Bỏ qua nội dung chính

Điện Biên Phủ Ngày Ấy Bây Giờ

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Danh mục
Không có khoản mục nào trong danh sách này.
Blogs khác
Không có khoản mục nào trong danh sách này.
Liên kết
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Điện Biên Phủ Ngày Ấy Bây Giờ > Bài đăng > Một đỉnh cao của văn hóa quân sự Việt Nam hiện đại
Một đỉnh cao của văn hóa quân sự Việt Nam hiện đại

 

 

Điều này thể hiện rõ ràng nếu đem đối chiếu vào hệ thống cấu trúc của văn hóa dân tộc nói chung và văn hóa quân sự nói riêng, bao gồm văn hóa nhận thức, văn hóa ứng xử và văn hóa tổ chức đời sống cộng đồng. Trong đó, văn hoá nhận thức giữ vai trò chủ đạo.
Trước hết là văn hoá nhận thức. Xuất phát từ phương pháp tư tưởng "biết người, biết mình" (tri bỉ, tri kỉ) trong chiến tranh nói chung, văn hoá quân sự Việt Nam đã nhận thức và khoét sâu mối mâu thuẫn cơ bản giữa tập trung và phân tán binh lực địch trong thời gian cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp nói riêng, buộc chúng phải bị động đổ quân xuống Điện Biên Phủ để đối phó. Với tư tưởng không ngừng tiến công, đặc điểm lớn nhất của chiến lược cách mạng, ta lập tức nắm lấy thời cơ, hạ quyết tâm tiêu diệt địch ngay tại chỗ và biến chiến trường này thành một trận quyết chiến chiến lược lớn nhất của Quân đội nhân dân Việt Nam, đưa cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc lần thứ nhất đến thắng lợi cuối cùng. Đó là phần việc của chiến lược. Còn làm thế nào để toàn thắng là vấn đề đặt ra cho nghệ thuật chiến dịch và phương pháp chiến thuật. Như là một "di truyền văn hóa” của nghệ thuật chuyển thế trận, được kế thừa trong văn hóa quân sự Việt Nam, nghệ thuật chiến dịch Điện Biên Phủ đã rất khôn ngoan và đầy quyền biến, chuyển thế trận, giành thắng lợi dưới phương châm tiến công từng bước, từng phần, chậm và chắc, bằng cách "bóc vỏ", "cuốn chiếu" từ ngoài vào sâu trong lòng địch.
Chủ trương chiến lược cách mạng đã thấm sâu xuống tận khẩu súng cầm tay và lưỡi xẻng của người lính bộ binh. Ai cũng biết chiến hào là "vật tĩnh", là phương châm phòng hộ trong chiến tranh, chiến binh đào chiến hào xong xuôi rồi mới vào trận, mà đào chiến hào để phòng ngừa là chính. Ở Điện Biên Phủ lại không như thế. Bộ đội ta đã rất sáng tạo, biến chiến hào thành "vật động", thành vũ khí tiến công. Dĩ nhiên, trước khi vào trận, bộ đội ta cũng đào công sự chiến đấu nhưng những công sự đó đã biến thành chiến hào và cứ dài dần theo bước tiến quân. Bộ đội đánh tới đâu, chiến hào theo tới đó. Địch phát hiện, ra phản kích, tìm cách lấp kín chiến hào, bộ đội ta đánh trả. Địch rút, ta lại dùng lưỡi xẻng đào chiến hào tiến công tiếp. Cách làm như thế, hệ thống chiến hào ở chiến trường Điện Biên Phủ trở thành những con dũi khổng lồ, cứ đi tới, bao vây, thít chặt lấy cổ họng quân địch cho tới khi chúng phải hạ vũ khí đầu hàng.
Nhưng chiến thắng Điện Biên Phủ đâu chỉ có đòn bạo lực, tuy hết sức cần thiết, mà còn có cả đòn tinh thần là văn hóa ứng xử, một thứ vũ khí lâu đời của văn hóa quân sự Việt Nam, đã hình thành từ 500 năm trước. Theo truyền thống văn hóa dân tộc, trong ứng xử, người Việt thiên về thái độ dung hợp trong tiếp nhận, mềm dẻo, hòa hiếu trong đối phó. Chính vì thế, trong các cuộc chiến tranh yêu nước, bao giờ nhân dân ta cũng giữ thái độ khoan dung, tha thứ, xem đó là một biện pháp hữu hiệu, đã từng nhiều lần làm tan rã ý chí xâm lược của giặc thù. Chiến thắng Điện Biên Phủ cũng không đi ra ngoài con đường đó. Thật vậy, sau khi tiêu diệt gọn trung tâm đề kháng Him Lam vào đêm 13/3/1954, ngay sáng hôm sau, Bộ Tư Lệnh chiến dịch đã cho phép đối phương ra lấy thương binh. Trong cuốn hồi ký “Khép lại quá khứ đau thương” tác giả Kỳ Thu, nguyên là trại trưởng trại tù binh sĩ quan Pháp số 1, đã viết: "Chính sách khoan hồng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và lòng nhân đạo của Quân đội nhân dân Việt Nam đã biểu hiện sáng ngời ngay tại trận địa Điện Biên Phủ sau khi quân ta làm chủ chiến trường. Chúng ta đã cứu sống gần 1.000 thương binh nặng của địch sống ngoi ngóp trong các hầm hào bùn lầy nước đọng, hôi thối, sức khỏe của chúng hoàn toàn suy sụp".
Trước thái độ nhân đạo của những người chiến thắng đối với tù binh và thương binh nặng của đối phương ở Điện Biên Phủ, một nhà triết học phương Tây, hiểu biết rất kỹ về các cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc ta, trong một hội nghị quốc tế về Việt Nam, đã đánh giá rất cao về hành động văn hóa ứng xử này: "Ngày mai cũng như ngày hôm qua, đại nghĩa của Việt Nam là đại nghĩa của loài người".
Chiến thắng Điện Biên Phủ lại còn chịu sự chi phối của văn hóa tổ chức đời sống cộng đồng, cụ thể là đời sống chiến đấu của bộ đội. Xưa nay, trong tổ chức đời sống cộng đồng, con người nông nghiệp lúa nước Việt Nam ưa thích nguyên tắc trọng tình, nghĩa, sống hòa thuận, lấy tình nghĩa làm đầu. Từ nguyên tắc sống như vậy đã dẫn tới cách thức tổ chức đời sống theo lối linh hoạt. Cách thức đó đã được vận dụng thường xuyên trong văn hóa quân sự Việt Nam qua phương pháp tư duy, phương pháp hành động, phương pháp sinh hoạt. Nghệ thuật quân sự Điện Biên Phủ là một hành động như thế. Chẳng hạn như chủ trương chiến lược lúc đầu của ta là buộc địch phải phân tán lực lượng cơ động chiến lược. Lúng túng, bị động, địch phải ném quân xuống Điện Biên Phủ mặc dù điều đó không nằm trong kế hoạch của chúng. Tương kế, tựu kế, ta lập tức nắm lấy thời cơ, hạ quyết tâm tiêu diệt địch ở chiến trường này. Cách thức linh hoạt cũng được thể hiện rõ ở nghệ thuật chiến dịch và ở phương pháp chiến thuật như đã trình bày.
Văn hóa tổ chức đời sống chiến đấu - chẳng hạn như công tác hậu cần - đã tạo nhiều điều kiện linh hoạt, thuận lợi cho chiến thắng Điện Biên Phủ. Trên thực tế, đọ sức với kẻ thù ở chiến trường này, tức là ta phải chấp nhận những trở lực vô cùng to lớn trong công tác bảo đảm vật chất kỹ thuật cho đạo quân gồm 43 ngàn người đang triển khai tác chiến hiệp đồng ở địa bàn xa các căn cứ gần ngàn ki-lô-mét. Tình hình trên đòi hỏi việc tổ chức cung cấp phải trải rộng ra trên một không gian gồm 10 tỉnh. Yếu tố then chốt nhất trong công tác bảo đảm hậu cần là khâu vận tải. Vướng mắc nổi cộm lên lúc này là mạng lưới giao thông quá eo hẹp. Đường đi của xe cơ giới từ hậu phương ra tiền tuyến chỉ vẻn vẹn có đường 13 và đường 41 đã nhỏ hẹp lại nhiều đèo dốc. Máy bay địch luôn luôn oanh tạc dữ dội vào những đoạn hiểm yếu như Đèo Khế, Pha Đin, Cò Nòi... nhằm ngăn chặn việc tiếp tế của ta.
Để khắc phục những khó khăn về đường sá, các tỉnh đã huy động 20 vạn dân công, thanh niên xung phong đi phục vụ chiến dịch. Riêng đối với việc chống phá bom đạn địch phá hoại, cải tạo đường, mở thêm đường đã thu hút 89.895 người (bằng 3.254.120 ngày công). Nhưng với tinh thần dũng cảm tuyệt vời, tất cả cho tiền tuyến, các đội quân vận tải đã chuyển lên mặt trận 25.056 tấn gạo, 965 tấn thịt, 859 tấn thực phẩm khô và 1.450 tấn vũ khí đạn dược. Như vậy, tổng khối lượng phải chuyển lên chiến hào tới 30.495 tấn. Làm được khối lượng công việc đồ sộ đó, 64.451 thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến, 628 ô tô vận tải, 140 ca-nô, xuồng máy, 20.991 thuyền, 500 ngựa và 21.000 xe đạp thồ đã được huy động. Tất cả các lực lượng vận tải đều đã vượt qua mọi gian nguy, nỗ lực phục vụ, đảm bảo tốt 3 yêu cầu nghiêm ngặt "đủ, đúng và liên tục". Dù máy bay địch có điên cuồng bắn phá ác liệt, ngăn chặn đến đâu, nguồn tiếp tế cũng không để thiếu và đứt đoạn.
Sau thất bại Điện Biên Phủ, nhận xét về công tác đảm bảo hậu cần, H. Nava đã chua xót than vãn: "Quân viễn chinh Pháp không những phải chống chọi với đội quân chính quy mà còn đương đầu với cả một dân tộc... Họ đã thu được tài nguyên ngay trong vùng của ta để tiêu diệt binh sĩ ta...".
Như vậy, qua những phần vừa trình bày, chúng ta đã thấy được chiến thắng Điện Biên Phủ là một đỉnh cao của văn hóa quân sự đồng thời là một biểu tượng ngời sáng của sức mạnh văn hóa Việt Nam, có tầm vóc thời đại, mang theo một giá trị lớn - mà giá trị càng lớn thì tính nhân văn càng cao - vì nó là kết quả của một nghệ thuật quân sự sáng tạo, độc đáo, hình thành trên cơ sở nền văn hóa quân sự Việt Nam hiện đại, lấy tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh làm cội nguồn trực tiếp. Và rồi từ đó, chiến thắng Điện Biên Phủ đã trở thành vật chuẩn mực để đánh giá những sự kiện chiến tranh quan trọng ngày nay. Loại thí dụ này không ít nhưng thiết nghĩ còn có cụm từ nào hay hơn "Điện Biên Phủ trên không". Đó là một sự so sánh của giới báo chí về sự thất bại của không lực Hoa Kỳ trên bầu trời Hà Nội vào tháng 12/1972. Nó vừa dí dỏm vừa ngắn gọn nhưng quá ư đầy đủ, có thể sánh vai cùng từ dienbienfouer - đồng nghĩa với “Giáng đòn quyết định”- đã ra đời từ 18 năm trước đó./.
 

Comments

Không có nhận xét nào cho bài đăng này.