1. Đôi nét về đường Nguyễn Văn Nghĩa (Thành phố Biên Hòa - Đồng Nai)
Đường được đặt tên vào năm 2007, có chiều dài 180m, chiều rộng 8m, lộ giới 18m.
Là con đường nối đường Phan Đình Phùng với đường Phan Chu Trinh, chạy ngang qua khu vực chợ mới).
Đường mang tên đồng chí Nguyễn Văn Nghĩa – là một Đảng viên Đảng cộng sản trước năm 1945, Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh Biên Hòa năm 1936, Chủ tịch Mặt trận Việt Minh tỉnh Biên Hòa hy sinh năm 1946.
Đây cũng là con đường nằm trong cụm đường mang tên các đồng chí hoạt động cùng thời như Huỳnh Văn Lũy, Hồ Văn Đại, Nguyễn Văn Ký…
2. Tiểu sử đồng chí Nguyễn Văn Nghĩa
Nguyễn Văn Nghĩa, tự Xượt, sinh năm 1909
Quê ở Tân Uyên, lớn lên tại làng Bình Ý, tổng Phước Vĩnh Trung, quận Châu Thành, tỉnh Biên Hòa (nay là xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) trong một gia đình công chức khá giả.
Đảng viên cộng sản, lãnh đạo phong trào Mặt trận dân chủ đông dương 1936 -1939 ở Biên Hoà, Chủ tịch Ủy ban hành động tỉnh Biên Hòa
Là người đầu tiên công khai tuyên truyền Chủ nghĩa Cộng sản trong toàn tỉnh, kêu gọi các tầng lớp nhân dân đấu tranh đòi tự do, dân chủ; người kéo cờ giành chính quyền ở Toà bố Biên Hoà năm 1945.
Tháng 12/1945 ông được cử làm Chủ tịch Mặt trận Việt Minh Biên Hoà
Là đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên của đơn vị tỉnh Biên Hòa.
Đầu năm 1946, trong chuyến đi công tác, ông bị thực dân Pháp bắt và giết hại tại cầu Gành
3. Quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Văn Nghĩa
Tốt nghiệp tiểu học xong, Nguyễn Văn Nghĩa nghỉ học, lên Sài Gòn làm việc.
Năm 1925 – 1926, phong trào chống bản án đối với Phan Bội Châu, để tang Phan Chu Trinh lan rộng khắp Nam kỳ, khơi dậy lòng yêu nước trong tầng lớp thanh niên, học sinh. Lúc bấy giờ, tinh thần yêu nước và ý chí làm cách mạng sôi sục trong lòng người thanh niên Nguyễn Văn Nghĩa trỗi dậy, ông đã tìm cách liên lạc với các nhà yêu nước hoạt động cách mạng nhằm chống Pháp.
Năm 1930 Nguyễn Văn Nghĩa đi bán dầu cù là khắp các tỉnh Nam Kỳ và sang cả Campuchia để tuyên truyền lòng yêu nước cho đồng bào, đòi tự do dân chủ, cải tiến thể chế chính trị ở thuộc địa.
Năm 1931, Nguyễn Văn Nghĩa liên lạc được với tổ chức cộng sản ở Nam Kỳ và tích cực hoạt động. Ông đã liên tục mang truyền đơn, tài liệu cách mạng, cờ Đảng về gây dựng phong trào cách mạng ở thị xã Biên Hòa, thị trấn Tân Uyên, ga xe lửa Dĩ An, nhà máy cưa BIF Tân Mai, v.v...
Năm 1936 ông làm việc cho các tờ báo Đảng La Lutte (Tranh đấu), L’avangarde (Tiên phong), Le peuple (Dân chúng)... vận động, tuyên truyền chỉ thị thành lập ủy ban hành động tỉnh Biên Hòa. Ông đã cùng với ông Phạm Văn Khoai cho in, phát hành hàng ngàn truyền đơn mang nội dung phục vụ cho phong trào đấu tranh của Mặt trận dân chủ Đông Dương.
Đầu tháng 9/1936 Nguyễn Văn Nghĩa và đồng chí Dương Bạch Mai được Ủy ban trù bị Đông Dương Đại hội cử về chỉ đạo phong trào vận động cách mạng ở Biên Hòa. Đồng chí Nguyễn Văn Nghĩa về Bình Ý (nay thuộc xã Tân Bình) liên lạc với các đồng chí Phạm Văn Khoai, Phạm Văn Thuận, Huỳnh Văn Lũy, Hồ Văn Đại ... thành lập Ủy ban hành động tỉnh Biên Hòa - Trụ sở ủy ban đặt ở khách sạn Thanh Phong tại xã Bình Ý, tổng Phước Vĩnh Trung, quận Châu Thành (nay là Vĩnh Cửu - Đồng Nai), cơ sở “Bình dân thư viện” của Ủy ban được xây dựng ở xã Bình Ý (quận Châu Thành), là trung tâm phát hành sách báo, tài liệu của Đảng, và cũng là nơi liên lạc, tiếp nhận các báo cáo, kiến nghị của các địa phương trong tỉnh. Mục đích hoạt động của Ủy ban là tập hợp dân nguyện, chuẩn bị cho Đông Dương Đại Hội theo sự chỉ đạo của Trung ương.
Tiếp đó, Ủy ban hành động các quận Châu Thành, Xuân Lộc, Tân Uyên, Long Thành được thành lập và hoạt động công khai thu hút đông đảo các tầng lớp dân chúng tham gia nhất là giới nhân sĩ trí thức, thanh niên học sinh.
Từ tháng 9 năm 1936, phong trào cách mạng dấy lên đều khắp các nơi trong tỉnh, mạnh mẽ nhất là ở xã Bình Trước quận lỵ Châu Thành và một số xã khác... Hàng nghìn truyền đơn, lời hiệu triệu, cương lĩnh hành động được khẩn trương in ấn để kịp thời tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân. Cơ sở Đảng ở Nhà máy cưa BIF bí mật tổ chức in hàng trăm truyền đơn với nội dung tố cáo tội ác và những hành động bóc lột đàn áp của chủ hãng đối với công nhân, đòi lập nghiệp đoàn, đòi tăng lương, giảm giờ làm, kêu gọi công nhân đoàn kết đấu tranh. Nhiều cuộc đấu tranh được tổ chức do các đồng chí Dương Bạch Mai, Nguyễn Văn Nghĩa trực tiếp diễn thuyết.
Tại rạp hát Trần Điển (thị xã Biên Hòa) trước hàng trăm quần chúng nhân dân đa phần là thanh niên, học sinh, đồng chí Nguyễn Văn Nghĩa đã trình bày mục đích, ý nghĩa của phong trào Đông Dương Đại hội, đồng thời phát động quần chúng tham gia các hoạt động đấu tranh, gia nhập các hội đoàn, soạn thảo các văn bản “dân nguyện” nêu lên những kiến nghị, những yêu cầu bức xúc về các quyền lợi dân sinh dân chủ của mỗi ngành, mỗi giới, thu thập hàng nghìn chữ ký để tập hợp gửi cho phái đoàn thanh tra của chính phủ Pháp.
Cũng trong tháng 9/1936 Ủy ban hành động Biên Hòa tổ chức cuộc mít tinh tại Gò Dê (Vĩnh Cửu) mở đầu cho phong trào vận động đòi dân chủ với hơn 200 đồng bào đến dự. Nguyễn Văn Nghĩa đã đại diện ủy ban đứng ra diễn thuyết kêu gọi nhân dân ủng hộ Đông Dương đại hội, đấu tranh đòi các quyền dân sinh dân chủ. Cai tổng Đạm hay tin liền dẫn lính đến đàn áp. Ủy ban hành động tỉnh biến cuộc mít tinh thành cuộc biểu tình đả đảo Cai tổng Đạm. Lần đầu tiên nhân dân Châu Thành (nay là Vĩnh Cửu) đã công khai chống đối bọn làng tổng. Trước khí thế sục sôi và sự phẫn nộ của dân chúng, Cai tổng Đạm dẫn lính rút lui. Cuộc mít tinh kết thúc bằng đợt tuần hành về Bến Cá, Cây Đào, Bình Ý. Đây là cuộc mít - tinh đầu tiên của nhân dân tỉnh Biên Hòa đấu tranh với địch, đòi tự do dân chủ, chống áp bức.
Cuối năm 1939, tình hình chuyển biến bất lợi. Thực dân Pháp tăng cường khủng bố, đàn áp cách mạng Việt Nam. Nguyễn Văn Nghĩa bị bắt và bị đày đi trại lao động Bà Rá (Bình Phước). Năm 1943 ông được ra tù nhưng bị quản thúc ở Biên Hòa.
Sáng ngày 26/8/1945, trong khí thế sôi sục cùng cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Đông Dương đứng lên làm Cách mạng Tháng Tám, với ý chí kiên cường, hành động dũng cảm và uy tín sẵn có trong nhân dân, đồng chí Nguyễn Văn Nghĩa dẫn đầu đoàn người tiến thẳng vào dinh tỉnh trưởng buộc tỉnh trưởng phải đầu hàng và truyền lệnh cho thuộc hạ các cấp trao chính quyền cho cách mạng. Lá cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên được treo ở dinh tỉnh trưởng trong tiếng reo hò vang dậy của nhân dân. Đến 11 giờ trưa cùng ngày, các đồng chí trong Ủy ban khởi nghĩa trực tiếp đến Tòa Bố buộc tỉnh trưởng Nguyễn Văn Quý cùng những viên chức đứng đầu các ty, sở trong tỉnh bàn giao chính quyền cho cách mạng. Sự kiện này diễn ra sớm hơn kế hoạch của Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh Biên Hòa nhưng đã góp phần làm cách mạng thành công tốt đẹp, giành chính quyền về tay nhân dân.
Ngày 24/10/1945, Pháp trở lại tái chiếm Biên Hòa.
Tháng 12/1945, Tỉnh ủy lâm thời Biên Hòa rút vào hoạt động bí mật Nguyễn Văn Nghĩa vẫn cùng với các đồng chí ở địa phương tiếp tục bám cơ sở, xây dựng và củng cố Mặt trận Việt Minh, xây dựng lực lượng kháng chiến, vận động nhân dân, huy động sức mạnh toàn dân tham gia cuộc kháng chiến trường kỳ. Thời gian này ông được cử làm Chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh tỉnh Biên Hòa.
Đầu năm 1946, trong một chuyến công tác ở vùng ven thị xã Biên Hòa, Nguyễn Văn Nghĩa bị giặc bắt. Đòn roi tra tấn không khuất phục nổi ông, chúng đã hèn hạ đem ông ra bắn tại cầu Ghềnh.
Với tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí cách mạng kiên định, dũng cảm và luôn tạo được uy tín trong nhân dân, đồng chí Nguyễn Văn Nghĩa đã có nhiều đóng tích cực trong phòng trào cách mạng 1936 - 1939 ở Biên Hòa cũng như trong việc thành lập Tỉnh ủy lâm thời Biên Hòa. Khí phách lẫm liệt của ông đã cổ vũ lớp thanh niên Biên Hòa lên đường kháng chiến thời bấy giờ cũng như là tấm gương cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay noi theo. Cuối năm 1949, Tỉnh ủy Biên Hòa đã quyết định lấy tên ông đặt cho bộ đội địa phương huyện Tân Uyên, từ năm 1950 là đại đội đặc công đầu tiên ở Nam Bộ. Tên của ông cũng được chính quyền và nhân dân Biên Hòa đặt tên cho một con đường trong thành phố.
Nguyễn Sen