Đồng Nai là một tỉnh ở miền Đông Nam bộ, có diện tích 5.864 km2; tiếp giáp với các tỉnh: Bình Dương, Bình Phước, Lâm Đồng, Bình Thuận và Thành phố Hồ Chí Minh. Đồng Nai có dân số hơn 2,8 triệu người (năm 2014), gồm nhiều cộng đồng dân tộc: Kinh, Hoa, Châu Ro, Stiêng, Mạ, Chăm, K’ho... Trong đó, người Kinh chiếm 98%, lực lượng nữ ở Đồng Nai chiếm 51% trên tổng dân số.
Từ năm 1698, khi vào kinh lược và xây dựng bộ máy quản lý hành chính ở vùng đất phía Nam, xây dựng phủ Gia Định gồm hai huyện: Tân Bình và Phước Long (nay là Biên Hòa - Đồng Nai, tỉnh Bình Phước, một phần tỉnh Bình Dương và quận 2, quận 9, quận Thủ Đức của Thành phố Hồ Chí Minh), Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh đã kêu gọi thêm những người có điều kiện, tiền vốn vào đây khai khẩn. Trong số người từ miền ngoài không ít những hộ gia đình cùng đi. Người Việt, người Hoa, người dân tộc bản địa cùng chung sức lao động đã xây dựng và phát triển thương cảng Cù lao Phố sầm uất vào thế kỷ 18.
Năm 1802, Nguyễn Ánh và các vua triều Nguyễn đã tiếp nối trong việc đề ra những chính sách khuyến khích khẩn hoang ở vùng đất mới. Cả một vùng hoang vu rừng rậm dưới sông sấu lội, trên giồng cọp um dưới bàn tay khai phá, đoàn kết của dân cư các dân tộc, trong đó có phụ nữ, từng bước đã trở thành một vùng đất trù phú, xóm làng xanh tươi, màu mỡ
Công lao động của những cư dân ban đầu bỏ ra không ít khi phải đối phó với thiên nhiên khắc nghiệt. Trong lực lượng lao động ban đầu ở vùng đất mới, tuy không có số liệu cụ thể, nhưng có thể nói vai trò của phụ nữ là rất quan trọng. Bởi căn cứ vào địa bạ triều Nguyễn được lập từ năm 1836, trong số những người hằng sản, có nhiều ruộng đất thì phụ nữ chiếm đến 20 người. Điều này cho phép ta khẳng định vai trò của lao động nữ (cả trong quản lý điều hành) trong việc khai phá vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai.
Đại đa số phụ nữ cùng với gia đình vào vùng đất mới hoặc lớn lên từ vùng đất mới vào thế kỷ 17, 18 đều xuất thân từ giai cấp nông dân, chân chất, quý trọng lao động, ít nhiều đều chịu ảnh hưởng của tư tưởng phong kiến do sự ràng buộc về truyền thống xã hội; đặc biệt là khi giai cấp phong kiến xây dựng thiết chế văn hóa, xã hội dựa trên tư tưởng Nho gia để củng cố trật tự xã hội và vương quyền của mình, như quan điểm tam tòng: “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”.
Chính thực tế sinh hoạt ở vùng đất mới Đồng Nai, nơi mà lễ giáo phong kiến tuy có ảnh hưởng nhưng chưa thực sự chiếm địa vị thống trị, phụ nữ địa phương trong quan hệ nam nữ, lứa đôi vẫn thể hiện được tính chung thủy và dung dị, thể hiện qua thơ ca trữ tình:
Ba năm thương nhớ bóng hình.
Bậu ơi! Nắm tay cho thỏa tấm tình bấy lâu
hoặc
Thấy anh lớn tuổi mà khờ.
Lưng em không dựa, dựa bờ cỏ may.
và
Bao giờ cạn lạch Đồng Nai.
Nát chùa Thiên Mụ mới phai lời nguyền.
Bên cạnh hình ảnh son sắt, thủy chung ấy, ca dao dân ca Đồng Nai còn ca ngợi truyền thống “Giặc đến nhà, đàn bà phải đánh” cũng như thể hiện tấm lòng yêu nước của người phụ nữ, động viên chồng con lên đường cứu nước:
Anh đi đánh giặc Lang sa
Để thiếp ở nhà lo tần lo tảo
Chén cơm manh áo nhà cửa ruộng vườn
Để anh lên ngựa đề thương
Thiếp về mặc thiếp liệu lường nuôi con.
và giáo dục cho con truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm ngay trong những điệu ru:
Con ơi con ngủ cho say
Cha con đi giết sạch loài Lang sa
Lớn lên con nối chí cha
Ra đi giết giặc nước nhà bình yên.
Những năm đầu thế kỷ XX, thực dân tư bản Pháp đẩy mạnh khai thác thuộc địa, góp phần thúc đẩy giai cấp công nhân ra đời. Công nhân, đặc biệt nữ công nhân là giai tầng bị áp bức, bóc lột nặng nề nhất. Cùng làm một việc như nam công nhân, nhưng nữ công nhân luôn hưởng lương thấp hơn. Trong các đồn điền cao su của tư bản thực dân Pháp, nữ công nhân bị đối xử tàn tệ, nhân phẩm bị chà đạp:
Vợ mình thật sự vợ mình.
Cai xu muốn lấy mặc tình chẳng tha.
Nữ công nhân đồn điền ở Biên Hòa là thành phần đông đảo tham gia nhiều cuộc đấu tranh chống tư bản áp bức, đánh đập, đòi quyền lợi thiết thân, bảo vệ nhân phẩm. Tiêu biểu như cuộc đấu tranh của công nhân các đồn điền: Cam Tiêm (năm 1928), Phú Riềng (năm 1930) gây tiếng vang lớn ở trong và ngoài nước.
Sống dưới chế độ thực dân nửa phong kiến, tình cảnh của người phụ nữ vốn đã bi đát, tủi nhục lại càng tăng thêm bội phần. Họ là tầng lớp vừa bị ràng buộc bởi tư tưởng phong kiến lạc hậu, hà khắc, lại vừa bị các thế lực phong kiến, thực dân bóc lột, chà đạp thô bạo lên cuộc sống và nhân phẩm. Là một bộ phận của phụ nữ Việt Nam, phụ nữ Biên Hòa cũng cùng chung cảnh ngộ trong bối cảnh lịch sử đất nước lúc bấy giờ.
Thế nhưng, với sự kiên cường, dũng cảm, tình yêu nước nồng nàn, những người phụ nữ tưởng chừng chân yếu tay mềm đã tham gia các hoạt động xã hội, đấu tranh chính trị, quyên góp cứu tế trong các cuộc đấu tranh chống ngoại xâm... Không ít chị em đã trở thành nhân tố nòng cốt của phong trào và trở thành đảng viên ưu tú của Đảng, của cách mạng, góp phần vào thắng lợi chung của cả nước trong sự nghiệp xây dựng, đấu tranh, bảo vệ và phát triển đất nước.
Có thể nói qua những khúc ca dao dân ca chúng ta thấy được hình tượng người phụ nữ là nhân vật trữ tình nhất và cũng là nhân vật chịu đựng nhất, quan trọng nhất. Họ đã mượn ca dao để nói lên tiếng nói từ trong tâm khảm của mình. Qua những câu ca ấy, chúng ta cảm nhận được cả tiếng nói phê phán, lên án sự bất công, những hủ tục lạc hậu của xã hội lúc bấy giờ đã đè nặng lên số phận người phụ nữ để họ phải chịu bao nhiêu trái ngang, đắng cay. Mặc dù ta vẫn thường nghe “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm.” nhưng nếu không có phụ nữ thì không hình thành nên gia đình, cũng không có tổ ấm yêu thương với những đứa con tương lai cho đất nước. Đặc biệt là nếu không có họ thì không có ca dao dân ca phong phú truyền tải cho đến hôm nay và mai sau.
Nguyễn Thị Sen