Bỏ qua nội dung chính

Điện Biên Phủ Ngày Ấy Bây Giờ

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Danh mục
Không có khoản mục nào trong danh sách này.
Blogs khác
Không có khoản mục nào trong danh sách này.
Liên kết
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Điện Biên Phủ Ngày Ấy Bây Giờ > Bài đăng > Chiến thắng Điện Biên Phủ: Đỉnh cao của chiến công giữ nước
Chiến thắng Điện Biên Phủ: Đỉnh cao của chiến công giữ nước

 

 

Sự thật là vậy, thắng lợi to lớn của chiến dịch Điện Biên Phủ và cả cuộc kháng chiến chống Pháp và sau này là thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước khẳng định sự ra đời, phát triển, tính khoa học, tính cách mạng của phương thức tiến hành chiến tranh nhân dân. Và thực tế cho thấy, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo quân và dân ta vận dụng những hình thức và thủ pháp đấu tranh cách mạng của quần chúng phù hợp với quy luật của chiến tranh cách mạng, mà chiến thắng Điện Biên Phủ đã kiểm nghiệm và soi rọi tính chất đúng đắn và khoa học của lý luận này.
Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ khẳng định tính đúng đắn trong việc động viên, tổ chức lực lượng toàn dân đánh giặc, có lực lượng vũ trang làm nòng cốt do Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng và lãnh đạo.
Bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp, phát huy thắng lợi tư tưởng "Động viên toàn dân, vũ trang toàn dân" trong cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng 8-1945, Đảng ta tập trung vào nhiệm vụ xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân (Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) theo Tư tưởng Hồ Chí Minh "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công". Mặt trận đã thu hút được mọi người Việt Nam vào cuộc kháng chiến, tranh thủ được mọi lực lượng có thể tranh thủ được bằng các hình thức rộng rãi, phù hợp, nhờ đó tập hợp được lực lượng, phân hoá kẻ thù đến cao độ. Đồng thời, đảng ta lãnh đạo tổ chức, xây dựng lực lượng chính trị rộng lớn với các hình thức tổ chức đa dạng, phong phú. Lực lượng chính trị của quần chúng do các tổ chức đảng lãnh đạo trở thành lực lượng chiến đấu trực tiếp chống quân xâm lược trên chiến trường.
Chín năm kháng chiến chống Pháp là thời gian đảng ta tập trung chỉ đạo xây dựng và phát triển quân đội nhân dân, đội quân do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp xây dựng, lãnh đạo và giáo dục, vừa mang bản chất giai cấp công nhân vừa mang tính dân tộc, tính nhân dân sâu sắc - là công cụ vũ trang chủ yếu của Nhà nước. Quân đội ta vì thế có ba chức năng cơ bản: Đội quân chiến đấu; đội quân công tác; đội quân sản xuất.
Trong đó chức năng chiến đấu là chức năng cơ bản nhất. Cuộc kháng chiến chống Pháp, mà đặc biệt là thắng lợi to lớn của chiến dịch Điện Biên Phủ, đánh dấu sự phát triển và trưởng thành của quân đội ta từ du kích lên chính quy, từng bước hiện đại. Sự nỗ lực của toàn đảng, toàn dân, toàn quân ta đã thể hiện trên toàn quốc, cả vùng địch hậu và vùng tự do, trên cả mặt trận chiến đấu và phục vụ chiến đấu, tiếp tế hậu cần. Hậu phương với khí thế mới trong phong trào cải cách ruộng đất, sôi nổi dốc sức cho tiền tuyến đánh thắng trận quyết chiến chiến lược. Chiến dịch Điện Biên Phủ còn đánh dấu bước trưởng thành của các lực lượng chiến đấu và bảo đảm chiến đấu của nhân dân như thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến, đội đảm bảo giao thông, đội vận tải tiền phương, đội tuyên truyền xung phong. Theo yêu cầu của kháng chiến, yêu cầu đánh địch từ trong lòng địch, bảo vệ vùng tự do và hậu phương chiến tranh, bảo vệ độ mật của các chiến dịch..., lực lượng an ninh ra đời trong Tổng khởi nghĩa Tháng 8-1945 phát triển không ngừng và trở thành lực lượng quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Pháp nói chung và trong chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng.
Chiến dịch Điện Biên Phủ đưa truyền thống "Toàn dân vi binh" của dân tộc ta lên đỉnh cao mới. Quan điểm vũ trang toàn dân, kháng chiến toàn dân của Đảng trở thành hiện thực hào hùng, tạo nên sức mạnh đánh thắng quân xâm lược đông, được trang bị hiện đại.
Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ chính là thắng lợi của đường lối toàn dân kháng chiến của Đảng được chuyển hoá thành phong trào kháng chiến của nhân dân, của toàn thể dân tộc Việt Nam - một dân tộc "quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng, của cải" vào cuộc chiến tranh chống xâm lược để bảo vệ độc lập, tự do cho đất nước mình, Tổ quốc mình. Điện Biên Phủ đánh dấu sự thành công nghệ thuật tiến hành chiến tranh, nghệ thuật quân sự của chiến tranh toàn dân, toàn diện, nhỏ thắng lớn, ít địch nhiều. Nét nổi bật của nghệ thuật tiến hành chiến tranh chính nghĩa, chiến tranh toàn dân, toàn diện, nhỏ thắng lớn, ít địch nhiều là tiến công địch bằng sức mạnh tổng hợp. Đó là kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang. Khác với khởi nghĩa Tháng 8-1945, đấu tranh vũ trang trong kháng chiến chống Pháp từng bước giữ vai trò quyết định quá trình phát triển và kết thúc chiến tranh.
Trong kháng chiến chống Pháp, chúng ta đã kết hợp ba quả đấm chiến lược: Đấu tranh chính trị ở thành thị; đánh địch ở nông thôn đồng bằng; đòn chủ lực trên chiến trường lựa chọn miền núi. Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ cho thấy, chiến tranh cách mạng Việt Nam không phải là chiến tranh theo nghĩa cổ điển và cũng không giống chiến tranh nhân dân ở các nước khác. Nó là một cuộc tiến công toàn diện của cách mạng bằng bạo lực cách mạng vào nền tảng của bọn đế quốc và tay sai, chứ không đơn thuần chỉ là một cuộc tiến công về quân sự.
Lực lượng vũ trang của cuộc chiến tranh này vì thế không chỉ có ba thứ quân, mà còn có lực lượng chính trị của toàn dân, trong đó có đội quân chính trị làm nòng cốt cho đấu tranh chính trị. Địa bàn của nó không chỉ ở rừng núi, nông thôn mà ở cả đô thị. Phương thức đấu tranh là đánh địch toàn diện cả về quân sự, chính trị, kinh tế, văn hoá, ngoại giao... kết hợp khởi nghĩa vũ trang với chiến tranh cách mạng. Sức mạnh của nó không đơn thuần là sức mạnh quân sự, mà là sức mạnh tổng hợp bao gồm những nhân tố làm nên sức mạnh của dân tộc và sức mạnh của thời đại gắn kết với nhau.
Nét độc đáo và tính ưu việt của nó, sự thống nhất biện chứng giữa cách mạng và chiến tranh cách mạng, giữa đường lối, phương pháp cách mạng với đường lối và phương thức tiến hành chiến tranh cách mạng, phản ánh đúng các quy luật của cách mạng và chiến tranh cách mạng ở nước ta.
Chiến thắng Điện Biên Phủ là hình ảnh đậm nét, soi tỏ cuộc chiến tranh lấy nhỏ đánh lớn, lấy ít địch nhiều, dựa vào sức dân làm chủ để chiến thắng. Chính vì thế, chúng ta đã sáng tạo ra cách đánh giặc độc đáo: đánh chắc, tiến chắc. Đây là "lối đánh gần chiến dịch", là cách tiến công một tập đoàn cứ điểm khi ta không có những phương tiện tiến công địch từ xa, thiếu phương tiện đột kích mạnh như xe tăng, pháo tự hành, phương tiện hoả lực và cơ động hiện đại như máy bay, xe bọc thép, hoặc thiếu hoả lực để khống chế và bảo vệ đội hình chiến dịch, chiến đấu từ trên không. Cái độc đáo của "lối đánh gần" này là vây lấn, chia cắt đối phương: Như đã biết, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ có một hệ thống phòng ngự trận địa rộng lớn, có nhiều cứ điểm, chia thành nhiều cụm cứ điểm, nhiều phân khu.
Điều nổi bật là, ta xây dựng cả trận địa tiến công và trận địa bao vây để thực hiện đòn tiến công thứ hai. Cả một hệ thống trận địa tiến công được xây dựng, lấn dần vào cứ điểm địch. Quân ta bao vây, tiếp cận các mục tiêu tiến công từng bước bằng đường hầm, bằng công sự chiến đấu như những thòng lọng thít dần vào cổ đối phương. Điều đó vừa tạo nên thế uy hiếp, kiểm soát đối phương ngày càng lớn, vừa giảm hiệu lực của không quân và pháo binh địch, vì khoảng cách giữa ta và địch ngày càng ngắn. Bằng hệ thống công sự chiến đấu, ẩn nấp, sinh hoạt, đường hào đi lại, quân ta ung dung chiến đấu liên tục cả ngày lẫn đêm ngay trên một địa hình bằng phẳng.
Cũng bằng hệ thống trận địa tiến công và trận địa bao vây, quân ta đã chia cắt, cô lập cứ điểm này với cứ điểm khác, giữa cụm này với cụm khác. Điều khác biệt là quân ta bao vây sân bay Mường Thanh - sân bay chính của tập đoàn cứ điểm không phải bằng không quân và hệ thống hoả lực phòng không dày đặc mà bằng hệ thống trận địa bao vây. Chính bằng đường hào chiến đấu, quân ta đã chia cắt sân bay thành hai mảnh bắc và nam, khiến sân bay không sử dụng được nữa. Cũng bằng hệ thống trận địa tiến công và trận địa bao vây, quân ta bao vây chặt phân khu trung tâm Mường Thanh từ bốn phía, cắt đứt phân khu Nam Hồng Cúm ra khỏi phân khu trung tâm, cô lập Điện Biên Phủ với Thượng Lào, với toàn Đông Dương. Cách đánh vây lấn, áp sát và chia cắt địch đã tạo ra thế uy hiếp lớn gấp bội so với lực ta có, đã hạn chế đến mức tối đa chỗ mạnh của quân phòng ngự về không quân, cơ giới và pháo binh. Còn ta, không tốn quá nhiều đạn bom để bắn phá trận địa và tiêu diệt sinh lực địch mà vẫn tiêu diệt cả tập đoàn cứ điểm.
Nét độc đáo của cách đánh gần Điện Biên Phủ là tiến công từng bộ phận quân địch, phá vỡ từng mảng phòng ngự của chúng là sự vận dụng tư tưởng tiến công từ cục bộ, bộ phận đến toàn bộ trong cuộc chiến lấy ít đánh nhiều, lấy nhỏ thắng lớn.
Lần đầu tiên ta tiến công một tập đoàn cứ điểm của quân Pháp, ta chưa có kinh nghiệm, đồng thời không có cả những phương tiện tiến công hiện đại như không quân, xe tăng, xe bọc thép. Ưu thế của quân ta trong chiến dịch so với quân phòng ngự chỉ là tương đối, chỉ về bộ binh, còn xa mới đạt tiêu chuẩn về binh khí, kỹ thuật... của một chiến dịch tiến công hiện đại. Vì thế, ta lựa chọn cách tiến công từng bộ phận quân địch, phá vỡ từng mảng phòng ngự của đối phương, tiến lên tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ.
 
Chiến thắng Điện Biên Phủ: Đỉnh cao của chiến công giữ nước / Tô Phương // http://baoquangngai.vn. – 2009. – Ngày 6 tháng 5.
 


            
 

Comments

Không có nhận xét nào cho bài đăng này.