Bỏ qua nội dung chính

Những Con Đường Huyền Thoại

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Danh mục
Không có khoản mục nào trong danh sách này.
Blogs khác
Không có khoản mục nào trong danh sách này.
Liên kết
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Bài Viết 2016 > Những Con Đường Huyền Thoại > Bài đăng > Đường Đoàn Văn Cự, tên một lãnh tụ nghĩa quân kháng Pháp với hình thức ''Hội kín'' tại Biên Hòa, Đồng Nai
Đường Đoàn Văn Cự, tên một lãnh tụ nghĩa quân kháng Pháp với hình thức ''Hội kín'' tại Biên Hòa, Đồng Nai

          Sơ lược về con đường Đoàn Văn Cự:

          Đường Đoàn Văn Cự là con đường mang tên một lãnh tụ nghĩa quân kháng Pháp ông tên Đoàn Văn Cự, ông đã đứng lên thành lập “Hội kín” chống lại ách thống trị của thực dân Pháp, mọi việc chưa thành, ông đã hy sinh.

          Về con đường Đoàn Văn Cự: Trước năm 1975, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai đã lấy tên Đoàn Văn Cự, đặt tên cho một khu cư xá và một con đường nối liền Quốc lộ 1 (nay là Quốc lộ 1A) và đường liên tỉnh 24.

          Tiếp đó, ngày 6/9/2007, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định số 2854/QĐ-UBND theo Nghị quyết số 91/2007/NQ-HĐND ngày 25/7/2007 của HĐND tỉnh Đồng Nai về việc đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng tại thành phố Biên Hòa, theo đó một con đường ở thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai (đoạn nối từ đường Phạm văn Thuận đến đường Đồng Khởi) thuộc phường Tam Hiệp được mang tên Đoàn Văn Cự. Con đường có chiều dài 650 m, gắn với ngôi đền Đoàn Văn Cự - Di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia, nơi ghi nhớ sự nghiệp đấu tranh cách mạng chống Pháp của ông.

          Sơ lược về tiểu sử của Đoàn Văn Cự:

          Ngày 31 tháng 8 năm 1858, thực dân Pháp nã súng vào Đà Nẵng, mở đầu cuộc xâm lược chính thức ở nước ta. Ngay  từ những ngày đầu, thực dân Pháp liên tiếp phải đương đầu với sự kháng cự mạnh mẽ của lực lượng quan, quân triều đình và các cuộc khởi nghĩa do các sỹ phu yêu nước lãnh đạo. Trong đó, cuộc khởi nghĩa có tổ chức do Đoàn Văn Cự lãnh đạo (được thành lập dưới hình thức Hội kín) ở Biên Hòa tuy quy mô không lớn nhưng đã để lại tiếng vang, có tác động mạnh mẽ đến phong trào chống Pháp của nhân dân ta đầu thế kỷ XX.

          Đoàn Văn Cự sinh năm 1835 (Ất Mùi) tại làng Bình An, huyện Bình An, tỉnh Biên Hòa (nay là quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh). Cha ông là một bậc túc nho có chí khí và lòng yêu nước nồng nàn. Gia đình ông luôn bị thực dân Pháp theo dõi, cụ phải dời quê hương đến trú tại rừng Bưng Kiệu, thôn Vĩnh Cửu tỉnh Biên Hòa  (nay thuộc phường Tam Hiệp, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), nơi có ít tai mắt của bọn thực dân. 

          Tiếp nối truyền thống của gia đình, Tại Bưng Kiệu, Đoàn Văn Cự mở các lớp dạy học và làm nghề bốc thuốc gia truyền, kiêm luôn xem bói tướng cho người dân. Hàng ngày, ông ăn mặc giống như một người tu hành, sống hiền hòa, lương thiện và được nhiều người trong vùng kính nể. Đoàn Văn Cự theo nghề cha dạy học và làm thuốc để giúp đỡ dân nghèo nên được gọi là ông thầy Cự. Nhờ vậy, ông che tai mắt thực dân Pháp được một thời gian, đồng thời tạo được uy tín và điều kiện để tiếp xúc tuyên truyền, chiêu tập những người dân có cùng chí hướng khơi dậy lòng yêu nước trong các tầng lớp nhân dân lao động. Lợi dụng địa thế rừng, ông xây dựng Bưng Kiệu thành căn cứ để mưu cầu đại sự.

          Là người thông minh, tài trí, ông đã khéo léo dùng hình thức hoạt động tôn giáo để thu phục nhân tâm, qua đó tuyên truyền thức tỉnh lòng yêu nước, tinh thần xả thân vì đại nghĩa dân tộc. Các tín đồ và đồng chí của ông có mặt khắp miền Đông, như: Chợ Đồn, Bình Đa, Cù Lao phố, nhưng đông nhất là vùng Bình An, chợ Chiếu cho tới khu vực núi Nứa (thuộc huyện Long Thành, nay thuộc Bà Rịa – Vũng Tàu). Để chuẩn bị cho đại cuộc đánh Pháp, ông Cự chọn vùng Bưng Kiệu (thuộc xã Tam Hiệp) làm căn cứ, tổ chức lực lượng theo lối Thiên Địa Hội (còn gọi là Hội kín), (lúc này, Đoàn Văn Cự đã bước sang tuổi 67), đồng thời cho tích lũy lương thực, mua sắm khí giới, lập lò rèn vũ khí, luyện tập nghĩa quân... Lực lượng Hội kín do Đoàn Văn Cự lãnh đạo khá đông đảo và có mặt trên địa bàn rộng lớn củ tỉnh Biên Hòa thời bấy giờ. Tổ chức Hội kín do ông thành lập quy tụ nhiều danh tài hảo hán, tinh thông võ nghệ, coi việc nghĩa là việc đại sự, một lòng vì nước, vì dân. Lực lượng nghĩa quân phát triển ngày một lớn mạnh, lương thực, khí giới được tích trữ mỗi lúc một nhiều hơn để chuẩn bị cho việc dấy binh. Vào thời điểm ấy, hưởng ứng các bang hội khác, nhiều cuộc nổi dậy kháng Pháp đã diễn ra. Điển hình như Trương Công Định chiêu mộ quân sỹ và lập căn cứ tại Gò Công (Tiền Giang) hay vụ Nguyễn Trung Trực đốt cháy tàu quân Pháp trên dòng sông Vàm Nhật Tảo huyền thoại. Cùng với đó là hàng loạt các cuộc nổi dậy dưới "mác" Thiên Địa hội hay Hội kín.         

          Mọi việc còn đang trong giai đoạn chuẩn bị, nhưng hoạt động bí mật của Hội kín không còn giữ được, vì giặc Pháp đã nắm được tin. Ngày 11 tháng 05 năm 1905 (tức ngày 8 tháng 4 âm lịch), chính quyền thực dân cho một tiểu đội lính bí mật đến bao vây thôn Vĩnh Cửu. Được tin, Đoàn Văn Cự đã triệu tập hàng trăm nghĩa quân tổ chức mai phục sẵn sàng đón địch. Phục kích cả ngày không thấy đến, tưởng địch đã rút lui, đến tối Đoàn Văn Cự cho nghĩa quân rút về căn cứ ăn cơm. Lúc này giặc mới ập tới, vây chặt căn cứ Bưng Kiệu. Tên đại úy chỉ huy quân Pháp dẫn một tốp lính xông thẳng vào nhà Đoàn Văn Cự. Biết khó lòng thoát hiểm, ông điềm tĩnh vận bộ trang phục uy nghi, đầu chít khăn lụa điều, mình buộc thắt lưng màu hồng, giắt đoản đao đầu hổ, làm lễ trước bàn thờ tổ chờ địch đến. khi toán lính bước vào nhà, ông vung thanh đoản đao sáng loáng chém tên chỉ huy bị thương. Hắn bắn ra một loạt đạn. Đoàn Văn Cự trúng đạn, ngã xuống trước bàn thờ tổ. Quân Pháp tấn công vào doanh trại của nghĩa quân và đốt phá kho lương thực. Rừng Bưng Kiệu ngập khói lửa kín một góc trời. Mười sáu nghĩa quân đã anh dũng hy sinh, số còn lại đều chạy thoát vào rừng. Sau đó, quân Pháp bắt dân làng chôn Đoàn Văn Cự cùng với 16 nghĩa quân vào một hố lớn.

          Hội kín Đoàn Văn Cự tan rã nhưng tinh thần yêu nước, vì đại nghĩa của tổ chức này đã tô thắm trang sử chống giặc ngoại xâm hào hùng của vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai.

          Đoàn Văn Cự là một thủ lĩnh kiên trung, bất khuất, với chí khí cách mạng kiên cường ông đã dìu dắt và lãnh đạo nghĩa binh trong công cuộc chống Pháp tại Biên Hòa, Đồng Nai. Cuộc khởi nghĩa do ông lãnh đạo tuy quy mô không lớn nhưng đã để lại tiếng vang, có tác động mạnh mẽ đến phong trào chống pháp của nhân dân ta, đặc biệt là nhân dân vùng vùng miền Đông Nam Bộ trong những năm đầu thế kỷ.

          Đoàn Văn Cự hy sinh, để lại trong lòng nhân dân Đồng Nai một niềm thương tiếc và ngưỡng mộ vô cùng. Cảm phục trước tấm gương trung nghĩa hy sinh vì nước của Đoàn Văn Cự và những nghĩa binh của Thiên Địa Hội, người dân Biên Hòa đã góp công, góp của xây dựng ngôi mộ, miếu thờ hàng năm tổ chức lễ giỗ với sự tham gia của chính quyền và nhân dân địa phương. Hiện nay, ngôi mộ của Thủ lĩnh Đoàn Văn Cự cùng 16 nghĩa quân, tọa lạc trên khu đất cạnh dòng suối Linh Tuyền (gọi tắt là suối Linh), thuộc phường Long Bình, thành phố Biên Hòa do nhân dân xây dựng để tưởng nhớ, ghi nhận, công lao của thủ lĩnh Đoàn Văn Cự và nghĩa binh đối với vùng đất này. Cùng đó, ngôi đình Đền thờ Đoàn Văn Cự và 16 nghĩa binh cũng được xây dựng từ năm 1956, cách phần mộ khoảng 1km về hướng Đông Bắc. Đền thờ tọa lạc trên khu đất bằng phẳng, thuộc phường Tam Hiệp (thành phố Biên Hòa) trên Quốc lộ 15 gần đường Đoàn Văn Cự.

 

Hình ảnh về đường Đoàn Văn Cự

 

 

 

Đinh Nhài

 

 

 

 

 

Comments

Không có nhận xét nào cho bài đăng này.