Tin đồng chí Nguyễn Văn Linh, nguyên Tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam từ trần vào tuổi 83 với căn bệnh quái ác không gây bất ngờ song lại hết sức đau buồn trong chúng ta.
Từ Đại hội VI, tên tuổi đồng chí đồng nhất với Đổi mới và những gì đất nước ta đạt tới hôm nay gắn liền với nỗ lực của đồng chí. Tất nhiên, đồng chí Nguyễn Văn Linh không phải là người duy nhất chủ trương Đổi mói - mầm mống đổi mới nảy nở từ đầu những năm 80, thành một thôi thúc sống còn qua cơn khủng hoảng 1979-1980 với những cái tên đã đi vào lịch sử: Trường Chinh, Võ Văn Kiệt - nhưng đồng chí chính là người chủ trì việc Đảng, việc nước vào thời kỳ Đổi mới chính thức được tuyên cáo thành quốc sách ở ta. Lịch sử tư tưởng Đổi mới của đồng chí Nguyễn Văn Linh mang nguồn gốc sâu xa - là một cán bộ lăn lộn với quần chúng từ thuở vừa bước chân vào cách mạng, là một trí thức hiểu các cốt lõi vì lợi ích nhân dân lao động, vì sự phát triển xã hội của chủ nghĩa Mác - Lênin - Hồ Chí Minh, là một nhà lãnh đạo sống tại môi trường năng động Nam bộ và Sài Gòn, đồng chí xem bảo thủ và quan liêu như tai họa đáng kinh sợ.
Tôi giở lại quyển “Thành phố Hồ Chí Minh 10 năm” mà đồng chí viết năm 1985 với tư cách Bí thư Thành ủy, dễ dàng tìm thấy những suy nghĩ Đổi mới của đồng chí.
Trong lời nói đầu quyển sách, đồng chí nhắc lại nghị quyết 01 của Hội nghị Bộ chính trị tháng 9 năm 1982 đánh giá vị trí thành phố Hồ Chí Minh như sau: “Thành phố Hồ Chí Minh là một trung tâm kinh tế lớn, một trung tâm giao dịch quốc tế và du lịch của nước ta. Thành phố Hồ Chí Minh có vị trí chính trị quan trọng sau thủ đô Hà Nội. Nhân dân lao động thành phố Hồ Chí Minh vốn có tinh thần yêu nước nồng nàn, có truyền thống cách mạng kiên cường, đồng thời lại rất năng động và giàu sáng tạo trong sản xuất và kinh doanh.
Riêng về kinh tế, thành phố là một trung tâm công nghiệp lớn, có năng lực sản xuất công nghiệp khá phát triển, nhất là công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng; ngành nghề tiểu thủ công nghiệp rất phong phú; đội ngũ công nhân và thợ thủ công có tay nghề khá; lực lượng khoa học, kỹ thuật đông đảo, có tài năng; có cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển công nghiệp, xuất nhập khẩu và du lịch.
Thành phố là đầu mối giao thông lớn cá về thủy, bộ và đường hàng không, thông thương thuận tiện với các tỉnh ở Nam bộ, Nam Trung bộ và Nam Tây nguyên; có vị trí và điều kiện rất thuận lợi về giao lưu quốc tế, trước hết là với Campưchia, Lào và các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Điều đặc biệt quan trọng là kinh tế của thành phố gắn liền với một vùng nông, lâm, ngư nghiệp trù phú (khu vực B 2 cũ) có nền sản xuất hàng hóa phát triển, có những khả năng lớn về lao động, đất đai, bảo đảm cho thành phố một hậu phương phong phú về lương thực, thực phẩm, nông sản, nguyên liệu v.v...
Trên cơ sở tư tưởng của Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Linh nói: “Xét ở một khía cạnh khác, thành phố Hồ Chí Minh cũng như mọi thành phố nước ta là kết quả lao động của nhân dân; riêng quy mô thành phố Hồ Chí Minh được như ngày nay là kết quả lao động của nhân dân cả nước thuở vùng Bến Nghé còn hoang vắng, trải qua những thế kỷ cần cù lao động và tích lũy. Sự nghiệp đấu tranh cách mạng của thành phố cũng là sự nghiệp chung của nhân dân cả nước mà cao trào dân chủ 1936 - 1939, khởi nghĩa Nam Kỳ, Nam bộ kháng chiến, đợt tập kích chiến lược Tết Mậu Thân 1968 và đại thắng mùa xuân 1975 là những đỉnh chói lọi. Quá trình chuyển hóa từ Sài Gòn lên thành phố Hồ Chí Minh là quá trình hy sinh của hàng chục vạn đồng bào, đồng chí, không phải tất cả đều quê quán ở thành phố.
Sản phẩm của cả nước, tầm vóc của thành phố chính là niềm hãnh diện của mọi người Việt Nam”.
Giới thiệu quan điểm chung của đồng chí Lê Duẩn: “Đưa nền kinh tế nước ta từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, không qua giai đoạn tư bản chủ nghĩa phát triển. Là việc chưa từng có trong lịch sử nhưng lại là một tất yếu trong thời đại mới. Quá trình phát triển từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa đang đặt ra hàng loạt vấn đề về lý luận và thực tiễn cần được giải quyết, bao gồm những vấn đề thấu suốt đường lối cách mạng và đường lối phát triển kinh tế, phát huy những động lực của sự phát triển, tăng cường quản lý Nhà nước, nâng cao trình độ tổ chức thực tiễn, phát động phong trào cách mạng của quần chúng”, đồng chí Nguyễn Văn Linh nhấn mạnh: “Như vậy, bài học rút ra sau 10 năm phấn đấu là tiến độ của sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa tùy thuộc ở tri thức nắm và vận dụng quy luật khách quan trong chặng đường đầu thời kỳ quá độ của công cuộc xây dựng đó tại một thành phố nằm giữa một khu vực mang nhiều đặc điểm, trong bối cảnh chung của đất nước đang cần kiệm công nghiệp hóa với rất nhiều khó khăn bên trong và bên ngoài. Tiến độ của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội còn tùy thuộc ở nhiệt tình và độ trong sáng cách mạng của Đảng bộ. Từ tri thức và nhiệt tình đó mà khơi dậy khí thế tiến công của giai cấp công nhân, nông dân, tầng lớp trí thức và đông đảo quần chúng thành phố, lấy tuổi trẻ làm lực lượng xung kích.
Cần phải thấy một thực tế là bản thân sức sống của thành phố bao gồm sự vận động của quy luật kinli tế - xã hội của một thành phố công nghiệp cộng với tính chất cách mạng của quần chúng, không chấp nhận bất kỳ trì trệ nào; Đảng bộ không vươn kịp quá trình đi lên của thành phố thì lập tức phát sinh mâu thuẫn, cho nên vấn đề nghiên cứu và vận dụng quy luật kinh tế - xã hội ở thành phố giữ vai trò rất quyết định. Khái niệm “cách mạng” ở thành phố hiện nay phải là sự hài hòa giữa tri thức và nhiệt tình, nhấn mạnh một phía nào cũng đều phiến diện”.
Lược qua vài đoạn trong một quyển sách, chúng ta đã thấy tư duy Đổi mới của đồng chí Nguyễn Văn Linh không ngẫu nhiên. Nó rất khoa học.
Đồng chí mất nhưng tư duy của đồng chí còn đó, nhất là tư duy được từ thực tế hơn 10 năm bồi đắp thêm độ dày vă độ sinh động, dự báo con đường chúng ta theo đuổi sẽ càng hào hứng, càng tiến gần đến mong ước dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh....
4.1998
Trích từ: Nguyễn Văn Linh hành trình cùng lịch sử / Nhóm chủ biên : Ngô Thị Huệ, Trần Bạch Đằng, Dương Đình Thảo,..; Nhóm thực hiện : Quách Thu Nguyệt, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Nguyễn Thị Lương Ngọc. - Tp. HCM. : Nxb.Trẻ, 1999. – Tr.169-173.
Trần Bạch Đằng