Long Khánh thể hiện vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ Long Khánh bằng những chủ trương, đường lối cách mạng đúng đắn; của sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt tài tình; sự hy sinh to lớn của cán bộ, chiến sĩ, đảng viên từ khắp mọi miền đất nước đã sống và chiến đấu trên chiến trường Long Khánh; là sự hy sinh to lớn của chiến sĩ, đồng bào địa phuơng. Hy vọng rằng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ Long Khánh, Thị xã Long Khánh sẽ sớm phát triển nhanh trong tiến trình hội nhập và phát triển chung của tỉnh nhà.

 

Đinh - Nhài

 

 

 

 

Comments

Không có nhận xét nào cho bài đăng này.