Đến cuối năm 1953, thực dân Pháp lâm vào thế bị động trên chiến trường. Trong khi đó, chúng ta đã thiết lập được quyền kiểm soát vững chắc tại nhiều khu vực rộng lớn ở Tây Nguyên, Khu 5, các tỉnh Cao-Bắc-Lạng... và nhiều khu vực ở đồng bằng Bắc Bộ. Trong đó, có vai trò quân dân miền Đông Nam Bộ kìm chân địch, tiêu diệt địch, mở rộng vùng căn cứ kháng chiến... Trung ương Cục Miền Nam ra Chỉ thị “chuẩn bị đón thời cơ mới”, Bộ Tư lệnh Liên khu miền Đông đề ra ba nhiệm vụ chính để góp phần tạo nên diện mạo mới trên chiến trường Đông Nam Bộ: giữ vững và đẩy mạnh chiến tranh du kích; củng cố và mở rộng căn cứ địa; đẩy mạnh công tác binh vận. Cùng thực hiện ba nhiệm vụ trên là thực hiện phong trào thi đua yêu nước, giết giặc lập công trong toàn Phân Liên khu. Tỉnh Thủ Biên là sự sáp nhập hai tỉnh: Thủ Dầu Một (Bình Dương ngày nay) và Biên Hòa vào tháng 5-1951, thuộc Phân liên khu miền Đông Nam bộ. Tỉnh Thủ Biên có chiến khu Đ, là căn cứ chiến lược của cách mạng; là địa bàn có ý nghĩa chiến lược cả về quân sự và kinh tế, là nơi đọ sức quyết liệt giữa ta và địch ở chiến trường Nam bộ trong suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Khi chủ trương trên được triển khai rộng khắp chiến trường Đông Nam Bộ, phong trào chiến tranh du kích phát triển mạnh mẽ. Với phương châm “du kích là chính, học tập đánh vận động trong điều kiện thuận lợi”, bộ đội và du kích Đông Nam Bộ chia thành từng phân đội nhỏ lẻ, đánh tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch ở nhiều nơi như ở Thủ Biên, Bà Chợ, Gia Ninh... Bằng các biện pháp binh vận kết hợp tiến công quân sự, đồng bào và các lực lượng vũ trang đã diệt 29 tháp canh, bức hàng 46 đồn bốt và bức rút khỏi địa bàn 30 bốt khác, diệt 275 tên, bắt và giáo dục, cải tạo tại chỗ hơn 600 tên địch, binh vận làm rã ngũ 1500 tên, thu 700 súng các loại, giải phóng 30/41 xã…
Bước vào chiến dịch Đông Xuân 1953-1954, quán triệt nghị quyết của trung ương, của Xứ ủy và căn cứ thực tình hình trên chiến trường, Tỉnh ủy Thủ Biên chủ trương đẩy mạnh cuộc tiến công quân sự kết hợp công tác binh vận tạo ra bước chuyển biến mới phối hợp với chiến trường chính. Cụ thể là đẩy mạnh hoạt động quân sự trên các trục giao thông, phá vỡ hệ thống phòng ngự của địch trên quốc lộ 13, đường số 2, đường liên tỉnh lộ 14... Sử dụng Tiểu đoàn 303 chủ lực của tỉnh ở trọng điểm các huyện Bến Cát, Châu Thành, Lái Thiêu, phối hợp lực lượng của huyện, du kích các xã thực hiện tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, kết hợp hoạt động vũ trang tuyên truyền để củng cố và xây dựng cơ sở cách mạng trong nhân dân vùng du kích yếu, vùng tạm chiếm, vận động nhân dân đóng thuế nông nghiệp, ủng hộ kháng chiến. Tại huyện Bến Cát, ta mở đầu đợt hoạt động trên quốc lộ 13, liên tỉnh lộ 14. Ngày 5-9-1953, lực lượng Đại đội 55, Đại đội 65 của Tiểu đoàn 303 và Đại đội Lê Hồng Phong (Bến Cát), tiến công đồn Bến Tranh xã Thanh An kết hợp ''nội công, ngoại kích'', ta đã ''xóa sổ''Đại đội Commando đóng giữ đồn Bến Tranh, bắt giữ 54 tên, thu trên 100 súng và nhiều đồ dùng quân sự. Phát huy thắng lợi, du kích xã Thanh An kết hợp cơ sở nội ứng (do địa phương xây dựng trước đó), tập kích bắt gọn tiểu đội địch đóng tua cầu Cần Nôm, thu toàn bộ vũ khí.
Tại xã Mỹ Phước, trinh sát Tiểu đoàn 303 phối hợp với lực lượng huyện Bến Cát và du kích xã Mỹ Phước tập kích, đánh thiệt hại nặng trung đội địch đóng bót Cây Xoài xã Mỹ Phước... Trong hai tháng 11 và 12-1953, lực lượng vũ trang tỉnh tập trung hoạt động mạnh địa bàn huyện Châu Thành và Lái Thiêu. Tỉnh linh hoạt sử dụng lực lượng lúc tập trung, khi phân tán; kết hợp bộ đội chủ lực tỉnh, bộ đội địa phương huyện và du kích xã chặn đánh lực lượng Commando đột kích vùng du kích Tân Hiệp, Thái Hòa, Khánh Vân.,. Bảo vệ nhân dân thu hoạch vụ mùa thắng lợi.
Tại huyện Châu Thành, lực lượng vũ trang ta luồn sâu xuống xã Tân An, tập kích trụ sở văn phòng Xã, diệt tên Xếp Tròn tại ấp chợ Bến Thế. Tiếp đó, ta tiến công tiêu diệt trung đội địch đóng giữ bót Tương Bình Hiệp, cách trung tâm thị xã chưa đầy 3km về phía bắc, bắt sống 11 tên (có cả tên đồn trưởng), thu toàn bộ vũ khí.
Tại huyện Lái Thiêu, lực lượng Tiểu đoàn 303 của tỉnh phối hợp với bộ đội địa phương huyện Lái Thiêu đánh diệt trung đội địch đóng bót Vnh Ký; chiến đấu chống địch càn quét, đột kích vào căn cứ thuận – An - Hòa, căn cứu kích xã Bình Nhâm, An Thạnh... kết hợp xây dựng cơ sở, vận động nhân dân làm công tác ngụy vận, đấu tranh chống địch bắt xâu, bắt lính. Chỉ trong tháng 12-1953, tại huyện Lái Thiêu đã có hơn 100 lính ngụy bỏ ngũ về với gia đình, gây ảnh hưởng tốt trong nhân dân.
Từ tháng 9-1953 đến tháng 3-1954, phối hợp với chiến trường Điện Biên Phủ Tỉnh ủy thủ Biên chủ trương phát huy chiến thắng, tiếp tục tiến công đánh mạnh vào hệ thống đồn bót của địch trên các trục giao thông quan trọng, các điểm xung yếu bao quanh thị trấn, thị xã, tiêu hao, tiêu diệt, kiềm chân địch nhằm tạo đà cho sự phát triển tiếp theo ở vùng sau lưng địch. Các lực lượng vũ trang tỉnh Thủ Biên đã đánh 137 trận lớn nhỏ, diệt 1.148 tên địch, làm bị thương 194 tên, thu 186 súng các loại, phá hủy 19 xe quân sự, đánh sập 3 bót, 5 tháp canh, bức rút 25 tháp canh khác. Các đội vũ trang tuyên truyền đột nhập 147 lần vào vùng tạm chiến, diệt tề trừ gian, xây dựng cơ sở. Kết quả hoạt động quân sự đã hỗ trợ và thúc đẩy trực tiếp cho phong trào du kích chiến tranh của tỉnh phát triển, đã khôi phục và xây dựng được 52 đội du kích tập trung, đưa lực lượng du kích từ 140 người lên 513 người, dân quân từ 453 người, phát triển lên 1.862 người, du kích mật từ 219 người lên 527 đội viên... Tiểu đoàn 303 chủ lực của tỉnh đứng chân trên địa bàn đã chủ động phối hợp hoạt động, dìu dắt bộ đội huyện, du kích xã trong chiến đấu đánh đồn bót; chống càn, chống đột kích, vũ trang tuyên truyền, diệt tề trừ gian, xây dựng cơ sở Nhiều căn cứu kích trong vùng tạm chiếm, vùng du kích được củng cố. Chiến khu Đ được mở rộng lên phía bắc tới đường 14, phía đông tới Tà Lài. Chiến khu Long Nguyên mở rộng từ đường 30 lên tới Minh Thạnh... Hệ thống tổ chức Đảng, chính quyền và các đoàn thể quần chúng được củng cố. Các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội trong vùng căn cứ kháng chiến và vùng giải phóng từng bước được xây dựng, phục vụ kịp thời nhiệm vụ kháng chiến.
Từ tháng 3 đến cuối tháng 5-1954, tỉnh sử dụng Tiểu đoàn 303 chủ lực của tỉnh cùng bộ đội địa phương huyện, dân quân, du kích mở đợt hoạt động trên diện rộng tại địa bàn huyện Bến Cát, Châu Thành, Lái Thiêu đánh địch đột kích vào khu du kích Thái Hòa, Tân Phước, khu Thuận - An - Hòa; tập kích địch tuần tiễu trên quốc lộ 13, hạ tháp canh Sở Xoài, Bình Trị... tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch càn quét vào căn cứ Vnh Lợi, sở Bác Vật... Có những trận đánh ta thắng lớn như ở Bến Tranh, Cầu Định (Thủ Biên), Bàu Sen (Gia Ninh), Phú Thọ Hoà (Sài Gòn - Chợ Lớn)…Vang dội nhất là trận tấn công địch đóng bót Cầu Định (án ngữ quốc lộ 13, cách TX.TDM 10km về phía Bắc), trong đêm 31-5- 1954, tiêu diệt và bắt sống toàn bộ đại đội Commando 147 tên, (trong đó, ta diệt 96 tên, bắt sống 51 tên), thu 142 súng các loại như cối 60 ly, đại liên, tiểu liên… thu 10 tấn đạn, phá huỷ 2 pháo 90 ly và 40 ly, 130 tiểu liên và súng trường, hơn 9 tấn đạn và nhiều đồ dùng quân sự. Chiến thắng Cầu Định là đỉnh cao trong đợt tiến công Đông Xuân năm 1953-1954, là sự phối hợp và phát huy chiến thắng Điện Biên Phủ tuyệt đẹp của quân và dân tỉnh thủ Biên trong những ngày cuối của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta. Trận đánh đồn Cầu Định (Bến Cát, tỉnh Thủ Biên) đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Trong trận đánh bót Cầu Định đã xuất hiện tấm gương Ngô Chí Quốc, tiểu đội trưởng trinh sát đặc công Tiểu đoàn 303, dũng cảm ôm bộc phá lao lên mở cửa, tạo điều kiện cho đơn vị xung phong tiêu diệt địch. Ngô Chí Quốc anh dũng hy sinh và được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Phát huy chiến thắng Cầu định, lực lượng vũ trang tỉnh cùng bộ đội địa phương huyện Bến Cát tấn công đồn Bến Tranh (xã Thanh An) lần thứ hai, diệt và bắt sống toàn bộ đại đội địch; diệt gọn trung đội địch đóng đồn Cây trắc. Bộ đội địa phương Châu Thành chống càn 11 ngày đêm, bẻ gãy cuộc càn quét của 2 tiểu đoàn Âu - Phi vào căn cứ Truông Bồng Bông, loại khỏi vòng chiến đấu 80 tên...
Những thắng lợi đã giành được trong đợt hoạt động phối hợp chiến trường trong chiến dịch Đông Xuân năm 1953-1954 của quân và dân tỉnh Thủ Biên, trước hết là thắng lợi về chủ trương đúng đắn của Tỉnh ủy sớm khắc phục sửa chữa khuyết điểm về vận dụng phương châm ba vùng, khắc phục tư tưởng hữu khuynh, co thủ tạo ra bước chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức tư tưởng và hành động từ tỉnh đến huyện, xã; chủ động đưa lực lượng vũ trang của tỉnh, huyện mở những đợt hoạt động mạnh trên vùng du kích; kết hợp với vũ trang tuyên truyền, diệt tề trừ gian với xây dựng phục hồi cơ sở chính trị vùng tạm chiếm.
Trong khi chiến trường Điện Biên Phủ từng bước khép chặt vòng vây, làm phá sản từng mảng lớn “Kế hoạch Narva”, làm chủ thế trận… thì vùng du kích và căn cứ của ta ở Đông Nam Bộ được mở rộng. Chiến khu D phát triển mạnh mẽ. Cụ thể, phía nam đã tiến ra đến giáp sông Đồng Nai, phía bắc đến đường số 14, phía tây giáp tỉnh lộ 16, liên tỉnh lộ 1A và phía đông giáp đến Tà Lài… Chiến khu Dương Minh Châu đã nối thông với Định Thành và mở rộng sang đến sông Sài Gòn, giáp núi Cậu và kéo lên phía bắc đến tận biên giới Campuchia.
Đại tướng Lê Văn Dũng, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, nguyên Tư lệnh Quân khu 7, viết: “Chiến trường Nam Bộ tuy ở xa Điện Biên Phủ, nhưng có mối liên hệ rất chặt chẽ và nhạy cảm về chiến lược. Nơi đây là đầu mối quan trọng nhất nối nước Pháp với Đông Dương, là bàn đạp vững chắc để chúng tiến đánh Trung Bộ, Bắc Bộ, Lào và Campuchia…”. Vì vậy, xây dựng căn cứ, củng cố lực lượng, kìm chân địch, tiêu hao tiêu diệt địch, khống chế, bức hàng, làm tan rã quân địch… của quân dân miền Đông Nam Bộ trong kháng chiến chống Pháp và trong, sau chiến dịch Điện Biên Phủ trên địa bàn Nam Bộ có ý nghĩa chiến lược hết sức quan trọng, góp phần to lớn vào thắng lợi chung của cuộc trường kỳ kháng chiến chống Pháp mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ.
65 năm đã trôi qua, chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn là minh chứng hùng hồn về sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng ta và Bác Hồ; là chiến thắng của sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó có sự chung tay, góp sức, đồng sức đồng lòng, kề vai sát cánh chiến đấu “chia lửa” của quân dân cả nước, trên khắp các chiến trường nói chung và quân dân Phân liên khu miền Đông Nam Bộ nói riêng.
Hồng Hạnh