Bỏ qua nội dung chính

Những Con Đường Huyền Thoại

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Danh mục
Không có khoản mục nào trong danh sách này.
Blogs khác
Không có khoản mục nào trong danh sách này.
Liên kết
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Bài Viết 2016 > Những Con Đường Huyền Thoại > Bài đăng > Dương Tử Giang: Nhà báo, Nhà văn, Nghệ sĩ tài năng và phẩm hạnh
Dương Tử Giang: Nhà báo, Nhà văn, Nghệ sĩ tài năng và phẩm hạnh

          Dương Tử Giang tên thật Nguyễn Tấn Sĩ, sinh năm 1914 (không rõ ngày tháng), trên giấy tờ là ngày 15/3/1915, quê tại huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Dương Tử Giang là bút danh ông đặt khi làm nhà báo, nhưng người đời vẫn gọi tên ông với cái tên Dương Tử Giang – Dòng sông Dương Tử.

          Sinh ra trong một gia đình khá giả, dòng họ có nhiều ruộng đất nên con đường học vấn có nhiều thuận lợi. Cuối năm 1932-1933, Dương Tử Giang đậu bằng Thành chung của chương trình Pháp – Việt và 2 bằng Brevet của chương trình Pháp. Nhưng sau đó ông không học lên để thi Tú tài, ông thuê một căn phố tại thị xã Mỹ Tho để buôn bán nhỏ và mở tiệm cắt tóc. Đánh cờ tướng là một trong những môn đam mê của ông, ngoài ra ông còn mê sách, mê văn, mê hát và từ ấy ông bắt đầu sáng tác.

          Với tất cả nhiệt huyết của tuổi trẻ, năm 1936, ông đứng ra thành lập một gánh hát riêng với mong muốn góp phần vào việc xây dựng một nền sân khấu mới, nhưng chỉ được một thời gian ngắn phải rã gánh, bởi ông đi trước thời đại quá xa, phần đông khán giả không chấp nhận và cũng phần vì ông không có duyên với chuyện làm ăn, thường bị lỗ khi bao giàn gánh hát. Sau đó, ông xin dạy học ở Trường tiểu học Thủ Đức, Gia Định rồi làm ở Quan thuế Sài Gòn, thư ký ở Ty Thương chánh Hà Tiên, nhưng vì mê đá gà nên xài thâm tiền két, sau đó bỏ lên núi Tà Lơn cho đến ngày Nhật đảo chính Pháp mới trở về quê.

          Một thời gian sau, ông lên Sài Gòn và bắt đầu với nghề báo, viết bài cho các báo Dư luận của Dương Trung Thực, Mai của Đào Trinh Nhất, Sống của Đông Hồ  Trúc Hà, Thanh niên của Huỳnh Tấn Phát (từ 8/1943 – 9/1944). Thời gian trước Cách mạng tháng 8, ông cũng viết được một số tiểu thuyết đầu tay như: Bịnh học (1937), Con gà và con chó (1939). Ngoài sáng tác văn học, Dương Tử Giang còn cộng tác với nhiều tờ báo, ông viết không cần danh, dùng nhiều bút hiệu khác nhau, ông nói lên những gì mình ấp ủ, góp phần vào công cuộc đấu tranh chống những bất công của xã hội để giành độc lập cho Tổ quốc. Ở thời điểm đó, Dương Tử Giang được đồng nghiệp đánh giá là nhà văn có tài và có chí, ông ôm ấp nhiều hoài bão về văn học, nghệ thuật ở tương lai…

          Năm 1940, ông lập gia đình (sau này ông có 3 người con, 1 trai và 2 gái nhưng cuối cùng ông chỉ còn một người con gái).

          Sau khi Nam Bộ kháng chiến, ông tích cực tham gia viết báo chống Pháp và đã từng bị chính quyền Pháp bắt giam. Ông cùng với Vũ Tùng, Thiếu Sơn đều tham gia viết báo trong tờ Nam Kỳ, tờ Justice (Công lý) - cơ quan chính thức của Đảng Xã hội Pháp  Đông Dương (thời gian này ông dùng bút danh là Thương Quân). Năm 1946, tờ báo đầu tiên là tờ Văn Hóa do ông chủ biên và cũng làm chủ nhiệm ra đời. Báo Văn Hóa của Dương Tử Giang ca ngợi lãnh tụ, ca ngợi cán bộ kháng chiến, đề cao thành tích kháng chiến và đả kích mạnh mẽ chính sách kềm kẹp của nhà cầm quyền đối với nhà văn và những người yêu nước, tham gia đấu tranh đòi tự do báo chí… Từ năm 1946 đến năm 1950, ông tham gia cộng tác với rất nhiều tờ báo như: Việt Báo, Điện Báo, Nguồn Sống, Thế giới, Thứ Năm, Văn Nghệ… qua các tờ báo công khai ở Sài Gòn, ông dùng ngòi bút làm vũ khí chiến đấu chống Thực dân Pháp và tay sai một cách kiên cường, chính vì vậy chính quyền thực dân đã bắt ông giam một thời gian. Dù bị địch khủng bố và tìm mọi cách để ngăn chặn ngòi bút chiến đấu, hòng bẻ gãy và làm chùn bước của ông, nhưng đối với ông tuy bị giam cầm nhưng tâm hồn vẫn nóng bỏng tình yêu với nghề, canh cánh với tình hình đất nước.

          Tháng 5 năm 1950, do diễn thuyết trong đám tang nhà báo Nam Quốc Cang, ông bị địch truy lùng ráo riết. Nhờ có sự che chở của đồng bào ông đã thoát ly ra khu kháng chiến ở miền Tây Nam Bộ, cùng với Thiếu Sơn làm báo Cứu quốc và hoạt động văn nghệ ở chiến khu. Thời gian này, Dương Tử Giang còn viết một số kịch bản tuồng.

          Năm 1954, ông trở lại hoạt động báo chí ở Sài Gòn. Ông thực hiện các báo Công lý, Điện báo rồi Duy tân. Tôn chỉ và mục đích của Dương Tử Giang là viết theo đường lối văn nghệ của Đảng – là đấu tranh đòi thống nhất đất nước, đấu tranh chống áp bức bất công. bấy giờ nhiều sách báo viết nhảm nhí, tình yêu lãng mạn, đồi trụy, khiêu dâm, rồi kiếm hiệp, phi thân, luyện kiếm, luyện pháp đầu độc trẻ con… Ngoài những nội dung khác, ông chủ trương viết truyện thiếu nhi lành mạnh để giáo dục trẻ em, nâng đỡ những mầm non văn nghệ, khuyến khích những cây bút viết tốt. Thời gian này, tuy ông và gia đình gặp cảnh khó khăn, nhiều chuyện không vui nhưng ông vẫn có cái nhìn lạc quan về xã hội, lửa chiến đấu trên mặt trận văn hóa trong ông vẫn tràn đầy nhiệt huyết.

          Ngày 8 tháng 10 năm 1955, Bộ Nội vụ Sài Gòn ra quyết định "trưng cầu dân ý" ở miền Nam nhằm truất phế Bảo Đại và đưa Diệm lên làm quốc trưởng, cũng trong ngày này Dương Tử Giang cùng Lý Văn Sâm, Thiếu Sơn, Tư Mã Việt, Tô Nguyệt Đình... bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt vì tội “thân cộng”. Dù bị giam cầm, ép cung, tra tấn ở bót Catina rồi chuyển về Trung tâm Cải huấn Biên Hòa – nhà tù Tân Hiệp, nhưng ông vẫn tham gia công tác tuyên huấn, tuyên truyền, giảng dạy địa lý ranh giới Việt Nam cho học viên. Bị địch phát hiện, chúng hành hạ ông tàn bạo, nhưng những trận đòn roi khốc liệt không làm ông nhụt chí mà càng hun đúc thêm tinh thần của nhà báo cách mạng tài ba. Trong bốn bức tường của nhà ngục ông lại làm thơ “Giữ dạ sắt đinh” với những lời lẽ mới, đó như là một lời cam kết, một lời thề với lý tưởng, với đồng bào, đồng chí và với cả chính ông. Bài thơ đó đã được phổ biến ngầm tương đối rộng, cùng với nhiều bài ca bài thơ đầy khí tiết khác trong số các tù nhân kiên trung. Và cũng trong lao tù, được tổ chức đảng nhà lao chỉ đạo, ông đã góp một vở cải lương “Nợ nước thù nhà” trong các buổi tổ chức sinh hoạt văn nghệ, nội dung nói lên tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh xả thân vì nghĩa lớn… vở cải lương cũng được nhiều tù nhân biết đến và ca ngợi.

          Trong sự nghiệp báo chí, Dương Tử Giang được đánh giá là người có công trong sự trao đổi ý kiến về đường lối sáng tác văn nghệ nói chung, có nhiều kinh nghiệm lý luận và là người hiền lành vui vẻ, ông là một nghệ sĩ đa năng, có tài dùng báo chí để nói lên suy nghĩ, quan điểm của mình về văn hóa và về thời cuộc...

          Ngày 2 tháng 12 năm 1956, khi cùng các tù nhân phá khám, vượt ngục, ông bị trúng đạn, cố bò đến bờ suối, rồi gục xuống trên tay còn ghì chặt cây đàn ghi ta.. Mất khi tuổi đời mới chỉ 38, Dương Tử Giang là một chiến sĩ cách mạng với những đức tính kiên trung, nghĩa dũng khiến cho đồng đội, đồng bào phải kính phục. Tuổi thanh xuân ông đã hiến trọn đời mình cho đại nghĩa, con đường chính nghĩa đó, ông đã đi tới cùng, dù không sự nghiệp gì đáng để lại, nhưng tấm gương sáng hy sinh cho lý tưởng mãi là bài học vô giá mà cả dân tộc Việt Nam ta nhất là thế hệ trẻ phải gìn giữ và noi theo.

          Với những đóng góp của ông cho sự nghiệp báo chí cách mạng, năm 1995, Dương Tử Giang được truy tặng huy hiệu “vì sự nghiệp báo chí Việt Nam”. Hiện nay, bút danh Dương Tử Giang đã được một số địa phương trong cả nước đặt tên cho các con đường. Tại Biên Hòa, Đồng Nai nơi ông trải qua những tháng ngày cuối đời trong lao tù và hy sinh trong khi về với tự do.

          Ngày 6/9/2007, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định số 2854/QĐ-UBND, theo Nghị quyết số 91/2007/NQ-HĐND, ngày 25/7/2007 của HĐND tỉnh Đồng Nai về việc đặt tên, đổi tên đường và công trình công cộng tại thành phố Biên Hòa, theo đó con đường mới mở có điểm đầu nối với đường Phan Trung (đường 5 cũ) và điểm cuối nối với đường Nguyễn Ái Quốc thuộc phường Tân Tiến được mang tên Dương Tử Giang. Đoạn đường dài 570m, rộng 10.5m. Đường chạy ngang qua nhà tù Tân Hiệp, di tích cách mạng cấp quốc gia, nơi ông và các đồng chí đảng viên cách mạng bị giam giữ, đã đứng lên đấu tranh và tham gia phá khám vào ngày 2/12/1956. Cùng đó, Hội Nhà báo tỉnh Đồng Nai cũng tổ chức Giải Báo chí Dương Tử Giang dành cho các nhà báo của tỉnh, đây là niềm mơ ước của rất nhiều nhà báo ở Đồng Nai và cũng là niềm tự hào của những nhà báo đạt được danh hiệu này.

 

MỘT SỐ HÌNH ẢNH VỀ ĐƯỜNG DƯƠNG TỬ GIANG

 

 

 

 

 

 

Đinh Nhài

 

 

 

 

 

Comments

Không có nhận xét nào cho bài đăng này.