Trong tháng năm này, cả nước cùng hướng về vùng Tây bắc, nơi diễn ra chiến thắng huyền thoại Điện Biên Phủ. 65 năm dần qua đi nhưng dường như ta vẫn còn hình dung ra khí thế hừng hực sôi sục cách mạng của những chiến sĩ năm xưa, hình ảnh các anh bộ đội sát vai nhau cầm súng hiên ngang tiến về phía trước làm cho mỗi người chúng tôi như được sống lại quá khứ hào hùng, đầy bi tráng của một trang sử vàng cách mạng.
Chân dung anh Bộ đội Cụ Hồ trong kháng chiến chống Pháp thật giản dị, chân chất mà vĩ đại biết bao! Ôn lại chiến công Điện Biên Phủ, có biết bao tấm gương anh hùng đã làm nên nhiều kỳ tích chói lọi, trong đó chiến sĩ thông tin vô tuyến điện Chu Văn Mùi là một trong những tấm gương anh hùng chiến đấu đáng khâm phục, dù khó khăn gian khổ, dù ác liệt, nguy hiểm đến mấy Chu Văn Mùi cũng đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Chu Văn Mùi sinh năm 1929, quê ở xã Lâm Đình, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, tham gia du kịch từ khi còn trẻ, đến năm 1949 nhập ngũ, thuộc biên chế vào Tiểu đoàn 38, Trung đoàn 102, Đại đoàn 308, đại đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông từng tham gia bảy chiến dịch lớn trước Điện Biên Phủ như chiến dịch Biên Giới, chiến dịch Hòa Bình, chiến dịch Tây Bắc, ... Chu Văn Mùi đã tham gia nhiều công việc khác nhau: pháo thủ, chiến sĩ nuôi quân, chiến sĩ xung kích, tiểu đội phó súng cối, thông tin,… Dáng người to khỏe, điềm đạm, ít nói nhưng gan lì trong chiến đấu, tiểu đội trưởng ban thông tin trong Đại đoàn 308 đều được mọi người yêu mến.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ở trận phòng ngự trên đồi 311B, suốt bốn ngày đêm liền đơn vị của Chu Văn Mùi phải nằm dưới hầm, trời mưa, hầm sập và ngập nước, bom đạn các cỡ của địch thường xuyên bắn phá dữ dội. Chu Văn Mùi vẫn cố gắng bảo vệ máy, giữ được liên lạc với sở chỉ huy. Có lần máy bị hỏng nặng, anh dũng cảm đi tìm máy của địch tháo lấy phụ tùng đem về thay thế, kịp thời bắt liên lạc, góp phần tích cực phục vụ cho việc chỉ huy chiến đấu thắng lợi. Nhưng thành tích xuất sắc nhất phải kể đến của anh hùng điện thanh là khi quân ta chiến đấu trên đồi A1. Chu Văn Mùi là tiểu đội trưởng của Đại đội thông tin 127, anh đã sử dụng máy điện thanh chỉ mục tiêu dẫn pháo ta nã đạn vào quân địch tiêu diệt được nhiều bộ binh và xe tăng của địch, lập được thành tích xuất sắc, làn sóng điện anh hùng trên đồi A1 đã thắng một trận giòn giã.
Hạ tuần tháng 3 năm 1954, chiến hào của quân ta dài hơn 100 km, vây tròn lấy khu trung tâm của địch ở Mường Thanh, cắt rời khu Hồng Cúm nhằm không cho địch liên lạc với nhau bằng đường bộ. Khi quân ta mở đợt tiến công thứ hai nhắm đánh vào năm cao điểm phía đông của trung tâm Mường Thanh, Đại đoàn tiên phong đảm nhiệm mặt trận phía tây và cử Trung đoàn 102 làm đơn vị dự bị cho khu đông.
Đúng 17 giờ ngày 30 tháng 3, pháo binh ta bắt đầu bắn phá vào sở chỉ huy của Đờ-cát. Sau khi các điểm cao C1, D1, E1 bị thất thủ, ở D2 địch hốt hoảng kéo pháo rút chạy. Lúc này ta dồn lực lượng đánh đồi A1, đây là khu quan trọng nhất và được xem là toàn bộ “xương sống” của khu đông. Chính vì thế, khu này được quân địch củng cố công sự và dốc lực lượng ra sức bảo vệ đồi A1.
Suốt ngày 30 và ngày 31 tháng 3, pháo địch điên cuồng cày sới mặt đồi. Cuộc chiến đấu ở đồi A1 càng lúc càng quyết liệt, địch với ta tranh chấp từng tấc đất. Địch tập trung mọi vũ khí, phương tiện tối tân nhất quyết tâm cắt đứt bộ phận phòng ngự trên đồi A1 của quân ta với tuyến sau của trung đoàn. Các đường dây điện thoại bị đứt. Chu Văn Mùi phụ trách tổ điện thanh, được lệnh mang máy vô tuyến điện vào cứ điểm nối lại đường dây với sở chỉ huy trung đoàn. Tuy chiếc máy khá nặng nhưng anh đã cùng với người chiến sĩ phụ máy, vác máy trên lưng vượt qua lửa đạn của địch, vừa tiến vừa chiến đấu. Từ mặt trận phía Tây Nam sang phía Đông, tổ điện thanh phải vượt bao nguy hiểm trên từng chặng đường mà địch đã triển khai lực lượng sẵn sàng nhả đạn bất cứ lúc nào. Các anh vừa mạo hiểm vừa khôn khéo lừa địch, có lúc phải trườn như rắn, có lúc phải giả chết, nằm im, chờ lúc địch vừa ngưng bắn thì lại vọt lên,… cứ thế tổ điện thanh cũng tới được góc Đông Bắc đồi A1. Lúc này, quân ta bị thương rất nhiều, Mùi và người phụ máy chọn một căn hầm đã bị sập, đặt máy và tổ chức liên lạc với trung đoàn, cùng với bộ binh vừa chiến đấu vừa mở máy vô tuyến điện để liên lạc với trung đoàn bảo vệ trận địa.
Ngày 2 tháng 4 năm 1954, liên lạc từ Trung đoàn Thủ đô với tiểu đoàn 18 bị mất hẳn, anh mở máy liện lạc với Đại đoàn và được lệnh chuẩn bị đánh quân tiếp viện của địch. Suốt hai ngày đêm anh vẫn kiên cường bám trận địa đánh địch, với vai trò là người chỉ huy, anh vừa đánh vừa cứu thương, người nặng thì đưa về phía sau, người nhẹ thì tiếp tục chiến đấu, cứ thế hết lượt này đến lượt khác, anh cùng đồng đội giữ vững một góc đồi.
Sau khi liên lạc được với Đại đoàn trưởng, anh được lệnh cố giữ trận địa với quyết tâm “còn người, còn trận địa”. Mỗi lần thấy quân địch ồ ạt kéo đến là anh sử dụng vô tuyến điện gọi pháo của ta nã vào quân địch. Cứ như thế, anh đã dẫn pháo bắn nát không biết bao nhiêu lần các toán quân phản kích và xe tăng địch tiến về cứ điểm A1. Có lần địch tiến sát về tổ điện đài, Chu Văn Mùi gọi pháo bắn về phía mình. Mặc dù trận địa pháo lo lắng sự an nguy của tổ điện đài nhưng anh vẫn bình tĩnh, không sợ nguy hiểm đến tính mạng mình cứ bảo pháo bắn. Pháo ta bắn tới tấp, hầm rung chuyển dữ dội, quân địch chết vô số nằm la liệt.
Được lệnh phải đi tìm gặp Trung đoàn trưởng, anh bịn rịn chia tay mặt trận phía Đông Bắc. Khoác máy lên vai anh cảm thấy chiếc máy bỗng nhiên nặng trĩu, mới nhớ ra rằng mấy ngày nay chiến đấu đã quên đi cái đói, khát, bây giờ cảm thấy bủn rủn chân tay, không nhấc nổi máy để đi. Thế rồi anh đành đi tiểu vào ca và uống chính nước tiểu của mình, sau một lúc anh cảm thấy khỏe lại và nhấc máy ra đi.
Vượt qua bao nhiêu lưới lửa của địch, bao nhiều lần ngất đi tỉnh lại, cuối cùng anh cũng tìm được chỗ hầm chỉ huy của trung đoàn. Trung đoàn trưởng vui vẻ, cảm động chìa tay nắm chặt tay người chiến sĩ thông tin vô tuyến điện. Chu Văn Mùi ném sợi dây ăng-ten lên nóc hầm và cho máy chạy, trung đoàn trưởng cầm lấy ống nghe, nói sao cho hết giây phút diệu kỳ, cảm động ấy! Đường dây được nối lại mau chóng, cuộc báo cáo và trao đổi ý kiến mau lẹ và rõ ràng. Kế hoạch tác chiến được thống nhất và triển khai nhanh chóng.
Chu Văn Mùi và tổ điện thanh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Anh là một trong những người lính được khen ngợi và tặng thưởng Huân chương chiến sĩ hạng Nhất ngay tại mặt trận. Ngày 31 tháng 8 năm 1955, Chu Văn Mùi được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng ba và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
-----------------------
Tài liệu tham khảo:
1. Anh hùng Điện Biên Phủ / Lê Hải Triều. – H.: Quân đội nhân dân, 2004. – 177 tr. ; 19 cm
2. Điện Biên Phủ: Lắng đọng và suy ngẫm / Phạm Chí Nhân. – H.: Văn hóa – Thông tin, 1993. – 108 tr. ; 19 cm
3. Kỷ vật Điện Biên. – H.: Quân đội nhân dân, 2004. – 180 tr. ; 19 cm.
Như Quỳnh