Bỏ qua nội dung chính

Điện Biên Phủ - Những Ký Ức Hào Hùng

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Danh mục
Không có khoản mục nào trong danh sách này.
Blogs khác
Không có khoản mục nào trong danh sách này.
Liên kết
Không có khoản mục nào trong danh sách này.

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > Điện Biên Phủ - Những Ký Ức Hào Hùng > Bài đăng > Thành tích chiến đấu của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ
Thành tích chiến đấu của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Điện Biên Phủ là trận đánh tiêu diệt lớn nhất và điển hình nhất của quân đội ta trong gần 100 năm đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Và Điện Biên Phủ cũng là một trong những trận đánh tiêu diệt lớn nhất trong lịch sử đấu tranh vũ trang của các dân tộc nhỏ chống lại quân đội xâm lược hùng hậu của bọn đế quốc thực dân.

Sau 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơn vắt, máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn…” của chiến sĩ ta trên mặt trận Điện Biên Phủ, quân và dân ta đã làm nên kỳ tích Chiến thắng Điện Biên Phủ vang dội, biểu tượng lá cờ “quyết chiến, quyết thắng” tung bay trên nóc hầm tướng De Castries là minh chứng hùng hồn chứng minh cho thực dân Pháp và các dân tộc trên thế giới biết một sự thật, đó là dân tộc nhỏ bé anh hùng với tình yêu quê hương đất nước quyết tâm đứng lên chống lại kẻ thù xâm lược giành lại độc lập tự do cho dân tộc.

Trên chiến trường Điện Biên Phủ gian khổ và ác liệt, những chiến sĩ Điện Biên đã anh dũng chiến đấu trên chiến trường đầy cam go và ác liệt, thậm chí có những chiến sĩ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng mà tay vẫn nắm chặt súng, và đã có những chiến sĩ mãi mãi nằm lại trên trận địa Điện Biên… để quân ta tiến lên giành được thắng lợi vĩ đại và kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ một cách vẻ vang. Sau chiến dịch, quân và dân ta đã đạt được những thành tích chiến đấu như sau:

Mặc dù quân Pháp đã phải gia tăng quân số lên đến 16.200 người, họ đã không thể nào lật ngược thế cờ. Toàn bộ quân Pháp ở Điện Biên Phủ bị tiêu diệt và bị bắt làm tù binh. Thiệt hại về phía Pháp là 1.747 tới 2.293 người chết, 5.240 tới 6.650 người bị thương, 1.729 người mất tích và 11.721 bị bắt làm tù binh. Toàn bộ 17 tiểu đoàn bộ binh và lính dù, 3 tiểu đoàn pháo binh, 10 đại đội Quân đội Quốc gia Việt Nam bị tiêu diệt. Tổng số sĩ quan và hạ sĩ quan bị diệt và bị bắt là 1.706, gồm 1 chuẩn tướng, 16 đại tá và trung tá, 353 sĩ quan từ thiếu úy đến thiếu tá. Thiệt hại về phía Mỹ là 2 phi công chết và 1 bị thương.

Về không quân, Pháp bị tổn thất 59 phi cơ bị phá hủy (38 chiếc bị bắn rơi, 21 chiếc bị phá hủy khi đậu trên sân bay), trong đó có 3 máy bay khác bị phá hủy trước ngày 13 tháng 3 năm 1954, 2 trực thăng cũng bị phá hủy. Ngoài ra còn có 186 phi cơ khác bị trúng đạn và hư hại ở các mức độ khác nhau. Phía Mỹ có 1 phi cơ C-119 bị bắn rơi. Về trang bị nặng, Pháp mất toàn bộ trang bị vũ khí, xe tăng và pháo binh ở Điện Biên Phủ. Phía Quân đội nhân dân Việt Nam thu giữ 3 xe tăng, 28 đại bác, 5.915 súng các loại, 20.000 lít xăng dầu cùng rất nhiều đạn dược, quân trang quân dụng khác.

Ngày hôm sau, 8 tháng 5 năm 1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen: “Quân ta đã giải phóng Điện Biên Phủ, Bác và Chính phủ thân ái gửi lời ngợi khen cán bộ, chiến sĩ, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào đia phương đã làm tròn nhiệm vụ một cách vẻ vang. Thắng lợi tuy lớn nhưng mới là bắt đầu. Chúng ta không nên vì thắng mà kiêu, không nên chủ quan khinh địch. Chúng ta kiên quyết kháng chiến để tranh độc lập, thống nhất, dân chủ, hòa bình. Bất kỳ đấu tranh về quân sự hay ngoại giao cũng đều phải trường kỳ gian khổ mới đi đến thắng lợi hoàn toàn...”.

Được sự ngợi khen và động viên khích lệ của Bác Hồ và Chính phủ, quân và dân ta lại tiếp tục lập thêm nhiều chiến công. Tại các mặt trận khác trong toàn quốc (Đồng bằng Bắc bộ, Lai Châu, Bình – Trị - Thiên, Liên khu 5, Nam bộ) từ ngày 1/2/1953 đến ngày 10/5/1954. Quân ta tiêu diệt 112.000 tên, trong đó có nhiều sĩ quan từ quân một đến quan năm. Thu 19.000 súng các loại, 34 xe các loại, 260 tấn bom đạn, 3 vạn lít dầu xăng. Phá 81 cỗ đại bác, 100 máy bay, 93 tàu thủy, ca nô, 40 đầu máy xe lửa, 250 toa xe lửa, 1.462 xe các loại (trong đó có 102 xe tăng), 88 tấn bom đạn, 12 triệu lít dầu xăng.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ và các chiến dịch Đông Xuân nói chung, quân ta đã giải phóng nhiều vùng đất đai rộng lớn có tính chất quan trọng về chiến lược: Ở Bắc Bộ, sau khi Lai Châu và Điện Biên Phủ được giải phóng, trên toàn bộ khu Tây Bắc của ta lần đầu tiên không còn bóng quân xâm lược. Căn cứ địa của cuộc kháng chiến đã được mở rộng, bao gồm toàn bộ miền rừng núi Bắc Bộ, đi từ Việt Bắc đến Tây Bắc, Hòa Bình, lại được nối liền với khu giải phóng rộng lớn của nước bạn ở Thượng Lào. Quân địch lúc đó chỉ còn đóng ở đồng bằng Bắc Bộ. Ở Liên khu 5, vùng tự do của ta mà địch rắp tâm đánh chiếm, nay lại được mở rộng rất nhiều. Một địa bàn quan trọng rộng lớn ở miền Bắc Tây Nguyên chiến lược đã được giải phóng. Thế uy hiếp của địch ở sau lưng các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định đã bị phá tan. Vùng tự do của ta đi từ bờ biển đến biến giới Việt - Lào, nối liền với khu giải phóng của nước bạn ở Hạ Lào, gây nên một thế uy hiếp mới đối với địch ở miền Nam Đông Dương. Trên các chiến trường sau lưng địch, ở đồng bằng Bắc Bộ, Bình - Trị - Thiên và Nam Bộ, các căn cứ du kích và vùng du kích được mở rộng rất nhiều. Hình thái chiếm đóng của địch nhiều nơi đã từ diễn biến thành tuyến và điểm. Phạm vi vùng bị tạm chiếm ở đồng bằng Bắc Bộ bị thu hẹp, ba phần tư đất đai vùng sau lưng địch đã được giải phóng. Ở Lào, Quân giải phóng Pathét Lào và bộ đội tình nguyện Việt Nam đã giải phóng tỉnh Phông Xa Lỳ và vùng lưu vực sông Nậm Hu, mở rộng căn cứ địa Thượng Lào. Vùng giải phóng ở Trung Lào và ở Hạ Lào cũng được mở rộng. Trên toàn nước bạn, hơn một nửa đất đai và một nửa dân số đã được giải phóng.

Đối với thực dân Pháp, trận này là một thất bại thảm hại và bất ngờ. Mặc dù đã chiến đấu nhiều năm và về sau còn được Hoa Kỳ trợ giúp đắc lực, Pháp đã không thể bình định Việt Nam. Thảm bại này khiến cho họ không còn nhân lực và ý chí để mà tiếp tục ứng chiến. Một ngày sau khi Pháp để Điện Biên Phủ thất thủ, ngày 8/5/1954Hội nghị Genève bắt đầu bàn về vấn đề Đông Dương. Sau hội nghị này, Pháp công nhận quyền tự do, thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các nước Đông Dương trong đó có Việt Nam, chính thức chấm dứt chế độ thực dân Pháp tại Đông Dương.

Trận Điện Biên Phủ được coi là một trong những trận đánh được phân tích tỉ mỉ nhất trong lịch sửThắng lợi quyết định của lực lượng Việt Minh dưới quyền Võ Nguyên Giáp trong Chiến dịch ác liệt đánh dấu sự chấm dứt của Chiến tranh Đông Dương, chính trận chiến này đã đưa Việt Nam lên trở thành quốc gia thuộc địa đầu tiên dùng vũ lực buộc quân đội một nước phương Tây rút về nước, giành được độc lập, được xem là một đòn giáng mạnh vào nước Pháp nói riêng và thế giới phương Tây nói chung. 

Đúng như Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tổng kết: “Dân tộc ta có thể tự hào rằng: Dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, chúng ta đã chứng minh một chân lý vĩ đại. Chân lý đó là trong thời đại ngày nay một dân tộc thuộc địa bị áp bức, khi đã biết đứng dậy đoàn kết đấu tranh, kiên quyết chiến đấu cho độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội thì có đầy đủ khả năng để chiến thắng quân đội xâm lược hùng mạnh của một nước đế quốc chủ nghĩa”. Và hơn một nửa thập kỷ qua, chân lý ấy mãi đúng.

Nhân kỷ niệm 65 năm sau ngày chiến thắng Điện Biên Phủ, xin được nhắc lại những thành tích của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ như một lời tri ân sâu sắc và tưởng nhớ đến những chiến công oanh liệt nhưng cũng nhiều mất mát đau thương của cha anh lớp trước đã hy sinh giành lại độc lập tự do cho đất nước hôm nay.

Tài liệu tham khảo:

1. Điện Biên Phủ /  Võ Nguyên Giáp. - In lần thứ 7, có sửa chữa. - H. : Quân đội nhân dân , 2004. - 397 tr.

2. Điện Biên Phủ 50 năm nhìn lại /  Võ Nguyên Giáp. - H. : Quân đội nhân dân , 2004. - 353 tr.

Nguyễn Mai

 

 

 

 

 

Comments

Không có nhận xét nào cho bài đăng này.