Bỏ qua nội dung chính

Những Con Đường Huyền Thoại

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Danh mục
Không có khoản mục nào trong danh sách này.
Blogs khác
Không có khoản mục nào trong danh sách này.
Liên kết
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Bài Viết 2016 > Những Con Đường Huyền Thoại > Bài đăng > Con đường mang tên Danh sĩ Đào Trí Phú ở Thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai
Con đường mang tên Danh sĩ Đào Trí Phú ở Thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai

Danh sĩ Đào Trí Phú tên thật là Đào Trí Kính, sinh tại làng Phước Kiển. Lúc bấy giờ, Phước Kiển thuộc Long Thành, dinh Trấn Biên, tỉnh Gia Định. Cho đến nay chưa rõ ông sinh năm nào và mất năm nào? Cha ông là Trung Nghị Đại Phu Thái Bộc, mẹ là bà Lê Thục Nhân. Từ nhỏ, Đào Trí Kính là người thông minh, rất ham học và khi đỗ đạt ông ra làm quan ở ba triều vua nhà Nguyễn: Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức.

Đời vua Minh Mạng thứ 6 (năm 1825), Đào Trí Kính dự trường thi Hương Gia Định và đậu cử nhân thứ 14/15 người đậu. Sau khi thi đậu, Đào Trí Kính được đổi tên là Đào Trí Phú và bổ nhiệm làm quan. Các chức vụ Đào Trí Phú kinh qua như: Thị lang, Tham tri bộ Hộ, Khâm sai của triều đình, Tổng đốc Nam Ngãi. Ông là một vị đại thần có uy tín đối với các triều vua mà ông theo giúp. Một số tư liệu cho thấy, Đào Trí Phú có nhiều đóng góp cho lịch sử nước nhà lúc bấy giờ trên những chức phận mà ông được giao phó; trong đó, đặc biệt là mở mang thương mại nước nhà.

Năm 1819, ở thời Gia Long, một du khách người Hoa Kỳ đầu tiên là John White đã đến Đại Nam đặt chân lên xứ Đồng Nai từ Thuyền Úc (Vũng Tàu) để đến thành Gia Định. Năm 1832, Tổng thống Hoa Kỳ là Andrew Jackson gởi cho vua Minh Mạng một lá thư đề nghị thiết lập bang giao giữa hai nước Đại Việt - Hoa Kỳ. Vua Minh Mạng cử Đào Trí Phú làm Khâm sai để tiếp đón phái bộ giao thương của Hoa Kỳ khi đến Việt Nam.

Năm 1847, Pháp đã can thiệp vào nội chính Đại Việt, một mặt dùng thư can gián, một mặt dùng vũ lực để uy hiếp nhân dân ta. Vua Thiệu Trị cử Tham tri Đào Trí Phú đem ba vệ binh Võ Lâm, Hồ Uy và Hùng Nhuệ vào cửa Hàn để tăng lực lượng hải quân đề phòng chiến sự. Ta chuẩn bị hệ thống phòng thủ và đối phó thủy chiến với Pháp. Ngày hôm sau, Pháp đã rút đi.

Giữa năm 1857, Pháp quyết đánh Đại Việt, vua cử Đào Trí Phú vào Quảng Nam nghiên cứu cách bố phòng chống Pháp. Đồn Trà Sòn bị bắn phá, Đào Trí Phú và Vũ Lâm tăng cường quyết thủ hai thành An Hải và Điện Hải.

Tháng 7-1858, Pháp chiếm Đà Nẵng rồi tiến lên phía bắc định tấn công bao vây hai thành An Hải và Tân Hải. Đào Trí Phú đã được cử làm Tổng đốc Nam Nghĩa mang quân ra Đà Nẵng theo đường sông Hàn và cửa Thị Nại để đánh Pháp. Sau thất bại này, quân Pháp đặt kế hoạch chuyển binh tấn công vào thành Gia Định.

Làm tôi trung qua hai đời vua Minh Mạng và Thiệu Trị nhưng đến đời Tự Đức, cụ Đào Trí Phú trở nên bất mãn với chính sách bạc nhược của Tự Đức không dám chủ trương chống Pháp, lại đàn áp nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân, tập trung tiền bạc, quân lính xây lăng Vạn Niên.

Trước tình thế trên, cụ Đào Trí Phú không muốn làm quan cho Nam triều, đã chủ trương bỏ trốn, để về quê làm thường dân. Nhưng kế hoạch của cụ đã không kết thúc trọn vẹn. Sau khi sắp đặt cho vợ con mang gia trang, phẩm vật đi trước, cụ Đào cải trang thành dân thường đi lần vào Quảng Nam, rồi xuôi thuyền buôn nước mắm về Nam.... Song triều đình đã nghi ngờ cụ Đào bội phản, theo dõi và cho quan quân rượt đuổi, tầm nã và hạ sát Đào Trí Phú tại Diên Khánh (Nha Trang).

Về cái chết của cụ Đào, sử sách không ghi chép rõ ràng nhưng ngoài lý do trên, có lẽ Đào Trí Phú bị Tự Đức triệt hạ do có liên quan đến nhóm ủng hộ cho hoàng tử Hồng Bảo (con trưởng của vua Thiệu Trị, anh vua Tự Đức sau này). Năm 1864, hoàng tử Hồng Tập tổ chức chính biến nhưng không thành. Năm 1866, Đoàn Trưng dấy binh với mục đích lập Đinh Đạo (con trưởng Hồng Bảo) lên soán ngôi. Sau cuộc khởi nghĩa thất bại này, vua Tự Đức đã tận diệt hậu duệ Hồng Bảo và những trung thần trong nhóm ủng hộ ông hoàng xấu số này.

Còn theo lời truyền khẩu của người cao tuổi tại Hiệp Phước thì cho là Đào Trí Phú bị bắt đem về Long Thành và bị hành hình "tùng xẻo" rồi chôn tại vùng đất thuộc đình Long An, huyện Long Thành. Gia tộc và những người trong làng thương tiếc, lấy hài cốt của ông đem về chôn tại khu mộ cha mẹ ông. Khu mộ được cho là song thân của Đào Trí Phú hiện tồn trên đất Hiệp Phước. Trên khu mộ này có 2 tấm bia đá ghi hai bài minh với nội dung tán tụng song thân Đào Trí Phú. Cũng có giả thuyết cho rằng, có thể khu mộ này ban đầu chôn Đào Trí Phú, nhưng nói là mộ của song thân của ông nhằm che giấu triều đình và chính quyền lúc bấy giờ (vì ông bị xem là phạm trọng tội với triều đình). Bởi vì trước khi Đào Trí Phú bị giết chưa có hai tấm bia này mà chúng chỉ được dựng lên sau này. Hai tấm bia này có thể lấy bài minh của Đào Trí Phú viết lúc còn sống, lưu lại sau này được đem khắc đá, hoặc một người nào đó biết chữ Nho đã mượn danh ông viết và dựng lên.

Cuối cuộc đời không kém phần bi hùng trong chuỗi dài sự kiện lịch sử chưa được sáng tỏ, nhưng với những gì mà danh sĩ Đào Trí Phú cống hiến cho nước nhà nói chung và cho vùng đất Biên Hòa xưa nói riêng, đã làm rạng danh non sông đất Việt.

Để ghi nhớ công ơn lớn lao của danh sĩ Đào Trí Phú, nhân dân và lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đã lấy tên ông đặt cho con đường kéo dài 350m ở phường Xuân Trung, thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai với lộ giới là 4:9:4.

Đường Đào Trí Phú giao với các đường như Huỳnh Văn Nghệ, Lê Quang Định, Đường N4, Trần Thượng Xuyên,…

Đường được sửa chữa và trải nhựa vào năm 2005, giúp giao thông trong vùng thuận lợi, thông thương, nâng cao đời sống cho người dân ở phường Xuân Trung nói riêng và tỉnh Đồng Nai nói chung.

 

Đào Thanh tổng hợp

Tài liệu tham khảo:

1. Đào Trí Phú // Biên Hòa – Đồng Nai 300 năm hình thành và phát triển.- Đồng Nai : Nxb. Đồng Nai, 1998. – tr. 416 – 418.

2. Danh sĩ Đào Trí Phú // Báo điện tử Bình Phước - http://baobinhphuoc.com.vn

3. Đào Trí Phú - Người tài đất Hiệp Phước // Báo điện tử Đồng Nai - http://www.baodongnai.com.vn

 

 

 

 

 

Comments

Không có nhận xét nào cho bài đăng này.