Bỏ qua nội dung chính

Điện Biên Phủ - Những Ký Ức Hào Hùng

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Danh mục
Không có khoản mục nào trong danh sách này.
Blogs khác
Không có khoản mục nào trong danh sách này.
Liên kết
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Điện Biên Phủ - Những Ký Ức Hào Hùng > Bài đăng > Tô Vĩnh Diện – Người anh hùng lấy thân mình chèn bánh pháo
Tô Vĩnh Diện – Người anh hùng lấy thân mình chèn bánh pháo

Tô Vĩnh Diện (1924 - 1954) là một trong những vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân của Việt Nam. Ông nổi tiếng với chiến công hy sinh thân mình để cứu khẩu pháo cao xạ 37mm không bị lăn xuống vực trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Tô Vĩnh Diện sinh năm 1924, quê ở thôn Dược Khê, xã Nông Trường, huyện Nông Cống (nay thuộc huyện Triệu Sơn), tỉnh Thanh Hóa. Gia cảnh ông rất nghèo, lên 8 tuổi đã phải đi ở cho địa chủ. Suốt 12 năm đi ở, ông đã phải chịu đựng bao cảnh áp bức bất công. Cách mạng tháng Tám thành công, Tô Vĩnh Diện thoát cảnh đi ở. Năm 1946, ông tham gia dân quân ở địa phương, đến năm 1949, ông xung phong vào bộ đội. Trong quân ngũ, ông luôn luôn gương mẫu đi đầu trong học tập và công tác, ông luôn là tấm gương để đồng đội noi theo.

Tháng 3 năm 1953, ông được triệu tập để tham gia lực lượng pháo phòng không sắp thành lập. Khi đơn vị cao xạ được thành lập, ông cùng đơn vị sang Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) để huấn luyện. Trong thời gian huấn luyện, ông được chỉ định là Trung đội phó thuộc Đại đội 829, Tiểu đoàn 394, Trung đoàn 367 và được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam. Sau 8 tháng huấn luyện ở Trung Quốc, tháng 12 năm 1953, ông cùng đơn vị về nước và ngay lập tức hành quân lên Điện Biên Phủ để chuẩn bị tham chiến. Ông được điều về đại đội 827 làm Trung đội phó Trung đội 2, trực tiếp phụ trách Khẩu đội 3 thay Khẩu đội trưởng bị thương. Khẩu đội ông được giao sử dụng khẩu pháo cao xạ 37mm số hiệu 510681, thuộc loại pháo phòng không 37mm 1 nòng mẫu 61-K kiểu M1939 có gắn lá chắn đạn với 2 cửa ngắm dành cho pháo thủ số 1 và số 2, do Liên Xô sản xuất và viện trợ cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Để giữ bí mật bất ngờ cho hai loại pháo lựu 105mm và cao xạ 37mm lần đầu tiên xuất hiện trên chiến trường, các đơn vị này đều hành quân vào ban đêm, liên tục trong các ngày 1314 và 15 tháng 1 năm 1954, từ Tuần Giáo vào tập kết ở km 63 đường 42. Sau đó, từ vị trí tập kết, bộ đội phải kéo pháo bằng sức người trên đường quân sự mới mở, có chỗ phải vượt qua núi cao 1450m để vào trận địa cách xa vị trí tập kết 15 km. Từ trưa ngày 16 tháng 1, được sự trợ giúp của bộ binh và công binh, các đơn vị bắt đầu kéo pháo, đến ngày 24 tháng 1 mới đưa được pháo vào trận địa.

Nói đến kéo pháo tại chiến trường Điện Biên Phủ, ta không thể hình dung được, chặng đường kéo pháo vào trận địa vô cùng gian khổ. Pháo phải tháo khỏi xe và thay bằng sức người để kéo. Hàng trăm người thay nhau kéo những cỗ pháo nằng hàng tấn vượt qua mỗi ngày vài cây số đường rừng núi cheo leo khúc khuỷu. Quân địch không ngờ rằng quân đội ta có những khẩu pháo lớn kia lại được bí mật vượt qua hàng trăm cây số đường rừng, lên dốc, xuống đèo trên những con đường mà ngay cả đi bộ người ta cũng phải lần mò từng bước một. Quân địch lại không ngờ được rằng hàng tấn sắt thép kia đã được vận chuyển không do một thứ máy móc nào khác ngoài sức lực con người – những người chiến sĩ anh hùng pháo cao xạ với sức lực phi thường.

Kéo pháo vào đã khó và khổ, kéo pháo ra gian truân, ác liệt bội phần. Hàng trăm cánh tay bám chặt những sợi dây tời kéo phẩu pháo lặc lè lên dốc, rồi khi xuống dốc thì hàng trăm đôi chân phải dậm thật mạnh tưởng như lún sâu xuống mặt đất, hàng trăm bàn tay ghì chặt những sợi dây buộc pháo, thả cho nó xuống từ từ, mà hai bên họ là vách núi dựng đứng, là vực sâu. Nguy hiểm hơn là người chiến sĩ đi bên pháo để lao những hòn chèn, giữ cho pháo khỏi tụt và dũng cảm nhất có lẽ là người chiến sĩ cầm càng pháo lái cho pháo đi đúng đường, chỉ sẩy chân, sẩy tay là bị hất xuống vực, là bị bánh pháo đè nát người. Hơn nữa, con đường kéo pháo này mới được công binh phá rừng chặt cây làm gấp trong một thời gian ngắn chuẩn bị cho chiến dịch nên còn rất mấp mô, gồ ghề. Chỉ cần bánh pháo chồm qua một hòn đá hay một gốc cây, pháo quật càng sang bên phải hay sang bên trái thì cũng đủ rụng rời chân tay.

Tuy nhiên, trận đánh đã không diễn ra như dự kiến. Ngày 26 tháng 1Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp quyết định đổi phương án tác chiến từ "Đánh nhanh thắng nhanh" sang "Đánh chắc tiến chắc". Các đơn vị pháo nhận được mệnh lệnh phối hợp với các đơn vị bộ binh kéo pháo trở ra. Đơn vị của Tô Vĩnh Diện được lệnh kéo pháo ra điểm tập kết tại Bắng Hôm để ăn tết Giáp Ngọ và chờ lệnh mới.

Ngày 1 tháng 2 năm 1954, đơn vị của Tô Vĩnh Diện trên đường kéo pháo ra, đến một con dốc cao và hẹp ở gần Bản Chuối (tại rừng Pá Có, sườn phía tây Pha Sung, thuộc xã Nà Nhạn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên). Ông cùng pháo thủ Nguyễn Văn Chi phụ trách điều khiển càng pháo để chỉnh hướng cho một đơn vị bộ đội kéo dây tời giữ pháo, ngoài ra còn có 2 chiến sĩ phụ trách chèn bánh pháo. Bất ngờ quân Pháp bắn pháo từ Mường Thanh lên, dây tời bị đứt. Lực giữ pháo yếu đi, cả trăm chiến sĩ vẫn không đủ sức níu lại, khẩu pháo dần tuột xuống dốc. Pháo thủ Nguyễn Văn Chi lái càng phía ngoài bị càng pháo hất xuống vực và pháo trôi dần về phía vực sâu. Tô Vĩnh Diện lập tức bỏ càng pháo phía trong, chuyển sang ghì người vào càng pháo phía ngoài, lấy một chân đạp vào một gốc cây, cố gắng đẩy hướng càng pháo đâm vào vách núi. Tuy cản được pháo lăn xuống vực, nhưng anh cũng bị bánh xe của khẩu pháo nặng hơn 2 tấn đè lên người. Ông đã nằm lại trên trận địa khi chiến thắng Điện Biên Phủ sắp cận kề.

Cùng với anh hùng liệt sĩ Tô Vĩnh Diện, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Thanh Hóa đã huy động hơn 102 ngàn dân công dài hạn, gần 77 ngàn dân công ngắn hạn, hơn 1 triệu lượt người với 27 triệu ngày công. Cùng với đó là 10 ngàn xe đạp thồ, 1.300 thuyền nan, thuyền ván, 47 ngựa thồ, 31 xe ô tô, vận chuyển 10 ngàn tấn gạo và hàng chục tấn vũ khí, góp một phần quan trọng đưa chiến dịch tới ngày toàn thắng.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, mộ của ông được ngụ tại nghĩa trang A1 thành phố Điện Biên Phủtỉnh Điện Biên. Hiện nay, mộ Tô Vĩnh Diện nằm ở khu đặc biệt của nghĩa trang Điện Biên cùng với mộ của 3 anh hùng nổi bật khác trong trận Điện Biên Phủ là Phan Đình GiótBế Văn ĐànTrần Can. Một bia tưởng niệm cũng được dựng lên gần vị trí đường kéo pháo nơi ông hy sinh.

Khẩu pháo cao xạ 37mm số hiệu 510681 sau đó tiếp tục được đưa vào tham chiến trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, bắn rơi 3 máy bay, bắn bị thương 13 chiếc khác. Năm 1958, khẩu pháo được đưa về trưng bày tại Phòng truyền thống của Bộ Tư lệnh Phòng không, nay là Bảo tàng quân chủng Phòng không- Không quân. Ngày 1 tháng 10 năm 2012, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 1426/QĐ-TTg công nhận pháo cao xạ 37mm số hiệu 510681 là Bảo vật quốc gia.

Ngày 7/5/1955, Tô Vĩnh Diện được Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trao tặng Huân chương Quân công hạng Nhì, Huân chương chiến công hạng Nhất và được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 1956.

Tấm gương hy sinh vô cùng anh dũng của Tô Vĩnh Diện đã cổ vũ mạnh mẽ toàn đơn vị Đại đội 827 nói riêng và toàn bộ chiến sĩ Điện Biên Phủ nói chung vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ. Để ca ngợi tấm gương anh dũng hy sinh của ông, trong bài thơ Hoan hô chiến sĩ Điện Biên nhà thơ Tố Hữu đã viết:“Những đồng chí chèn lưng cứu pháo/Nát thân, nhắm mắt, còn ôm”.

65 năm đã qua đi, trong sử sách ông đã trở thành anh hùng Pháo cao xạ đầu tiên của quân đội ta ngã xuống trên mặt trận Điện Biên Phủ, sự hy sinh của ông đã đi vào lịch sử như một huyền thoại – hy sinh quên mình cứu pháo, tên của ông được đặt cho nhiều đường phố và trường học trên khắp đất nước Việt Nam.

Anh hùng Tô Vĩnh Diện đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, nhưng ông đã để lại trong lòng tôi nói riêng, mỗi người dân Việt Nam  nói chung lòng ngưỡng mộ vô cùng, một vị anh hùng  gan dạ, dũng cảm, luôn hết lòng vì đồng đội, vì lý tưởng cách mạng.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Anh hùng Điện Biên Phủ / Lê Hải Triều. - H. : Quân đội nhân dân , 2004. - 177 tr. : hình ảnh ; 19 cm.

2. Kỷ vật Điện Biên / Bảo Tàng lịch sử quân sư Việt Nam biên soạn. - H. : Quân đội nhân dân , 2004. - 180 tr. ; 19 cm

Nguyễn Mai

 

 

 

 

 

Comments

Không có nhận xét nào cho bài đăng này.