1. Tiểu sử đồng chí Nguyễn Văn Trị.
Đồng chí Nguyễn Văn Trị (tên gọi khác Nguyễn Sơn Hà), bí danh là Năm Kiệm, Năm Trị,
Sinh trưởng trong một gia đình tri thức, khá giả ở Biên Hòa, rất giàu lòng yêu nước. Là con trai duy nhất của thầy giáo Nguyễn Văn Vận và mẹ là bà Cao Thị Tợ, chủ một nhà máy xay lúa lớn ở xã Tân Triều (nay thuộc xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu)
Ông học trường Tây Pétrus Ký ở Sài Gòn, đậu bằng Diplome.
Khi Pháp tái chiếm Biên Hòa, chúng cho mời cha ông ra làm làng và kêu ông đi làm Cộng sản trở về hợp tác với Nhà nước Đại Pháp, nhưng cha ông đã khẳng khái từ chối và bị chúng đem ra xử bắn tại bót Cây Đào.
Tháng 6/1961 ông được chỉ định làm Trưởng ban Tuyên huấn phụ trách Hội Văn nghệ giải phóng tỉnh Biên Hòa phụ trách Hội Văn nghệ giải phóng tỉnh Biên Hòa.
Từ tháng 7/1961 - 3/1963 là Bí thư Tỉnh ủy Biên Hòa, Trưởng Ban Tuyên huấn tỉnh Biên Hòa
Từ tháng 3/1963 -12/1963 là Bí thư Tỉnh ủy Bà Biên
Từ tháng 1/1964 - 10/1964 là Bí thư Tỉnh ủy Biên Hòa
Từ tháng 9/1965 - 10/1968 là Bí thư Tỉnh ủy U1.
Đồng chí hy sinh năm 1969.
2. Quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Văn Trị
Tháng 10/1945, đồng chí Nguyễn Văn Trị cùng đồng chí Đinh Quang Dữa được Chủ tịch Ủy ban kháng chiến quận Tân Uyên phân công xuống các xã Tân Hạnh, Tân Ba, Khánh Vân, Thạnh Hội, Bình Chánh, Phước Thành, Bình Hóa, Tân Hòa, Mỹ Lộc, Tân Tịch, Bình Long, Võ Sa làm công việc tổ chức và tuyên truyền. Với tài tổ chức vận động của cán bộ thư ký ủy ban quận Nguyễn Văn Trị, việc xây dựng các ủy ban kháng chiến xã dọc 2 bên bờ sông Đồng Nai gặp khá nhiều thuận tiện.
Năm 1947, Biên Hòa thành lập Tỉnh đội dân quân. Tỉnh đội trưởng dân quân đầu tiên là đồng chí Nguyễn Văn Trị, sau đó ông qua làm công tác Đảng
Tháng 5/1951, khi thành lập tỉnh Thủ Biên, đồng chí Nguyễn Văn Trị được cử làm Tổng thư ký Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh Thủ Biên
Vào tháng 6/1961, tỉnh Biên Hòa được lập lại (trước đó sáp nhập với Thủ Dầu Một thành tỉnh Thủ Biên). Đồng chí Nguyễn Văn Trị được chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy kiêm Trưởng ban Tuyên huấn, đồng chí Chín Nam (Nguyễn Hoàng Nam) là Phó ban Tuyên huấn, đồng chí Tám Thạch (Nguyễn Văn Thạch) là Ủy viên Ban Tuyên huấn phụ trách Hội Văn nghệ giải phóng tỉnh Biên Hòa. Để phục vụ nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn mới, đồng thời cổ vũ phong trào đấu tranh của nhân dân trong tỉnh, Tỉnh ủy Biên Hòa chủ trương ra tờ báo lấy tên Đồng Nai và giao cho đồng chí Tám Thạch phụ trách.
Giữa năm 1962, Bí thư Tỉnh ủy Biên Hòa Nguyễn Văn Trị đã chỉ đạo tổ chức Đại hội thành lập Mặt trận dân tộc giải phóng tỉnh Biên Hòa thành công tốt đẹp. Với cương vị Bí thư Tỉnh ủy kiêm nhiệm Trưởng ban tổ chức và tuyên huấn, đồng chí Năm Trị đã chỉ đạo thành lập trường Đảng tỉnh, củng cố đoàn văn công, tổ chức ấn hành tờ báo Đồng Nai, bản tin Biên Hòa...
Tháng 9/1965 khi Trung ương Cục có quyết định thành lập Tỉnh ủy U1 (bao gồm thị xã Biên Hòa, huyện Vĩnh Cửu, huyện Trảng Bom) và điều Khu ủy viên dự khuyết Năm Kiệm (tên do Đại tướng Nguyễn Chí Thanh vừa vào chiến trường miền Nam đặt cho đồng chí Nguyễn Văn Trị) làm Bí thư Tỉnh ủy U1 làm cho một số cán bộ thắc mắc vì sao tầm cỡ Khu ủy viên lại xuống làm Bí thư Tỉnh ủy thì được đồng chí Sáu Ép trong Ban thường vụ Khu ủy miền Đông cho rằng: “Trong thế chiến lược bây giờ, địa bàn U1 là cực kỳ quan trọng. Cần phải có người đủ sức chỉ đạo trực tiếp”. Và sau đó thì trong Thường vụ Tỉnh ủy U1 xuất hiện hai phương thức tác chiến khác nhau. Một số đồng chí cho rằng lực lượng vũ trang phải hỗ trợ tỉnh đánh bọn ngụy trên địa bàn, một số đồng chí khác lại cho rằng lực lượng quân sự chủ lực nên tập trung đánh vào 2 hậu cần quan trọng nhất của Mỹ trên địa bàn sẽ gây tác động toàn cục. Bí thư Tỉnh ủy Năm Kiệm nắm vững phương châm chỉ đạo 3 mặt: Chính trị, quân sự, công an binh vận, đồng thời kết hợp 3 mũi giáp công, sau khi cân nhắc tình hình đã ủng hộ phương thức tác chiến quân sự tổ chức đánh vào sân bay Biên Hòa, rồi tổng kho Long Bình. Việc đánh vào cơ sở hậu cần này đã gây tiếng vang lớn ra toàn thế giới, đồng thời còn đưa được phong trào đấu tranh chính trị ở thị xã Biên Hòa, đặc biệt là ở khu công nghiệp lên cao.
Đầu năm 1967, Bí thư Tỉnh ủy Năm Kiệm còn kịp thời chỉ đạo tổng kết đợt hoạt động quân sự từ 1965 đến 1967.
Vào một đêm năm 1969, Trung đội bảo vệ Ban cán sự T7 (đơn vị trực tiếp chỉ đạo chiến trường phân khu 4, Bà Rịa - Long Khánh, tỉnh U1) cử 1 tiểu đội bảo vệ đi đón đồng chí Năm Kiệm từ R (biệt danh chiến khu Trung ương Cục miền Nam, Tây Ninh), đem Nghị quyết hội nghị Trung ương Cục lần thứ 9 về 7 nhiệm vụ lớn của cách mạng miền Nam về phổ biến cho T7. Ban đêm cắt rừng băng lộ 3 từ Gia Ray về Trảng Táo không may đã lọt vào ổ phục kích của địch. Chúng gọi máy bay đến thả bom. Cả tiểu đội cùng đồng chí Năm Kiệm đều hy sinh.
Với một nhà trí thức lại xuất thân trong một gia đình khá giả trong hoàn cảnh kháng chiến ác liệt khó khăn vẫn được giao giữ trọng trách Bí thư Tỉnh ủy nhiều giai đoạn khác nhau cho thấy đồng chí Năm Trị phải là một chiến sĩ cách mạng, một đảng viên Cộng sản bản lĩnh, tài trí, kiên cường.
Nhằm ghi nhớ những đóng góp to lớn của đồng chí đối với vùng đất quê hương Đồng Nai, chính quyền và nhân dân địa phương đã lấy tên ông đặt tên cho một con đường dọc bờ sông ở Thành phố Biên Hòa.
3. Đôi nét về tên đường Nguyễn Văn Trị
Con đường mang tên người Đảng viên Đảng cộng sản, liệt sĩ cách mạng, nguyên Bí thư tỉnh ủy Biên Hòa, Khu ủy viên Miền Đông có chiều dài 1.524m, rộng 14m thuộc phường Hòa Bình và Thanh Bình, chạy dài từ đoạn Cầu Hóa An tới Sở Giáo Dục và Đào Tạo Đồng Nai – dọc bờ sông trước Ủy ban nhân dân tỉnh.
Trên trục đường này có các trụ sở cơ quan tọa lạc: Trường TH Nguyễn Khắc Hiếu, Xí nghiệp In Đồng Nai, Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh. Trên con đường này còn tọa lạc một di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia tọa lạc đó là Đình Tân Lân là ngôi đình có nét kiến trúc tôn giáo nghệ thuật đặc trưng tiêu biểu thế kỷ XVIII – XIX ở xứ Đồng Nai.Khu vực này cũng là nơi có dân cư tập trung đông đúc, đời sống chủ yếu là buôn bán bởi có Chợ Biên Hòa được hình thành vào năm 1889.
Ngoài ra đây cũng là con đường được gọi là thơ mộng nhất của Thành phố Biên Hòa, có công viên chạy dọc theo bờ sông Đồng Nai – là nơi để mọi người dân trong thành phố thể dục hoặc đi dạo vào mỗi buổi sáng hay chiều tối. Đây cũng là công viên đầu tiên của thành phố Biên Hòa lắp đặt các dụng cụ thể dục gồm: Thiết bị đạp chân, thiết bị tập đi bộ, thiết bị tập xoay eo, thiết bị đạp tròn, thiết bị tập gập lưng và thiết bị tập tay vai nhằm phục vụ nhu cầu tập thể dục rèn luyện sức khỏe cho người dân.

Nguyễn Sen