Hạ tuần tháng 2 - 1948, qua cơ sở nội tuyến, ta nắm được, đầu tháng 3 địch sẽ tổ chức một cuộc họp quan trọng ở Đà Lạt bàn kế hoạch đẩy mạnh càn quét bình định Nam Bộ. Để bảo vệ an toàn tuyệt đối cho cuộc họp này, chúng sẽ đưa một lực lượng lớn hành quân bằng cơ giới theo đường bộ từ Sài Gòn lên Đà Lạt. Bộ tư lệnh Nam Bộ giao nhiệm vụ cho Chi đội 10 (tương đương trung đoàn) được tăng cường Liên quân 17 (tương đương tiểu đoàn) và một số phân đội trinh sát, công binh, trợ chiến tổ chức tiến công tiêu diệt đoàn xe của địch.
Qua nghiên cứu, trinh sát, tìm hiểu tình hình, chỉ huy Chi đội 10 quyết định chọn đoạn đường từ La Ngà đến Định Quán để tổ chức trận địa phục kích. Đoạn đường dài khoảng 7km chạy quanh co theo các cánh rừng; điều kiện địa hình cao hơn mặt đường từ 1 đến 1,5m, nhiều chỗ cao hơn tới 5 đến 6 mét; đặc biệt, điểm cao 206 có thể khống chế toàn bộ khu vực. Đoạn đường xung yếu này được lực lượng tại chỗ của địch ở hai đồn La Ngà và Định Quán bảo vệ.
Do tổ chức phục kích trên đoạn đường khá dài, nên Ban chỉ huy Chi đội 10 quyết định chia làm ba khu vực A, B, C. Tiểu đoàn Xuân Lộc (thiếu đại đội 5) bố trí ở khu vực A (từ km 111 đến km 113) có nhiệm vụ chặn đầu diệt xe thiết giáp và lực lượng hộ tống. Liên quân 17 bố trí ở khu vực B (từ km 108 đến km 111) có nhiệm vụ diệt đoàn xe vận tải. Tiểu đoàn Tân Uyên bố trí ở khu vực C (từ km 105 đến km 108) có nhiệm vụ tiêu diệt lực lượng đi phía sau đồng thời sẵn sàng chặn đánh địch từ phía sau lên ứng cứu. Đại đội 5 (thuộc tiểu đoàn Xuân Lộc) được giao nhiệm vụ phối hợp với du kích các địa phương Hồ Hải, Trảng Bom, Bàu Cá quấy rối địch từ xa, nhằm làm chậm tốc độ hành quân của chúng, nhưng không được đánh đến mức địch lo ngại, dừng cuộc hành quân đã định sẵn. Ban chỉ huy Chi đội còn phái một phân đội trinh sát phối hợp với lực lượng quân báo Sài Gòn-Gia Định nắm chắc mọi hoạt động của địch ngay từ khi xuất phát. Sáng ngày 1-3, mọi công tác chuẩn bị chiến đấu của ta đã hoàn thành.
15 giờ ngày 1-3, sau khi cho máy bay trinh sát dọc theo trục đường, không thấy dấu hiệu khả nghi, đoàn xe hơn 60 chiếc của địch, có xe thiết giáp và một đại đội lính Âu Phi hộ tống tiến vào khu vực phục kích của quân ta. Đoàn xe lần lượt vượt qua các khu vực C, B. Vừa hành quân, địch vừa dùng hỏa lực trên xe bắn ra hai bên đường để trấn an tinh thần hòng nhanh chóng thoát khỏi khu vực nguy hiểm.
Đúng 15 giờ 10 phút, bộ phận chặn đầu (khu vực A) nổ mìn diệt chiếc xe thiết giáp đi đầu. Ngay sau đó ở khu vực A và B, theo lệnh của chỉ huy, bộ đội ta bắn mãnh liệt vào đội hình xe địch, đồng thời ào ạt xung phong chia cắt, tiêu diệt từng chiếc xe của địch. Bị đánh bất ngờ, quân địch không kịp phản ứng, đội hình rối loạn, hàng chục chiếc xe đâm sầm vào nhau. Quân địch nhảy ra khỏi xe, phần lớn bị bộ đội ta tiêu diệt, số còn lại tháo chạy vào rừng.
Ở khu vực C, sau khi nghe thấy tiếng địa lôi của bộ phận chặn đầu, tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Tân Uyên lập tức cho nổ mìn diệt ba xe chở quân của địch, đồng thời ra lệnh cho đơn vị xung phong. Một số xe phía sau của địch thấy phía trước bị đánh liền dừng lại ở phía đông cầu La Ngà tổ chức lực lượng lên ứng cứu. Tiểu đoàn Tân Uyên dùng hỏa lực ngăn chặn, đồng thời chia thành nhiều mũi đánh vào hai bên sườn địch, bẻ gãy hai đợt phản kích của chúng, bảo đảm cho chi đội tiêu diệt đoàn xe địch rồi rút về Thành Sơn an toàn.
Chỉ sau ít phút chiến đấu, bộ đội ta đã phá hủy 59 chiếc xe các loại của địch, tiêu diệt tại chỗ 150 tên, trong đó có đại tá Pa-ruýt, Tổng tham mưu phó đội quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương và đại tá Đờ Sê-ri-nhê, chỉ huy bán lữ đoàn lê dương thứ 13. Đây là một trận phục kích xuất sắc và là sự cổ vũ lớn đối với sự nghiệp kháng chiến đồng thời đánh dấu bước phát triển mới về trình độ tổ chức chỉ huy và khả năng đánh vận động chiến của bộ đội chủ lực ta trên chiến trường Nam Bộ.
Trận La Ngà khiến cả nước Pháp bàng hoàng, bởi trước các luận điệu dối trá của bọn thực dân hiếu chiến, chính giới Pháp tưởng rằng Nam Bộ là một chiến trường đã bình định xong. Hơn 20 năm sau (năm 1971), trong cuốn hồi ký, khi nhắc tới trận La Ngà, tướng Ra-un Xa-lăng, viên tướng có thâm niên nhất của quân đội viễn chinh Pháp trên chiến trường Đông Dương thừa nhận: “Đây là một trận đánh tuyệt diệu cả về tổ chức, chỉ huy và nắm thời cơ nổ súng, là trận đánh bất hạnh”đối với quân viễn chinh Pháp.
Đại tá, Tiến sĩ VŨ TANG BỒNG (Viện Lịch sử quân sự Việt Nam)