Điện Biên, cái địa danh xa xôi ở tận cùng phía Bắc của Tổ quốc, cái tên lẫy lừng đã đi vào lịch sử Việt Nam và rúng động địa cầu. Vùng đất Tây Bắc ở biên giới ấy được nhân dân ta gọi với nhiều cái tên trìu mến và thân thương: Điện Biên Phủ, Mường Thanh. Nơi đây, rẻo đất cao với nhiều địa danh nổi tiếng: sông Nậm Rốm, Hồng Cúm, bản Him Lam, đèo Pha Đin, đồi Độc lập,… nơi hội tụ và sinh sống của nhiều dân tộc: Thái, Mèo, Kinh, Tày, Khơ Mú, Xinh mun …
Khung cảnh thiên nhiên Mường Thanh hùng vĩ và nên thơ làm cho người lữ hành tưởng mình đang lạc vào cảnh thần tiên, mộng ảo. Điện Biên đồi núi chập chùng, mây chen núi, núi chen mây, nhìn từ xa, sương mù bao phủ với cái rét run người, những ngọn núi bị mây che khuất thoắt ẩn thoắt hiện như những vị thần trong thế giới thần tiên. Mùa này trên núi lớt phớt một chút hoa ban và bắt đầu bật lên những đốm lửa của hoa vông, những ngọn núi như cô gái trong trường ca tình yêu xưa:“ngắt hoa bưởi ngồi trông, ngắt hoa vông ngồi đợi” người đi xa trở về.
Đây rồi thung lũng Điện Biên, đồng bằng ở giữa, đồi núi bao quanh, giữa thung lũng vàng rực lúa xuân, nhìn xuống đồng bằng chè xanh ngút ngàn, vườn cam khoe màu rực rỡ. Thấp thoáng các bà, các chị người Thái lom khom gặt lúa trên những cánh đồng trải vàng thung lũng, xanh ngát nương dâu. Đâu đây thoảng trong không khí thơm mùi long não lẫn mùi hoa trẩu, lá long não xanh bóng, hoa trẩu rụng trắng bên đường. Con sông Nặm Rốm trắng sáng có khi trườn dài, có khúc ngoằn nghèo uốn quanh, đôi khi hiền lành như một cô gái e ấp tuổi xuân, khi thì sùng sục như con thú dữ, đã vùi lấp xác bao kẻ thù xâm lược quê ta và ôm ấp vỗ giấc ngàn thu cho những người con anh hùng của đất nước.
Thời tiết Điện Biên có hai mùa mưa nắng, đặc biệt ở thung lũng lòng chảo này vào tháng 4 trong một ngày có đủ bốn mùa: buổi sáng có cái lạnh mát của mùa xuân, khoảng trưa đã chớm thấy cái nóng nực của mùa hè, xế chiều mát lạnh như mùa thu và tối đến tưởng như đang ở tiết lập đông.
Con người Điện Biên hiền lành, chất phác, nêu cao tinh thần đoàn kết gắn bó keo sơn, từ bao đời nay, 10 dân tộc anh em cùng chung sống hòa bình, mồ hôi của họ đã cùng tưới xuống đất Điện Biên cho ruộng lúa, nương sắn, nương khoai mọc lên xanh tốt. Điện Biên Phủ, nét đặc trưng với phiên chợ tình tràn đầy hương sắc, đi chợ là thú đi chơi, biết bao cô gái chàng trai nên vợ nên chồng ở mỗi phiên chợ này. Những cô gái Thái với chiếc khăn Piêu, chiếc thắt lưng hoa lý sắc màu rực rỡ; Cô gái Khơ Mú mang túi vải to, khăn quàng trước trán, áo thêu nổi bật với hai hàng cúc bướm; Xa xa trên đỉnh mây mù mắt nhìn không thấy được, cô gái Mèo đeo vòng cổ hoa tai bằng bạc, thắt lưng lụa đỏ có nhiều mảng thêu, khăn hoa phấp phới, xuống chợ với nhạc ngựa leng keng. Trai gái tâm tình bằng chiếc lá thổi, tỏ tình bằng câu hát điệu hò.
Đời sống của người Điện Biên giàu sắc thái văn hóa dân gian, đậm đà dân tộc. Ngày ngày mọi người cùng ra đồng tham gia sản xuất. Đêm đêm cảnh nhà sàn vô cùng đầm ấm, mọi người quây quần xung quanh bếp lửa bập bùng, các cụ già uống rượu cần ôn lại những kỷ niệm xưa, trẻ con vui chơi trong vòng tay cha mẹ, trai gái bản Mường thi tài, đấu trí, trao gửi tâm tình cho nhau qua lời ca tiếng hát trong tiếng trống chiên, tiếng khèn và đàn tính tẩu. Cuộc sống thanh bình tưởng chỉ có ở vùng đất thần tiên!
Lịch sử của Điện Biên sống động, hào hùng. Mường Thanh, một vùng đất đi vào lịch sử, nằm ở vị trí cửa ngõ của đất nước, dân ta đã bao đời chống giặc ngoại xâm bởi sự xâm lược của bọn phong kiến phương Bắc, rồi đến thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhờ tinh thần đoàn kết đã giúp dân ta đánh thắng kẻ thù, giành độc lập tự do cho dân tộc.
Đến với Điện Biên, ta sẽ qua cầu Mường Thanh, lên đồi Độc Lập, ngược lên Tuần Giáo, xuôi xuống Tây Trang. Đường phố huyện chạy dọc theo dòng Nậm Rốm, những quả đồi nối tiếp nhau trùng trùng điệp điệp với những tấm biển mang tên E1, C1, C2,…là ký hiệu quân ta đặt cho những quả đồi, ký hiệu ấy đã thành tên, gắn với chiến công và trở thành bất tử. Thấp thoáng bên đường là những tấm bia kỷ niệm những chiến sĩ đã hy sinh. Cái nắng hanh khô như thiêu cháy da thịt, mưa dội xuống ngập đầu muốn chôn vùi cả lòng chảo Điện Biên. Thế nhưng! Nắng, quân ta vẫn trườn trên núi, gạo cũng vào được sát tuyến lửa, pháo cũng cứ lên núi xuống đèo; Mưa, vẫn ngụp lặn trong bùn lầy, giao thông hào và chiến hào ta vẫn lan dài tỏa rộng vào lòng chảo, các cỡ đạn ta vẫn nổ giòn vào đầu giặc… lòng yêu nước và bầu nhiệt huyết tuổi thanh xuân không gì cản nổi bước chân ta, kéo pháo vào rồi lại kéo ra, quân và dân cùng chung một câu hò “Trời mưa ướt áo ướt quần, nhưng không ướt được tinh thần chúng ta”.
Đứng ở chiến trường lịch sử, ta cảm giác như đang ở trong những trận đánh ác liệt, thần tốc, bất ngờ, quân ta băng rừng lội suối, chiếm từng cứ điểm, giành từng quả đồi. Máu của bao chiến sĩ đã trào xuống đất Điện Biên để cứu sống bản Mường, giải phóng quê hương. Bao nhiêu anh hùng đã vĩnh viễn nằm lại Hồng Cúm, Him Lam, đồi Độc Lập, đồi A1, C1, C2…hy sinh ở lứa tuổi đôi mươi: Anh Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn pháo để kéo pháo lên, anh Bế Văn Đàn làm giá súng bằng cơ thể của mình, Anh Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai, Trần Can băng rừng lội suối đámh úp quân thù…với tinh thần bất khuất, ý chí kiên cường: “Dốc núi cao cao nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi; Vực sâu thăm thẳm nhưng vực nào sâu bằng chí căm thù”. Sự hy sinh của các anh đã không uổng phí, đã cho quân Pháp xâm lược một bài học nhớ đời.
Nhớ về Chiến thắng Điện Biên Phủ, dân ta sẽ không quên Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Ông là người chỉ huy đại tài, một nhà quân sự lỗi lạc, tên tuổi ông đã gắn liền với vùng đất Điện Biên và chiến dịch Điện Biên Phủ. Địa danh Mường Phăng còn gắn với cái tên Đồi Đại tướng, nơi đây đã từng là nơi dụng võ của nghĩa quân trong các thời đại xa xưa và trở thànhh Bộ chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, là nơi địa lợi, nhân hòa. Nhân hòa là tấm lòng của nhân dân, hết lòng hết sức vì chiến dịch, cung cấp sức người sức của cho tiền tuyến và nơi đây chứa đựng biết bao kỷ niệm chiếu đấu sâu sắc của Đại tướng.
Cuộc chiến đấu do Đảng ta và đứng đầu là chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, là cuộc chiến tranh nhân dân chống xâm lược, sức mạnh của nhân dân là nhân tố cơ bản trong sự nghiệp chống giặc cứu nước, giải phóng quê hương. Cùng với Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa, dân tộc Việt Nam lại có thêm một cột mốc lịch sử mới như lời Hồ Chủ tịch đã nêu: “Điện Biên Phủ, cây cột mốc bằng vàng”. Mọi người trên thế giới cùng reo mừng với dân ta, cùng hô to khẩu hiệu: “Việt Nam – Hồ Chí Minh - Điện Biên Phủ”, là những lời khẳng định quyền sống, quyền làm người của mọi dân tộc, là những tiếng vang vang đầy tự hào.
Những chiến sĩ Điện Biên đánh tan tập đoàn cứ điểm ngày nào giờ lại trở thành anh nông dân, gieo trồng trên chính mảnh đất mà họ giành giật từng tấc đất. Họ là những người tiên phong tình nguyện chiến đấu trên mặt trận không tiếng súng nhưng cũng đầy cam go, bom đạn đã lấy đi những phần cơ thể nhưng không vì vậy mà làm họ chùng bước, vẫn bám đất bám làng, xóa vết thương của đất bằng những nông trường màu mỡ xanh tươi. Điện Biên Phủ hôm qua hãy còn nhuốm máu đau thương, hôm nay ruộng nương đã trải màu xanh tốt và ngày mai tươi sáng bởi bàn tay và khối óc cùng sức lao động của con người. Sự thay hình đổi dạng của Mường Thanh đã giúp cho người dân quên đi chiến trường ác liệt năm xưa nhưng vẫn khắc sâu vào tâm trí mọi người Việt Nam lời ca chiến thắng, luôn nhớ mãi hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên những nắp hầm.
Nhắc lại chuyện cũ để nhằm ôn lại truyền thống tốt đẹp ấy đồng thời góp phần nhắc nhở, giáo dục con cháu học tập noi theo và để từ đó, chúng ta càng thêm trân trọng hạt cơm mới nảy sinh từ những mảnh đất mà những người con anh hùng phải đổ bao xương máu mới giành lại được. 65 năm dần trôi qua, mảnh đất Điện Biên này cùng với bao mảnh đất khác trên Tổ quốc, các anh dù đã ngã xuống nhưng trong tia mắt cuối cùng vẫn ánh lên một niềm hy vọng từ nơi mình và đồng đội đã hy sinh, sẽ nảy ra trong tương lai nhiều mùa quả, mùa hoa tốt đẹp và những tấm gương anh hùng ấy ngàn đời sẽ không phai mờ trong ký ức của mỗi người dân Việt Nam.
Như Quỳnh