Bỏ qua nội dung chính

Điện Biên Phủ Ngày Ấy Bây Giờ

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Danh mục
Không có khoản mục nào trong danh sách này.
Blogs khác
Không có khoản mục nào trong danh sách này.
Liên kết
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Điện Biên Phủ Ngày Ấy Bây Giờ > Bài đăng > Tài thao lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chiến thắng Điện Biên Phủ
Tài thao lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chiến thắng Điện Biên Phủ

 

 

1- Rất sớm thấy vị trí chiến lược của vùng Tây Bắc và Điện Biên Phủ. Đi tới quyết định đúng hướng tiến công chiến lược.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từ rất sớm đã thấy rõ vị trí tầm quan trọng của hướng chiến dịch Tây Đông Dương trải dài từ Tây Bắc Việt Nam qua Thượng Lào và Trung Hạ Lào. Năm 1947, Người chỉ thị cho các đội vũ trang tuyên truyền phải kiên trì chiến đấu và gây cơ sở trong đồng bào các dân tộc Tây Bắc, phải “đem được lá cờ đỏ sao vàng cắm lên đất Điện Biên Phủ”1. Theo tư tưởng của Người, trong thư gửi các chiến sĩ bộ đội Tây Bắc, ngày 1-2-1947, Bộ Tổng chỉ huy quân đội ta khẳng định rõ:
“Bảo vệ được lãnh thổ và nhân dân miền Tây  tức là gián tiếp bảo vệ được đại hậu phương của chúng ta, góp một phần quan trọng vào thắng lợi cuối cùng… Nếu trong cuộc kháng Nhật, chúng ta thành công với Khu giải phóng Việt Bắc, thì trong cuộc kháng Pháp, chúng ta phải thành công với công cuộc Tây tiến”.
 
Cuối tháng 9 năm 1953, tại Bản Tỉn Keo, thôn Lục Giã, Huyện Định Hóa, Tỉnh Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa cuộc họp của Bộ Chính trị bàn kế hoạch tác chiến Đông- Xuân, xác định phương hướng chiến lược và chủ tương tác chiến là sử dụng một bộ phận chủ lực mở những cuộc tiến công vào những hướng địch sơ hở, đồng thời tranh thủ cơ hội tiêu diệt địch ở những hướng địch có thể đánh sâu vào vùng tự do của ta. Về hướng hoạt động, lấy Tây Bắc làm hướng chính. Quyết định đó đã điểm đúng huyệt hiểm yếu nhất của đối phương, khiến chúng sau này phải bị động tung quân lên Điện Biên Phủ, lập thành một tập đoàn cứ điểm mạnh.
Trong cuộc họp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định rõ: “Địch tập trung quân cơ động để tạo nên sức mạnh. Không sợ! Ta buộc chúng phải phân tán binh lực thì sức mạnh đó không còn”.
“Phương hướng chiến lược không thay đổi”. Về hướng hoạt động, lấy Tây Bắc làm hướng chính, các hướng khác là hướng phối hợp. Hướng chính hiện nay không thay đổi, nhưng trong hành động có thay đổi. Phép dùng binh là thiên biến vạn hóa”.
Sau Hội nghị này, quân đội ta tích cực triển khai kế hoạch tác chiến đó. Bộ đội chủ lực ta tiến quân lên Tây Bắc và sang Trung Lào, phối hợp chiến đấu với bạn.
Ngày 21-11-1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào, bộ đội và cán bộ Tây Bắc. Người đề ra nhiệm vụ cho quân dân Tây bắc là: Đồng bào phải đoàn kết chặt chẽ, giúp đỡ lẫn nhau tăng gia kháng chiến; bộ đội phải thi đua học tập, giúp đỡ đồng bào, sẵn sàng xung phong giết giặc; cán bộ phải hết lòng hết sức chăm lo đến đời sống của nhân dân, phải đi đúng đường lối quần chúng, làm đúng chính sách của Đảng và Chính phủ, thực hiện cần kiệm liêm chính. Người khẳng định rõ: “Kháng chiến của ta nhất định thắng lợi, nhưng phải trường kỳ gian khổ, tự lực cánh sinh. Đồng bào, bộ đội và cán bộ ta ở Tây Bắc phải hăng hái tham gia công cuộc kháng chiến để đồng bào, bộ đội và cán bộ toàn quốc  đánh đuổi giặc Tây, giặc Mỹ, và tranh lại độc lập cho Tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân”.
Quyết định đúng hướng tiến công chiến lược là Tây Bắc đã mở đường đi tới thắng lợi của trận quyết chiến lược Điện Biên Phủ.
2- Chấp nhận cuộc đọ sức quyết chiến lược đã dự tính từ lâu với tinh thần quyết chiến quyết thắng.
Trước Chiến dịch Điện Biên Phủ 5 năm, từ tháng 6 năm 1949, trong tác phẩm Giấc ngủ mười năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự báo đúng cảnh tượng cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, sau một trận quyết chiến lược có quy mô rất lớn và rất ác liệt. Mặc dầu thực dân Pháp được một nước khác giúp đỡ, nhưng hơn một vạn quân địch đã bị tiêu diệt. Số quân đó tương đương với một vạn sáu quân Pháp bị loại khỏi vòng chiến đấu ở Điện Biên Phủ.
Cuối năm 1953, phát hiện thấy ta đưa bộ đội chủ lực lên Tây Bắc. Nava quyết định điều lực lượng cơ động sang Trung Lào, đồng thời tăng lực lượng phòng giữ Điện Biên Phủ, biến Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương. Ngày 3-12-1953, Nava quyết định chấp nhận  giao chiến tại Điện Biên Phủ, hòng kết thúc chiến tranh theo hướng có lợi cho chúng. Tháng 2-1954, Bộ trưởng quốc phòng Pháp Plêven sang Đông Dương tuyên bố: Tôi sang để giúp Nava chuẩn bị kế hoạch tấn công. Khi trở về Pháp, Ông ta huyên hoang: Tướng Nava đoán chắc rằng Chiến dịch Điện Biên Phủ sẽ không đưa lại kết quả gì cho Việt Minh.
Thực tế diễn ra không như quân đội Pháp mong đợi. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã chủ động mở ra trận đánh quyết chiến lược nhằm kết thúc thắng lợi cuộc chiến tranh này. Từ tháng 9 năm 1953, chủ trương chọn hướng tiến công chiến lược lên Tây Bắc, nơi địch yếu và sơ hở để đánh, đến tháng 12 năm 1953, Người và Đảng ta quyết định nhằm vào chỗ địch mạnh nhất ở Tây bắc là Điện Biên Phủ, để đánh một trận lớn cuối cùng theo quy luật của các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm thắng lợi trên đất nước ta.
Ngày 6-12-1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh họp Bộ Chính trị thông qua kế hoạch tác chiến của Bộ Tổng tư lệnh và quyết mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Người chỉ thị cho Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp:
“ Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy, toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”.
Tư tưởng chỉ đạo có ý nghĩa quyết định thắng lợi của Điện Biên Phủ là tư tưởng Hồ Chí Minh “Quyết chiến, quyết thắng”. Người trao cho Quân đội ta lá cờ “Thi đua Quyết chiến, quyết thắng” với niềm tin lớn, quyết tâm lớn nhất định phải giành thắng lợi trong trận đọ sức chiến lược lớn nhất giữa ta với thực dân Pháp và can thiệp Mỹ.
Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là nơi tập trung binh lực lớn nhất, với mật độ cao nhất, với những đơn vị tinh nhuệ nhất, cùng những cố gắng chiến tranh cao nhất của Pháp và viện trợ lớn nhất của Mỹ. Lực lượng địch ở Điện Biên Phủ, lúc cao nhất lên tới 16.200 tên, chiếm 1/3 lực lượng cơ động của Nava ở Đồng bằng Bắc Bộ.
Còn về phía ta, Bộ Tổng tư lệnh đã điều lên đây 4 đại đoàn bộ binh, (thiếu 1 trung đoàn), 1 đại đoàn công pháo với tổng số hơn 5 vạn người; 3 vạn dân công, thanh niên xung phong và bộ đội hậu cần. Đây là chiến dịch ta huy động lực lượng tham chiến lớn nhất, với tinh thần quyết chiến, quyết thắng cao nhất.
Trước ngày nổ súng tấn công trong chiến dịch Điện Biên Phủ ngày 13-3-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư động viên cán bộ, chiến sĩ ở mặt trận Điện Biên Phủ.
”Các chú sắp ra mặt trận. Nhiệm vụ các chú lần này rất to lớn, khó khăn, nhưng rất vinh quang.
Các chú vừa được chỉnh quân chính trị và chỉnh huấn quân sự và đã thu được nhiều thắng lợi về tư tưởng và chiến thuật, kỹ thuật. Nhiều đơn vị đã đánh thắng trên các mặt trận, Bác tin chắc rằng các chú sẽ phát huy thắng lợi vừa qua, quyết tâm vượt mọi khó khăn gian khổ để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang sắp tới.
Bác chờ các chú báo cáo thành tích để thưởng những đơn vị và cá nhân xuất sắc nhất.
Chúc các chú thắng to.
 Bác hôn các chú”.
3- Không chỉ xác định đúng phương châm chiến lược cuộc kháng chiến mà còn xác định đúng phương châm chỉ đạo chiến dịch Điện Biên Phủ.
Ngày 25-1-1953, tại Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa II, Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày Bản báo cáo về tình hình trước mắt và nhiệm vụ của Đảng, Chính phủ, quân đội ta. Trong đó, Người nêu ta phương châm chỉ đạo kháng chiến và chính sách quân sự của ta là:
“ Tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu để phân tán lực lượng địch và tiêu diệt sinh lực địch, mở rộng vùng tự do”, tạo điều kiện giải phóng hoàn toàn Bắc Bộ. Tư tưởng của Người được khẳng định thành Nghị quyết của BCHTƯ Đảng. Theo phương châm chỉ đạo đó, quân ta tung ra các đòn tiến công và phản công trên các hướng Tây Bắc, Tây Nguyên- Duyên Hải Trung Bộ, Thượng Lào, Trung và Hạ Lào trong Đông Xuân 1953-1954. Ta buộc địch phải phân tán lực lượng cơ động trên khắp các chiến trường, trong khi đó ta lại tập trung chủ lực về hướng Tây Bắc.
Tại Hội nghị này, về chỉ đạo quân sự Người nêu ra quan điểm:” Đánh chắc, ăn chắc, mở rộng vùng tự do”. Các cấp ủy, chỉ huy cần quán triệt quan điểm: Chắc thắng thì kiên quyết đánh cho kỳ thắng. Không chắc thắng thì kiên quyết không đánh. Nếu chủ quan, mạo hiểm mà một lần thua nặng, thì sẽ tai hại lớn.
Ngày 1-1-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh họp Bộ Chính trị, chỉ định cơ quan lãnh đạo, chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ. Khi trao nhiệm vụ cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Người nói:” Trao chú toàn quyền quyết định. Trận này quan trọng, phải đánh cho chắc thắng! Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng thì không đánh”
Chính phương châm chỉ đạo này đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp quan triệt trong chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ. Ký ức sâu sắc nhất của Ông trong chiến dịch này là khi phải quyết định đổi phương châm chiến dịch đánh nhanh thắng nhanh, giải quyết nhanh đề ra lúc đầu, khi tình hình địch thay đổi. Nếu cứ theo phương châm đánh nhanh, giải quyết nhanh, mà lực lượng đã tăng cường, hệ thống phòng ngự của chúng đã được củng cố, thì có thể thất bại to. Kim chỉ nam cho hành động của Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp lúc đó chính là lời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Trận này quan trọng, phải đánh cho chắc thắng! Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng thì không đánh”. Ông đã quyết định ra lệnh rút mấy vạn quân ra khỏi trận địa, ra lệnh kéo pháo ra, chuẩn bị trên một tháng, đào công sự cho bộ binh, xây dựng trận địa phảo binh, chuyển sang phương châm “đánh chắc, tiến chắc”. Cả Đảng ủy và Bộ chỉ huy mặt trận cũng đều nhất trí quyết định đó. Đây được coi là quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Quyết định khó khăn đó cũng được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng Bí thư Trường Chinh nhất trí duyệt y, dẫn tới thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ. Một thắng lợi mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tin tưởng khẳng định mạnh mẽ với giới quan sát nước ngoài ngay từ đầu chiến dịch này. Tháng 3-1954, nhà báo Ôxtrâylia Bớcsét hỏi Chủ tich Hồ Chí Minh về tình hình Điện Biên Phủ. Người liền ngửa chiếc mũ lên bàn, chỉ vào đáy mũ nói: “ Đây là Điện Biên Phủ, thung lũng có núi bọc xung quanh”. Sau đó, Người vòng tay theo vành mũ, nói tiếp: “Quân viễn chinh Pháp ở dưới thung lũng này, chúng tôi từ trên núi ở chung quanh bao vây chúng. Chúng nhất định không thể thoát được”. Thực tiễn đã diễn ra đúng như thế.
Đồng chí Phạm Văn Đồng kể rằng: Tháng 4-1954, cuộc chiến đấu ở Điện Biên Phủ đang ác liệt. Ông đến chào Chủ tịch Hồ Chí Minh trước khi đi Giơ ne vơ. Người nói rằng sẽ có món quà tặng Đoàn đại biểu của ta. Món quà vô giá đó chính là tin vui Chiến thắng Điện Biên Phủ bay đến đúng ngay chiều hôm trước ngày Hội nghị Giơ ne vơ khai mạc. Đúng như Hồ Chí Minh đã nói một cách hình ảnh: “Thực lực là cái chiêng, ngoại giao như tiếng chiêng; chiêng có to, tiếng mới lớn”. Thắng lợi của đấu tranh quân sự, chính trị trong nước là cơ sở, thực lực làm cho đấu tranh ngoại giao thắng lợi, dẫn tới Hiệp định đình chiến ở Đông Dương được ký kết.
4- Tài dùng tướng giỏi
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định rằng người lãnh đạo có tài lãnh đạo sẽ làm cho người “ Tài nhỏ có thể hóa ra tài to. Lãnh đạo không khéo, tài to cũng hóa ra tài nhỏ”. Muốn vậy, phải khiến cho cán bộ có gan phụ trách, có gan làm việc. Khi giao công tác cho cán bộ cần phải chỉ đạo rõ ràng, sắp đặt đầy đủ. Vạch rõ những điểm chính, và những khó khăn có thể xảy ra. Những vấn đề đã quyết định rồi, thả cho họ làm, khuyên gắng họ cứ cả gan mà làm. Trong chiến tranh, khi chiến lược chiến thuật và nhiệm vụ đã quyết định rồi, vị Tổng tư lệnh không cần nhúng vào những vấn đề lặt vặt. Phải để cấp chỉ huy có quyền “tùy cơ ứng biến”, mới có thể phát triển tài năng của họ. Chính Người đã thực hiện tư tưởng đó với vị đại tướng đầu tiên của Quân đội ta. Tháng 2 năm 1944, khi quyết định thành lập Đội quân Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, Hồ Chí Minh nói: “Việc quân sự thì giao cho chú Văn”, tức đồng chí Võ Nguyên Giáp.
Ngày 20-1-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 110 phong đồng chí Võ Nguyên Giáp làm Đại tướng. Ngày 28-5-1948, trong Lễ thụ phong chức đại tướng, Chủ tịch Hồ Chí Minh tay cầm sắc lệnh mời đồng chí Võ Nguyên Giáp đến trước bàn thờ Tổ Quốc, Người tuyên bố:
“Nhân danh Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trao chú chức vụ Đại tướng, để chú điều khiển binh sĩ làm tròn sứ mạng mà quốc dân phó thác cho”.
Ngày 1-1-1954, thay mặt Bộ Chính trị, Người trao nhiệm vụ cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Trưởng ban chỉ huy và Bí thư Đảng ủy chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng thời là Tổng chỉ huy tất cả chiến trường, trừ chiến trường đồng bằng. Tiễn Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên đường chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, Người nói:
Tổng tư lệnh ra mặt trận “tướng quân tại ngoài”. Trao cho chú toàn quyền quyết định. Trận này quan trọng, phải đánh cho chắc thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”.
Khi trao nhiệm vụ như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nắm được đầy đủ 5 điều kiện cho thắng lợi của một cuộc chiến này. Theo binh pháp Tôn Tử, mà chính Người đã từng biên dịch, phân tích, giảng cho tướng sĩ quân đội ta. Đó là:
1- Tướng biết có thể đánh và không đánh
2- Tướng biết cách dùng chủ lực và các bộ phận của bộ đội.
3- Trên dưới một lòng.
4- Ta luôn chuẩn bị để chờ dịp địch không chuẩn bị.
5-Tướng giỏi mà Chính phủ cho tướng đủ quyền.
Người đã thay mặt Đảng, Chính phủ ta tin tưởng, trao đủ quyền lực cho một vị tướng giỏi đáng tin cậy. Đó chính là việc làm đúng một nguyên tắc quân sự mà Người hằng trăn trở, căn dặn tướng sĩ quân đội ta: “Trong  quân đội, nhiệm vụ của người tướng là phải: Trí, dũng, nhân, tín, liêm, trung”, có như vậy, kháng chiến mới có thể thắng lợi.
5- Tư tưởng chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện tạo nên sức mạnh tổng hợp chiến thắng trận quyết chiến lược Điện Biên Phủ.
Chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 với chiến dịch Điện Biên Phủ đã thể hiện đầy đủ tư tưởng chiến tranh nhân dân Hồ Chí Minh. Nó rất khác với các hoạt động chiến tranh thông thường chỉ sử dụng quân đội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã phát huy đến mức cao nhất sức mạnh của 3 thứ quân và của toàn dân trên quy mô toàn quốc và trên toàn Đông Dương. Kết hợp khéo léo các chiến dịch tiến công và một số chiến dịch phản công của bộ đội chủ lực với các chiến dịch chống càn quét và hoạt động chiến tranh du kích. Kết hợp đánh địch đều khắp trên các chiến tường với đánh đòn quyết định chiến lược ở Điện Biên Phủ. Kết hợp tiền tuyến với hậu phương. Cả nước dốc sức cho Điện Biên Phủ theo khẩu hiệu: “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”. Mọi hoạt động của lực lượng vũ trang nhân dân và nhân dân ta diễn ra theo một kế hoạch tác chiến thống nhất, sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta. Là lãnh tụ của Đảng và của dân tộc, đồng thời là người chỉ huy tối cao của Chiến dịch Điện Biên Phủ, trong suốt thời gian chiến dịch, Người đã chủ tọa và tham dự  nhiều cuộc họp của Bộ Chính trị, Hội đồng Chính phủ để nhận định, đánh giá tình hình diễn ra trên mặt trận, chỉ đạo sát sao không chỉ trên chiến trường Điện Biên Phủ mà cả trên các chiến trường phối hợp trong cả nước, nhằm giành chiến thắng ở Điện Biên Phủ.
Kể từ khi bắt đầu chiến dịch cho đến khi kết thúc chiến dịch, Người đóng “đại bản doanh” tại Hồng Thái, Sơn Dương, Tuyên Quang. Khi chiến dịch sắp kết thúc, Người chuyển về làng Hà, thuộc Sơn Dương, Tuyên Quang. Khi thắng lợi hoàn toàn, Người chuyển ra ở Văn Lang, Đại Từ, Thái Nguyên. Bất kỳ ở đâu, Người cũng nắm rất vững tình hình trong nước và thế giới liên quan đến mặt trận. Người gửi nhiều thư, điện cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ta, động viên cả nước dốc sức cho chiến thắng Điện Biên Phủ. Đồng thời, Người còn viết nhiều bài báo, bài thơ, phóng sự về tình hình chiến dịch Điện Biên Phủ cho đến khi quân ta chiến thắng.
Sau 56 ngày đêm chiến đấu gian khổ và anh dũng, ngày 7-5-1954, quân dân ta đã toàn thắng tại Điện Biên Phủ. Ngay ngày hôm sau, Người đã gửi điện cho Bộ Chỉ huy, nhiệt liệt khen ngợi, quyết định khen và khao thưởng cán bộ, chiến sĩ, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào đã chiến thắng vẻ vang ở Điện Biên phủ.
Đáng chú ý là, ngay trong không khí phấn khởi tột độ của trận quyết chiến lược thắng lợi. Người đã lưu ý toàn Đảng, toàn dân ta một điều: “Thắng không kiêu”. Không say sưa vì thắng lợi. Cần thấy rõ những bước đường cách mạng phía trước hãy còn nhiều gian nan thử thách. Người khẳng định rõ: “Thắng lợi tuy lớn nhưng mới chỉ là  bắt đầu. Chúng ta không nên vì thắng lợi mà kiêu, không nên chủ quan khinh địch. Chúng ta kiên quyết kháng chiến để tranh lại độc lập, thống nhất, dân chủ, hoà bình. Bất kỳ đấu tranh về quân sự hay ngoại giao cũng đều phải đấu tranh trường kỳ gian khổ mới đi đến thắng lợi hoàn toàn”. \Dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta, Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, ghi một “cái mốc chói lọi bằng vàng” trong lịch sử nước ta. Nó báo hiệu sự sụp đổ của hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vị toàn thế giới.
Chiến thắng Điện Biên Phủ làm sáng ngời chân lý của chủ nghĩa Mác-Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, chiến tranh xâm lược của bọn đế quốc nhất định thất bại, cách mạng giải phóng của các dân tộc nhất định thành công.
Tài thao lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chiến thắng Điện Biên Phủ / Nguyễn Thế Thắng // http://tutuonghochiminh.vn. – 2013. – Ngày 5 tháng 7.
 

Comments

Không có nhận xét nào cho bài đăng này.