Hà Huy Giáp có bí danh là Giáo, Huy sinh ngày 4 – 4 - 1908 tại quê làng Thịnh Văn, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Một nơi được xem là cái nôi sản sinh những chiến sĩ cách mạng nên đã sớm có ý thức giác ngộ cách mạng. Sớm chịu ảnh hưởng của mảnh đất quê hương có truyền thống cách mạng và hiếu học, được thân phụ thường xuyên kể chuyện về những tấm gương yêu nước của các bậc tiền bối như: Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu, Nguyễn Ái Quốc và lời dặn dò của thân mẫu trước lúc lâm chung “các con cố gắng mà học để làm người”, đồng chí đã sớm hiểu thấu nổi khổ cực của người dân sống dưới hai tầng lớp áp bức của thực dân và phong kiến đã nuôi chí tự lập tự cường ngay từ thuở còn thơ ấu. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, đồng chí đã đau nỗi đau của người nô lệ, cũng từ đó tham gia nhiệt tâm mọi hoạt động yêu nước. Năm 19 tuổi, đồng chí đã tham gia hoạt động bãi khóa trong dịp truy điệu cụ Phan Chu Trinh. Được một số thầy giáo có tinh yêu nước khích lệ, đồng chí càng nung nấu con đường hoạt động cách mạng, đã nhiều lần đồng chí có ý định xuất dương tìm đến với Bác Hồ nhưng sự việc không thành.
Cuối năm 1926, đồng chí vào Sài Gòn gặp được các đồng chí Phạm Văn Đồng, Nguyễn Kim Cương… Ở đây, đồng chí đã được gia nhập Thanh niên cách mạng đồng chí Hội. Như được tiếp thêm sinh lực, đồng chí say sưa hoạt động trong các công sở và đi sâu vận động nông dân ở ven đô, các vùng phụ cận Sài Gòn.
Năm 1927, người thanh niên chưa đầy 20 tuổi ấy đã bị tòa án thực dân Pháp kết án 6 tháng tù treo khi tham gia lễ truy diệu cụ Lương Văn Can. Nhưng án tù của thực dân không hề làm nhụt ý chí của người chiến sĩ cách mạng trẻ tuổi. Năm 1928, đồng chí không quản hiểm nguy say sưa vận động cách mạng trong học sinh ở Trường Sa Đéc, Cần Thơ, hăng hái viết sách báo về nông dân, dịch và tuyên truyền các sách báo vỡ lòng về chủ nghĩa Mác – Lênin trong nông dân, tiếp tục gây cơ sở cách mạng trong các đồn điền vùng Nam Bộ.
Đến năm 1930, theo quyết định của Thường vụ Trung ương Đảng, Xứ ủy lâm thời Nam Bộ đã họp và cử đồng chí làm Xứ ủy viên chính thức, phụ trách tuyên huấn. Ngày 1-4-1931, đồng chí bị thực dân Pháp bắt ở Sài Gòn. Ở trong tù, mặc dù bị địch tra tấn hết sức dã man nhưng đồng chí vẫn kiên cường chịu đựng, giữ vững khí tiết cách mạng khiến quân thù phải khiếp sợ. Không những thế, đồng chí còn luôn tìm cách tuyên truyền, giác ngộ mật thám, lính kín của địch, nhờ vậy đồng chí đã tổ chức và cùng một số đồng chí khác vượt ngục, và cũng có lần nhờ giác ngộ lính kín mà cứu thoát được đồng chí Trần Phú. Sau đó đến ngày 23 – 9 – 1931, đồng chí bị địch bắt lại.
Mọi người đều biết, sau cao trào cách mạng 1930 - 1931, kẻ thù đã tiến hành cuộc “khủng bố trắng” vô cùng tàn khốc - nhất là ở thành phố Sài Gòn. Hàng vạn đảng viên cộng sản và đồng bào yêu nước rơi vào tay địch, đã bị cầm tù trong những nhà lao trên đất liền, bị đày ra đảo Côn Lôn và một số hải đảo thuộc Pháp nằm giữa Thái Bình Dương.Việc này đã làm chấn động lương tri của nhân dân tiến bộ Pháp và các tổ chức yêu chuộng hòa bình, công lý trên thế giới, đặc biệt là sự kết án 121 chiến sĩ cộng sản Việt Nam tại phiên tòa đại hình Sài Gòn vào thượng tuần tháng 5-1933, được mệnh danh là “Vụ án Đảng Cộng sản Đông Dương”.
Trước tòa án đại hình Sài Gòn của thực dân Pháp, cùng với các đồng chí Ngô Gia Tự, Lê Văn Lương, Phạm Hùng, đồng chí đã hiên ngang bất chấp luật lệ, đanh thép lên án tội ác của đế quốc, bảo vệ lý tưởng cộng sản, bảo vệ nguyện vọng chân chính đòi độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam. Tòa án thực dân Pháp đã xử đồng chí án tù chung thân và đày đồng chí ra Côn Đảo. Ở nhà tù Côn Đảo, đồng chí tham gia Ban phụ trách huấn luyện chính trị cho anhem tù, làm cho họ hiểu thêm chủ nghĩa Mác - Lênin và con đường cách mạng. Cùng với đồng chí Ngô Gia Tự, đồng chí dịch cuốn “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” và các tác phẩm khác. Cùng đồng chí Nguyễn Văn Cử, đồng chí phụ trách tờ “Người Tù Đỏ” ở khám 5, phổ cập tư tưởng cách mạng cho nhiều đảng viên và tù nhân, đồng thời tích cực tham gia tranh luận về đường lối cách mạng Việt Nam giữa những người Cộng sản với những người Quốc dân đảng.
Năm 1936 được ra tù, đồng chí bị địch giải về quê ở Hà Tĩnh để quản thúc.Đồng chí lại tiếp tục tham gia cuộc bãi công ở nhà máy Xe lửa Trường Thi, tham gia cuộc đón tiếp Gô-đa.
Đến tháng 8 - 1937, đồng chí lại bị tòa án Nam Triều xử 3 năm tù, 3 năm quản thúc, bị giam ở các nhà lao Hà Tĩnh, Huế.. rồi bị giải đi Đak Lay (thuộc Kon Tum) cuối cùng đưa về căng Trà Kê (Phú Yên). Ở đây, đồng chí đã tham gia vào ban lãnh đạo nhà tù. Khi Nhật đảo chính Pháp, lợi dụng cơ hội này đồng chí đã vận động anhem lính bỏ ngũ và cùng anh em tù phá trại, tự giải phóng để thoát ngục, sau đó vào Sài Gòn bắt liên lạc với tổ chức Đảng tiếp tục hoạt động mặc dù lúc đó đồng chí đang bị lao phổi nặng.
Năm 1945, đồng chí tham gia mặt trận Thủ Đức (Gia Định), Biên Hòa và tiếp tục tham gia cuộc kháng chiến anh dũng cùng đồng bào Nam Bộ. Đến năm 1946, khi chiến khu Tân Uyên (Biên Hòa) bị vỡ, đồng chí bí mật trở lại Sài Gòn liên lạc với nhóm Văn hóa mác – xít Pháp và cùng đồng chí Nguyễn Văn Linh bí mật chỉ đạo công tác Đảng ở Sài Gòn, Chợ Lớn.
Năm 1949, đồng chí ra công tác tại Việt Bắc, được cử làm Phó ban Tuyên huấn Trung ương và Phó Giám đốc Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương ngay từ khóa 1. Năm 1951, đồng chí dự Đại hội toàn quốc lần thứ 2 của Đảng và được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Sau đó đồng chí trở về Nam Bộ phụ trách tuyên huấn Trung ương Cục.
Năm 1956, đồng chí được cử làm Phó Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương Đảng; Bí thư Đảng Đoàn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục. Năm 1960, đồng chí được cử đi dự Đại hội toàn quốc lần thứ 3 của Đảng và được bầu là Ủy viên Trung ương Đảng. Từ năm 1963 đến 1976, đồng chí được cử làm Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Bí thư Đảng Đoàn Bộ Văn hóa và Hội Văn nghệ; Phó Trưởng ban nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương. Với đạo đức cách mạng trong sáng, với sự hiểu biết và nghiên cứu uyên thâm về Bác Hồ, đồng chí được cử làm Trưởng ban phụ trách xây dựng Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh từ tháng 11 – 1970.Đến năm 1977, đồng chí được Trung ương Đảng và Chính phủ cử giữ chức Viện trưởng Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Do có nhiều công lao và cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng, đồng chí Hà Huy Giáp đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng nhất, Huân chương chống Mỹ cứu nước hạng nhất; Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng và nhiều huy chương và nhiều huân chương cao quý khác.
Từ buổi đầu tham gia cách mạng đến cuối đời, đồng chí Hà Huy Giáp đã giữ trọn danh hiệu cao quý của người đảng viên cộng sản, một lòng một dạ phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, gian nan không lùi bước, nguy hiểm không sờn lòng. Mặc dù được Đảng và Nhà nước cho nghỉ hưu từ năm 1987, nhưng không nề tuổi cao sức yếu, đồng chí đã dồn cả nhiệt tình và tâm huyết vào những công việc đang thực hiện dở dang.
Trãi qua nhiều thập kỷ lăn lộn trong bão táp đấu tranh cách mạng, từng “nằm gai nếm mật” với đồng bào, “chia ngọt sẻ bùi” với đồng chí. Đồng chí Hà Huy Giáp có mối quan hệ gắn bó máu thịt với nhân dân, hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng của dân, có một lòng tin vững chắc và tình cảm sâu sắc đối với quần chúng, luôn luôn được nhân dân mến mộ tin yêu. Trong cuộc sống đời thường, đồng chí Hà Huy Giáp còn nổi bật lên hình ảnh của người chồng, người cha, người ông trung hậu, tận tụy, hết lòng thương yêu, chăm sóc và đùm bọc gia đình, con cháu.
Năm 1990, một tại biến đột ngột đến đến đồng chí đã không còn đi lại được nữa và cũng mất luôn tiếng nói. Cũng từ đó, đồng chí nêu một tấm gương nghị lực phi thường bằng cách viết hồi ký về cuộc đời hoạt động cách mạng của mình. Đồng chí viết bằng cách cầm chiếc bút chì gõ từng nốt chữ trên bàn phím của máy đánh chữ. Tuy nói là hồi ký về cuộc đời hoạt động của đồng chí nhưng thật ra đó là những trang sử về những giai đoạn cách mạng của Đảng và của nhân dân ta bởi vì bản thân đồng chí là một “viện bảo tàng cách mạng”.
Đến tháng 12 năm 1995, đồng chí đã đi vào cõi vĩnh hằng. Theo quy luật tự nhiên, một con người ở tuổi 87 đi vào cõi vĩnh hằng không phải là điều bất ngờ, song với một nhân vật như Hà Huy Giáp, sự ra đi ấy vẫn gieo không biết bao nhiêu niềm nuối tiếc đối với gia đình, anh em, bạn bè và cả đồng bào dân tộc Việt Nam.
Khi ra đi đồng chí rất thanh thản, cả cuộc đời đồng chí là tấm gương sáng của một cán bộ thấm nhuần trong việc làm và lối sống lý tưởng cao đẹp của Đảng và lời dạy của Bác Hồ. Hình ảnh của đồng chí luôn luôn sống mãi trong sự nghiệp vẻ vang của Đảng, của nhân dân, của non sông và của đất nước.
“Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây”. Hà Huy Giáp là người có “ơn sâu, nghĩa nặng” đối với đồng chí và đồng bào Nam bộ. Đồng chí là một trong những nhà lãnh đạo hàng đầu của Xứ ủy Nam Kỳ, của Đảng bộ thành phố Sài Gòn - Gia Định từ lúc Đảng ta mới khai sinh và cách mạng còn đang ở trong thời kỳ trứng nước. Năm 2007, Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Đồng Nai đã quyết định lấy tên đồng chí đặt tên con đường Hà Huy Giáp, phường Quyết Thắng, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai để tưởng nhớ đến công lao đóng góp của đồng chí và đồng thời cũng nhằm giáo dục cho các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau ra sức rèn luyện, học tập và noi theo tấm gương cao đẹp của người đảng viên cộng sản “tận trung với nước, tận hiếu với dân”, sống chân thành, trung thực, thẳng thắn, chan hòa, gần gũi và yêu thương đồng chí, đồng bào, giản dị và cần kiệm.
Một số hình ảnh con đường Hà Huy Giáp:
_ Thanh Vân_