Nguyễn Thái Học là một trong những vị lãnh tụ cách mạng của Việt Nam có tầm vóc và trẻ tuổi nhất trong lịch sử đấu tranh cho dân chủ, tự do và tiến bộ của nhân loại đầu thế kỷ 20. Ông là người thành lập, chỉ huy và lãnh đạo Việt Nam Quốc Dân Đảng trong cuộc khởi nghĩa giành lại chủ quyền cho đất nước và giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của người Pháp.
Nguyễn Thái Học sinh năm 1902, nhưng theo giấy học bạ của anh thì ghi ngày 1/12/1904. Anh sinh tại làng Thổ Tang, tổng Lương Điền, phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên (nay là tỉnh Vĩnh Phúc). Bố của anh là một nông dân chất phác tên Nguyễn Văn Hách. Mẹ là bà Nguyễn Thị Quỳnh, ngoài thời gian làm ruộng còn tranh thủ làm thêm nghê dệt vải, buôn vải ngay tại làng Thổ Tang. Anh là con trai trưởng trong gia đình, các em kế theo là Nguyễn Thị Hiền, Nguyễn Văn Nho, Nguyễn Văn Lâm và Nguyễn Văn Nỉ.
Ngay từ lúc mới 15, 16 tuổi Nguyễn Thái Học thường được thế hệ cha anh kể cho nghe chuyện về Đội Cấn và một số phong trào chống Pháp nên đã sớm giác ngộ lòng yêu nước. Ông ngầm nuôi ý chí đánh đổ chế độ thực dân Pháp, giải phóng dân tộc và trả thù rửa hận cho các chiến sĩ yêu nước đã bị thực dân Pháp giết hại.
Năm 19 tuổi, ông thi đậu vào trường Cao đẳng Sư Phạm và nhận học bổng của Chính phủ Bảo hộ Pháp. Do tính tình cương trực và không thích khuất phục lối giáo dục của người Pháp, ông bỏ học vào năm thứ ba, sau đó ghi danh học trường Cao đẳng Thương mại thuộc Đại học Đông Dương (1925 – 1927). Trong thời gian Nguyễn Thái Học học tập tại trường này đã diễn ra nhiều chuyển biến rất quan trọng trong phong trào yêu nước Việt Nam.
Cũng như nhiều thanh niên học thức khác cùng thế hệ, Nguyễn Thái Học đã sớm có tinh thần yêu nước, nhạy cảm với thời cuộc, nên ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường (năm 1925), Nguyễn Thái Học đã gửi thư cho toàn quyền Vareune đề nghị cải cách công thương nghiệp Việt Nam, thiết lập trường Cao đẳng công nghệ tại Hà Nội và cho người Việt Nam được mở trường học. Năm 1926, ông lại viết một bức thư khác yêu cầu nhà cầm quyền Pháp cải tổ hành chính, tạo điều kiện cho dân nghèo sống cuộc đời dễ chịu hơn, ban hành quyền tự do ngôn luận. Nhưng cả hai bức thư đều không được chính giới Pháp trả lời. Rồi ông xin ra tạp chí Nam Thành cũng bị từ chối.
Năm 1927, ông bắt tay với nhóm Nam Đồng thư xã do Phạm Tuấn Lâm, Phạm Tuấn Tài, Nhượng Tống thành lập, tổ chức biên soạn, phiên dịch, xuất bản những ấn phẩm có tư tưởng tiến bộ của cách mạng tư sản thế giới như Tôn Dật Tiên với chủ nghĩa Tam dân, Thánh Cam Địa, Gương thành bại, Con thuyền khứ quốc... Những cuốn sách này và hoạt động của Nam Đồng thư xã ngày càng thu hút đông hơn các giới sinh viên, trí thức yêu nước cộng tác và nó đã là cái nôi sinh thành của Việt Nam Quốc dân Đảng, mà một trong những thành viên sáng lập là Nguyễn Thái Học.
Việt Nam Quốc dân Đảng chính thức thành lập ngày 25 tháng 12 năm 1927. Tại Đại hội thành lập Đảng, Nguyễn Thái Học được bầu làm Chủ tịch Đảng Tổng bộ Việt Nam Quốc dân Đảng tại Bắc kì cùng với một cơ quan Tổng bộ ngoại giao, giám sát binh vụ. Đại hội Đảng thông qua Cương lĩnh và Điều lệ, nêu rõ mục đích và tôn chỉ của Đảng là: làm một cuộc cách mạng quốc gia, dùng vũ lực đánh đổ chế độ thực dân phong kiến để lập nên một nước Việt Nam độc lập, cộng hòa; đồng thời giúp đỡ các dân tộc bị áp bức trong công cuộc đấu tranh giành độc lập của họ, đặc biệt là các lân quốc Ai Lao, Cao Miên. Đảng cũng đã tập hợp được các nhóm yêu nước ở Bắc Ninh (Nguyễn Thế Nghiệp), ở Bắc Giang (Nguyễn Khắc Nhu). Công việc phát triển Đảng viên cũng được tiến hành rộng khắp ở nhiều tỉnh đồng bằng Bắc kì, lan rộng đến cả miền Trung và 6 tỉnh ở Nam kì. Năm 1928, trên toàn quốc Việt Nam Quốc dân đảng đã thành lập được 120 chi bộ, kết nạp được khoảng 1500 đảng viên, trong số đó có 120 người thuộc giới quân sự.
Năm 1929, mặc dù không được sự chấp thuận của Tổng bộ Đảng, các đảng viên thuộc một thành bộ của Việt Nam Quốc dân Đảng đã ám sát tên trùm mộ phu Bazin tại Hà Nội. Thực dân Pháp đã theo dõi sát sao tổ chức của các ông trước đó, nhân cơ hội này, chính quyền thực dân mở những đợt khủng bố trắng lùng bắt các đảng viên của Đảng. Hàng trăm đảng viên của Đảng đã bị bắt và kết án, trong đó có rất nhiều những nhân vật rất quan trọng của Đảng. Để tránh tổn thất nặng nề nhằm cứu vãn sự sụp đổ của các tổ chức Đảng, các lãnh tụ của Việt Nam Quốc dân Đảng đã tiến hành tổng khởi nghĩa ở một số địa phương và đã giành được một số thắng lợi, nhất là đã chiếm được một phần đồn binh Pháp và làm chủ tỉnh lị Yên Bái gần hai ngày.
Do không có sự phối hợp với các cuộc nổi dậy ở địa phương khác, cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quốc dân Đảng đã nhanh chóng bị thực dân Pháp đàn áp và dập tắt. Tuy vậy, ngày 15.2.1930, mặc dù cuộc khởi nghĩa ở miền núi đã thất bại, Nguyễn Thái Học và cơ sở Việt Nam Quốc dân Đảng vẫn quyết định khởi nghĩa ở miền xuôi như kế hoạch cũ. Cuộc vùng lên quyết liệt nhất là ở Phụ Dực (Thái Bình) và Vĩnh Bảo (lúc đó thuộc Hải Dương).
Được sự che chở của quần chúng yêu nước, Nguyễn Thái Học vẫn thoát khỏi sự truy lùng ráo riết của thực dân Pháp. Cùng với một số yếu nhân còn lại của Việt Nam Quốc dân Đảng ông bàn bạc và dự định cải tổ lại đảng và thay đổi phương hướng chiến lược của Đảng. Chính vào lúc công việc này mới được khởi động thì ngày 20.2.1930, Nguyễn Thái Học bị bắt tại ấp Cổ Vịt (Chí Linh, Hải Dương). Ông bị Hội đồng Đề hình thực dân kết án tử hình ngày 23.3.1930.
Trước sự thất bại cay đắng của cuộc khởi nghĩa, nhiều nhân vật lãnh đạo chủ chốt của Quốc Dân đảng bị giặc bắt, chuẩn bị nhận bản án tử hình, Nguyễn Thái Học vẫn bình thản phát biểu thể hiện chí hướng của mình: "Không thành công thì cũng thành nhân".
Đặc biệt, ngày 17 tháng 6 năm 1930, Nguyễn Thái Học và 12 đồng chí của ông đã bị xử chém tại Yên Bái. Nguyễn Thái Học là người bị xử tử cuối cùng, ông ung dung bước đến máy chém và bình thản đọc những câu thơ bằng tiếng Pháp:
Chết vì Tổ quốc
Cái chết vinh quang
Lòng ta sung sướng
Trí ta nhẹ nhàng.
Khi bị xử tử, ông và 12 đồng chí của ông đều hô vang “Việt Nam vạn tuế”.
Sau ngày ông hi sinh một ngày, ngày 18 tháng 6 năm 1930, tại đầu làng Thổ Tang quê chồng, người vợ, người đồng chí của ông là Nguyễn Thị Giang – Cô Giang, mặc dù đang mang thai nhưng đã dùng chính khẩu súng mà chồng tặng để tự sát.
Nguyễn Thái Học – người thanh niên trí thức rất mực yêu nước, vị lãnh tụ Việt Nam quốc dân Đảng đã anh dũng hy sinh dưới lưỡi dao máy chém của kẻ thù là thực dực Pháp tàn bạo. Lí tưởng và sự nghiệp lớn lao mà ông và đảng của ông theo đuổi đã không thành công. Nhưng tấm gương hy sinh vì nước của Nguyễn Thái Học và các đồng chí đời đời bất diệt, tên tuổi của các nhà cách mạng mãi mãi được ghi nhớ và trở thành những tượng đài trong lòng dân tộc Việt Nam. Tinh thần yêu nước nồng nàn, dũng khí anh hùng bất khuất, tinh thần lạc quan của các chiến sĩ đáng được cả nước tôn vinh.
Để ghi nhớ tấm gương yêu nước bất khuất, kiên cường của ông, Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Đồng Nai đã quyết định lấy tên ông đặt tên cho con đường Nguyễn Thái Học, phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai (giáp với đường Nguyễn Khuyến) để chúng ta đời đời ghi nhớ đến công lao hy sinh to lớn của ông và cũng đồng thời nhằm giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tự hào dân tộc và nâng cao ý thức trách nhiệm của thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
_ Thanh Vân_
