Bỏ qua nội dung chính

Chào Mừng Ngày Phụ Nữ Việt Nam 20-10

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Danh mục
Không có khoản mục nào trong danh sách này.
Blogs khác
Không có khoản mục nào trong danh sách này.
Liên kết
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Bài viết 2015 > Chào Mừng Ngày Phụ Nữ Việt Nam 20-10 > Bài đăng > Liệt phụ Nguyễn Thị Tồn - Gương điển hình cho phụ nữ Việt Nam
Liệt phụ Nguyễn Thị Tồn - Gương điển hình cho phụ nữ Việt Nam

Bà Nguyễn Thị Tồn còn có tên là Diệu, người làng Mỹ Khánh, tổng Chánh Mỹ Thượng (nay thuộc phường Bửu Hòa, thành phố Biên Hòa). Bà là trưởng nữ của hộ trưởng Nguyễn Văn Lý và là phu nhân của Ông Thủ Khoa Bùi Hữu Nghĩa, một vị quan thanh liêm, một nhà thơ, nhà soạn tuồng nổi tiếng của Miền Nam cuối thế kỷ XIX.

 

Tranh mô tả cảnh Bà Nguyễn Thị Tồn đánh trống kêu oan cho chồng tại triều đình Huế

 

Ông Bùi Hữu Nghĩa được bổ nhậm làm Tri Huyện Phước Chánh, thuộc Phủ Phước Long (Biên Hòa). Ông có bản tánh thanh liêm, chánh trực, lại thông minh và thương người. Ông thường nghiêm trị kẻ gian, hoặc cậy quyền thế, hống hách, hà hiếp dân lành.  Bởi xử thế như vậy, nên bọn tham nhũng ở cấp đầu tỉnh không ưa. Để rồi, Ông bị bắt buộc phải đổi đi làm Tri Huyện Trà Vang, tức Trà Vinh, thuộc tỉnh Minh Hải ngày nay, dưới quyền của Tổng đốc Trương Văn Uyển và Bố chính Truyện. Vì thù cá nhân trước kia, Bố Chánh Truyện, tiếp tay với Tổng Đốc Trương Văn Uyển, vu khống, tố cáo tri huyện Bùi Hữu Nghĩa đã kích động dân Khơmer làm loạn và lạm phép giết người, nên bắt ông, tạm giam ở Vĩnh Long, rồi giải về Gia Định, đệ sớ lên triều đình, để kết tội.

Nhận được tin dữ, biết rõ bọn Uyển và Truyện có ý hại chồng, Bà Nguyễn Thị Tồn, đứng trước nỗi ức oan tình đó, bèn thu xếp, quá giang ghe bầu, từ Định Tường (Tiền Giang ), vượt vô vàn hiểm nguy, sóng gió, ra thẳng tận triều đình Huế để minh oan cho chồng. Khi đến nơi, bà tìm ngay tư dinh Ông Phan Thanh Giản, đang làm Thượng Thơ Bộ Lại, để trình bày nỗi oan ức đó. Đồng thời tường thuật các lộng hành, tham nhũng, của các quan tỉnh Vĩnh Long. Kế đến, bà nhờ Ông Phan Thanh Giản chỉ cách đến Tam Pháp Ty để kêu oan. Ông Phan Thanh Giản bằng lòng hướng dẫn, tận tình giúp đỡ và còn làm giúp một tờ cáo trạng bày tỏ nỗi oan ức của chồng lên nhà vua. 

Bà Nguyễn Thị Tồn đến Tam pháp ty mạnh dạn đánh ba hồi trống làm kinh động nơi tam cung lục viện. Vua Tự Đức cho đòi người đánh trống vào chầu. Trước mặt vua và quan triều đình, bà trình bày nỗi oan khiên của chồng là Bùi Hữu Nghĩa đang gánh chịu. Vua Tự Đức nghe xong, giao cho Bộ Hình xem xét. Sau khi thẩm định minh bạch, nhà vua chung thẩm bản án: "Tha cho Bùi Hữu Nghĩa khỏi tội tử hình nhưng phải quân tiền hiệu lực, đoái công chuộc tội".

Sau đó, bà Nguyễn Thị Tồn được vua Tự Đức ban võng điều có bốn lọng, nơi đầu võng có gông nhỏ sơn son, ngầm ý khen bà là người trung trinh, gan dạ song cũng thầm trách bà đã làm kinh động đế đô. Hoàng thái hậu Từ Dũ nghe tin, cho bà vào gặp mặt. Cảm kích trước một người phụ nữ dân dã từ xứ Đồng Nai không ngại khó từ nan, thân gái dặm trường đến chốn kinh thành minh oan cho chồng nên hoàng thái hậu tỏ lời khen gương tiết nghĩa, đáng mặt nữ lưu và ban cho bà tấm biển chạm 4 chữ vàng “Tiết phụ khả gia”.

Khi bà Nguyễn Thị Tồn về đến quê thì Bùi Hữu Nghĩa khâm mệnh đi trấn đồn Vĩnh Thông (thuộc Châu Đốc - An Giang). Tại Biên Hòa, bà Nguyễn Thị Tồn lâm trọng bệnh qua đời. Bùi Hữu Nghĩa vì xa xôi cách trở không về lo đám tang được cho vợ. Những mất mát chốn quan trường không làm Bùi Hữu Nghĩa than vãn nhưng ông đau đớn tột cùng trước sự ra đi của người vợ hiền, vì ông mà lao tâm khổ tứ. Bùi Hữu Nghĩa đã viết văn tế cho vợ với nỗi niềm: "Ta nghèo, mình hay giúp đỡ; ta tội, mình biết kêu oan, trong triều ngoài quận đều khen mình mới thật là vợ. Mình bịnh, ta không thuốc thang; mình chết, ta không chôn cất; non sông cười ta chẳng xứng gọi là chồng...".

Nhớ vợ và nhắc đến hành động đánh trống kêu oan nơi kinh thành, Bùi Hữu Nghĩa tỏ lòng mến phục: "... Nơi kinh quốc ba hồi trống gióng, biện bạch này oan nọ ức, đấng hiền lương mắt thấy thảy đau lòng. Chốn tỉnh đường một tiếng thét vang, hẳn hòi lẽ chánh lời nghiêm, lũ băng đăng tai nghe đà khiếp vía".

Trong thời đại phong kiến tư tưởng trọng nam khinh nữ, người phụ nữ bị khép chặt vào chuẩn mực với 4 chữ “tam tòng tứ đức”, người phụ nữ chỉ biết phục tùng, vâng mệnh, từ nhỏ ở với gia đình, lớn lên lấy chồng theo chồng phục tùng chồng, họ chỉ biết chịu đựng không bao giờ có ý nghĩ chống đối hay làm khác lời dạy hay chỉ bảo của chồng… thế nhưng hành động của bà Nguyễn Thị Tồn thì thật đáng khâm phục. Bà hiện thân cho sự trung trinh, gan dạ, thủy chung không quản ngại khó khăn, gian khổ, thân gái dặm trường lên kinh thành tìm cách đánh trống kêu oan để cứu chồng. Nguyễn Thị Tồn là tấm gương sáng cho phụ nữ thời bấy giờ khi những hủ tục phong kiến còn khắt khe, lạc hậu, kìm hãm làm cho người phụ nữ không dám thể hiện mình, phải khép mình theo những khuôn phép sắp đặt sẵn. Tìm hiểu về bà Nguyễn Thị Tồn chúng ta sẽ thấy cảm kích và thông cảm hơn về tấm gương sáng của bà. Đất Biên Hòa xưa nói chung và phụ nữ xưa và nay luôn tự hào về một người phụ nữ như thế.

Hiện nay ở Biên Hòa, có một con đường được mang tên người phụ nữ trung trinh, tiết hạnh, con dân đất Biên Hòa ở Phường Bửu Hòa, tên đường Nguyễn Thị Tồn giao cắt với đường Bùi Hữu Nghĩa, một con rể Biên Hòa, để tưởng nhớ công đức và danh tiết của hai người.

Đinh Nhài

 

 

 

 

 

Comments

Không có nhận xét nào cho bài đăng này.