Tôi còn nhớ những ngày sôi động của Đại hội Đại biểu Công đoàn Việt Nam lần thứ VI diễn ra từ 17.10.1988 đến 20.10.1988 tại Ba Đình - Hà Nội. Là Tổng bí thư, nhưng chú Mười không hề vắng mặt suốt những ngày Đại hội. Khi bàn về nhân sự Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, có sự khác nhau giữa ý kiến của đại biểu đại hội và dự định đưa cán bộ Đảng qua ứng cử của Bộ chính trị. Chú Mười đã bình tĩnh ngồi nghe đại biểu thảo luận, Người chỉ gợi ý đặt vấn đề để đại biểu nói kỹ hơn, rõ hơn chứ không hề có hướng áp đặt hoặc làm cho mọi người sợ mà nói theo Đảng. Suốt tối 19.10.1988 với phong cách làm việc dân chủ, lắng nghe chú Mười đã cùng Bộ chính trị quyết định rút nhân sự đã dự định và chấp nhận ý kiến của đại biểu đại hội. Đại hội Đại biểu Công đoàn Việt Nam lần thứ VI được dư luận xã hội đánh giá là một đại hội dân chủ, nhìn thẳng sự thật, đổi mới và tích cực. Phong cách làm việc của chú Mười trên cương vị của người Tổng bí thư đã thực sự để lại cho đội ngũ cán bộ công đoàn một bài học về dân chủ nội bộ, một ấn tượng đẹp, một niềm tin tuyệt đối vào Đảng.
Tôi cũng nhớ, tháng 9.1992 lần đầu tiên tôi được tổ chức Công đoàn tiến bộ Nhật ở Osaka mời qua thăm hữu nghị và trao đổi kinh nghiệm. Một mình qua Nhật, ngoại ngữ mới lõm bõm tôi bước đến bàn làm thủ tục vào nước Nhật. Nhân viên hải quan hỏi tôi vài câu đầu tôi còn trả lời được, đến những câu sau khó quá tôi không trả lời được. Người nhân viên hải quan còn rất trẻ nhìn tôi, cậu ta hỏi: “Bà có phải người Trung Quốc không?” Tôi trả lời: “Không, tôi không phải là người Trung Quốc, tôi là người Việt Nam”. Cậu ta reo lên: “A! Việt Nam - đổi mới - Nguyễn Văn Linh”. Tôi cười: “Vâng, Việt Nam, đổi mới, Nguyễn Văn Linh” và tôi đâ được hoàn tất thủ tục nhanh chóng, không phải trả lời gì thêm. Một nhân viên hải quan sân bay bình thường ở một tỉnh của Nhật nhưng họ cũng hiểu rằng Việt Nam đang đổi mói và sự đổi mới đó gắn liền với người Tổng bí thư Đảng Cộng sản Nguyễn Văn Linh!
Đặc biệt, khi tôi gặp các bạn trong BCH Rengo Osaka, mọi người vừa tỏ ra phàn khởi trước quyết tâm đổi mới nhưng vẫn duy trì CNXH của Việt Nam nhưng họ vẫn băn khoăn liệu Việt Nam có một mình đứng vững được trước sự tấn công của các thế lực thù địch. Họ rất quan tâm đến vai trò của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh và họ hiểu về đồng chí Nguyễn Văn Linh không kém gì người Việt Nam. Họ tỏ ra rất tin và ngưỡng mộ. Là người Việt Nam khi ra nước ngoài, tôi nghĩ ai cũng sẽ như tôi: thực sự xúc động và hãnh diện vì đất nước mình, lãnh tụ của mình được người ta biết đến với một sự kính trọng, ngưỡng mộ thật sự.
Lúc tình hình việc làm, đời sống của công nhân lao động căng thẳng nhất, là lúc mà chú Mười duy trì rất ổn định định kỳ làm việc của Tổng bí thư với Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Nội dung làm việc bao giờ cũng có phần báo cáo của Công đoàn cho chú nghe về thực trạng việc làm, cuộc sống của công nhân lao động, đặc biệt là công nhân công nghiệp nặng. Cái gì vướng từ phía Nhà nước là chú chỉ đạo giải quyết ngay. Tôi nhớ rất kỹ, ngày 3.2.1989, lúc đó tôi là Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP. Hồ Chí Minh, là ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phụ trách ngành cao su. Công nhân cao su lúc này rất vất vả, lương thường bị thiếu từ 3 tháng đến 7 tháng. Nhân ngày thành lập Đảng (ngày 3.2) tôi có viết một thư tay phản ánh tình hình trên và đồng chí Tổng Biên tập báo SGGP đã cho đăng đúng vào ngày sinh nhật Đảng. Báo phát hành, chú Mười đọc và chỉ đạo giải quyết ngay lương cho công nhân cao su. Năm đó, công nhân cao su rất vui vì được nhận lương để lo Tết. Một cái Tết còn nghèo, còn thiếu nhưng Tết ấm cúng, tin Đảng vì Đảng có người Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh luôn luôn quan tâm và lo cho họ.
Đại hội VII, chú Mười nhận nhiệm vụ cố vấn BCH, chú vẫn dành sự quan tâm cho công nhân lao động không kém lúc chú còn là Tổng bí thư, đôi khi còn sâu hơn, cụ thể hơn. Những năm 1992-1996, tình hình trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tư nhân sôi động bởi các cuộc đình công, lãn công của công nhân do sự cố tình vi phạm pháp luật lao động, xâm phạm quyền tự do thân thể của công nhân, ức hiếp đánh đập công nhân.... của các nhà quản lý nước ngoài, của chủ doanh nghiệp. Chú Mười đã liên tục yêu cầu Công đoàn thành phố báo cáo và có những chất vấn, chỉ đạo, hướng dẫn đối với Công đoàn để bảo vệ quyền lợi, bảo vệ nhân phẩm của công nhân, cũng chính là bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trong từng doanh nghiệp. Đến lúc bệnh chú đã nặng, đi lại đã khó khăn, khi tôi đến thăm chú ở bệnh viện, chú vẫn dặn dò: “Làm Công đoàn nhiệm vụ đầu tiên và trên hết là phải bảo vệ được quyền lợi làm việc an toàn và lợi ích của công nhân lao dộng, là phải hướng dẫn cho công nhận lao động làm những việc đúng theo pháp luật, những việc hay phù hợp với đạo lý của người Việt Nam. Làm Công đoàn là phải dũng cảm, dám hy sinh quyền lợi của cá nhân mình vì lợi quyền công nhân lao động, không được thỏa hiệp nhưng cũng không quá cứng nhắc. Phải mềm dẻo nhưng không trái với các qui định của pháp luật, kiên quyết nhưng không quá khích. Các cháu là người đại diện cho Đảng đến với công nhân lao động, hướng dẫn công nhân lao động, lãnh đạo họ và chăm lo cho họ. Cháu hiểu hết điều chú nói không?”. Và sự hiểu biết được chú truyền cho đâ giúp tôi cùng tập thể Công đoàn thành phố vững vàng, uyển chuyển trong đấu tranh bảo vệ quyền lợi của công nhân lao động, trong tổ chức phong trào và các chương trình chăm lo cho sự phát triển của giai cấp công nhân và người lao động. Mười năm chuyển mình theo chủ trưong đổi mới của Đảng, có sự đề xướng của chú Mười (1988-1998) tổ chức Công đoàn TP đâ được Nhà nước xét tặng thưởng 03 Huân chương Lao động hạng 3, 01 HCLĐ hạng 2, 01 HCLĐ hạng nhất, 01 Huân chương độc lập hạng 3 và hạng 2. Tại Đại hội đại biểu Công đoàn thành phố nhiệm kỳ 1998-2003, trong không khí trang nghiêm xúc động, toàn thể đại biểu đại diện cho gần 600.000 công nhân lao động thành phố đã kính cẩn mặc niệm tưởng nhớ công ơn của người Tổng bí thư - người lãnh tụ của giai cấp công nhân - người thầy kính mến của tổ chức Công đoàn Nguyễn Văn Linh, thành viên sáng lập danh dự trường Đại học Tôn Đức Thắng của công nhân lao động thành phố mãi mãi được công nhân lao động thành phố tưởng nhớ công ơn.
Dù có bao nhiêu bút mực cũng không thể nói hết được tấm lòng của người đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Văn Linh đối với công nhân lao động, không tả hết được sự quý mến và tình cảm của công nhân lao động thành phố đối với chú Mười. Chú sống mãi với công nhân lao động và tổ chức Công đoàn.
Trích từ: Nguyễn Văn Linh hành trình cùng lịch sử / Nhóm chủ biên : Ngô Thị Huệ, Trần Bạch Đằng, Dương Đình Thảo,..; Nhóm thực hiện : Quách Thu Nguyệt, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Nguyễn Thị Lương Ngọc. - Tp. HCM. : Nxb.Trẻ, 1999. – Tr.293-297.
Hoàng Thị Khánh
Nguyên Chủ tịch LĐLĐ TP. Hồ Chí Minh
Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.U TP.HCM.